Hôm nay,  

Con Người Và Tổ Chức

27/08/200200:00:00(Xem: 3730)
Làm thế nào phá vỡ mạng lưới khủng bố al-Qaida đã chăng khắp thế giới" Cuối năm ngoái, các giới chức Mỹ cho biết có những tổ al-Qaida hoạt động ở 36 quốc gia, người ta hiểu tình báo Mỹ đã theo dõi hoạt động của bọn khủng bố từ lâu. Nhưng đó chỉ là một phần nhỏ tin tức tình báo được phổ biến để người dân Mỹ biết quy mô hiểm họa. Tuần qua, những cuốn video của bọn al-Qaida được CNN đưa lên TV cho thấy tầm tay của khủng bố không những dài mà còn rất chắc. Nó gợi ra những suy tư mới về chiến lược và vấn đề thứ tự ưu tiên của cuộc chiến chống khủng bố.
Các cuốn video đó cho thấy mạng lưới al-Qaida nối liền với các tổ chức khác. Một cuốn cho thấy các tay súng Ả rập ở Chechnya phục kích một đoàn công-voa của quân đội Nga. Một cuốn khác cho thấy các chiến sĩ Thánh chiến học tập ở Miến Điện, huấn luyện viên nói tiếng Ả rập. Một cuốn nữa quay ở nước Eritrea, Đông Phi châu, cho thấy các tay khủng bố tuyên cáo Thánh chiến đánh đuổi những kẻ ngoại đạo ra khỏi nước này. Các cuốn video khác quay ở Uzbekistan, Algeria. Bosnia và nhiều nước khác cho thấy những hình ảnh tương tự. Trước đây về phía các giới chính quyền, người ta loan tin đã phá được những tổ khủng bố ở Singapore, Mã Lai Á, Indonesia, Phi Luật Tân và Ma Rốc. Một tổ chức ở Washington chuyên nghiên cứu các vấn đề quốc tế nói al-Qaida có liên hệ với các tổ chức khủng bố ở Ai Cập, Libya, Yemen, Kashmir, Uzbekistan và Algeria. Một chuyên gia nhận xét cánh tay khủng bố thọc sâu vào các nước Tây Âu như Ý, Đức, Tây Ban Nha, và còn nói ngày 11-9-01, khủng bố ở Anh quốc có kế hoạch tấn công các mục tiêu ở London, nhưng kế hoạch bất thành vì mọi chuyến bay ở Anh đã ngừng lại. Tháng trước Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld nói trước Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ rằng các tổ al-Qaida hoạt động ở 60 nước kể cả Mỹ. Một chuyên gia về khủng bố kết luận al-Qaida là "một tổ chức của các tổ chức".
Hiển nhiên Mỹ đang đứng trước một kẻ thù có một tổ chức rất vĩ đại. Trong bất cứ cuộc đấu tranh nào, dù bằng vũ lực hay không bằng vũ lực, vấn đề tổ chức vẫn là điều tất yếu của hai bên đối thủ. Nhưng cuộc chiến tranh giữa Mỹ và khủng bố có một điểm khác biệt quan trọng. Mỹ với tất cả sức mạnh vũ lực và kinh tế của một siêu cường là một "tổ chức hữu hình", còn khủng bố tính tối đa chỉ có khoảng 10,000 người, vũ khí tạp nhạp hay tự chế, lại là một "tổ chức vô hình". Chính cái vô hình đó đã tạo thế quân bình, có khi còn cho khủng bố lợi thế. Bằng chứng là trong một năm qua, sức mạnh siêu cường của Mỹ vẫn không kết thúc được cuộc chiến chống khủng bố. Tổ chức vô hình đáng sợ nhất và nếu xét theo kinh nghiệm Việt Nam, những người Cộng sản hơn ai hết, biết sợ "địch thủ có tổ chức". Cá nhân chống đối, Hà Nội không sợ, có thể buông lỏng. Hà Nội chỉ sợ có tổ chức. Những người bị Cộng sản bắt sau ngày 30-4-75 ở miền Nam, kể cả nhà văn nhà báo, đều bị Công an tra khảo gắt gao với câu hỏi: "Anh ở tổ chức nào" Có bao nhiêu người"". Cộng sản sợ tổ chức vô hình là đúng vì trước khi cướp chính quyền, đảng Cộng sản cũng là một tổ chức vô hình, bởi vậy họ đã biết sức mạnh của tổ chức vô hình như thế nào.

Trong cuộc chiến tranh chống khủng bố do chính phủ Bush phát động sau ngày 11-9, có hai mục tiêu chiến lược rõ rệt. Một là dùng vũ lực đánh thẳng vào đầu não al-Qaida ở Afghanistan, hai là phá vỡ các tổ chức al-Qaida trên thế giới bằng cách cắt đứt các đường dây cung cấp tiền bạc, liên lạc tin tức, và phối hợp vói các nước đồng minh, trao đổi tin tức tình báo, nhờ đồng minh bắt giữ các tổ al-Qaida bị phát hiện. Hai mặt chiến lược đó rất hợp lý, nhưng xét ra cho đến nay, nó chỉ có hiệu quả phần nào, vì vẫn chưa đạt được mục tiêu tối hậu là diệt hết nạn khủng bố. Vẫn biết cuộc chiến chống khủng bố rất lâu dài không thể kết thúc ngay trong một năm, nhưng nếu không nhìn rõ thêm một yếu tố khác, cuộc chiến sẽ kéo dài thêm nữa. Đó là vấn đề con người trong tổ chức khủng bố.
Con người là quan trọng, vì không có người làm sao có tổ chức. Khi hết người, tổ chức tinh vi dến mấy cũng hết. Thế nhưng về con người, hai bên chiến tuyến mỗi bên lại có một nấc thang giá trị khác hẳn. Mỹ rất quý nhân mạng, bảo vệ tối đa xương máu người lính chiến, bảo vệ sinh mạng thường dân vô tội và bảo vệ cả sinh mạng của kẻ thù trong một số trường hợp để khỏi vi phạm đạo lý hay luật lệ quốc tế về chiến tranh. Trái lại, al-Qaida không quan tâm đến sinh mạng con người, ngay cả những chiến sĩ của họ cũng chỉ là những vật dụng dùng xong rồi bỏ, họ không đặt vấn đề thường dân vô tội mà chỉ có vấn đề kẻ ngoại đạo, và Thánh chiến không tuân theo luật lệ nào. Ngay chính chủ tướng của họ là bin Laden cũng đã tự chấp nhận là kẻ có thể bị hủy (expendable). Bởi vậy việc bin Laden còn sống hay chết không còn quan trọng nữa. Khi Mỹ đã không bắt được hay giết được bin Laden trước ngày 11-9 thì coi như đã lỡ rồi, cái nhân đã gieo và cái quả đã có, không cách nào chữa lại được nữa.
Cách tổ chức của al-Qaida cho thấy cái nhân đã gieo. Dù cho cắt đứt được tiền bạc, liên lạc, hay dù bin Laden có chết, bộ chỉ huy trung ương al-Qaida có tan, những tổ khủng bố tự nó sẽ chỉ huy chính nó, tự nó sẽ kiếm sống nằm chờ kéo dài, để một ngày nào đó tự làm chất nổ, rồi chết và kéo theo cái chết của kẻ thù. Tổng Thống Bush nói đánh thắng chiến tranh, bảo vệ kinh tế. Điều đó nghe rất hay, chỉ có vấn đề "thời gian" đáng ngại. Thời gian không làm việc cho Mỹ mà làm việc cho khủng bố. Chiến tranh kéo dài, kinh phí gia tăng, thật khó bảo vệ kinh tế. Khủng bố sẽ kéo dài, bởi vì mục tiêu tối hậu của chúng không phải là giết người Mỹ mà là giết kinh tế Mỹ.


Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.