Hôm nay,  

Thời Sự Nước Úc: Đảng Lao Động Tiếp Tục Phân Hóa

15/03/200600:00:00(Xem: 5564)
Tuần qua chính phủ Howard tròn 10 tuổi. Đấy là một cái mốc quan trọng trong lịch sử nước Úc. Điểm nổi bật, đáng nêu lên ở đây là mặc dầu đã nắm quyền cai trị trong một thời gian khá lâu, mặc dầu trong suốt một thập niên qua chính phủ liên minh đã có không ít sơ sót, tạo không ít xì-căng-đan, nhưng họ vẫn thong dong, khoan thai trong quốc hội và không hề bị nao núng trước áp lực của phe đối lập liên bang. Thực tình mà nói thì đảng Lao động liên bang không có hy vọng gì trong việc tấn công, làm áp lực với chính phủ Howard để thay đổi bất kỳ một chính sách nào. Và chính trường quốc gia ngày càng có vẻ như là chính trường của một quốc gia trong thể chế độc đảng vậy. Những cuộc tranh luận có ý nghĩa và có hiệu quả về nhiều chính sách khác nhau trong thời gian gần đây dường như chỉ xảy ra trong nội bộ phe liên minh cầm quyền mà thôi. Những thí dụ điển hình tiêu biểu gồm có việc đối phó với người tầm tÿ và những vấn đề liên quan đến chính sách tÿ nạn, chính sách bãi bỏ lệ phí cưỡng bách cho hiệp hội sinh viên (voluntary student unionism), quyết định bán phần còn lại của Telstra, cải tổ hệ thống thuế khóa.v.v.
Sự việc này xảy ra một phần vì chính phủ Howard đã nắm đa số ở thượng viện từ khoảng giữa năm ngoái và vì thế, nhiều thành viên của chính phủ cảm thấy thoải mái hơn, tự do hơn trong việc công khai tranh cãi những quan điểm dị biệt trong nội bộ đảng mà không sợ tạo ảnh hưởng xấu trong quốc hội. Nhưng có lẽ lý do chính yếu nhất vẫn là sự bất lực của đảng Lao động liên bang, vốn chỉ bận rộn đối phó với những bất an nội bộ, chao đảo từ khủng hoảng này đến khủng hoảng kia trong nội bộ đảng, những khủng hoảng do chính giới lãnh đạo của đảng tự tạo ra cho chính mình, vì tham vọng hoặc tư thù cá nhân.
Điển hình nhất là vụ khủng hoảng đang xảy ra ở Victoria liên quan đến việc tuyển chọn ứng viên để tranh cử (preselection) trong kỳ tổng tuyển cử sắp tới, đặc biệt là phong cách hành xử của ông Kim Beazley trong vấn đề này, nhất là đối với ông Simon Crean, một cựu lãnh tụ của đảng. Tưởng cũng nên nhắc lại là ông Crean, cùng một số dân biểu khác ở Victoria - đa số là những người đã từng ủng hộ Mark Latham trong kỳ tranh chức lãnh tụ với Kim Beazley, chẳng hạn như Bob Sercombe (phát ngôn nhân đối lập về Cứu Trợ Ngoại Quốc) và Gavan O’Connor (phát ngôn nhân đối lập về Phát Triển Địa Phương) - bị thách thức, tranh quyền ứng cử trong kỳ tổng tuyển cử sắp tới. Thông thường thì những dân biểu thuộc nội các đối lập sẽ không bị thách thức như thế, nhưng phe cực hữu của đảng Lao động (yểm trợ Kim Beazley) với chiêu bài “canh tân, thay đổi thế hệ” đã đi ngược truyền thống này và mở mặt trận tấn công ráo riết, gây hiềm khích và chia rẽ trầm trọng trong nội bộ đảng. Mặc dù với tư cách lãnh tụ đối lập liên bang, Kim Beazley có thể dễ dàng lên tiếng can thiệp, đặc biệt là trong trường hợp ông Simon Crean, để ông Crean không phải bị ép buộc trải qua cuộc tranh quyền đại diện đảng, nhưng Kim Beazley đã điềm nhiên bàng quan tọa thị tuyên bố rằng bất kỳ một ai cũng phải để cho đảng viên địa phương chọn lựa.
Chính sự điềm nhiên tọa thị này đã khiến cho không ít thành viên trong nội các đối lập bất mãn, và không tin tưởng vào phẩm hạnh cùng tài đức lãnh đạo của ông nữa. Điển hình là việc ông Martin Ferguson công khai lên tiếng bày tỏ sự bất mãn về chuyện đảng Lao Động liên bang không có chính sách cũng như phương hướng hành động rõ rệt. Giới phân tích chính trị Úc cho rằng câu tấn công trực tiếp vào tài lãnh đạo của Kim Beazley của ông Ferguson là một sự việc vô cùng trầm trọng, vì nó đánh dấu cho một sự thay đổi quan trọng trong những mối quan hệ hổ tương giữa các phe phái trong nội bộ đảng.
Nhiều người cho rằng ông Ferguson lên tiếng bày tỏ sự bất mãn về việc ông Crean bị ép phải tranh quyền đại diện đảng chỉ vì ông cố giúp một đồng chí vốn cùng xuất thân từ tổng liên đoàn lao công ACTU. Thế nhưng, đấy là một nhận xét ấu trĩ hời hợt. Quan hệ thân thiết giữa ông Crean và Ferguson đã không còn nữa kể từ tháng 11/2003 khi ông Ferguson, cùng với các TNS John Faulkner và Robert Ray, lên tiếng yêu cầu ông Crean từ chức lãnh tụ. Kể từ dạo ấy, ông Ferguson là một người yểm trợ tuyệt đối cho ông Beazley, xuyên suốt thời gian tranh chức lãnh tụ với Mark Latham. Và sau khi Mark Latham tự thiêu hủy sự nghiệp chính trị của mình thì ông Ferguson cũng là người đã công khai lên tiếng yểm trợ cho ông Beazley quay lại ghế lãnh tụ. Và chính vì thế mà những lời chỉ trích công khai trong thời gian gần đây lại càng trầm trọng hơn nữa đối với ông Kim Beazley.

Hành động của Kim Beazley trong vụ việc Simon Crean cho thấy hai điều. Thứ nhất, Kim Beazley bất lực trong cương vị lãnh đạo và không thể sử dụng quyền lãnh tụ để buộc các phe phái đối chọi ngồi lại với nhau. Thứ nhì, nếu không phải là một kẻ bất lực thì ông là một người để tư thù ảnh hưởng đến quyền lợi chung của đảng. Dù gì đi nữa thì vụ việc từ chối không giúp đỡ Simon Crean cho thấy Kim Beazley không xứng đáng ngồi ghề lãnh tụ đối lập.
Chính vì thế mà trong một cuộc phỏng vấn đã được thu hình trước đó và vừa được trình chiếu trên chương trình “Australian Story” tối thứ Hai 06/03/06 vừa qua, bà Julia Gillard - phát ngôn nhân đối lập về Y Tế - đã nhẹ nhàng lên tiếng nhắc nhớ Kim Beazley rằng việc ông không yểm trợ Simon Crean “không phải là một quyết định sáng suốt”, vì “nó sẽ khơi lại nhiều vết thương cũ trong đảng Lao Động liên bang” và “tốt hơn cho tất cả mọi người, và đặc biệt là cho Kim Beazley, nếu những vết thương ấy không bị xé toang ra một lần nữa”.
Vấn nạn chính của Kim Beazley trong vụ việc tranh quyền ứng cử ở Victoria là nó đã phơi bày một cách thật rõ rệt lý do chính yếu căn bản cho việc ông được chọn làm lãnh tụ đối lập lần thứ nhì này. Hầu hết giới phân tích bình luận chính trị Úc đều tin rằng những người yểm trợ đưa ông Beazley trở về ghế lãnh tụ KHÔNG BAO GIỜ cho rằng ông có thể dẫn đảng đến chiến thắng tối hậu trong kỳ tổng tuyển cử tới. Như một số người yểm trợ ông từng lên tiếng xác nhận trong năm 2005, Kim Beazley chỉ có một nhiệm vụ duy nhất: mang lại an bình cho đảng trong thời gian từ sau khi Latham từ chức cho đến kỳ tổng tuyển cử 2007. Tất cả đều hy vọng rằng đảng Lao Động sẽ “thua trong danh dự” - nghĩa là thua nhưng có kết quả khả quan hơn kết quả của cuộc tổng tuyển cử 2004. Sau khi hoàn tất nhiệm vụ này thì Kim Beazley sẽ phải tự động từ chức, rút lui vào bóng tối để một ê-kíp mới - có thể là Kevin Rudd và Julia Gillard - nắm quyền lèo lái đảng giành chánh quyền trong kỳ tổng tuyển cử sau đó. Nói một cách trắng trợn hơn, nhiệm vụ của Kim Beazley là giữ ghế cho ấm cho người khác có tài hơn! Thế thôi.
Dĩ nhiên là không một ai trong phe đối lập dám lên tiếng công khai thừa nhận chuyện này. Họ chỉ cố nhai lại một câu thần chú cũ rích: đảng Lao động sẽ cố gắng hết sức để giành chánh quyền trong kỳ tổng tuyển cử tới. Thế nhưng, liệu bao nhiêu dân biểu đối lập liên bang thực sự tin tưởng vào việc ấy. Có lẽ không bao nhiêu! Và quả thực trước sự cào cấu xâu xé mãnh liệt đang xảy ra ngời ngời trước mắt, trước sự việc những dân biểu từng ủng hộ Mark Latham đang là nạn nhân của sự trả thù quái ác, trước sự việc giới lãnh đạo đảng rõ ràng thừa nhận một cách gián tiếp quan điểm chủ bại của mình, ngay cả những cử tri vốn luôn ủng hộ đảng Lao động cũng khó có thể tiếp tục yểm trợ cho đảng này trong kỳ tổng tuyển cử sắp tới với Kim Beazley trong chức vụ lãnh tụ đối lập.
Chua cay nhất cho Kim Beazley là Simon Crean lại đắc thắng vẻ vang với tỷ số là 196 thuận và 88 chống để đánh bại Martin Pakula và giữ quyền ứng cử viên của đơn vị Hotham trong kỳ tổng tuyển cử sắp tới. Ngay sau khi kết quả cuộc đầu phiếu của đảng viên thuộc chi bộ địa phương được công bố vào lúc 11 giờ đêm thứ Hai 06/03/06 thì ông Crean đã lên tiếng kêu gọi ông Beazley “chứng tỏ tài lãnh đạo” về những vấn đề mà đảng thực sự đang cần đến trong thời gian này. Ông nhấn mạnh: “Đảng cần có sự lãnh đạo, đặc biệt là trong vấn đề giành lại những giá trị đã khiến tôi gia nhập vào đảng. Những giá trị mà tôi tin rằng quần chúng cũng muốn thấy được. Sự thanh liêm ngay thẳng (integrity), sự trung thành (loyalty), sự chân thật (honesty), sự hiến thân phụng sự (dedication), sự thành thật (truthfulness), là những giá trị mà tôi trân quý”. Và có lẽ ông Crean ngụ ý rằng, ngày nào Kim Beazley còn tại chức, thì ngày ấy, những giá trị này vẫn sẽ không có chỗ đứng trong chính sách của đảng Lao động chăng" Nếu quả thật như thế thì chính phủ liên minh có thể an tâm, ung dung tự tại thêm 10 năm nữa, vì phe đối lập sẽ tiếp tục bận rộn cấu xé lẫn nhau!

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
DB Rick Miller thuộc Đảng Cộng Hòa, đại diện khu vực Sugar Land, đã bị phản ứng gay gắt sau khi ông chụp mũ các đối thủ tranh ghế ông chỉ vì họ là người Mỹ gốc Á trong địa hạt đông ngưởi gốc Á.
Ai quyết tâm đi tìm chân lý và hướng thượng cuộc đời trong tinh thần – Tu là cõi phúc – đều hưởng được sự bình an trong tâm hồn, tức là hưởng được hạnh phúc, Thiên đàng, Niết bàn, Cõi phúc ở trần gian
nữ tài tử Julia Roberts và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ có chuyến đi đặc biệt thăm Việt Nam trước khi sang Malaysia dự chương trình "Leaders: Asia-Pacific"
ông có tập Thơ Lửa, cùng làm với Đoàn Văn Cừ, gồm những bài thơ đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp, do Cơ quan Kháng chiến Liên khu III xuất bản, được in ở Thái Nguyên năm 1948
James Nguyen Fernandes, 43 tuổi, bị buộc tội 6 vụ tấn công, gồm 2 tội tấn công cố ý sát hại, và 6 tội phạm tội liên quan súng, theo hồ sơ tòa án cho biết.
Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.
Khi chưa thấy ánh mặt trời, Tôi đã cảm nhận được muôn ngàn đau khổ, Của mẹ cha, Của bà con và của muôn triệu người dân gần xa trong nước, Lúc mẹ ôm bụng bầu chạy từ chỗ nầy sang chỗ khác,
Theo bản tin từ đài KUSI, Dân biểu Cộng Hòa Duncan D. Hunter cho biết ông sẽ nhận một tội sử dụng sai trái quỹ vận động khi ra tòa vào hôm Thứ Ba ngày 3 tháng 12/2019 trước Chánh án Thomas J. Whelan.
Mùa cháy rừng hiện nay nêu bật việc cần phải nhanh chóng đạt được các mục tiêu loại bỏ carbon đầy tham vọng của California, và bản báo cáo ‘Lộ Trình 2045’ đặt ra sơ đồ định hướng để đạt được mục tiêu đó
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Thứ Hai, 2 tháng 12, lên án các nhà Dân Chủ tại Hạ Viện về việc tổ chức điều trần luận tội trong khi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại London
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.