Hôm nay,  

Truyện Ngắn Chọn Lọc: Cây Khế Ngày Xưa

16/09/200200:00:00(Xem: 5838)
LTS: Trong những số báo trước, Sàigòn Times đã hân hạnh giới thiệu cùng qúy độc giả hai bài ký của nhà văn Phan Lạc Tiếp. Trong số báo tuần này, SGT xin trân trọng giới thiệu một truyện ngắn của ông, nhan đề Cây Khế Ngày Xưa, vừa được ông ưu ái gửi cho sau khi ông trở lại Hoa Kỳ. Truyện Cây Khế Ngày Xưa, được ông sáng tác vào năm 1999, nghĩa là hơn 30 năm sau ngày ông viết bài ký Cây Na. Nhưng đúng như nhận xét của nhà văn Võ Phiến, “Đọc ký của ông, dễ nghĩ đến truyện; và khi đọc truyện của ông nhiều lần tôi lờ mờ nghĩ đến ký...”, quả thực truyện Cây Khế Ngày Xưa “ngồn ngộn chất liệu sống” được tác giả thêu dệt một cách tài tình, giản dị và trong sáng. Đọc truyện, người đọc vừa cảm động lại vừa ngạc nhiên khi thấy hình ảnh quê nhà, kỷ niệm ngày xưa được tái tạo một cách chân thành, đơn sơ, nhưng sao muôn phần thắm thiết... Đọc truyện của ông, người đọc, nhất là những người Việt xa quê, đều rưng rưng niềm xúc cảm, nhớ lại những bóng hình, những kỷ niệm của ngày xưa... để rồi nhận thấy, trong cái “ngày xưa” của tác giả, thấp thoáng có cả cái “ngày xưa” của chính mình... Ngày xưa, khi còn bé bỏng sau lũy tre làng, ai ai mà chẳng khao khát được đi xa, được đến những bến bờ hoang lạ, những thành phố sầm uất... Nhưng rồi lớn lên, khi lịch sử nghiêng ngửa, cuộc đời run rủi, ta được đi xa, được đến những nơi đô hội, lúc đó, “cúi mái đầu sương điểm”, ta mới nhận ra không ở đâu trên trái đất này có những đường nét quyến rũ, muôn phần thân thương, đáng yêu, bằng ở quê nhà... Chân thành cảm ơn nhà văn Phan Lạc Tiếp, một người đã thể hiện tuyệt vời tâm hồn đôn hậu và tấm lòng hoài cổ dành cho người xưa, quê cũ, qua truyện ngắn Cây Khế Ngày Xưa; và sau đây, xin trân trọng giới thiệu truyện ngắn của ông cùng qúy độc giả.

* * *

Mẹ tôi sinh ra tôi năm trước, năm sau mẹ tôi lại sinh em bé. Sữa mẹ chỉ đủ cho em bé, nên tôi phải ăn nước cơm thay sữa. Khi tôi lên ba mẹ tôi lại sinh em bé nữa, nên nhà neo quá. Mẹ tôi nhờ Bác Đồ Gái cho chị Đan ra “đỡ tay đỡ chân cho thím”. Chị Đan hơn tôi vừa một giáp. Lúc tôi lên ba thì chị Đan đã mười lăm. Từ lúc có chị, hầu như lúc nào tôi cũng ở bên cạnh chị. Chị cho tôi ăn, thay quần áo và tối đến hai chị em đắp chăn kín chùm đầu.
Những đêm trời không có trăng, bầu trời đầy sao lấp lánh. Chị đưa tôi ra sân chỉ cho tôi hình ông Thần Nông lưng cong một dãy ngôi sao, và có hai cái giải mũ cũng là hai giải sao nhưng mờ nhạt cao vút lên trời. Ông Thần Nông lúc đầu hôm còn ngồi đó, đến khuya đã cúi xuống, chị bảo “ông Thần Nông đi cấy đấy”. Tôi nhìn quanh bầu trời, sao bát ngát, chị bảo “mỗi ngôi sao cầm tinh cho một con người”. Lâu lâu có một ngôi sao đổi ngôi, bay loè ra thành một vệt dài, chị bảo “thế là có một người mới mất đấy”. Ôi chao, sao nhiều quá đếm chả nổi, thì chị bảo cách đếm: “một ông sao sáng, hai ông sáng sao, ba ông sao sáng…...” Tôi đếm như thế, thả hồn mình vào bầu trời bát ngát, cao rộng rồi chìm vào giấc ngủ. Nhiều hôm trời chuyển mưa, có khi có bão, sấm chớp ầm ầm, tôi sợ lắm, nhất là mẹ tôi lại đi chợ vắng nhà. Nằm trong chăn, nhìn qua cửa sổ, bầu trời vần vũ, tối đen, tôi thắc mắc không biết những ông sao bây giờ ở đâu. Những lúc như thế chị vào nằm cạnh tôi cho tôi đỡ sợ và chị hát, giọng hát ngọt ngào bát ngát:
“Đêm qua chớp bể mưa nguồn
Hỡi người tri kỷ (a) có buồn hay (a) không"”...
Nghe chị hát, tâm hồn tôi trở nên yên ổn và tôi chìm vào giấc ngủ hồi nào không hay. Những hôm trời nắng, chị lấy cơm nguội với tôm khô kho khế, đem ra gốc cây khế cho tôi ăn. Cơm nguội bùi, tôm ngọt đậm, các lát khế chua chua. Tôi chạy nhảy tung tăng, chị bưng bát cơm chạy theo tôi. Có khi chị ngồi trên hòn đá dưới gốc cây khế, hoa khế tím rơi đầy trên nền đất mịn. Chị nhìn lên cây khế, cành khế gió thổi xôn xao, chị lại hát:
“Trèo lên cây khế nửa ngày
Ai làm chua xót (a) lòng mày khế ơi...”
Có khi chị lấy cái sào dài khoèo quả khế chín vàng ở trên cành cao cho tôi ăn. Tôi ăn một tị là chán. Chị xé từng cánh khế, chấm muối ớt ăn thật là ngon. Chị xít xoa, đôi mắt long lanh và có khi chảy cả nước mắt, mà chị vẫn cười.
Tháng tám đến, mẹ tôi mua cho tôi một ông tiến sĩ giấy, loại vừa vừa, mặt vẽ bằng giấy nhưng có vạt áo dài xoè ra, hai tay là hai vòng giấy xun xun vòng trước ngực. Tôi bày ông tiến sĩ vào cái mâm chõng bằng tre. Các em gái tôi đứa thì được cái đèn con thiềm thừ, đứa thì được cái đèn con cá, đôi khi còn có cả một đàn con giống bằng bột nhuộm màu xanh, đỏ. Mắt các con giống là những hột cườm. Đẹp thì có đẹp, nhưng tôi không thích các thứ đó. Tôi thích cái tàn, cái tán như lũ trẻ con hàng xóm, cắm quanh cái kiệu bát cống có trạm những đầu rồng. Nhưng nhà tôi nghèo, nhưng thứ đó đắt lắm. Để bù lại, chị Đan mua thêm cho tôi một quả bưởi đào, lột vỏ xoè ra như một bông sen, bày bên những quả hồng ngâm xanh ngắt. Đến hôm rằm, lúc trăng sáng nhất, trẻ con nhà giầu đem kiệu ra rước ở Ngã Ba. Tiếng trống rước to nhỏ rập rình như ngày mở hội làng. Những đèn nến, đèn lồng thắp sáng lung linh. Các kiệu ấy trở nên đẹp lạ lùng. Vì ngoài ông tiến sĩ to, mặt là cái vỏ trứng gà điểm nhãn sắc sảo, môi son, áo mão bằng trang kim lóng lánh, để giữa những tàn, lọng, bát bửu hệt như ở sân đình những ngày tế thần hoàng. Chị Đan dẫn tôi đi xem. Chị bảo: “Ai học giỏi, thi đỗ tiến sĩ thì được hàng tổng, hàng huyện đón rước như thế đấy. Em cố mà học cho giỏi, đỗ cho cao cho chị mừng...” Rồi chị kể chuyện hai vợ chồng anh học trò nghèo qua câu hát:
“Sáng giăng giải chiếu hai hàng
Bên anh đọc sách (chứ) bên nàng quay tơ.”
* * *
Năm tôi lên sáu thì chị về nhà chị. Tôi tấm tức, khóc hoài vì nhớ chị. Bây giờ tôi ngủ chung với hai đứa em, đắp chung một cái chăn bông rộng mêng mông như che kín được cả trời. Buổi đầu hôm ba anh em bò từ cuối giường lên đầu giường, đùa vui, cười rúc rích. Khi đã mệt và bắt đầu buồn ngủ, tôi lại nhớ chị quá. Quanh tôi như trống trải, thiếu vắng thế nào. Tôi bồi hồi nhớ chị. Tôi nhớ những lời chị hát, nhớ mùi bồ kết, mùi chanh toả ra thơm ngây ngất từ làn tóc chị.... Tôi như " chột" đi khi không có chị.
Ngày Tết đến, đêm ba mươi trời tối đen như đặc lại. Tôi đi từ nhà trên xuống bếp như ôm cả cái náo nức chờ đón mùa xuân vào lòng. Mẹ tôi ngồi bên bếp lửa. Ánh lửa bập bùng. Có thể đó là một nồi cá chép kho cùng với thịt để ăn với bánh chưng. Có thể đó là nồi măng khô ninh với chân giò. Trên gác bếp có treo mấy cái giò mỡ, kẹp chặt trong những thanh tre dài. Mỡ thấm cả ra ngoài lá chuối xanh, đọng lại trắng ngần. Trên nhà trên, đèn nến lung linh, ánh lên các nét chữ sơn son thiếp vàng ở những bức đại tự. Cảnh con hạc soải cánh bay đi, còn ngoảnh cổ lại để nhìn cành tùng khẳng khiu trơ vơ chờ đợi, trên nền câu đối vải. Thầy tôi trong áo the, khăn xếp, đi đi, lại lại, thấp những tuần hương lên khắp các bàn thờ. Những lúc như thế, giờ của năm cũ sắp qua, năm mới sắp đến thì chị Đan đến. Chị mặc áo dài tứ thân, thắt bao hoa lý. Chị bưng cái mâm gỗ có đậy lồng bàn. Chị đặt mâm lễ vật trước bàn thờ, mở lồng bàn ra. Đó là một mâm chè lam. Những thỏi chè vuông dài màu xám có rắc một làn bột bỏng màu trắng ở xung quanh. Chị lễ phép thưa: “Mẹ cháu bảo để đem chút lễ vật đến cúng ông bà bên ngoại...” Thầy tôi cười: “Bác Đồ cẩn thận quá. Năm nào cũng nhớ đến các cụ...” Chị nhìn tôi, cười và bảo: “Mai, à sang năm mới chứ, em nhớ đến xông đất nhà chị nhá...” Tôi chỉ đợi có thế, tôi mừng là chị chẳng bao giờ quên tôi. Chị về. Những bước chân chị bước trên lối ngõ có lờ mờ hình cái cung vẽ bằng vôi trắng mà anh cả tôi mới vẽ hồi chiều. Đêm đen thẫm bưng lấy mắt, lạnh ngọt. Tiếng những cái khánh đất va vào nhau kêu cung kinh ở trên ngọn cây nêu dựng ở sát tường hoa gần cổng, những âm thanh rời rạc, khô cứng như phát ra từ một cõi nào mơ hồ, huyền hoặc.
Sáng mùng một đầu năm, sau khi lễ ông bà ở nhà và đã được thầy mẹ tôi mừng tuổi, tôi muốn đến nhà chị Đan ngay. Anh cả tôi dắt đi. Tôi mặc cái áo dài mới. Cái áo gọi là mới, chứ thực ra cái áo này anh tôi đã mặc rồi, đã cũ, mẹ tôi “soạn” lại, cắt ngắn đi cho tôi mặc và mới được nhuộm thâm lại ngày trong năm. Quần chúc bâu trắng sột soạt, đi đôi guốc, bước lóc cóc trên đường gạch, tôi đến nhà chị. Dọc đường gặp biết bao nhiêu là người, ai cũng mặc quần áo mới, có người đã bắt đầu đi lễ ông vải. Có những anh lớn hơn tôi độ vài ba tuổi cắp cái cháp đen đựng trầu cau, theo người lớn đi lễ các nhà thân thuộc. Ngoài chùa vẫn còn lặng lẽ. Tiếng chuông êm ả chuyền đi. Qua góc ao đình, nơi có cây bàng nằm lả ngọn ra mé nước, rẽ trái là lối vào nhà chị. Dinh cơ của các ông bá, ông lý ở phía trong, tường gạch cao ngất.
Nhà chị, nhà tranh nằm ngay phía ngoài, đầu con ngõ. Hai cánh cổng có dán hai bức tranh thiên bồng vẽ hai ông tướng mặt đỏ, râu dài, cầm gươm canh cửa. Tôi chưa gọi chị đã mở cổng đón tôi. Anh tôi dứng đằng sau. Chị bảo: “Thôi chú về đi, lát nữa tôi đem trả em...” Anh tôi cười rồi về. Tôi xà vào lòng chị. Chị mặc áo mới, yếm mới. Tóc chị thơm thật là thơm. Chị hôn lên má tôi. Rồi chị vạch túi áo cánh trắng ra, đưa cho tôi một đồng xu đồng mới tinh, đỏ au. Tôi sướng lắm, cầm vào lòng bàn tay thật chắc. Chị lại hôn tôi nữa rồi mới dắt tôi vào nhà, lên nhà trên mừng tuổi bác Đồ Gái. Bác Đồ Gái ngồi sẵn trên phản ở gian giữa, bác cười: “Lớn rồi đấy, sắp đi học rồi đấy cháu nhỉ... Cháu tôi lên mấy rồi nào...” Bác Đồ Gái mừng tuổi cho tôi một đồng chinh màu vàng mỏng mảnh. Cám ơn Bác Đồ xong, tôi lại chạy ra với chị. Chị nhìn tôi, ôi đôi mắt chị sao mà âu yếm thế. Tôi xà vào lòng chị và quên mất đồng xu, đồng chinh tôi đã buông ra, rơi ở đâu rồi. Chị vuốt tóc tôi. Chị nói: “Em được nhiều tiền mừng tuổi quá nhỉ...” Lúc đó tôi mới hoảng hốt nhớ đến các đồng tiền mừng tuổi, không biết tôi đã để đâu rồi. Tôi khóc thì chị cười. Chị xòe bàn tay ra, đồng xu và đồng chinh mừng tuổi nằm giữa lòng bàn tay chị. Chị lấy giải yếm lau nước mắt cho tôi, rồi chị lấy giải rút quần của tôi xâu các đồng tiền, buộc lại. Buông tà áo dài của tôi xuống, chị kéo tôi vào lòng chị. Hơi ấm hoà trong mùi tóc của chị thơm nồng bay tỏa bao phủ quanh tôi, chị nhẹ nhàng ghì cằm chị vào đầu tôi và chị đọc những câu thơ mà sau này tôi mới biết là của Nguyễn Bính:
...Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan đã nát dưới chân giầy
Hội chèo làng Đặng về ngang ngõ
Mẹ bảo mùa xuân đã cạn ngày...
Lời thơ dịu dàng, lãng đãng ru tôi vào giấc ngủ. Khi tôi tỉnh dậy, bác Đồ Gái nói đùa: “Con trai lớn rồi đấy. Sắp lên bảy rồi. Tuổi cắp sách đến trường rồi.”
“Vâng, năm nay tôi lên bảy. Tôi đã lớn. Tôi không chơi đùa lêu lổng như những năm còn bé...” Đó cũng là đoạn văn đầu tiên, sau khi tôi đã học hết vần bằng, vần trắc trong cuốn Quốc Văn Giáo Khoa Thư lớp Đồng Ấu.
Buổi học đầu tiên của tôi chị Đan cũng đưa tôi đi. Tôi học ở nhà chú Phương, con cụ lang. Chú Phương mặc quần áo trắng hồ lơ, tóc chải ngược về phía sau và cài lại bằng một vòng giây thép uốn. Chú đi guốc, gót cân đỏ chót. Ngồi bên cạnh tôi là Cái Gái. Cái Gái đã lớn lắm, cao bằng chị Đan, là con Cô Thầy. Cái Gái bị tật từ nhỏ, chân đi khòng khoèo, tay cầm bút thật là vụng, viết mãi chẳng được một chữ, nước rãi còn chảy ra nhoè cả mặt chữ. Cái Gái phải gọi tôi bằng anh, vì họ hàng sao đó, “bé bằng củ khoai, cứ vai mà gọi”. Cái Gái gọi tôi bằng anh ngọt sớt. Học được mấy hôm tôi đã viết đủ các mặt chữ cái kể cả “chữ in” cũng như “chữ viết”. Và chỉ độ một tháng tôi đã học hết vần bằng và vần trắc, tôi đã đọc được các bài ngắn mà bài đầu tiên là bài “Hôm nay tôi đi học...” Dưới bài bao giờ cũng có câu cách ngôn như: Ăn vóc học hay.
Cái Gái lúc ấy vẫn còn lết bết với mấy chữ n, m mà mực tím nhoè nhoẹt vì nước rãi. Hàng ngày tôi phải viết hộ Cái Gái cho hết trang. Bù lại Cái Gái bao giờ cũng trả công cho tôi rất hậu. Khi thì một quả chuối tây, khi thì một cái kẹo bột. Và chẳng bao lâu tôi đã viết ám tả được rồi. Tôi thích lắm, tôi viết các câu thơ của Nguyễn Bính vào một cuốn sổ nhỏ. Các câu thơ này trước đó tôi đã thuộc lòng qua các câu hát của chị Đan và của anh tôi nữa.


Cô Thầy là mẹ của Cái Gái. Cô Thầy làm nghề Thầy Bói, hai mắt mù cả. Nhà cô ở tận Ngõ Đồng Mát, cuối con đường gạch, lối đi ra đồng. Cô rất là đông khách. Nhất là các ngày ba, ngày bảy là ngày phiên chợ Nủa, khách phải ngồi đợi ở sân. Nhà cô tuy là nhà gianh nhưng cất cũng đẹp, có nhà trên, nhà ngang và nhà bếp như hình chữ U mà các cụ bảo là hình chữ Môn. Gian giữa để bàn thờ ông vải. Gian bên có hình con cá hoá long mầu tím vẽ thẳng vào tường. Những vảy cá xanh tím ẩn hiện trong lớp thuỷ ba. Gần nóc nhà là bàn thờ Thổ Công, cái mũ giấy óng ánh trang kim. Bên cạnh là bàn thờ Ngũ Hổ, có hình vẽ năm con hổ năm mầu thật là dữ ngồi quanh cái hộp vuông như cái hòm ấn vua ban. Sát bàn thờ chính là cái ghế ngựa, nơi cô làm lễ và tiếp khách. Tuy là ở nhà nhưng Cô Thầy ăn mặc rất chỉnh tề, áo cánh bên trong, áo dài bên ngoài, cô còn thắt lưng dài to bản mầu tím.
Bắt đầu buổi xem bói bao giờ cô cũng ôm theo cái cháp đen. Mở cháp ra, cô bày những đồng tiền xám xịt mà người ta bảo đó là những đồng tiền lấy từ trong mả người chết, gọi là tiền cải mả, nên rất linh thiêng. Cô sờ lên mặt những đồng tiền, xếp úp các đồng tiền lại. Rồi cô cười và nói với thân chủ:
- Nào cho tôi biết ngày sinh tháng đẻ nào"...
Người khách trịnh trọng xưng tên tuổi. Cô lấy ngón tay cái bấm lên những đốt tay, giương đôi mắt chỉ có lòng trắng như nhìn vào một cõi xa xăm huyền bí nào. Nếu là người trẻ, thường thì cô cười và nói: “Cô đây xem về tình duyên phải không"...” Người khách thưa “vâng”. Cô đốt một nén hương, đặt ngang miệng đĩa đựng các đồng tiền cải mả và tiền đặt quẻ, lâm râm khấn “...thất thập nhị hiền thu nhập tiền nhang..." Cô hạ đĩa tiền xuống, lấy những ngón tay sần sùi bốc những đồng tiền trên đĩa, dơ cao rồi buông xuống đĩa. Cô nói: “Sơ vi đơn”. Mỗi lần như thế gọi là một lần gieo quẻ. Tùy theo những đồng tiền xấp, ngửa, ba lần gieo là một quẻ. Căn cứ vào đó mà cô đoán quẻ cho thân chủ. Với những cô còn trẻ, mới lấy chồng, tôi thường thấy cô nói: “Số cô trắc trở. Tưởng là chuột sa chĩnh gạo lại hoá ra chuột sa chĩnh nước đây, phải không cô...” Thân chủ chỉ biết “vâng”. Cô Thầy lại nói: “Thật là vui từ trong cửa vui ra, buồn từ ngã bảy ngã ba buồn về đấy cô ạ.”
Nếu là người già cả xem gia đạo, Cô Thầy cũng gieo quẻ như trên, nhưng thường là “Động mả ông tam đại đây bà ạ. Mà như là có cái rễ cây nó đâm vào ngôi mộ của cụ nhà đây...” Người đàn bà thân chủ chỉ còn biết “lạy thánh mớ bái, xin Thầy chỉ bảo cho.” Lúc ấy thường thì Cô Thầy bảo thí chủ ra ngoài bờ rậu, ngoảnh mặt về phía đông, ngắt một cành lá đem vào cho Cô xem lại. Cô đếm những chiếc lá để định quẻ và thí chủ phải đặt quẻ lần nữa. Vì động mả rất là quan trọng, nên Cô thường nói: “Phải lễ Phật trước, lễ quỷ thần sau”. Người xem bói chỉ còn biết nghe theo lời Cô dạy, sửa một cái lễ khá cầu kỳ, “Phải lấy đủ đất đình, đất chùa, đất chợ, đất ngã ba và đất giếng; nước vang hoà với nước vôi; chín cái kim làm xương. Tất cả trộn vào nhau, nặn thành hình con rùa, đem táng ở đầu ngôi mộ ông tam đại. Nước vang hòa với nước vôi rảy quanh mả một nửa, còn một nửa hắt qua mái nhà gian giữa...” Ngoài ra còn phải sửa một cái lễ: “mâm trên sôi chuối, vàng tốt một trăm, mũ vàng một chiếc; mâm thứ hai cơm canh...” Sợ gia chủ không nhớ được, Cô thường bảo “Phải viết ra, và có thằng cháu tôi đây, nó học giỏi lắm, viết cho bà...” Thường thì Cô bảo lấy cái bao hương xé ra, lộn mặt trong, viết các lời chỉ dẫn, và bao giờ tôi cũng đươc 5 xu. Đó là những đồng tiền đầu tiên tôi kiếm được trong đời. 5 xu của những năm đầu 40 mua được mấy cái bánh tẻ. Khi khách đã về, Cô thường nói: “Biết khi nào Cái Gái mới viết được thông thạo như cháu.”
Từ khi tôi đi học thì chị Đan không còn ở nhà tôi nữa. Bác Đồ gái ra bảo với mẹ tôi rằng: “Thím cho cháu nó về. Em bé cũng đã lớn, mà cháu nó cũng gần 20 rồi đấy, thì cũng phải có thời giờ cho người ta trông vào...” Chị Đan về nhà chị. Chị giúp Bác Đồ Gái dệt cửi. Những hôm tan học sớm, tôi ra nhà chị. Thấy tôi bao giờ chị cũng mỉm cười, ngừng tay thoi và thế nào cũng có cái gì cho tôi ăn. Khi thì một quả hồng ngâm, khi thì bát cơm nguội ăn tép kho. Ăn xong tôi đọc cho chị nghe các bài học thuộc lòng mới nhất, như:
Xuân đi học coi người hớn hở
Gặp cậu Thu đi ở giữa đàng
Hỏi rằng sao đã vội vàng
Trống chưa nghe đánh đến tràng làm chi
Thôi hãy gượm đừng đi anh ạ
Này con khăng tôi đã sẵn rồi...
Tôi lớn dần lên với các bài học ấy và tôi cũng dần xa chị. Chị chỉ ra nhà tôi “làm giúp” khi nhà tôi có giỗ ông, giỗ bà mà thôi. Năm ấy, năm Ất Dậu 1945, đêm mùng 9 tháng 3, có tiếng súng lốp bốp từ miệt trên tỉnh vọng về. Sáng ra người ta kháo nhau rằng Nhật nó đảo chính Tây rồi. Ở Ngã Ba, gia đình ông Tây Ký Rượu đã đóng cửa trốn đi đâu mất tăm. Rồi máy bay hai mình của Đồng Minh bay trên bầu trời cao vút, thật nhanh. Nhanh gấp mấy lần những chiếc máy bay của Tây bốn cánh vuông vức kêu ò oè, bay chậm rì mãi chưa qua khỏi vùng trời làng tôi. Lúc ấy tôi vẫn hay ra nhà chị Đan, nhưng có khi không gặp chị. Hỏi Bác Đồ Gái, bác bảo: “Ấy độ này cô ấy cứ ăn rồi lại đi. Bạn bè thậm thà thâm thụt, bác cũng chả biết...”
Một hôm trước phiên chợ Nủa, chị ra nhà tôi chơi, lúc về chị nói nhỏ cho tôi nghe: “Mai em ra Ngã Ba, có cái này hay lắm...” Tôi hỏi gặng chị thì chị bảo: “Cứ ra Ngã Ba thì sẽ biết.” Hôm chợ Nủa, lúc phiên chợ bắt đầu đông, từ phía Cổng Chợ Bò có một đoàn người đi đến. Dẫn đầu là một người vác một lá cờ đỏ sao vàng thật lớn. Theo sau là đoàn người, toàn là trai trẻ, và có cả đàn bà nữa, họ ăn măc thật gọn ghẽ. Người thì vác con dao phạt bờ, người thì vác cái giáo, cái mác. Mặt ai cũng hằm hằm rất là dữ. Vừa đi họ vừa dơ những nắm đấm lên cao và hô vang những câu:
- Đả đảo phát xít Nhật!
- Đả đảo lũ tay sai phong kiến!...
Và đi cuối cùng có một anh tay cầm khẩu súng lục, mắt sáng quắc. Hình như anh ta nhìn thẳng vào mắt tôi và tôi sợ. Đoàn người đi qua mặt tôi thật nhanh, đông không biết bao nhiêu mà kể. Họ đi qua chợ. Chợ đang đông, muốn vỡ. Nhưng họ không rẽ vào chợ. Họ đi tuốt ra Cổng Giếng, rồi tụ lại ở Gò Gai, hô vang những khẩu hiệu tại đó, rồi họ tản đi rất nhanh, biến đi đâu tài quá. Chợ lại họp như thường. Các vị chức sắc trong làng lo lắng. Có người bảo: “Phải đi cáo quan huyện. Chứ để thế này có ngày oan gia...” Từ đó trong làng người ta bàn tán, người này “ở trong bóng tối”, người kia được “móc nối”, toàn những tiếng thật là mới mẻ.
Rồi những người đi buôn từ ngoài tỉnh về bảo: “Ở ngoài tỉnh Mặt Trận đã cướp chính quyền rồi...” Cả làng rộn rã. Một buổi tối, thay vì mõ rao, là một người cầm loa, đến những đầu ngõ lúc nửa đêm, bắc loa gọi: “Alô, alô. Ngày mai, từ sáng sớm, tất cả nam, phụ, lão, ấu tập họp tại sân đình để đi biểu tình...” Đó là một đêm thật lạ. Cả làng như cùng thức dậy với tiếng loa. Mới sáng sớm, mọi người ra đình đã thấy có một lá cờ đỏ sao vàng, buộc vào một cáo sào dài, dựng ở giữa sân cỏ. Cả làng tụ lại. Có mấy anh thanh niên, nghe đâu từ trên huyện về, có súng lục giắt ở cạp quần. Các thanh niên này mời mọi người xếp hàng tề chỉnh, sẵn sàng gậy gộc, giáo mác để lên huyện cướp chính quyền. Trong đám thanh niên đứng ra hô hào ấy, tôi thấy có cả chị Đan. Chị Đan của tôi. Người đã bế ẵm tôi, đã hát ru tôi những ngày tấm bé. Chị buộc tóc sau gáy. Quần túm lại. Nhưng oai nhất và khiếp nhất là chị cuốn quanh bụng một cái bao lớn, và giắt ở đó một khẩu súng lục, lòi cái chuôi súng ra ngoài. Chị leo lên cái bàn, dơ nắm đấm lên cao và hô “bài phong, phản đế”. Tôi nhìn theo chị, vừa thấy xa lạ, vừa có phần hãnh diện với những đứa nhỏ đứng xung quanh: “Chị Đan của tao đấy”. Khi đoàn người xuất hành, chị nhìn thấy tôi, mắt chị như dịu lại một khắc và như mỉm cười, rồi chị khuất đi rất nhanh theo đoàn người đi cướp chính quyền.
Từ đó nhà Bác Đồ Gái chỉ có mình bác. Có người bảo: “Cái Đan nó làm to thế mai kia tha hồ mà nhờ.” Bác Đồ Gái chỉ cười và đáp: “Ối chao, nhờ đâu chả thấy, chỉ thấy mấy tăm mất hút. Lâu lâu vác xác về, cả bè cả lũ, ăn hại chứ báu gì...” Từ đó cuộc sống mới đã cuốn hút chị Đan của tôi và những thanh niên cùng lứa tuổi đi khỏi lũy tre làng. Chị từ giã cây khế, quên các bài ca dao tình tứ thuở nào. Chị đi theo “đời sống mới để giành cơm áo”. Cũng từ đó tôi lớn dần. Cuộc chiến bùng lên với bao nhiêu oan nghiệt, khủng khiếp. Cuộc chiến đã hút tôi ra khỏi xóm làng, đưa tôi vào Nam, đã đem tôi tới những vùng biển rộng. Những đêm trăng sáng, biển lặng, ở trên con tàu chiến lênh đênh, nhìn về núi non, đất nước, lòng tôi chất chứa những bồi hồi. Tôi nhớ những người thân, nhớ con đường cũ, gốc đa xưa, tôi nhớ đến chị Đan, nhớ đến Cái Gái, nhớ những người bạn một thời thơ ấu cũ, nhớ cây khế của một thuở nào xa... Rồi cuộc chiến đột ngột tàn và đem tôi ra khỏi đất nước với bao cay đắng, ngậm ngùi. Những năm sau 75, tôi sót xa tự hỏi: “Càng lúc ta càng xa đất nước, làng xưa. Có bao giờ trở lại" Chắc là vô vọng...”
Vậy mà tháng tư năm 94, tôi đã trở về quê cũ, làng xưa. Sau bao nhiêu ngậm ngùi tái ngộ, tôi có hỏi đến Cái Gái, mới hay “Ồ Cái Gái, con Cô Thầy đó hả, chết lâu rồi”. Tôi hỏi đến chị Đan thì “Bà ấy đã mất. Chúng em có chuyển quà của bác cho con gái bà ấy”. Mỗi người nói một câu về chị Đan. Cuộc đời của chị được chắp nối lại như một huyền thoại đã xa, đầy bùi ngùi, chua sót: “Ấy lúc đầu là thế, mọi người cuồn cuộn ra đi. Cô Đan tham gia cách mạng từ trong bóng tối, rồi thoát ly, bỏ làng đi và đi mãi. Chỉ những lúc đau ốm mới tìm về. Bà Đồ đã già, bao năm còm cõi có một mình một bóng, lại phải cặm cụi săn sóc cô ấy. Ăn trả bữa được ít ngày rồi cô ấy lại ra đi. Nói ra dài lắm. Tình duyên thì trắc trở. Cũng buồn. Xưa cô ấy vui là thế, ở tuổi già thì lặng lẽ, ốm đau. Đôi lúc nhớ đến những ngày còn trẻ, bà ấy vẫn thường nhớ đến và hỏi thăm bác. Vâng, những lúc như thế bà ấy thường lặng im, rớm lệ... Đất nước hoà bình được mấy năm thì bà ấy được nghỉ hưu. Cũng chả ai biết rõ trước đó bà ấy đã làm gì, ở đâu. Nghèo khó còn hơn ngày xưa. Sống trong lặng lẽ được mấy năm thì bà ấy mất, tính ra cũng đã trên mười năm rồi. Tiếc rằng khi bác gửi quà biếu bà ấy thì bà đã không còn nữa để mừng vui, để nhận...”
Trong nỗi bùi ngùi của ngày đoàn tụ, của nhớ thương, xúc động, tôi luôn phải tự nhủ: “Hãy bình tĩnh, bình tĩnh...” Bình tĩnh, nhờ đó tôi đã vượt được nhiều xúc đông như muốn vỡ oà ra. Nhưng đêm chót ở quê nhà, trước khi cả nhà đi ngủ, các ngọn đèn đã được tắt, bầu trời bỗng hiện ra tối đen. Những con đom đóm ở đâu hiện về, lập loè bên những ngọn tre. Tôi như vừa được vứt từ bầu trời xuống, tôi như vừa sống lại, thấy lại những đêm như thế này từ trên năm mươi năm cũ, những năm tôi còn bé. Bầu trời chi chít những vì sao. Những vì sao lấp lánh, như chào hỏi, như mời, như gọi, như chớp mắt ngậm ngùi. Tôi bàng hoàng vô hạn. Một làn gió lạnh tạt qua, lòng tôi se sắt. Tôi vẫn nhìn lên bầu trời. Hình ông Thần Nông hiện ra đang “cúi đầu cấy lúa”. Giải mũ dài là hai hàng ngôi sao bao đời vẫn y như thế. Tôi nhớ chị Đan quá. Tôi cứ nhìn mãi lên bầu trời. Thấp thoáng có một ngôi sao ánh lên, sa xuống rồi tắt. Một ngôi sao đổi ngôi. Có phải một người nào vừa mới mất" Lúc chị Đan mất, có ngôi sao nào rơi lạc như thế không"...
Sáng hôm sau theo chương trình đã định, chúng tôi phải sẵn sàng để có xe từ Hà Nội về đón. Nỗi vui đoàn tụ chưa qua, nỗi buồn chia xa đã đến. Trên xe chật ních những người. Khi xe bắt đầu chạy, tôi bỗng thấy trong xe có thoảng mùi thơm của tóc ai mới gội. Mùi bồ kết tan trong mùi chanh phảng phất đâu đây. Tôi nhớ chị Đan quá. Xe chạy qua cánh đồng làng, ven đường có giải đất chi chít những nấm mộ. Những cọng cỏ xanh trên chóp mộ ngả nghiêng đùa đùa theo làn gió thổi, tiệp với mầu lúa xanh bát ngát đang thì con gái. Trong các nấm mộ ấy, nấm mộ nào là mộ chị Đan, nơi chị đã lặng lẽ gửi tấm xương tàn. Tôi lặng đi, buồn. Nỗi buồn chỉ một mình tôi biết. Ngoài trời nắng vẫn nhạt nhòa mênh mang. Tôi nói nhỏ, nói thầm, lời nói bay tan theo làn gió thổi: “Chị Đan, em xin lỗi chị. Bao nhiêu năm chị em mình xa nhau, nhớ nhau. Vậy mà từ ngàn trùng xa cách em về thăm quê, em đã không đến thăm mộ chị được...” Nước mắt tôi ứ lên đầy mắt. Trong không gian bỗng như vang động tiếng hát của chị Đan. Chị đang hát trong làn gió mát dưới gốc cây khế của bao năm nào đã xa, quá xa. Chị cười mà hai hàng lệ chảy:

Trèo lên cây khế nửa ngày
Ai làm chua sót lòng mày khế ơi!

Chị Đan ơi!...
Phan lạc Tiếp

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tháng 12 sắp đến năm nay 2019, là tháng cuối cùng trước khi Hiệp Ước Thành Đô được áp dụng. Năm tới, 2020, Việt Nam sẽ chánh thức do Nhà cầm quyền Tàu Cộng kiểm soát …... Con đường đấu tranh để Việt Nam thoát khỏi quỷ đạo Cộng Sản Tàu e rằng bế tắc!
Lời Tòa Soạn: Họa sĩ Duy Thanh vừa từ trần vào giờ 9:30 PM, đêm Chủ Nhật 24/11/2019 tại bệnh viện General Hospital San Francisco, tại thành phố San Francisco, California.
Trong khi nhiều người Trung Quốc nhờ công dân Việt Nam đứng tên lập công ty, bơm tiền mua nhà đất ào ạt tại các thành phố du lịch ven biển, xem như đầu tư bất động sản và xây khu nghỉ dưỡng… một số công ty khác lặng lẽ thâu tóm, mua lại nhiều công ty Việt Nam để nắm chặt cổ họng nền kinh tế Việt…
Tội phạm Trung Quốc đóng giả cảnh sát, công tố viên để lừa đảo trực tuyến chuyển hướng sang Đông Nam Á khi bị trấn áp tại quê nhà.
COPENHAGEN - Đan Mạch nhận trọng trách dẫn đầu kế hoạch huấn luyện không tác chiến tại Iraq từ cuối năm 2020.
Theo báo cáo mới nhất của Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI), các hãng sản xuất xe hơi Mỹ trở thành mục tiêu tấn công hàng đầu của tin tặc trong năm 2018.
Tăng sĩ Phật Giáo Thiền Tông Gregory Filson đang đạp xe xuyên qua nước Mỹ trong một nỗ lực nối kết với đất mẹ và nâng cao ý thức về bệnh Alzheimer’s.
Cảnh Sát Tiểu Bang Massachussetts trở thành đơn vị đầu tiên thử nghiệm Spot, một loại robot chó, được chế tạo bởi Boston Dynamics, để tham gia các đơn vị tháo dỡ bom.
Giá nhà tại 20 thành phố Hoa Kỳ đã tăng cao hơn dự kiến trong tháng 9, cho thấy tín hiệu rằng giá trị nhà đang ổn định ở mức cao, và nhu cầu nhà ở vẫn cao. Đây là đợt tăng giá đầu tiên kể từ năm 2018.
Ronna McDaniel – Chủ Tịch Uy Ban Quốc Gia Đảng Cộng Hòa (RNC)- đã tuyên bố hôm 26/11 rằng: hành động đầu tiên của tỉ phú Michael Bloomberg khi chính thức tuyên bố tranh cử ửng viên tổng thống đảng Dân Chủ không khác nào cộng sản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.