Hôm nay,  

Những Người Thích Có Đuôi

27/01/200100:00:00(Xem: 4813)

Những ông cầm đầu đảng Cộng sản ở Hà Nội đều là những người thích có đuôi. Chẳng hạn khi các ông đổi mới theo kinh tế thị trường, các ông lại thòng cho nó một cái đuôi hùng hồn là “định hướng xã hội chủ nghĩa”. Thật ra chuyện có đuôi cũng không phải là chuyện lạ với loài người. Vấn đề chỉ là cái đuôi đó là đuôi gì, vì loài người khác loài vật. Loài vật chỉ có một cái đuôi bẩm sinh tự nhiên, đuôi mèo, đuôi chuột hay đuôi khỉ cũng chỉ là một thứ đuôi. Còn loài người, Trời không cho có đuôi nên tự tạo thành những cái đuôi khác nhau.
Ở bên Phương Tây, dân quý tộc thời xưa mặc áo “đuôi tôm” trong các dịp lễ lạt nhất là trong các lễ nghi thời vua chúa, “đuôi tôm” là triều phục bắt buộc. Đó là những cái đuôi trang sức bề ngoài, cởi ra mấy hồi. Nhưng có những cái đuôi dứt đi không được, dù nói nhăng nói cuội nó vẫn dính tòng teng. Chẳng hạn về dân chủ, người ta vẫn thích gắn cho nó một cái đuôi là “dân chủ... tập trung”. Dân chủ là dân chủ, gắn đuôi vào, dân chủ chỉ là dân chủ giả hiệu chớ không phải dân chủ thứ thiệt. Nhưng kỹ thuật đeo đuôi này cũng đa dạng tùy theo nhu cầu.
Thí dụ cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa” là cái đuôi lớn, người ta muốn trườn ra trước thiên hạ để chữa thẹn hoặc để ru ngủ cả bầy. Khi đi theo kinh tế thị trường là đã biết phải biến thành người để mà sống, nhưng vẫn thích đeo đuôi để chứng tỏ dù đi theo cái gì, cốt khỉ vẫn hoàn cốt khỉ. Và cái đuôi cũng để an ủi bầu đoàn rằng ta vẫn còn nguyên cốt khỉ chớ không mất đâu mà sợ. Loài khỉ đột không đuôi nên cũng thích đeo đuôi là vì vậy.
Thế nhưng lại có những cái đuôi nhỏ hơn, nguời ta lại muốn giấu kỹ sợ có người nhìn thấy thì kẹt. Nhưng giấu sao thì giấu, trước sau nó vẫn lộ ra ngoài. Dân gian Việt Nam đã có thành ngữ “lòi đuôi chuột”, lấy trường hợp điển hình loài chuột nhắt gậm nhấm nên thích ẩn núp để khỏi có ai phát hiện. Khổ nỗi, lẩn lút dù kỹ thế nào, cái đuôi vẫn lòi ra ngoài. Đầu tuần trước Ban Chấp hành Trung ương đảng CSVN kết thúc khóa họp 10 ngày, ông Chủ nhiệm ban Văn hóa-Tư tưởng đảng ra họp báo công khai, khoe Trung ương đã quyết định trẻ trung hóa hàng ngũ lãnh đạo, nên từ nay ủy viên nào quá 65 tuổi là phải rút lui.
“Trẻ trung hóa” là khẩu hiệu người ta đã tụng niệm từ lâu, nhưng không thấy thi hành bởi vì nó không có mẫu mực rõ rệt thế nào là trẻ, thế nào là già. Nay có sự ấn định rõ trên tuổi 65 là già nên con đường “trẻ trung hóa” đã rộng mở. Nhưng cũng đừng vội mừng. Bởi vì trẻ trung hóa cũng được gắn một cái đuôi mờ mờ ẩn hiện để tùy nghi ứng biến. Trên 65 tuổi bị cho về hưu...”ngoại trừ những người giữ những chức vụ then chốt”. Nghĩa là những ông nào quan trọng cấp cao đều thoát khỏi định luật lão hóa 65 tuổi của đảng. Cái đuôi này đã chối bỏ cái thân đi trước của nó là “trẻ trung hóa”.

Về chức vụ then chốt, phải kể trước hết 19 người trong bộ chính trị, nhất là 5 người trong ban thường vụ, bên ngoài gọi là “siêu chính trị bộ”. Đứng đầu là bộ ba Tổng bí thư đảng, Chủ tịch Nhà nước và Thủ tướng chính phủ. Trong đảng, phe giáo điều cứng rắn được gọi là phe “bảo thủ già nua” vẫn nắm những chức vụ then chốt trong ban Bí thư, Quân ủy hội và các ban trong Trung ương đảng. Nếu những anh già này thoát nạn lão hóa, câu chuyện “trẻ trung hóa” rút cuộc chỉ là chuyện nói cho vui, hoặc cái cớ để loại những người có óc cấp tiến hay không thuộc phe cánh.
Trong Khoa học Chính trị, một chuyện quan trọng là vấn đề chuyển tiếp quyền hành. Chế độ dân chủ mạnh và tồn tại vì sự chuyển tiếp quyền hành đều do luật định, khác với chế độ phong kiến thời xưa theo lệ “cha truyền con nối”. Đó là “lệ Hoàng tộc” của một triều đại, con vua lại làm vua, trừ phi triều đại bị lật đổ. Thời nay, ngay cả các nước quân chủ, vua cũng chỉ làm biểu tượng quốc gia, còn chính quyền thực sự vẫn được dân bầu và chuyển tiếp theo hiến định, gọi là quân chủ lập hiến. Đó là dân chủ, có luật định có pháp quyền là tối thượng, bởi thế chế độ quân chủ lập hiến còn. Việt Nam ngày nay là nước Cộng Hòa có Hiến Pháp nhưng Hiến pháp này lại trao cho một đảng duy nhất được toàn quyền cai trị nên nước không có pháp quyền mà chỉ có đảng quyền. Thành ra sự chuyển tiếp quyền hành không theo phép nước mà theo lệ đảng, không khác gì “lệ vua” thời phong kiến.
Cương lĩnh đảng Cộng sản Việt Nam, cơ cấu tổ chức đảng và “lệ” tổ chức đại hội đảng đã tạo ra một chiều hướng duy nhất, chắc nịch, không suy suyển mảy may cho sự chuyển tiếp quyền đảng và quyền cai trị đất nước. Cứ 5 năm một lần, thế hệ giáo điều Mác-xít phải nối tiếp thế hệ giáo điều Mác-xít. Mấu chốt của sự nối tiếp này là ban Chấp hành Trung ương đảng. Nó là “thủ truyền thủ nối”. Ban Chấp hành trung ương do đại hội đảng kỳ trước “bầu” ra, nay lại chính ban Chấp hành trung ương này dọn đường “bầu” ra ban Chấp hành trung ương nối dõi. Con đường chuyển tiếp theo tuyến tính độc nhất không xê xích vào đâu được. Nó là chính thống của những kẻ già lão xơ cứng “bảo thủ giáo điều Mác-xít”.
Đảng đề cao “trẻ trung hóa” là muốn tạo ấn tượng cho người bên ngoài thấy đảng trẻ mãi không già, nhưng cái đuôi thòng lọng của nó lại tòi ra. Câu chuyện “trẻ trung hóa” làm tôi nhớ đến câu nói của dân ta “Rắn già rắn lột”. Con rắn tuy có da nhưng vẫn tự mọc một bộ da khác ở phía dưới, rồi đến thời điểm nào đó, nó tự thoát ra khỏi cái da cũ đã khô héo và vô dụng thay thế bằng lớp da mới đã sẵn sàng. Con rắn ở Hà Nội, cái đầu già lão không chui lọt thì làm sao lột được cả cái đuôi"

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.