Hôm nay,  

Đường Lên Thiên Thai

04/12/200100:00:00(Xem: 4267)
Các ông Cộng sản Việt Nam đang chuẩn bị lên đuờng đến...WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới). Tuần trước, một ngày sau khi Quốc Hội Hà Nội biểu quyết chấp thuận thương ước ký với Mỹ, người ta đã thấy ông Mike Moore, Tổng giám đốc WTO có mặt tại Hà nội để hối thúc các ông lãnh đạo Cộng sản chuẩn bị hành trang lên đường. Sự thật chẳng cần hối thúc, Hà Nội cũng muốn làm cho lẹ vì một trong những mục tiêu then chốt của việc ký kết thương ước với Mỹ là tiến vào ngồi ở WTO. Đây là đỉnh cao của giao thương và mậu dịch thế giới đã có nhiều nước có mặt, và riêng đối với Việt Nam đó là chốn Thiên Thai để hội nhập kinh tế toàn cầu sau khi các ông Cộng sản cầm quyền bứt đi khỏi cái kinh tế xã hội chủ nghĩa đã làm cả nước suýt chết đói.

Đường lên động Thiên Thai đã có, nhưng đối với Việt Nam con đường lại không có vẻ dễ dàng chút nào. Việc chấp nhận cho vào WTO là tùy ở các nước hội viên. Vẫn biết các nước hội viên WTO làm việc theo nguyên tắc đồng thuận, nhưng các nền kinh tế mạnh là những tiếng nói có ưu thế để quyết định. Cửa ải khó khăn nhất là Mỹ, Hà Nội đã chui lọt với việc chấp thuận thương ước và có lời hứa Mỹ sẽ ủng hộ Việt Nam vào WTO. Nhưng với tất cả những nền kinh tế khác, Việt Nam vẫn phải thương lượng. Khi đến Hà Nội ông Moore đã đem theo "nhiều ngàn câu hỏi" của các nước hội viên WTO, để Hà Nội giải đáp làm căn bản cho những cuộc điều đình đó. Các nước hội viên WTO cần tra cứu cái gì mà hỏi nhiều như vậy" Sự thật cũng chẳng có gì đặc biệt, tất cả chỉ nằm trong những lãnh vực rất thông thường của giao thương quốc tế, như khả năng chấp hành luật lệ, luật pháp ràng buộc thương mại ra sao và việc áp dụng những luật đó như thế nào, tóm lại đó là những biểu hiệu của một nền kinh tế làm ăn ngay thẳng, không mập mờ đánh lận con đen, trong suốt để ai cũng nhìn thấy rõ ràng. Đối với bất cứ nền kinh tế thị trường nào, sự trả lời đã nằm sẵn trong các tài liệu và văn kiện pháp lý nước đó, chỉ có việc trao cho Tổng giám đốc WTO là có thể khởi sự thương thuyết. Nhưng Hà Nội lại không có gì sẵn sàng, nên hẹn đến cuối năm sẽ trao những tài liệu đó. Trước khi đến Việt Nam, ông Moore đã đến Phnom Penh với cùng một sứ mạng, vì Cam Bốt cũng là nước đang xin gia nhập WTO. Nhưng ở Phnom Penh ông Moore đã hoàn tất sứ mạng dễ dàng, ông đã được cung cấp ngay những tài liệu cần thiết trước khi lên đường qua Hà Nội.

Tại sao các ông Hà Nội lại ấp úng khổ sở như vậy" Lý do rất dễ hiểu. Việt Nam tuy đã "đổi mới" kinh tế những vẫn mang nặng một cái nghiệp của quá khứ. Đó là những tàn dư của chế độ kinh tế cộng sản, nó vẫn bám chặt dai như đỉa đói, cản trở mọi cải cách thực sự thành một nền kinh tế thích hợp, hội nhập kinh tế toàn cầu. Một vấn đề lưu cữu từ lâu và dễ thấy nhất là nạn kinh tế quốc doanh. Mặc dù Hà Nội đã cam kết và làm ra luật nói quốc doanh và tư doanh được đối xử bình đẳng, nhưng khi Đại hội đảng cầm quyền nhất thống chủ trương "quốc doanh chỉ đạo kinh tế quốc dân", con nòng nọc vẫn không thể nào dứt bỏ cái đuôi để trở thành con ếch thực sự. Nạn quốc doanh dây dưa đến nhiều tai họa khác. Về tài chính, nó làm lũng loạn hệ thống ngân hàng. Về mặt kinh tế xã hội, nó đưa đến nạn buôn lậu và tham nhũng, từ đó phát sinh ra những tệ đoan xã hội. Về mặt chính trị, quốc doanh tiêu biểu cho một nước chỉ có đảng quyền là thực, còn pháp quyền là giả. Và khi còn nhãn hiệu này, không một nước nào có thể tín nhiệm mà giao thương với Việt Nam...trừ những nước đã nắm được đàng chuôi, nghĩa là đã có những phần chia béo bở dành sẵn trên thị trường trong nước. Giải quyết quốc doanh rất khó và có thể gây rạn nứt nghiêm trọng trong nội bộ đảng cầm quyền, vì nó va chạm đến những miếng gan miếng tiết của những kẻ có thế lực trong bóng tối.

Vậy bao giờ Việt Nam có thể gia nhập WTO" Nếu đến cuối năm nay, các tài liệu được trao cho Tổng giám đốc Moore như đã hứa, ít nhất cũng phải mất đến 2 năm Việt Nam mới có thể ngồi vào tổ chức quốc tế này. Xem như Trung Quốc đã vận động tranh đấu từ 15 năm qua, mãi đến nay mới sắp được vào, vì còn phải chờ đến phiên họp bộ trường WTO vào tháng 12 mới được chính thức đón nhận. Trung Quốc phải mất nhiều thời giờ như vậy là vì mắc míu nhiều chuyện với Mỹ, nhất là vụ Thiên an môn đã làm trì trệ rất nhiều tiến trình này. Việt Nam có thể mau lẹ hơn, nhưng các nhà phân tích tình hình Việt Nam đã biết rõ tiến trình tạo quyết định của Hà Nội chậm như rùa bò, nên vẫn thấy nhiều nghi vấn về thời hạn 2 năm.

Mặt khác Việt Nam gặp những điểm bất lợi về tình hình thế giới. Trong các cuộc thương thuyết giao thương với nước khác, Việt Nam thường lấy cớ kinh tế yếu kém, xin được hưởng những nhân nhượng để có cơ hội phát triển. Nhưng lúc này kinh tế thế giới suy giảm và ở Á châu chỉ có hai nền kinh tế có tỷ lệ tăng trưởng mạnh nhất là Trung Quốc, thứ nhì là Việt Nam. Bởi vậy sự vòi vĩnh để xin có thêm thời gian giải quyết chuyện nội bộ là không thể có. Hà Nội vẫn lớn tiếng "chống can thiệp chuyện nội bộ", nhưng bây giờ kinh tế toàn cầu đòi hỏi những thay đổi lớn về kinh tế tài chính và thị trường, lại không dám ho he mà chỉ thấy cúi đầu tuân theo răm rắp. Bởi vì nếu không mau mau vào WTO thì kinh tế chỉ có dậm chân tại chỗ mà chết dần vào những năm tới khi tình kinh tế thế giới hồi phục.

Dù sao, sớm muộn Việt Nam cũng vào WTO. Chỉ có một lời khuyên: đã vào rồi chớ có ra. Đừng giống như anh chàng Tư Thức, vào động tiên rồi lại đòi về trần tục. Vì muốn về tìm lại cái chế độ kinh tế cộng sản muốn cũng không thấy. Nó đã biến vào một góc tối của lịch sử nhân loại từ lâu rồi.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.