Hôm nay,  

Hồ Mượn Oai Hổ

11/11/200200:00:00(Xem: 4440)
Tuyên Vương là vua nước Sở. Chiêu Hề Tuất chỉ là một người bầy tôi của vua Tuyên Vương. Thế mà người phương Bắc ai nghe nói đến Hề Tuất cũng một lòng kinh sợ. Vua lấy làm lạ, nên một hôm nhân buổi lâm triều, mới hỏi các quan rằng:
- Ta là Thiên Tử. Dưới mỗi ông Trời. Còn ngồi trên đầu hơn hàng vạn sinh linh. Hà cớ chi tụi phương Bắc lại không đem lòng kính sợ" Trong khi Hề Tuất chỉ là bầy tôi dưới trướng - mà được bao lời nể phục với mừng khen - khiến cho ta thấy lùng bùng trong dạ. Là cớ làm sao"
Các quan nhìn nhau không ai dám nói lời chi hết cả. Duy có Mạc Cửu là Thượng thư của triều đình, mới dập đầu xuống, mà run rẩy thưa rằng:
- Bệ hạ là người có chân mạng đế vương, mà không thấu được lẽ huyền nhiệm của Tạo Hóa, thì chúng hạ thần ngó tới ngó lui chỉ xác phàm mắt thịt, làm sao hiểu được điều cao siêu đó"
Nói rồi, lại dập đầu thêm vài chục bận nữa. Tuyên Vương thấy vậy, mới bực dọc phán rằng:
- Nuôi quân ba năm xử dụng có một ngày, mà các khanh trả lời bù trất như vậy, thì thử hỏi: Vua xử thần tử. Thần… hổng tử được chăng"
Nói rồi, nét đăm chiêu hiện tràn trên đôi mắt, khiến tả hữu đứng gần bỗng lấm lét mà run, bởi hổng hiểu… sét trên cao giáng vô thằng nào trước mặt. Thời may có Giang Nhất là người lo vềø binh khí - mới quỳ xuống - mà mạnh dạn thốt thưa điều gan ruột:
- Chuyện xưa kể rằng: Có con Hổ hay bắt các giống thú mà ăn thịt. Một hôm, bắt được con Hồ. Hồ bảo: "Liệu đó! Chớ có đụng chạm đến ta mà chết ngay bây giờ. Ta từ Trời sai xuống. Cầm quyền coi hết cả bách thú. Ngươi mà ăn thịt ta, có nghĩa là trái mệnh Trời. Chắc chắn sẽ hại đến thân ngươi lập tức. Không tin, thử để ta đi trước. Ngươi theo hầu sau. Xem có con thú nào trông thấy ta mà không sợ hãi. Tìm đường trốn cho mau không"" Hổ cho là Hồ nói thật, bèn theo Hồ đi. Quả nhiên bách thú trông thấy đều sợ mà chạy cả. Hổ vẫn không biết bách thú sợ mình mà chạy, lại tưởng là sợ Hồ. Nay nhà vua nước mạnh, quân nhiều, mà giao quyền coi sóc cho Chiêu Hề Tuất. Người phương Bắc sợ Hề Tuất, nhưng kỳ thực là sợ vua. Cũng như bách thú thấy Hồ mà cắm đầu chạy vậy!
Vua Tuyên Vương nghe thế, liền vuốt râu… khà cho một cái, rồi khoan khoái nghĩ thầm trong dạ:
- Con người bị dồn ép thái quá. Không có gì mà chẳng dám làm. Nay Giang Nhất đã luận ra điều sáng tối, thì ta cũng nên… dong. Chớ không thể nhắm mắt rồi phang tràn nữa đặng!
Đoạn, thét tả hữu thưởng cho Giang Nhất một nén vàng ròng. Hai nén bạc, cùng một chung bồ đào mỹ tửu, rồi thủng thẳng phán rằng:
- Các ngươi muốn cho dân giàu. Nước mạnh, thì phải góp tim óc mà trị quốc với ta. Chớ không thể bán cái như kiểu này mãi được! Lại nữa, cho dù ta có chân mạng đế vương, thì cũng là người. Cũng có những thiếu sót không làm sao tránh được. Vậy nếu các ngươi thật lòng yêu bá tánh, thì phải hết lòng tận tụy với ta. Chớ không phải nói ra là nịnh này nịnh nọ…
Tối đó. Tuyên Vương đang ngồi hát nhạc với ái phi. Chợt có Giả Hủ là tâm phúc xin vào yết kiến. Tuyên Vương mới nói rằng:
- Ngươi vất vã công nha hết một ngày. Tối lại vào đây. Hẳn vợ con ngươi sẽ rầu rầu trong dạ, rồi hạnh phúc trăm năm như tơ mành trong gió - thì phận… chủ tàu - ta biết liệu làm sao" Khi cứ tin theo đèn nhà ai nấy rạng!
Giả Hủ vội sụp người xuống. Vái một cái, rồi mới nhỏ to giải bày niềm tâm sự:
- Hạnh phúc của thần là chuyện nhỏ. Tiếng tăm của bệ hạ mới là chuyện lớn, nên vợ con của thần. Ắt chẳng bao giờ quấy quá chuyện gì đâu!
Lúc ấy, Tuyên Vương mới chồm ngay tới trước, mà gấp rút nói rằng:
- Ta dẫu không say, nhưng vẫn chưa hiểu hết điều khanh muốn báo. Vậy có gì khanh cứ… toạc nó ra. Chớ đừng lấp lửng lấp lơ mà sinh điều tai họa!
Giả Hủ đáp:
- Chúa thượng. Là người cao cả và dẫn dắt chúng sinh, thì không thể trong phút chốc mà xuống ào ngay được. Đó là chưa nói quyền ban cho sống chết. So với mẹ già còn nặng gánh nhiều hơn, thì sao lại xem vua tầm thường như thế được"
Tuyên Vương chưa kịp nói gì. Lại nghe Giả Hủ bàn tiếp chuyện trời ơi:
- Vua xử thần tử, thì thần phải… tử. Chớ thần hổng tử là hổng có trung. Lẽ xưa nay thường ra vẫn vậy. Chớ thần chưa nghe mẹ cha xử chết rồi thằng con phải chết - mà hổng chừng mẹ… tức chết vì con - thì rõ ra vua ở trên phần cao trọng. Nay Giang Nhất ví vua như loài Hổ ác, thì tội tầy đình phải tính liệu làm sao" Chớ không thể cho qua rồi ban vàng ban bạc. Thần thấy thế mà trong lòng nhức nhối, nên mới tốc hành mà bẩm báo điều hay. Chứ chuyện an dân thì chẳng có gì hết cả!
Vua Tuyên Vương nghe vậy, mới chột dạ nghĩ thầm:
- Giả Hủ vào đây tâu ba điều bốn chuyện. Thực ra là trâu năèm chuồng ghét trâu chạy… lăng xăng, thành thử chốn tâm cang mới bừng lên lửa dậy. Thế mới biết chuyện nhỏ híu mà lòng ghen phang tới - thì hạt gạo nhỏ hìu sẽ thành trái mít thật to - khiến thần trí hôn mê như người không… thuốc vậy. Thôi thì lớt phớt cho qua chuyện trời ơi đất ới, đặng thoải mái tâm hồn hát nhạc với nàng đây. Chớ không thể phí thanh xuân với thằng này nữa được!

Đoạn, Tuyên Vương cười mĩm chi một phát, rồi nói với Giả Hủ rằng:
- Chim Hồng chim Hộc. Cất cánh bay xa là nhờ lông cánh. Lông nhỏ trên lưng. Lông to dưới bụng. Nay rụng mất một nắm, thì còn… mút chỉ được chăng" Hay lạng mấy hơi lại rơi ì cái đụi" Thôi thì chuyện khanh nói để từ từ ta tính. Chớ đất nước an bình lại giết tướng diệt quân, hẳn lòng trí muôn dân sẽ nói này nói nọ. Nói: Muông thú hết thì cung tên xếp xó. Nước kiệt hết rồi thì vỏ phải liệng đi. Còn cháo ăn xong thì đá ào cái bụp…
Bèn, hạ lệnh tiễn khách. Thất Nương, là ái phi của Tuyên Vương. Nghe hết mọi chuyện, mới thỏ thẻ thưa rằng:
- Thiếp không thương thì thôi. Chớ đã thương, thì phải thương cho tới nơi tới chốn. Chứ nhất quyết không bỏ phế mà uổng phí xuân xanh một đời. Lại nữa, thiếp biết mình là phận gái, nên không dám dính vào chính sự. Trước là sợ chàng không vui. Sau nữa chốn nghĩ suy cũng có phần hạn hẹp. Có điều chuyện vừa qua thiếp thấy lòng tưng tức - nên muốn vài lời - với người yêu dâáu được chăng"
Tuyên Vương nghe thế, mới ngẩn người ra một chút, rồi vui vẻ nói liền:
- Ta vẫn nhớ ngàn xưa hay nói: Cơm trong miệng dễ nhai. Lời trong miệng khó nói. Nay ta với nàng như cành lá dính chặt với nhau, thì có chi mà ngần với ngại…
Lúc ấy, Thất Nương mới tựa đầu vào vai của Tuyên Vương, mà rót mật vào lòng:
- Chiêu Hề Tuất ở xa ngoài ngàn dặm. Mấy năm trời chưa gặp mặt vợ con. Đã vậy còn ra công khuyển mã làm giàu cho chúa thượng, thì rõ ra lòng Trung đã lắm. Còn Giang Nhất chỉ dùng ví dụ để thay điều muốn nói, thì xét cho cùng. Có tội mẹ gì đâu" Có đáng chi mà phải xử này xử nọ"
Tuyên Vương liền nâng đầu Thất Nương lên, rồi nhìn thật sâu vào mắt, mà cảm khái nói rằng:
- Giang sơn dị cải, bỉnh tính nan di. Diễn nôm ra là: Núi sông còn có thể sửa đổi được. Còn tính người thì dẫu đến trăm năm, cũng tuồng y như vậy. Giả Hủ! Hồi nào tới giờ vẫn thế, thì nàng để ý làm chi cho mất vui giờ sum họp"
Đoạn, chiêu vài ngụm rượu, rồi hát tiếp. Phần Giả Hủ về nhà mà trong bụng không vui, bèn kéo hai chai ra bên hòn non bộ, hầu độc ẩm cho buồn kia vơi bớt, bởi gan ruột rối bù như tựa mớ bòng bong. Như đám dây mơ rễ giăng dồn đống cục, rồi trong lúc đang buồn vương như thế. Chợt nghe giọng oanh vàng thỏ thẻ tận bên tai:
- Thiếp vốn nghe người xưa hay nói: Gia bần tri bất hiếu. Quốc loạn thức trung thần. Diễn nôm ra là: Nhà nghèo mới biết cái hiếu thảo của con. Còn nước loạn mới thấy tôi trung phò chúa. Nay. Gia đình thì no đủ. Đất nước thì bình yên, mà chàng rủ ngang như cây không còn nước. Là cớ làm sao"
Giả Hủ dõi mắt nhìn vào xa vắng, rồi mới chán nản mà nói với vợ rằng:
- Kẻ trí thức bao giờ cũng thấy cái hại xa mà tránh cái lợi gần. Ta tuy không dám nhận mình là trí thức, nhưng cũng phân biệt được cái nào… đụng cái nào buông. Chớ không như đám tiểu nhân thấy lời là chơi đẹp!
Vợ của Giả Hủ thấy chồng sầu khổ, liền sinh lòng thương xót, rồi cất giọng ôn nhu mà nói rằng:
- Chàng là một người chí khí hiên ngang, thì không thể xìu nhanh như thế được. Vậy có gì chàng cứ mình ên lên tiếng, đặng thiếp mở lòng mà san sẻ được chăng"
Giả Hủ nghe vậy, bèn đem mọi chuyện ra mà kể. Không bỏ sót một chỗ nào. Kể xong, bèn với tay tu thêm vài hớp rượu, rồi thở hắt ra một cái, mà nói rằng:
- Danh vọng là bước thang mây. Càng lên cao thì càng bị phong ba bão táp. Nghĩ thiệt là đúng lắm!
Lúc ấy, vợ của Giả Hủ mới tỏ phân điều hơn thiệt:
- Chàng muốn cho người người tâm phục, thì không thể dựa vào tiền tài hay quyền thế mà xỏ mũi người ta, nhưng là ở cách cư xử với người cho phải đạo…
Đoạn, lặng đi một chút, rồi nói tiếp rằng:
- Chàng là người sang trọng giàu có, thì chớ nên kiêu sa. Chàng là bậc thông minh, thì đừng nên khinh ngạo. Chàng ăn nói lanh lợi, thì đừng nên dối trá. Đối với người lớn tuổi, thì giữ nghĩa con em. Đối với người bằng vai, thì giữ tình bầu bạn. Đối với người nhỏ dại, thì giữ dạ khoan dung. Trên không thẹn với Trời. Dưới không hổ với Đất. Được như thế thì ai cũng yêu. Ai cũng kính. Há chẳng hơn ư!
Còn bây giờ vì lòng ghen ghét - mà chàng… đâm này đâm nọ - thì trước là tâm hồn chẳng đặng phút bình yên. Sau đẩy người ta vào chỗ chống lại mình. Sống như thế chàng thêm thù bớt bạn, thì hậu vận mai này chàng khó tiên đoán trước, bởi đứa ghét thì nhiều đứa khoái chẳng được bao nhiêu, thì chữ an nguy hẳn chàng luôn thấu rõ…
Giả Hủ nghe thế, mới nhìn vợ thật nhanh, rồi bụng bảo dạ rằng:
- Những tai hại xảy đến cho đời một người, thường là những việc nhỏ nhặt - mà chỉ vì không nhịn nhục nỗi - đành chịu sinh tai biến. Nay vợ ta nói lời không phải, mà ta lại xáp dzô, thì có khác chi cong môi thổi tắt ngọn đèn… điện. Chi bằng cứ im ru cho thuyền xuôi qua bến. Vẫn hơn là nói nọ nói kia, rồi ảnh hưởng đến trăm năm mới là chết mẹ…
Đoạn, tu thêm vài hớp rượu, rồi gục đầu xuống tay, mà… ngủ!

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.