Hôm nay,  

Sau 21 Năm Diện Bích

06/05/200300:00:00(Xem: 4089)
Hòa Thượng Huyền Quang đang viếng thăm Sài Gòn. Chư Tăng Ni và Gia Đình Phật Tử nhiều chùa đã nghênh đón ngài trọng thể. Và sau 5 ngày tại Sài Gòn, Hòa Thượng sẽ phải về Tu Viện Nguyên Thiều, Bình Định, nơi bị chỉ định cư trú sau 21 năm lưu đày ở chùa Hội Phươc, Quảng Ngãi. Tình hình này, dù vậy, đã cho thấy các bước chuyển biến mới trong cách nhà nước đối xử với các tôn giáo.
Thời gian 21 năm thật là dài, chắc chắn là nhiều em trong Gia Đình Phật Tử đã chào đời sau khi ngài bị câu thúc, và tên Ngài chỉ được thì thầm từ các vị sư và các huynh trưởng còn nghĩ về những người đang đòi hỏi quyền tự do tôn giáo. Tuy nhiên, những hàng người quỳ xuống nghênh đón cho thấy sự kính trọng không chỉ với một nhà sư trưởng lão, mà còn với một vị sư trong nhiều thập niên đòi hỏi các quyền thiêng liêng nhất của con người.
Hình ảnh Ngài xuất hiện giữa một Sài Gòn đời thường đã là cái gì hết sức bất ngờ. Như một cơ duyên sắp đặt, hay một nghiệp lực đưa đẩy. Có lẽ, chính nhà nước Hà Nội cũng không ngờ tới lúc phải nới lỏng các lệnh lưu đày vị sư già này, ít nhất là cũng phải đưa Ngài rời nơi đèo heo hút gió ở chùa Hội Phước, xã Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi.
Nhà nước Hà Nội đã tính sai một nước cờ, khi đưa hòa thượng ra Hà Nội. Hòa Thượng Huyền Quang hồi đầu tháng 3-2003 được nhà nước đưa ra Hà Nội để chữa bệnh, mổ một khối u bên má. Lúc đầu, Hòa Thượng yêu cầu vào Sài Gòn chữa bệnh, nhưng nhà nước từ chối vì sợ chư tăng ni Sài Gòn đón rình rang làm quốc tế thấy được thanh thế của một giáo hội mà nhà nước khai tử hoài chưa chết.
Chỗ này cũng nên nhắc tới một câu nói được lưu truyền ở trong nước: “Giáo Hội Phật Giáo VN Thống Nhất bị nhà nước chôn mà chưa chết, còn Giáo Hội PGVN của nhà nước chưa chôn mà đã chết.” Câu nói này không đúng về mặt cơ chế, nhưng đúng về mặt tinh thần. Bởi vì đa số sư ni và Phật Tử đều không phân biệt nhiều về mặt giáo hội -- hai giáo hội, hay một giáo hội thì cũng chỉ là chiếc bè pháp; nếu không làm được chức năng giải thoát cho chúng sinh qua bờ sinh tử thì đều vô ích. Tuy nhiên, nhìn cho kỹ thì chính Giáo Hội PGVN của nhà nước cho dù thành lập từ năm 1981 tới giờ vẫn còn bị kềm kẹp, vẫn chưa có một trang web (xin hoài chưa được), chưa có một nhà xuất bản riêng (phải gửi ra NXB Tôn Giáo của Ban Tôn Giáo Trung Ương tại Hà Nội duyệt bản để in, và các cán bộ này thì vốn kiến thức Phật Học không có bao nhiêu; hiện tượng này đã bị giáo hội nhà nước nhiều lần lên tiếng). Chỉ có một tuần san của giáo hội nhà nước, có tên là Giác Ngộ, thì báo này lại phải giành nhiều trang cho tin tức Mặt Trận Tổ Quốc, cuối cùng phải ra phụ trương Nguyệt San Giác Ngộ để có trang in các bài nghiên cứu. Mở các số báo Giác Ngộ về Đại Hội Phật Giáo ở Hà Nội cuối năm ngoái thì lại thấy trong các hội trường, tượng Phật Thích Ca toàn thân đang ngồi thiền lại nhỏ hơn tượng bán thân của ông Hồ Chí Minh. Chỉ an ủi một điều là tượng Phật đặt giữa, còn tượng ông Hồ đặt lệch sang một bên. Đúng là thời đại của một kẻ đầy tham sân si lại được để tượng lớn hơn tượng của vị đại giác ngộ. Vậy mà không thấy sư nào lớn tiếng phê phán điều này.
Trở lại chuyện Thầy Huyền Quang chữa bệnh. Nhà nước không muốn đưa vào Sài Gòn, bèn đưa ra Hà Nội, tưởng rằng nơi đây không ai biết chuyện, không ai biết về HT Huyền Quang thì cứ im ỉm cho xong. Thậm chí còn gây khó dễ nữa chứ. Theo thư Thượng Tọa Tuệ Sỹ về giai đoạn này thì:

“Tôi ra Hà nội từ hôm 4-3-03 để hầu Đại lão Hòa thượng Xử lý Viện Tăng thống như Quý Thầy, Quý Cô đã biết. Cho đến hôm 25-3-03, Sư Cô trụ trì chùa Kim Liên (phố Nghi tàm, quận Tây hồ, Hà nội), nơi Hoà thượng đang tạm trú để dưỡng bịnh, báo cho biết chính quyền địa phương không đồng ý tôi tạm trú tại chùa. Do đó, tôi phải rời Hà nội ngay. Sự tiếp cận Hoà thượng đối với tôi bấy giờ rất khó. Tôi phải nhờ thị giả chờ khi nào vắng mặt cô Hương, người được biết là do bộ Công an bố trí giám thị Hoà thượng, tôi mới có thể hỏi thăm Hoà thượng vài phút qua điện thoại di động.
“Cho đến hôm nay, vì lý do nào đó, hai vị thị giả cũng phải rời khỏi chùa Kim liên. Rõ ràng Hoà thượng đang bị cách ly, hoàn toàn bị đặt dưới sự giám thị nghiêm ngặt của bộ Công an, biến nhà chùa thành nhà giam với ảo tưởng tự do. Vì đây là chùa ni, mà chung quanh Hoà thượng không có thị giả Tăng, nên sinh hoạt thường nhật của Hoà thượng trở nên khó khăn; nhất là trong điều kiện tuổi tác và sức khoẻ sau khi vừa giải phẫu. Áp lực tâm lý rất đáng quan ngại.
“Hiện tôi không có cách nào tiếp cận Hoà thượng để biết rõ tình trạng sức khoẻ của Ngài. Vì vậy, tôi kính gởi thư khẩn này thông báo để Quý Thầy, Quý Cô có nhận định rõ tình hình giam giữ Hoà thượng ngụy trang bằng cách biến nhà chùa thành nhà giam...”
Không ngờ, chính tại Hà Nội, nhiều tăng ni và Phật Tử tự động viếng thăm Ngài, bất kể hàng rào công an chìm. Và bất ngờ là “Chiều thứ tư, ngày 12.3, đại diện Ủy hội Châu Âu gồm hai ông Marizio Caldarone, Bí thư thứ nhất, Trưởng phân ban Chính trị, Kinh tế, Thương mại và ông Jordi Carrasco-Munoz, Cố vấn Kinh tế của Phái đoàn Liên hiệp Âu châu tại Hà Nội, rồi sau đấy, ông Watson, Bí thư tại Đại sứ quán Hoa Kỳ, đến bệnh viện vấn an Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang.” (Thông Cáo Báo Chí của Phòng Thông tin PG Quốc Tế ngày 16-3-2003).
Hà Nội sai một nước cờ, mà thành chuyện cho quốc tế đặt vấn đề nhân quyền. Nếu đưa Ngài vào Sài Gòn, thì cao lắm chỉ là ông lãnh sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn thăm thôi. Còn chuyện tăng ni tiếp đón thì đâu có làm nhà nước này lo ngại quá lắm.
Điều chúng ta hy vọng, qua việc Thủ Tướng CHXHCNVN Phan Văn Khải tiếp kiến Hòa Thượng, và qua áp lực quốc tế, nhà nước đã tới lúc ý thức rằng tôn giáo là một thành phần của dân tộc không thể bị cắt rời, không thể bị áp bức. Vấn đề là nhà nước ý thức tới đâu, và chịu nhượng bộ tới đâu.
Tổ Sư Bồ Đề Đạt Ma, vị khai sáng ra Thiền Tông Trung Hoa, đã ngồi trên ngọn Thiếu Thất, nhìn vách (diện bích) chín năm trước khi giảng pháp, xương minh Thiền Tông. Hòa Thượng Huyền Quang ngồi diện bích 21 năm ở chùa Hội Phước, và bây giờ Ngài đã trở thành một biểu tượng cho lý tưởng tự do tôn giáo. Câu kinh “Hãy qua bờ bên kia, hãy qua bờ bên kia...” (Yết đế, yết đế, ba la yết đế....) mỗi ngày HT Huyền Quang tụng, thực sự còn là hướng lòng tới toàn thể chúng sinh, tới người dân cả nước, tới quý thầy giáo hội nhà nước, và hướng lòng tới cả những người đang giam giữ Thầy. Người ta có thể giam thầy, nhưng không giam nổi các câu kinh mà thầy vẫn tụng hàng ngày -- để cho tất cả chúng sinh đều thoát lìa đau khổ.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.