Hôm nay,  

Sức Mạnh Có Lý

24/04/200300:00:00(Xem: 4690)
Sau Iraq, phải chăng mục tiêu kế tiếp của quân đội Mỹ sẽ là Syria" Câu hỏi này được nêu ra trước khi chế độ Saddam Hussein sụp đổ bởi vì ngay từ đầu tháng 4 khi trận chiến Iraq còn tiếp diễn, Bộ trưởng Quốc phòng Rumsfeld, rồi đến Ngoai trưởng Powell và cả Tổng Thống Bush đã lên tiếng cảnh cáo nghiêm khắc Syria. Khi Mỹ đóng quân ở Iraq, người ta thấy ngay một lợi thế rõ rệt đối với hai nước bên cạnh là Syria và Iran. Syria bị kẹt giữa hai gọng kìm của sức mạnh vũ lực: một bên là quân đội Mỹ đóng ở Iraq và một bên là quân đội Israel phía Địa Trung Hải. Iran cũng gặp cảnh tương tự: cạnh phía Tây là quân Mỹ ở Iraq và cạnh phía Đông có quân Mỹ ở Afghanistan. Lợi thế này khiến người ta nghĩ đến sự sụp đổ của những quân bài domino, và nếu Mỹ thừa thắng xông lên tất nhiên tình hình Trung Đông sẽ thay đổi hẳn và lịch sử thế giới sẽ đi vào một bước ngoặt.
Tuy nhiên đây chỉ là một lợi thế chiến thuật, còn vấn đề chiến lược lại khác. Việc Tổng Thống Bush yêu cầu Ngoại trưởng Powell đến thăm thủ đô Damacus của Syria đã cho thấy Mỹ có thể không cần phải dùng sức mạnh vũ lực đối với nước này. Người cầm đầu chế độ Syria hiện nay là Tổng Thống Bashar Assad, con trai thứ của Tổng Thống Hafez Assad, một nhà độc tài khét tiếng đã cai trị Syria trong suốt 30 năm cho đến khi chết vì bệnh năm 2000. Bashar thực ra cũng không phải là người được chuẩn bị để lên nối ngôi độc tài của cha, vì ông đã được cho đi học bên Anh quốc để trở thành một bác sĩ. Nhưng năm 1994, người anh cả của ông là Basil Assad đã tử nạn xe hơi, việc kế vị đến tay Bashar từ đầu năm 2001. Từ đó Bashar một mặt phải dựa vào đảng Baath độc quyền ở Syria nhưng một mặt cũng cố gắng dần dần cải thiện một chế độ khắc nghiệt do cha để lại.
Mấy tháng trước, Syria có mặt trong Hội đồng Bảo an LHQ đã biểu quyết chống việc dùng vũ lực ở Iraq. Mỹ không quên chuyện đó, và gần đây Mỹ đã cảnh cáo Syria không được chứa chấp những lãnh tụ của chế độ Saddam Hussein hay những vũ khí giết người hàng loạt. Từ lâu Mỹ vẫn nghi kỵ Syria hậu thuẫn cho khủng bố. Trên thực tế những sự cảnh cáo này chỉ là một cách xiết gọng kìm về ngoại giao. Sau khi chế độ Saddam bị lật đổ, Bashar và đảng Baath đã dịu giọng rất nhiều, đến độ đóng cửa biên giới với Iraq để không cho những tay cầm đầu chế độ Saddam lọt vào trong nước. Trước khi có chiến tranh Iraq, chế độ Syria đã hợp tác với Mỹ lùng bắt những nghi can al-Qaida để Mỹ thẩm vấn. Hiện nay chiến lược của Mỹ có vẻ không cần phải dùng quân đội lật đổ chế độ Bashar Assad mà chỉ dùng các đòn áp lực từ từ xiết, để chế độ này phải "diễn biến hòa bình" lột xác thành một chế độ dân chủ thân Tây phương. Kinh nghiệm Afghanistan năm ngoái và Iraq hiện nay cho thấy để cho một chế độ tự thay đổi đỡ phức tạp hơn việc lật đổ bằng chiến tranh. Nói cách khác Mỹ có thể giúp một người như Bashar thoát khỏi vòng kiềm chế của đảng Baath chủ trương độc tài đảng trị.

Đó chỉ là chuyện đường dài. Nhưng ngay lúc này Mỹ cần có sự tiếp tay của Syria trong một vấn đề đang nóng hổi: hòa bình Palestine. Từ năm 1979, Syria đã bị Mỹ lên án tiếp tay cho khủng bố trong cuộc chiến Do thái-Ả rập. Syria là nước đỡ đầu cho du kích Hezbollah hoạt động ở Lebanon chống Israel và chống Mỹ, đồng thời vẫn tiếp tế cho hai tổ chức Thánh chiến của người Palestine là Hamas và Islamic Jihad, chuyên đánh bom tự sát giết hại người Do thái. Khi có tin Damascus hân hoan mở rộng cửa nghênh đón ông Powell, người ta thấy một chuyện đang bị kẹt ở Palestine được giải tỏa. Đó là việc Chủ tịch Yasser Arafat của Palestine đã giải quyết được những bất đồng với Thủ tướng được chỉ định là Mahmoud Abbas để ông này thành lập chính phủ mới. Mỹ chỉ đồng ý tiến hành "lộ trình hòa bình" khi Palestine có chính phủ để chấm dứt sự cầm đầu độc đoán và bất lực của Arafat. Và cuối lộ trình này, với sự giúp đỡ của Mỹ, người Palestine sẽ có một quốc gia độc lập để chung sống hòa bình với Israel.
Một số những nhân vật trong chính quyền Arafat trước đây đã phải nhìn nhận con đường bạo lực đánh giết thường dân Do thái có thể là một lựa chọn sai lầm và chính Arafat cũng đã nhiều lần công khai lên án các vụ đánh bom tự sát của các nhóm Palestine cực đoan. Nếu bây giờ Syria dùng ảnh hưởng của mình đối các phe bạo lực ở Palestine với hy vọng lấy lại Cao nguyên Golan đã bị mất vào tay Israel từ cuộc chiến năm 1967, chúng tôi nghĩ một cuộc xung đột dai dẳng và đẫm máu nhất thế giới sẽ được giải quyết êm đẹp. Khi dùng bạo lực chống bạo lực, lẽ phải vẫn ở trong tay kẻ mạnh hơn. Sau vụ khủng bố 9-11, chúng tôi đã từng viết: Sai lầm lớn nhất của Osama bin Laden là đã đánh thẳng vào nước Mỹ bằng một đòn quá dã man, mất hẳn tính người. Ông ta đã làm hại chính nghĩa của những người Hồi giáo Ả rập ở Trung Đông.
Không ai nghĩ Mỹ có thể mở một mặt trận thứ hai ở Syria, bởi vậy chiến lược sức ép ngoại giao với Syria là hợp lý. Hơn nữa, Syria có thể giúp ích cho Mỹ về những vấn đề đang xẩy ra ở miền Nam Iraq. Sau khi chế độ Saddam tan vỡ, hàng ngàn người Hồi giáo Shiite hôm thứ tư đã biểu tình chống Saddam và chống cả Mỹ, nhân một ngày lễ lớn ở Karbala kỷ niệm ngày tuẫn tiết của một người cháu của Tiên tri Mohammed thời xưa. Dưới thời Saddam lễ này bị cấm vì Saddam và đảng Baath của ông ta là Hồi giáo Sunni. Chế độ Syria tuy là Sunni, nhưng lại thân thiện với những nguời Hồi giáo Shiite ở Iraq, chịu ảnh hưởng của Iran. Syria cũng là nước có bang giao tốt với Iran, khác với Iraq thời Saddam đã đánh nhau với Iran trong 10 năm. Hai mục tiêu khác của Mỹ là Iran và Bắc Hàn. Sức mạnh chỉ có lý khi sử dụng đúng thời đúng thế. Nhưng thời thế không phải lúc nào cũng có mà còn tùy từng hoàn cảnh.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.