Hôm nay,  

Trái Duyên Khôn Ép

08/03/200400:00:00(Xem: 4856)
Cố Sinh, người huyện Kim Lăng, có nhiều nghề tay trái, nhưng thiếu nghề tay phải, nên quanh năm đói kém chẳng biết no là gì. Đã vậy lại có mẹ già nay bịnh mai đau nên càng thêm túng bấn, sống cảnh khó khăn, đến tuổi hai mươi lăm mà vẫn phòng không chiếc bóng. Thời may có người hàng xóm họ Dương hiểu được điều nhân nghĩa, nên gọi Sinh đến mà nói rằng:
- Cổng nhà ta ở đường cái nên có nhiều người qua lại. Ngươi sang đó viết thuê vẽ mướn mà tìm kế sinh nhai, rồi gom góp chút kim ngân mà lo chạy chữa thuốc thang cho mẹ già trong cơn đau yếu. Chớ ngươi cứ làm thuê chỗ này sang chỗ nọ, rồi lúc có lúc không, thì chỉ e mạng của mẹ ngươi tắt dần trong sớm tối!
Cố Sinh cúi đầu lạy tạ, rồi nhỏ nhẹ thưa:
- Một con ngựa đau cả tàu ăn… thêm cỏ. Câu nói đó hổng phải bao giờ cũng đúng! Nay ông có lòng nghĩ đến mẹ con tôi, thì ân nghĩa ấy ắt có ngày báo đáp.
Họ Dương vội chạy đến gần bên, rồi khẳng khái nói rằng:
- Giúp người mà mong người trả ơn, thì giúp ấy chẳng ăn thua gì hết cả. Ta giúp ngươi thực ra là không phải giúp ngươi, mà là giúp ta tập mở lượng bao dung với người khốn khó. Nếu không có những người như ngươi vậy, thì… hỉ xả chừng nào mới phát triển được đây"
Ở trước nhà Cố Sinh có căn nhà đang bỏ trống, bỗng có một bà cụ với một người con gái còn ít tuổi đến thuê nhà. Vì nhà ấy không có đàn ông nên Sinh chưa hỏi tên tuổi gì hết cả. Một hôm đi làm về, Sinh thấy cô gái từ trong phòng mẹ đi ra, dịu dàng thanh lịch, mà tuổi ước độ ngoài hai mươi chút xíu, bèn hớn hở xấn dzô định buông lời ong bướm, nhưng cô gái lạnh lùng đi thẳng, vẻ mặt nghiêm trang, khiến Sinh như bánh tráng trời mưa mà não lòng trong dạ, bèn chạy vào phòng mẹ, bực bội hỏi rằng:
- Cô gái đó con cái nhà ai, mà làm như cõi thế ni chỉ có mình ên là… con gái"
Bà mẹ mĩm cười, đáp:
- Đấy là cô gái ở thuê trước mặt nhà, đến hỏi mượn ta kéo thước để về may màn may gối. Người ta gia đình lễ nghĩa. Hết mực gia phong, thì dẫu có ở thuê cũng vẫn giữ lấy lề lấy lối. Đó là chưa nói mới gặp con lần đầu, thì phận nữ nhi lại càng phải giữ cho khỏi mang điều mang tiếng. Con không biết lấy đó làm điều kính trọng - mà lại tỏ lòng tức bực với người ta - thì phận nam nhi con chưa tròn đó vậy!
Cố Sinh mát cả tấm lòng, bèn tươi cười hỏi tới:
- Người ta nói ba người đàn bà họp lại sẽ thành cái chợ. Chẳng lẽ mẹ và cô ấy chỉ nói toàn chuyện… kéo thước đặng hay sao"
Bà mẹ co tay lại đánh vào đầu con cái "bốp", rồi lẹ miệng nói rằng:
- Cả đời con. Tránh đâu cho khỏi người đàn bà, thì phải tập chịu đựng cho quen, để mốt nọ mai kia bớt đi điều bất trắc. Hai mẹ con cô ấy không phải là người nghèo, nhưng còn mẹ già đang nuôi dưỡng, nên chưa nhận lời ai, thành ra bóng chiếc đơn chăn cũng là điều dễ hiểu.
Cố Sinh rạng rỡ cả mặt mày. Mắt lộ tinh anh, khiến bà mẹ dẫu mang bệnh nan y cũng nhìn ra được, liền gấp gáp hỏi rằng:
- Mày có thích không thì bảo, để tao tiện đường lo liệu. Chớ lỡ thằng khác rinh mất, thì hối cả đời cũng chẳng canh cải được gì đâu!
Cố Sinh lắp bắp đáp:
- Được như vậy, thì dẫu phải lội suối trèo non, con cũng… phây phây chớ chẳng ăn thua gì hết cả.
Bà mẹ mới ngẫm nghĩ một chút, rồi mạnh dạn nói rằng:
- Ngày mai ta sang chào mẹ của cô ấy, nhân tiện đánh tiếng xem ý họ thế nào" Nếu mà họ không màng gì đến… bằng cấp công danh. Không lấy của cải làm điều khinh trọng, thì ta sẽ hết sức hỏi làm vợ cho mày. Cầm bằng như đã có nơi có chốn. Có chỗ tựa nương, thì từ nay đừng hòng… mượn kéo thước làm chi nữa!
Hôm sau, mẹ của Cố Sinh đi sang nhà ấy, thì thấy trong nhà sống đời đạm bạc, không chuộng cao sang, nên mối lo vút cao đã bay gần phân nữa, khiến sự chưa quen bỗng biến thành thân thuộc, rồi trong lúc tươi vui ngập tràn trong tâm trí, mới thở cái phào mà nói tựa như ri:
- Nhất ẩm nhất trác giai do tiền định. Nay hai nhà ta đối mặt thế này, thì chữ duyên xưa chắc ăn là phải có!
Rồi không đợi bên kia kịp phản ứng gì, mẹ của Cố Sinh lại lẹ làng dzớt tiếp:
- Chị có con gái, tôi có con trai. Chị ở vậy nuôi con, tôi cũng dặn lòng không thèm thêm bước nữa. Nay chị trong người không được khỏe, tôi cũng chẳng gì hơn. Sao hổng tính luôn cho xong phần trách nhiệm"
Bà kia đáp: “ Dựng vợ gả chồng là chuyện hệ trọng, mà không hỏi ý con, thì tự hậu trước sau vẫn có gì không phải!”
Đoạn, lớn tiếng gọi con lên, rồi thủng thẳng giải phân điều hơn thiệt:
- Từ trước đến nay ai mà không chết, nhưng chết đi cần phải để lại danh tiếng cho đời sau. Nay ta thấy trong người mỏi mệt, lại lắm khi như ngọn đèn đong đưa trước gió, nên lòng bỗng nặng lo, bởi con thơ vẫn ngày đêm gối chiếc. Chưa chỗ tựa nương, thì tự thâm tâm khó an bình cho được…
Rồi thở ra một tiếng. Nắm lấy tay con, tha thiết nói:
- Con cam lòng ở vậy để vuông tròn chữ Hiếu. Mẹ hết dạ cám ơn, nhưng nghĩ lúc thanh xuân không còn nơi con nữa, thì lòng mẹ đớn đau không bút mực nào tả được. Nay có Cố Sinh là người sinh trưởng ở xứ này, lại chí thú mần ăn, thì… xáp lại với nhau hông chừng khấm khá. Thôi thì sẵn mẹ của Cố Sinh đang ngồi đây hiện diện, ba mặt một lời. Con có thể tỏ bày tâm ý được hay chăng"

Cô gái dịu dàng đáp:
- Con nghĩ mẹ tuổi già sức yếu, không thể tự lo, thì sao lại bỏ mẹ mà vui mừng duyên mới" Vả lại, việc trăm năm không thể làm ào như vậy được, mà cần phải để lâu ngày xét dò cho kỹ. Phân tỏ được thua, thì mới mong ở tương lai không vương điều hối hận!
Đoạn, lạy tạ mà lui gót. Bà mẹ thấy vậy, mới nói với mẹ Cố Sinh rằng:
- Sanh con há dễ sanh lòng. Tôi thì muốn, Tiểu Thúy thì chưa, nên chuyện trăm năm xem như là hổng có!
Bà mẹ Sinh ra về mà nghe lòng trĩu nặng, bèn gọi Cố Sinh đến, mà buồn bã nói rằng:
- Hai gò má không cao, cổ không đầy ba ngấn, giọng nói lại nhỏ nhẹ thanh tao, dáng đi thì dịu dàng uyển chuyển. Mẹ dẫu không phải là thầy bói, nhưng cũng hiểu đó là tướng vượng phu, nên muốn dzớt cho con đặng ấm êm tình chăn chiếu. Đã vậy lại hết lòng phụng dưỡng, đến độ quên cả phấn son, thì cõi thế ni khó lòng mong kiếm được…
Rồi dõi mắt nhìn trời hiu quạnh, mà nghe nỗi trống vắng tràn ngập trong lòng. Mãi một lúc sau mới nhìn vào mắt con, đau đớn nói:
- Có lẽ Tiểu Thúy thấy nhà mình không mua nổi hột xoàn, nên lắc đầu hổng chịu. Chớ chẳng lẽ gì, mà chê bỏ đặng hay sao"
Rồi gục đầu xuống mà thở. Cố Sinh thấy vậy, sợ nỗi buồn ảnh hưởng đến cơ tim, bèn ráng tươi mà nói này nói nọ:
- Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng. Con với Tiểu Thúy mà không trúng nợ duyên, thì rõ ra kiếp trước chẳng dính gì nhau hết cả. Chớ chẳng phải vì mình nghèo sát đất, hoặc hộ đối không đều theo ý của người ta, thì cần chi phải xót xa cho nát lòng nát dạ…
Phần mẹ của Tiểu Thúy, khi thấy khách đã về rồi, bèn vội vàng đóng cửa cài then, rồi tiện tay kéo Tiểu Thúy ngồi ngay trước mặt, mà bảo rằng:
- Cố Sinh tuy làm thuê viết mướn, nhưng tay dài quá gối, lại thêm khuôn mặt chữ điền, thì hậu vận mai sau khó lòng tiên đoán được. Sao con lại bỏ đi"
Tiểu Thúy mĩm cười đáp:
- Lấy chồng sớm thì khổ sớm. Chẳng lợi ích gì, mà mẹ phải nặng lo, để… chân khí tiêu hao làm sao mà cứu được"
Mẹ của Tiểu Thúy lắc đầu mấy cái, rồi chậm rãi nói rằng:
- Có những cái khổ mà người ta mong cầu để có, đến độ không có không mần răng chịu được. Nay con có người đi hỏi cưới, mà lắc lịa lắc lia, thì e hết xuân xanh vẫn còn đang chiếc bóng!
Một hôm Cố Sinh đi câu về, bà mẹ gọi đến, bảo:
- Vừa rồi Tiểu Thúy sang vay gạo, nói là đã hai ngày chưa thấy bóng hột cơm, thì con phải mang qua cho người ta mượn.
Sinh vội vàng vào xúc gạo, rồi hớn hở mang qua. Vừa đi vừa nói:
- Van vái Bụt Thần cho Tiểu Thúy thiếu gạo dài dài, để con được đem qua, thì chữ nợ duyên ắt lâu ngày cũng tới!
Từ đó, Tiểu Thúy thường sang nhà Cố Sinh, thấy mẹ Sinh may áo khâu giày cũng nhào lăn vô giúp, mà không than thở một câu. Sinh thấy vậy, càng quyết tâm lấy Tiểu Thúy cho bằng được, nhưng chưa biết làm sao, nên cứ xôn xao như gà đi kiếm ổ. Ngày nọ, mẹ Sinh bị một cái nhọt ở gan bàn chân. Mới đầu thì nhỏ, sau sưng tấy lên không làm sao đi được. Đã vậy lại đau buốt tận xương, khiến Sinh hết đỗi lo âu mà nhủ thầm trong dạ:
- Tử vi nói mẹ ta phải thọ quá sáu mươi mới giã từ con cháu. Nay chưa đặng tới ngày. Lẽ nào lại đứt bóng được hay sao"
Bèn lẹ làng chạy qua nhờ Tiểu Thúy. Tiểu Thúy liền đến bên giường thăm hỏi, rồi rửa ráy bôi thuốc một ngày ba bốn lần. Mẹ Sinh áy náy không yên, nhưng Tiểu Thúy không ngại lây lan gì hết cả. Đã vậy cố sức mà làm, lại vái van cho bà sớm bình phục, khiến mẹ Sinh cảm động không biết bao nhiêu mà nói, nên nhân lúc Tiểu Thúy đang ngồi bên cạnh, mới nắm chặt tay nàng mà thố lộ tâm can:
- Ôi! Nếu ta có được một người con dâu như con hầu hạ, thì dầu có thác, cũng mát cả toàn thân. Chớ nhất quyết không vấn vương gì nữa cả!
Đoạn thổn thức không làm sao… thắng được. Tiểu Thúy thấy vậy, mới an ủi rằng:
- Cậu ấy có hiếu lắm. Đã vậy cảnh nhà bác còn hơn cảnh mẹ góa con côi của cháu gấp trăm lần, thì còn bận tâm làm chi nữa - kẻo phủ tạng bị thương - thì dẫu Biển Thước tái sinh cũng không làm hơn được!
Mẹ của Sinh kéo vạt áo lên. Vừa khóc vừa nói:
- Công việc lặt vặt ở đầu giường. Há con hiền mà làm được hay sao"
Rồi khóc như mưa như bão, khiến Tiểu Thúy ngồi đồng chịu trận. Chưa biết tính sao, chợt nghe mẹ của Sinh nghẹn ngào nói tiếp:
- Bác sắp về cõi lạnh, mà chưa có cháu ẳm bồng, thì dẫu ở suối sâu, cũng khó lòng cho hồn yên tâm đứng!
Kịp lúc Cố Sinh đi vào, bà mẹ khóc mà bảo:
- Mẹ chịu ơn của Tiểu Thúy nhiều lắm. Con chẳng đặng quên, mà phải lo ngày sau báo đáp.
Sinh quỳ xuống lạy. Tiểu Thúy vội vàng chạy đến đỡ lên, rồi dịu dàng nói rằng:
- Cậu kính trọng mẹ tôi. Tôi không cảm tạ. Sao cậu lại tạ ơn tôi" Hóa ra tôi là người thiếu đi phần lễ giáo"
Sinh nghe vậy không dám nói thêm gì nữa cả. Chỉ đưa mắt nhìn Tiểu Thúy, mà tự nhủ thầm:
- Ta mà cưới được Tiểu Thúy về làm vợ, thì dẫu mẹ có hết bệnh nan y, cũng khó bề so sánh!

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.