Hôm nay,  

Kỷ Niệm Ngày Quốc Tế Nhân Quyền, Khắp Nơi Lên Aùn Csvn Vi Phạm Nhân Quyền

22/12/200200:00:00(Xem: 4165)
CUỐI TUẦN QUA, NHÂN dịp kỷ niệm ngày Quốc Tế Nhân Quyền, cộng đồng người Việt tự do trên thế giới, với tinh thần đoàn kết và sức mạnh chính trị, đã thành công trong việc vận động dư luận thế giới tố cáo những vi phạm nhân quyền trắng trợn của CSVN.
Từ Hoa Kỳ, Anh Quốc, đến các quốc gia Châu Âu, Nhật Bản, Úc Đại Lợi... ở đâu có người Việt tự do, ở đó đều có những sinh hoạt chính trị đòi CSVN phải tôn trọng nhân quyền, thực thi các quyền tự do tôn giáo.
Đặc biệt, tại Mỹ, Mạng Lưới Nhân Quyền VN đã trao giải Nhân Quyền cho LM Nguyễn Văn Lý và Hòa Thượng Thích Quảng Độ. Bên cạnh đó, viễn ảnh Đạo Luật Nhân Quyền VN sẽ được đệ trình Quốc Hội Mỹ một lần nữa cũng là một khích lệ lớn lao cho người Việt khắp thế giới.
Tại Úc, meeting đòi tự do dân chủ và nhân quyền cho VN đã được tổ chức tại Sydney; và Đại hội Thường Niên của UBNQUV cũng được tổ chức tại Victoria.

SYDNEY: MÍT TINH TRANH ĐẤU CHO NHÂN QUYỀN TẠI VIỆT NAM

SYDNEY (VNN): Trên 400 đồng bào, đại diện các Tổ chức, Đoàn thể cùng nhiều quan khách và chính giới Úc đã tham dự một cuộc Mít Tinh để tranh đấu cho Nhân quyền tại Việt Nam do Cộng Đồng Việt Nam New South Wales, Uỷ Ban Đấu Tranh Cho Tự Do Tôn Giáo Tại Việt Nam (ĐTCTDTGVN) cùng một số Hội Đoàn phối hợp tổ chức tại Quảng Trường Tự Do, Cabramatta vào trưa thứ Bảy 7.12 vừa qua.
Sau nghi thức khai mạc lúc 12g30, Ông Trần Quang Minh, Chủ Tịch Uỷ Ban ĐTCTDTGVN kiêm Trưởng Ban tổ chức cuộc Mít Tinh đã lên cảm tạ quan khách cùng đồng bào và nói rõ ý nghĩa cuộc Mít Tinh nhằm tiếp tục cổ vũ và tuyên dương những giá trị cao quý của Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (QTNQ) và ra sức tranh đấu cho những giá trị ấy được thực hiện tại Việt Nam.
Tiếp theo đó, Bác Sĩ Nguyễn Mạnh Tiến, Chủ Tịch Cộng Đồng Việt Nam NSW lên phát biểu kêu gọi mọi giới đồng bào tích cực thực hiện những việc làm cụ thể để ra sức bảo vệ Nhân quyền tại Việt Nam như khuyến khích thân nhân, bạn bè cùng chuyển tin về trong nước, cùng ký Thỉnh nguyện thư tranh đấu cho những người công chính đang bị bạo quyền CSVN hãm hại trong nước v.v... Những công tác rất cụ thể nầy đang được Nhóm trẻ Sóng Việt và Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam NSW đảm nhiệm ngay tại Buổi Mít Tinh.
Sau đó, các chính giới Úc đại diện chính phủ cầm quyền cũng như Đối lập đã lần lượt lên phát biểu. Mở đầu, nữ Dân Biểu Lao Động Liên Bang Julia Irwin đã mạnh mẽ tố cáo nhà cầm quyền CSVN ngày càng gia tăng chà đạp Nhân quyền. Bà nhấn mạnh rằng: Độc lập, Tự do, Hạnh phúc tại Việt Nam hiện nay chỉ là bánh vẽ cho nên Bà rất thông cảm và ủng hộ Cộng Đồng Việt Nam tại Úc trong cuộc tranh đấu cho Nhân quyền đích thực tại Việt Nam.
Tiếp đó, Ông Đặng Quốc Sủng, Đại diện Liên Minh Việt Nam Tự Do Úc Châu đã lên tường trình khá chi tiết về những vi phạm Nhân quyền trắng trợn hiện nay của CSVN. Ông kết luận: qua những vụ đàn áp, bắt bớ vừa qua, tinh thần đoàn kết của những Lực lượng Dân chủ trong nước càng gia tăng thêm cùng với sự nối kết ngày càng chặt chẽ hơn giữa đồng bào trong và ngoài nước. Việc CSVN chỉ đang chống đỡ lung tung là những chỉ dấu sụp đổ không thể tránh khỏi của chế độ độc tài nầy.
Những phát biểu tiếp theo của Quý vị chính giới Úc như Reba Meagher, nữ Dân Biểu Đảng Lao Động tại Cabramatta, Ian Cohen Đảng Xanh, Paul Newton (Đại diện Đối lập NSW).v.v... đã nói lên mối quan tâm sâu xa của chính phủ cầm quyền cũng như Đối lập Úc đối với tình trạng Nhân quyền ngày càng hết sức tệ hại tại Việt Nam. Tất cả đều muốn chia xẻ và ủng hộ mạnh mẽ Cộng Đồng Người Úc gốc Việt trong những nỗ lực sớm chấm dứt tình trạng tệ hại nầy tại Việt Nam.
Đặc biệt, Tiến sĩ John Fleming, một Linh Mục Công Giáo, trong một bài phát biểu rất hùng hồn và lôi cuốn, Linh Mục đã nói rằng chế độ CSVN hiện nay là một chế độ rất phi nhân, xảo quyệt, không xứng đáng để tồn tại. Linh Mục kêu gọi người Úc hãy thể hiện tình yêu thương thiết thực và sự cảm thông sâu xa với những người anh em Úc gốc Việt trước tình trạng những giá trị cao quý của con người đang bị bạo quyền CSVN liên tục chà đạp. Linh Mục cũng đã kêu gọi chính giới Úc nên hết sức thận trọng cân nhắc giữa quyền lợi và những đòi hỏi khẩn thiết của Nhân quyền, đặc biệt tại Việt nam hiện nay, mà theo Linh Mục, đây chính là uy tín thực sự của nước Úc trên trường Thế giới.
Các Anh Chị Nghiêm Quỳnh và Hồng Hải đại diện cho Tuổi Trẻ NSW lên phát biểu tiếp đó khẳng định lập trường ủng hộ mạnh mẽ những người Trẻ trong nước đang đứng lên vì Dân chủ, Tự do cho Việt Nam như Lê Chí Quang, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Khắc Toàn, Nguyễn Vũ Bình. Tuổi Trẻ Việt Nam NSW cũng khẳng định lời thề tiếp tục dấn thân tranh đấu cho tới khi nào Quê hương Việt Nam có được một nền Dân chủ đích thực.
Xen kẽ những phát biểu trên đây là những ca khúc bừng bừng khí thế do Nhạc sĩ Phan Văn Hưng hát, có ca khúc hát chung cùng nghệ sĩ Bảo Khánh và các anh chị trong Nhóm Trẻ Sóng Việt. Những bài hát Khát, Ai Trở Về Xứ Việt, Bạn Bè Của Tôi, Bài Ca Tuổi Trẻ... qua tiếng hát rất truyền cảm của Phan Văn Hưng đã làm cho không khí cuộc Mít Tinh ngày QTNQ càng thêm ý nghĩa. Nghệ sĩ Ánh Linh cũng đã làm nhiều người xúc động khi kết thúc Buổi Mít Tinh lúc 15g với phần diễn ngâm một Bài thơ của nhà Tranh đấu cho Dân Chủ trong nước Vũ Cao Quận gửi tặng Luật sư Lê Chí Quang trong tù. Sau đó, chương trìng văn nghệ tự do tiếp tục với nghệ sĩ Trần Hiền cùng với ban nhạc Phượng Hoàng.
Vào giờ chót, chúng tôi được Nhóm Trẻ Sóng Việt cho biết đồng bào đã ủng hộ chuyển về Việt Nam đượctrên 900 Bản tin trong cuộc Mít Tinh nầy.

*

MELBOURNE: Đại Hội Thường Niên của Ủy Ban Nhân Quyền Úc Việt Victoria

MELBOURNE (VNN): Vào 6 giờ 30 phút tối 6/12/2002, gần 100 người thuộc đủ thành phần Úc và Việt đã đến tham dự Đại Hội Thường Niên của Ủy Ban Nhân Quyền Úc Việt diễn ra tại giảng đường Elizabeth Murdoch, trường đại học Melbourne, Úc Châu. Đây là ĐHTN đầu tiên kể từ khi Ủy Ban ra mắt tại Quốc Hội tiểu bang Victoria vào ngày 22/8/2001. Ban tổ chức cho biết đại hội kỳ này là nhằm tường trình các hoạt động của Ủy Ban trong năm vừa qua, và có những bài tham luận được nghiên cứu kỹ lưỡng bởi nhiều diễn giả chuyên môn hầu có thể đưa ra những phương hướng hữu hiệu và tích cực nhằm tranh đấu cho nhân quyền tại Việt Nam.
Có ba diễn giả nặng ký và là khách được mời phát biểu trong ĐHTN của Ủy Ban Nhân Quyền Úc Việt Victoria (UBNQUV/Vic) kỳ này. Thứ nhất là Ngài Ninian Stephen, nguyên là Tổng Toàn Quyền của Úc Đại Lợi vào năm 1982-1989, nguyên là Quan Toà Tối Cao, Nhà Tranh Đấu Cho Nhân Quyền nổi tiếng thế giới, và gần đây nhất Ngài được chọn làm Quan Toà cho Liên Hiệp Quốc trong Toà Án Hình Sự Thế Giới về quốc gia Yugoslavia từ năm 1993-1997. Thứ hai là Giáo sư tiến sĩ Alice Tay, Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Quyền và Cơ Hội Bình Đẳng và là giáo sư đại học có tiếng về các lãnh vực luật pháp và nhân quyền. Thứ ba là Giáo sư tiến sĩ David Kinley là một chuyên gia về lãnh vực luật nhân quyền của quốc gia và thế giới từ 15 năm qua tại trường đại học Monash.
Ngoài ra những diễn giả và quan khách có tiếng được biết trước đây là Giám mục John Hepworth, hiện là Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Quyền Úc Việt tại Nam Úc; Tiến sĩ Ian Spry, tiến sĩ luật gia; Ông Đoàn Việt Trung, Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do Victoria; BS Đinh Quốc Quân, một thanh niên rất trẻ, hiện là Thư Ký của Ủy Ban Nhân Quyền Úc Việt Victoria. Ông Bruce Mildenhall, dân biểu tiểu bang, đại diện cho Thủ hiến Steve Brack của Victoria; Linh mục John Fleming từ tiểu bang Nam Úc; Và đại diện các hội đoàn Việt Nam như Hội Chuyên Gia, Liên Minh Việt Nam Tự Do, Hội Cựu Quân Nhân Victoria v.v. cũng có mặt trong buổi sinh hoạt này.
Chương trình bắt đầu vào lúc 7 giờ 15 tối bằng nghi thức chào cờ Úc Việt và phút mặc niệm. Sau đó, Tiến sĩ Ian Spry, Chủ Tịch của Ủy Ban Nhân Quyền Úc Việt Victoria đã lên phát biểu khai mạc. Ông đã tóm lược những hoạt động của Ủy Ban trong một năm qua, và đề nghị những nỗ lực mới để tạo áp lực lên nhà cầm quyền CSVN. Theo ông Spry, chế độ Việt Nam không thể coi thường các mặt giao thương, ví dụ như quy chế tối huệ quốc. Theo ông thì quy chế này đã được ban phát cho Việt Nam một cách rất ẩu tả, và những điều kiện về nhân quyền không được nhấn mạnh. Nếu vận động để Úc từ chối việc tài trợ cho Việt Nam hay từ chối ưu tiên về vấn đề giao thương với Việt Nam thôi thì sợ không đủ để đem lại sự thay đổi tích cực. Cho nên Úc phải làm sao hợp tác với Mỹ (vì cộng đồng người Việt ở Mỹ khá lớn), để cùng nhau có những hành động thống nhất, có những điều kiện và biện pháp đồng loạt. Làm mạnh mẽ như vậy thì mới có thể đem lại sự thay đổi tốt đẹp về mặt nhân quyền cho Việt Nam.
Sau đó Ngài Ninian Stephen phát biểu rằng vì biết rất ít về vấn đề Việt Nam và tình trạng nhân quyền tại đây nên ông sẽ nói về đề tài tổng quát hơn, đó là Luật Nhân Đạo Quốc Tế. Theo ông, những ai (hay những quốc gia) chống lại Toà Án Hình Sự Quốc Tế là vì 2 lý do chính: Thứ nhất là sợ chủ quyền quốc gia bị giảm bớt và thứ hai, những công dân của họ có thể phải chịu ân huệ của những công tố viên và quan toà mà có thể không mấy công bằng và tử tế. Và điều đáng kể của Toà Án Hình Sự Quốc Tế là quyền xét xử này sẽ áp dụng cho mọi người, dù người đó có đứng đầu một quốc gia hay là nhân viên của một chính quyền thì cũng không được miễn tội. Các nhà lãnh đạo quân sự cũng sẽ chịu trách nhiệm trước các tội ác (chiến tranh) một khi xảy ra trong quyền chỉ huy nếu họ biết hay nên biết mà không làm gì để ngăn ngừa, và điều này sẽ áp dụng cho tất cả những người liên hệ.


Tiếp theo là phần trình bày của BS Đinh Quốc Quân, đại diện cho Ủy Ban Nhân Quyền Úc Việt, qua đề tài Tiếng Nói Lương Tâm. BS Quân đã dẫn trích một số nhân vật tiêu biểu của Việt Nam như TS Hà Sĩ Phu, LS Lê Chí Quang, BS Nguyễn Đan Quế, trường hợp của tài tử Đơn Dương, Hoà Thượng Thích Quảng Độ v.v... Qua bài trình bày của BS Quân (một người trẻ lớn lên ở hải ngoại nhưng tấm lòng rất thiết tha với đồng bào ở trong nước), người Úc và các chính giới đã thấy được cụ thể về những vi phạm sai lầm và nghiêm trọng đang diễn ra tại Việt Nam. Và từ đó có cái nhìn cảm thông, hiểu biết và ủng hộ hơn cho chính nghĩa đấu tranh của người Việt hôm nay.
Phần tham luận kế tiếp là của Giám mục John Hepworth, một trong những nhà trí thức Úc rất am tường về tình hình Việt Nam. Ông cho rằng chính quyền Úc cố chấp đã không công nhận rằng chính phủ Việt Nam đang tự làm đau thương dân tộc của họ. Sự giao thương và sự tài trợ của Úc dành cho Việt Nam là ủng hộ trực tiếp cho thể chế độc tài này tồn tại. Và điều quan trọng là những người trẻ Việt Nam xứng đáng được tự do dự phần vào xây dựng đất nước của họ cho phồn thịnh và hiện tại họ đang phải tha hương.
Kế tiếp là bộ dương ảnh Những Chặng Đường Tị Nạn (do Liên Minh Việt Nam Tự Do thực hiện) được trình chiếu để người Úc hiểu được chặng đường gian nan người Việt phải trải qua trong hành trình tìm tự do. Bộ dương ảnh cũng bày tỏ lòng cám ơn của người Việt đối với sự cưu mang của nước Úc. Mọi người trong hội trường đều xúc động khi xem bộ dương ảnh này.
Sau phần chiếu dương ảnh là phần trình bày của Giáo sư David Kinley. Với đề tài "Luật Nhân Quyền Quốc Tế và vấn đề Việt Nam", ông khẳng định, dù Việt Nam có ký kết vào Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và tổng cộng là 5 hiệp ước với Liên Hiệp Quốc (ngoại trừ hiệp ước thứ sáu về các hình thức tra tấn con người), nhưng trên thực tế Việt Nam vẫn coi thường các hiệp ước này. Để đem lại thay đổi thì có nhiều cách, thứ nhất là người dân có thể kháng cáo với thế giới bên ngoài nhưng ngay cả việc này cũng không thực hiện được vì chính quyền không cho phép; Thứ hai là Việt Nam phải có những bản báo cáo thường kỳ về vấn đề nhân quyền nhưng Việt Nam đã không có những báo cáo thường xuyên và không sẵn sàng thảo luận với LHQ về các vấn đề này.
Ông Đoàn Việt Trung, với đề tài "Một Chiến Lược Dân Chủ Hoá", đã đưa ra những đề nghị về vấn đề nội vận và ngoại vận để tìm cách vận động được các nhân lực và tài lực của người Việt cũng như không phải người Việt ở khắp nơi trên thế giới ủng hộ cho vấn đề nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam. Ông cho rằng những người tranh đấu cần vận dụng các vấn đề giao thương, du lịch, tài trợ và các tổ chức phi chính phủ để biến thành sức mạnh có thể tạo sự thay đổi trong vấn đề Việt Nam.
Sau đó cô Nguyễn Lan Anh, người điều hợp chương trình, đã giới thiệu các trang nhà điện tử trên mạng lưới Internet của Việt Nam và thế giới nói về nhân quyền và tự do dân chủ cho Việt Nam để những ai quan tâm có thể tìm hiểu thêm. Đó là các trang www.fva.org của Liên Minh Việt Nam Tự Do, www.vps.org của Hội Chuyên Gia Việt Nam, www.vnhrnet.org của Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam, www.crfvn.org của Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo cho Việt Nam, hay các cơ quan quốc tế nói về Việt Nam như www.hrw.org của Tổ Chức Quan Sát Nhân Quyền, www.amnesty.org của Hội Ân Xá Quốc Tế v.v...
Mọi người cũng được thưởng thức hai bản nhạc nổi tiếng là bài Ngọn Gió Thay Đổi (Winds of Change) của ban nhạc Scorpions, và bài Những Người Bạn Tự Do (Friends of Freedom) của nhạc sĩ Phan Văn Hưng.
Sau cùng là phần kết thúc của TS Ian Spry. Ông đã cám ơn các diễn giả dành thời giờ nghiên cứu, tham dự và thuyết trình các đề tài hôm nay và cám ơn sự hiện diện của những người Việt và Úc quan tâm đến vấn đề này. Ba món quà đặc biệt đã được trao tặng cho 3 diễn giả là Ngài Ninian Stephen, Giáo sư David Kinley và Giáo sư Alice Tay.
Chương trình đã kết thúc lúc 9 giờ 30 tối cùng ngày.

Phóng viên Hoàng Dạ, VNN tường trình từ Melbourne.

*

LIÊN ĐẢNG TỰ DO - QUỐC GIA NSW HỖ TRỢ NHÂN QUYỀN CHO VIỆT NAM

SYDNEY (VNN): Nhận lời mời của Liên Đảng Tự Do - Quốc Gia (Đối lập) Tiểu Bang NSW, chiều ngày 28.11, Ông Đặng Quốc Sủng, Đại diện Liên Minh Việt Nam Tự Do tại Úc Châu đã đến tiếp xúc và nói chuyện với Phó Thủ Lãnh Liên Đảng Đảng Tự Do - Quốc Gia NSW là Thượng Nghị Sĩ James Samios tại Văn phòng của TNS trong Quốc Hội NSW.
Trong buổi tiếp xúc nầy, Ông Sủng đã trình bày với vị đại diện Liên Đảng về những bước leo thang chà đạp Nhân quyền nghiêm trọng mới của nhà cầm quyền CSVN, điển hình là bản án man rợ ngày 8.11 vừa qua đối với Luật sư Lê Chí Quang. Trong dịp nầy, Ông Sủng cũng đã trao tay cho TNS James Samios một tập tài liệu của Liên Minh VNTD trình bày nhiều hình ảnh cùng những chi tiết chà đạp Nhân quyền trắng trợn hiện nay của CSVN. Ông Sủng đã tha thiết kêu gọi Liên Đảng Tự Do - Quốc Gia hãy vì lý tưởng Tự do để có những hành động cụ thể hỗ trợ cho những người Việt Nam trong nước đang đứng lên đòi hỏi tự do.
Trong không khí thảo luận rất hữu nghị tiếp theo đó, TNS James Samios đã cho biết trong vài ngày tới, Liên Đảng Tự Do - Quốc Gia sẽ công bố rộng rãi trước công luận cũng như tại diễn đàn Quốc Hội NSW một Thông cáo Báo chí để xác định rõ lập trường ủng hộ mạnh mẽ của Liên Đảng đối với những người Việt Nam trong nước đang đứng lên đòi hỏi Tự do và Dân chủ, đặc biệt đối với Luật sư trẻ tuổi Lê Chí Quang (xin coi bản copy Media Release dưới đây). Ngoài ra, Liên Đảng cũng sẽ vận động Bộ Ngoại Giao Úc can thiệp với nhà cầm quyền CSVN về trường hợp của Luật sư Lê Chí Quang.
Trước khi chấm dứt buổi tiếp xúc và gặp gỡ nầy lúc 15g30, Ông Sủng, đại diện cho Ban Tổ Chức cuộc Mít tinh Ngày Quốc tế Nhân Quyền 2002 tại Sydney, đã mời Liên Đảng đến tham dự và phát biểu trong cuộc Mít tinh trọng thể nầy. TNS James Samios đã hân hoan nhận lời mời. Thái độ tích cực trên đây của Liên Đảng Tự Do - Quốc Gia đã phản ánh rõ rệt mối quan tâm sâu sa của những người Úc yêu chuộng hòa bình trước tình trạng Nhân quyền ngày càng trở nên tệ hại hiện nay tại VN.

Tố Hữu, đệ nhất cai văn nghệ CS đã qua đời!

HÀ NỘI: Tố Hữu, cai văn nghệ số một của CS, người được CSVN coi là “con chim đầu đàn của thơ ca cách mạng”, nhưng thực chất đã làm ô uế ngôn ngữ VN với những “câu thơ” “Stalin! Stalin! Yêu biết mấy nghe con tập nói, Tiếng đầu lòng con gọi Stalin”, vừa qua đời tại Bệnh viện 108, Hà Nội, vào lúc 9 giờ 15 phút sáng Thứ Hai, 9/12. Theo tin tức của VNExpress, Tố Hữu đã bị bệnh nặng một thời gian trước khi nhập viện và qua đời. Chính quyền CSVN dự định sẽ tổ chức tang lễ sáng Thứ Sáu, 13/12.
Suốt thời gian theo CS, Tố Hữu từng giữ nhiều chức vụ quan trọng của Đảng CS bao gồm cả Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ. Trong những địa vị quan trọng này, Tố Hữu, hoặc vì ghen tài, hoặc vì lập trường chính trị, đã trù dập, thanh toán, đầy ải nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng của VN, nhất là thời Văn Nhân Giai Phẩm.
Tên thật là Nguyễn Kim Thành, sinh năm 1920 tại làng Phù Lai, gần cố đô Huế, Tố Hữu đến với thi ca khá sớm, từ năm 18 tuổi. Cùng năm đó, Tố Hữu gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Kết quả, tư tưởng CS đã làm thui chột toàn bộ tài năng thơ văn của ông, khiến thơ văn của Tố Hữu trở thành loại thơ tuyên truyền một chiều cho CS.
Trong khi nhà thơ Chế Lan Viên bước vào những năm cuối của cuộc đời biết bừng tỉnh, nhận ra những sai lầm khi dùng thơ văn tuyên truyền cho chế độ CS, đẩy thanh thiếu niên VN vô con đường sinh bắc tử nam, Tố Hữu trái lại, vẫn bịt mắt bưng tai, khư khư đóng vai trò một viên cai văn nghệ CS.
Mặc dù Tố Hữu sáng tác nhiều thơ in thành tập như Từ Ấy, Việt Bắc, Gió Lộng... trong đó có một số bài hay, nhưng đại đa số người Việt chỉ nhớ đến bài thơ khóc Stalin của Tố Hữu với những vần thơ tuyên truyền đầy bợ đỡ và phi nhân tính:

"Hôm qua loa gọi ngoài đồng,
Tiếng loa xe ruột xé lòng biết bao.
Làng trên xóm dưới xôn xao,
Làm sao, ông đã. . . làm sao mất rồi.
Ông Stalin ơi! ông Stalin ơi!
Hỡi ôi, ông mất đất trời có không!
Thương cha thương mẹ thương chồng,
Thương mình thương một thương ông thương mười."

Khi còn sống, chính bản thân Tố Hữu cũng xấu hổ mỗi khi nghĩ đến bài thơ này. Sau 1975, nhiều người thân cận với Tố Hữu đều tìm cách né tránh, không muốn nhắc đêán bài thơ trên. Vì vậy, phần lớn những tuyển tập thơ của ông sau này khi được các nhà xuất bản tái bản, ông đều tìm cách loại bỏ bài thơ thương vay khóc mướn trên. Nhưng dù có cố gắng bằng mọi cách, Tố Hữu cũng đã không thành công, và trong tâm hồn của người VN suốt nửa thế kỷ qua, dù là người CS hay không CS, mỗi khi nghĩ đến Tố Hữu, thường nghĩ đêán bài thơ trên và coi đó như là một vết nhơ khôn rửa trong lịch sử văn học VN.
Hay tin Tố Hữu qua đời, một số người thân của ông ở Huế hy vọng, bây giờ, khi qua đời, nếu sang bên kia thế giới, Tố Hữu sẽ đủ khôn ngoan thức tỉnh tìm gặp vong linh song thân để xin lỗi về bài thơ bất hiếu trên. Bằng không, e rằng, Tố Hữu lại bị hồn ma của Hồ Chí Minh rủ rê đi gặp Stalin, Lenin, thì vĩnh viễn không thể thoát khỏi lửa địa ngục.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.