Hôm nay,  

Hoàng Minh Chính: Về Sửa Đổi Hiến Pháp 1992

05/10/200100:00:00(Xem: 3754)
* Việc sửa đổi HP năm 1992 ảnh hưởng trực tiếp đến toàn xã hội, là vấn đề trọng đại của đất nước. Tuy đã có nhiều ý kiến rất có giá trị và tâm huyết góp với việc Sửa đổi HP 1992 nhưng không được Uỷ ban dự thảo cho đăng trên báo chí để đại chúng bàn luận, UB dự thảo chỉ cho đăng trên báo chí những ý kiến lọt tai mình thôi . Như vậy là trái với tiêu chí mà UB dự thảo đã đưa ra là: "Phải bảo đảm dân chủ, huy động cao nhất trí tuệ của nhân dân,... bảo đảm phản ánh kịp thời, trung thực ý kiến của nhân dân...", đó chẳng khác gì treo đầu dê bán thịt chó, là lừa dối nhân dân, làm cho qua quýt để rồi đưa ra thông qua theo ý muốn đã định trước mà thôi . Tiếp nối anh em chủ trương tờ Đối thoại, tiếng nói của nhân dân - là chủ nhân đất nước, Nối kết xin gửi đến các bạn bài viết "Về sửa đổi Hiến pháp 1992" của ông Hoàng Minh Chính mà nội dung cũng vượt khỏi những gợi ý khiên cưỡng mà đảng và nhà nước đã dự kiến và khoanh định cho góp ý với mục đích" xé toang vứt hết những hoa lá giả dối trá để lộ trần ra tất cả xiềng xích gông cùm ẩn nấp bên dưới" những gì Ủy ban dự thảo đã trịnh trọng đưa ra trong những tháng qua .

***
VỀ "SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP 1992"
Hoàng Minh Chính

Báo Nhân dân ngày 16-8-2001 đăng "Kế hoạch lấy ý kiến nhân dân" của "Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992"( Uỷ ban dự thảo). Uỷ ban dự thảo đã trịnh trọng ghi ngay trên đầu Phần I - Mục đích, Yêu cầu: tư tưởng chủ đạo là "Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Hiến pháp là đạo luật cơ bản, có vị trí hết sức quan trọng trong hệ thống pháp luật của Nhà nước. Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến toàn xã hội, là vấn đề trọng đại của đất nước, nên phải được các tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp ý kiến", phải "bảo đảm dân chủ, huy động cao nhất trí tuệ của nhân dân..., bảo đảm phản ánh kịp thời, trung thực ý kiến của nhân dân".
Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng nếu thật tâm lời nói đi đôi với việc làm, theo đúng tư tưởng chủ đạo này thì Uỷ ban dự thảo sẽ hoàn thành tốt đẹp sứ mệnh của mình.
Đáng tiếc rằng đó chỉ là "những bông hoa giấy che phủ sự dối trá, cần phải xé toang vứt hết những hoa lá giả ấy đi để lộ trần ra tất cả xiềng xích gông cùm ẩn nấp bên dưới" (lời C.Mác nói về chế độ nô lệ thời nay). Vậy sự thật là gì"""
Thiết tưởng không cần đào sâu tư duy để chỉ ra sự thật. Sự thật quá lộ liễu ngay trên văn bản của Hiến pháp năm 1992 và văn bản "Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992".
I- Trước hết, điều cực kỳ nghiêm trọng là: hiển hiện công khai trên văn bản sự mâu thuẫn đối kháng giữa 2 tư tưởng cơ bản chủ đạo chi phối toàn bộ nội dung Hiến pháp từ A đến Z dẫn đến sự phản bác lẫn nhau giữa các điều luật cơ bản trong Hiến pháp, đồng thời dẫn đến sự trì trệ và hỗn loạn xã hội nước ta .
Đó là sự đối kháng, một bên là tư tưởng cơ bản "Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân." ( điều 2 của Hiến pháp 1992 và cả của bản Sửa đổi Hiến pháp 1992 ). Về thực chất, tư tưởng này chỉ là cái bình phong cho tư tưởng đối nghịch với nó.
Đối nghịch với tư tưởng cơ bản bình phong kể trên chính là tư tưởng cơ bản chủ đạo khẳng định rằng "Đảng cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội" (được ghi tại điều 4 của Hiến pháp 1992 và giữ nguyên trong bản Sửa đổi Hiến pháp 1992). Chính cái tư tưởng cơ bản chủ đạo này đã phủ quyết sạch trơn cái tư tưởng bình phong "Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân".
Hiến pháp năm 1980, là bản gốc được sao sang cho Hiến pháp năm 1992, tại Lời Nói Đầu đã viết: "Tháng 7-1976, nước ta lấy tên là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam...Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng Cộng Sản Việt Nam (tháng 12/1976) đã đề ra: Nắm vững Chuyên Chính Vô Sản...Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cần có một bản Hiến pháp thể chế hoá đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là Hiến pháp của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong phạm vi cả nước". Và khẳng định "Đảng lãnh đạo,..., Nhà nước quản lý." Do đó, điều 4 của Hiến pháp 1980 qui định "Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội" (do tôi gạch dưới).
Những trích dẫn trên đây quá đủ để minh chứng rằng chỉ cần đối chiếu Hiến pháp 1992 với Hiến pháp năm 1980 là thấy ngay rằng thực chất nội dung của hai Hiến pháp đó giống nhau, với cùng 147 điều ở mỗi Hiến pháp, duy chỉ thay đổi vài cụm từ tại HP 1992 cho uyển chuyển hơn nhằm che bớt đi sự quá lộ liễu tính chuyên chế toàn trị của Đảng.
Những điều nêu trên đủ minh chứng rằng Hiến pháp 1980 và Hiến pháp 1992 là của Đảng cộng sản VN và Nhà nước CHXHCN Việt Nam cũng là của Đảng, chứ tuyệt nhiên không mảy may là "của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân" gì cả.Và thực tế khách quan đời sống xã hội nước ta, trong suốt 40 năm nay nhân dân đều thấy là như vậy .
Vậy là, Đại hội IV của Đảng (tháng 12/1976) đã xoá bỏ các thành quả tự do dân chủ quí giá nhất mà nhân dân ta đã dành được bằng CM tháng Tám và được thể chế hoá trong Hiến pháp đầu tiên của Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa năm 1946. Quốc hội đầu tiên bao gồm các nghị sĩ thuộc các đảng phái từ tả sang hữu, như Đảng Cộng sản, Đảng Dân chủ VN, những Nghị sĩ không đảng phái, Việt Nam quốc dân Đảng và Việt Nam cách mạng đồng minh Hội, là Quốc hội tiêu biểu rộng rãi nhất cho toàn dân tộc. Do đó, Hiến pháp đầu tiên cũng mang tính Dân chủ tự do rộng rãi nhất so với tất cả các bản Hiến pháp sau . Các quyền tự do dân chủ của công dân được ghi thật rõ ràng trọn vẹn không hề có cụm từ thừa nào hàm ý hạn chế về sau . Thí dụ, trong Hiến Pháp năm 1946: "Điều thứ 10 - Công dân Việt Nam có quyền:
- Tự do ngôn luận.
- Tự do xuất bản.
- Tự do tổ chức và hội họp.
- Tự do tín ngưỡng.
- Tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài ."
"Điều thứ 12- Quyền tư hữu tài sản của công dân Việt Nam được bảo đảm."
Những điều luật cơ bản ghi trong Hiến pháp năm 1946 là ngắn gọn thật rõ ràng, không hề có một tính từ hoặc cụm từ nào gắn vào nhằm làm hạn chế hoặc hiểu sai lạc đi .
Lấy một thí dụ điển hình trong Hiến pháp năm 1992 để so sánh sẽ thấy rõ sự khác nhau như đen với trắng. Điều 69 của HP năm 1992 viết: "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ; có quyền được thông tin ; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật."(tôi gạch dưới). Cần chú ý rằng cụm từ "theo quy định của pháp luật" là nhằm sẽ dùng một luật con dưới Hiến pháp, hoặc một Nghị định như Nghị định 31/CP năm 1997 là đủ để vô hiệu hoá các tự do kia đi, như họ đã tuỳ tiện quản chế Ts Hà Sĩ Phu mà bất cần toà án xét sử.
Chính vì như vậy mà các Hiến pháp năm 1980 và năm 1992 là phản lại Hiến pháp năm 1946, là phản dân chủ tự do, là phản lại các quyền lợi sống còn của nhân dân.
II- Điều 146 của HP 1980 và HP 1992 đều ghi như nhau: "Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là luật cơ bản của Nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Mọi vặn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp."
Tuy nhiên, không thiếu những trường hợp luật con cho tới những nghị định của chính phủ đã phớt lờ thậm chí trái ngược với các điều luật cơ bản của Hiến pháp. Tôi chỉ xin dẫn chứng vài thí dụ điển hình. Nghị định 31/ CP năm 1997 tuỳ tiện cho phép các uỷ ban hành chính từ cấp tỉnh tới cấp xã được quyền quản chế, không cần đưa ra toà án xét xử, bất kỳ công dân nào bị nghi ngờ về vấn đề an ninh. Như vậy, Nghị định 31/CP này đã ngang nhiên phủ định Hiến pháp 1992 tại các điều luật 53, 69, 71, 72, v.v... Và chính cái nghị định vi hiến này đã là cơ sở cho UBHC tỉnh Lâm Đồng tuỳ tiện quản chế Tiến sĩ Hà Sĩ Phu suốt 3-4 năm nay bất cần toà án xét xử. Đây chỉ là một trong hàng ngàn vụ bắt bớ giam cầm vi hiến trái pháp luật.
Một thí dụ nữa, vừa mới diễn ra một loạt vụ đàn áp bất chấp Hiến pháp và pháp luật đối với các lão thành cách mạng, cựu chiến binh, trí thức, nhà báo nhà văn liền ngay sau ngày Đại hội IX của Đảng vừa mới kết thúc. Nhà trí thức CCB Vũ Cao Quận ở Hải phòng bị bắt giữ thẩm vấn ác liệt suốt 9 ngày liền, chỉ 2 ngày sau Đại hội đảng. Vậy mà người phát ngôn Bộ NG là Phan Thúy Thanh ngang nhiên trả lời với quốc tế rằng không có chuyện bắt bớ đó. Ông Hoàng Minh Chính bị Sở CA Hà Nội liên tiếp đưa giấy triệu tập nhiều lần tới Sở CA về tội viết bài Góp ý kiến với Đại hội đảng. Tướng Trần Độ bị bắt cóc giữa đường ngày 12/6/ 2001 đưa về đồn CA phường 12, quận Tân Bình, Tp Hồ Chí Minh, rồi tại đây Ông bị tước đoạt 83 trang tập nhật ký của mình và 15 bản photo tập nhật ký ấy . Việc xúc phạm trắng trợn đó gây sốc tới lòng tự trọng làm ông ngã bệnh nặng suốt từ bấy tới nay .
Tại Hà Nội . trong nội ngày 5/9/2001, Sở CA Hà Nội mở chiến dịch quy mô huy động tới vài trăm CA quây ráp bắt giữ trên 20 nhà cách mạng lão thành, cựu chiến binh, trí thức, nhà báo nhà văn để thẩm vấn vội vã xem có liên can gì với "Đơn xin thành lập Hội nhân dân VN ủng hộ Đảng và Nhà nước chống tham nhũng" đề ngày 2/9/2001, do đồng tác giả là nhà báo đại tá Phạm Quế Dương (ở Hà Nội) và nhà văn lão thành không đảng Trần Văn Khuê (ở Tp Hồ Chí Minh) đồng ký kính gửi cấp cao nhà nước.Vụ bắt bớ vô căn cứ, phi pháp và ầm ỹ đó đã gây náo loạn thủ đô Hà Nội suốt gần một tuần lễ. Sở CA đã phải trả tự do cho hầu hết những người bị bắt vì họ không hề có liên can gì tới việc xin phép lập Hội chống tham nhũng nói trên. Duy có nhà văn Trần Văn Khuê là đồng tác giả của tờ Đơn nói trên bị CA Hà Nội trục xuất ngay hôm 5/9 khỏi Hà Nội đưa thẳng vào Tp Hồ Chí Minh bằng máy bay do một Đại tá CA áp tải . Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, nhà nghiên cứu hán nôm, chẳng liên can gì tới Đơn xin phép kia, cũng bị vạ lây bị áp tải vào Nam ngay tức khắc chỉ vì tội là bạn của ông Khuê .
Còn ở Hà Nội, cùng ngày 05/9 ông Phạm Quế Dương bị khoảng 20 CA vây nhà và 10 CA xục vào nhà ban sáng hồi 7h50 áp tải ngay tới Sở CA thẩm vấn. Sau này nghe kể lại, ông Dương trả lời thoải mái tại Sở CA rằng việc hai ông Phạm Quế Dương và Trần Văn Khuê gửi đơn xin phép Nhà nước cho lập "Hội nhân dân VN chống tham nhũng để nâng cao hiệu quả đấu tranh chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước" là quyền và nghĩa vụ của tất cả mọi người dân lương thiện yêu nước, chẳng có gì là sai phạm cả.
Còn hỏi tại sao lại ra "Lời kêu gọi chống tham nhũng" khi chưa được Nhà nước cho phép thì quả là một câu hỏi quá ngớ ngẩn, nếu không muốn nói là ngu xuẩn. Lịch sử oai hùng 4000 năm của đân tộc Việt Nam đã từng làm cho mọi quân xâm lăng, kể cả hùng binh Nguyên Mông, phải bạt vía kinh hồn, chính là lòng yêu nước vô song của dân Việt với châm ngôn nổi tiếng "giặc đến nhà đàn bà phải đánh", cùng với các tấm gương kiệt xuất Trưng Nữ Vương, Triệu Âủ. Chống giặc ngoại xâm đã như vậy . Huống hồ chống giặc nội xâm, quốc tặc tham nhũng càng trăm phần gian nan ác liệt và khẩn cấp hơn bao giờ hết.Vậy lũ giặc nội xâm sờ sờ ra đấy, chúng ngang nhiên cướp ngày các tài sản quốc gia và của cải nhân dân, bộ máy của Đảng và Nhà nước bất lực phải kêu lên giữa Quốc hội rằng càng chống giặc nội xâm tham nhũng càng phát triển hoành hành dữ dội . Chủ tịch Hồ Chí Minh chẳng đã chỉ ra rằng "dễ trăm phần không dân cũng chịu, khó ngàn phần dân liệu cũng xong". Nhân dân giầu lòng yêu nước kêu gọi nhau đứng dậy chống giặc sao lại cản trở, lại đe dọa, lại bắt bớ kìm kẹp, như vậy là bao che cho lũ cướp ngày nội xâm hay sao """ Cũng đúng vào ban sáng ngày 5/9/2001, hồi 7h50 có tới trên chục CA kéo vào nhà ông Hoàng Minh Chính ở 26 Lý Thường Kiệt, Hà Nội, chưa kể số đông đứng ngoài đường, trước cổng. Họ đưa "Giâý triệu tập của Cơ qan An ninh điều tra,sở CA Hà Nội về hoạt động liên quan An ninh quốc gia . Ký tên và đóng dấu tròn đỏ, Phó Thủ trưởng thứ nhất Cơ quan an ninh điều tra, Trung tá Nguyễn Toàn Thắng. "Tôi đang tập thể dục ở trần, chỉ kịp mặc quần áo xong là họ đưa ra xe con của CA chờ sẵn. Tôi chỉ kịp thét lớn trước các CA và gia đình rằng:"Tôi quyết tuyệt thực từ ngày hôm nay cho tới chết để phản đối vụ bắt bớ phi pháp này!" Tại Sở CA, trung tá Nguyễn Duy Ngọc là điều tra viên, có trung tá Du phụ tá. Họ tiến hành thẩm vấn ngay tức khắc, lúc đó là 8,30 h sáng. Họ tuyên bố rằng: "Ông gửi đơn xin lập Hội chống tham nhũng, nhưng không đúng nguyên tắc ( họ dựng đứng ra chuyện là chính tôi viết, ký và gửi đơn lập Hội chống tham nhũng, tôi chẳng thèm cải chính). Đáng lẽ là Ông phải gửi cho Vụ chuyên trách của TW Đảng, Vụ này xét đơn và ghi ý kiến cho phép hay không cho phép, rồi gửi cho một Vụ bên Chính phủ xét về việc nên hay không nên cho phép, v.v...và v.v... Chưa được phép mà Ông đã ra Lời kêu gọi gia nhập Hội, như vậy là phạm pháp..." Không buồn nghe những lời lẩm cẩm vô nghĩa, tôi cắt ngang: "Tôi nói một lần nữa cho các anh biết rằng tôi quyết tuyệt thực từ ngày hôm nay cho tới chết để phản đối vụ bắt bớ phi pháp này . Tôi hỏi ông TBT Nông Đức Mạnh: khi vừa nhậm chức Ông kêu gọi "phải quyết liệt chống tham nhũng", rồi ngày mồng 2 vừa rồi mới cách nay có 2 hôm, trong buổi nói chuyện với các cán bộ cao cấp đứng đầu các Bộ, ngành đang học nghị quyết IX, ông TBT Nông Đức Mạnh tuyên bố rằng "phải bảo vệ những người quyết liệt chống tham nhũng". Còn ông Nguyễn Văn An khi vừa nhậm chức Chủ tịch Quốc hội cũng tuyên bố "xin dân chủ đâu có được, phải đấu tranh mới có dân chủ. Chống tham nhũng dĩ nhiên cũng phải đấu tranh rất quyết liệt". Chúng tôi, những người chống tham nhũng làm theo lời kêu gọi của các ông sao lại bị CA bắt bớ""" Như vậy là trống đánh xuội kèn thổi ngược, là CA chống lại các ông. Tôi chờ các ông Nông Đức Mạnh và ông Nguyễn Văn An trả lời . Từ giờ phút này trở đi tôi không trả lời CA gì hết." Và suốt liền hai ngày 5 và 6 tháng 9, cả 2 trung tá điều tra viên hỏi đi hỏi lại hàng trăm câu hỏi tôi đều im lặng không trả lời, họ đành ghi trong biên bản ở phía dưới các câu hỏi đó, lời đáp: "Ông Trần Ngọc Nghiêm tức Hoàng Minh Chính im lặng không trả lời .", cũng với một mệnh đề đó họ ghi dưới cả trăm câu hỏi của họ. Sau hết, họ hỏi tôi: "Ông ký biên bản không"" Tôi im lặng không đáp, họ hiểu là không ký.
Ngay từ giờ phút đầu tiên ngày 5/9 tôi hoàn toàn tin tưởng rằng việc đấu tranh chống tham nhũng đang diễn ra là chính nghĩa nên không cần trả lời hoặc giải thích với CA . Hai sĩ quan điều tra viên sốt ruột vì suốt một ngày đầu tiên chẳng moi được một lời nào, họ liền bỏ ra ngoài một hồi lâu, có lẽ để xin ý kiến cấp trên. Khi trở lại, họ liền đổi dọng và nói gay gắt rằng:


"Ông tưởng ông không nói gì hết là che dấu nổi mọi việc được ư " Ông làm gì chúng tôi đều biết hết. Năm 1995 ông tập hợp lực lượng định lập tổ chức (như lời ông Phạm Chuyên, Giám đốc sở CA dựng chuyện ngay hồi đó với vợ con tôi rằng" ông H.M.Chính định khôi phục Đảng Dân Chủ VN vào dịp ông ấy tổ chức kỷ niệm lần thứ 51 ngày thành lập ĐDCVN, 30/6/1944 - 30/6/1995. Cho nên phải bắt khẩn cấp ông Chính ngay hôm 14/6/ 1995 để ngăn chặn việc tái sinh ĐDCVN"- đây quả là chuyện trông gà hoá cáo ), nên ông bị 1 năm tù. Ra tù, ông lại trả lời phỏng vấn, lại viết, lại tán phát. Rồi ông lại tập hợp lực lượng ba đợt liền suốt một năm đòi trả tự do cho Hà Sĩ Phu . Rồi lại viết bản Góp ý với ĐH IX. Rồi bây giờ lại cầm đầu việc Xin lập Hội chống tham nhũng, làm náo loạn cả lên. Nếu ông biết nhận lỗi lầm hối cải thì sẽ được Đảng-Nhà nước khoan hồng!"
Tôi điên tiết lên thét: "Đồ vu khống! Đồ chống Hiến Pháp!!!" Rồi tôi im lặng không thèm nói gì nữa . Cũng ngày 5/9, sau khi bà vợ tôi bị sốc cả buổi sáng vì vụ bắt bớ, liền tới sở CA vào ban chiều hỏi cho ra nhẽ. Họ đưa bà vào gặp ông GĐ sở CA Phạm Chuyên. Ông Chuyên giải thích một hồi dài mà nội dung đúng như 2 điều tra viên nói như trên với tôi, rồi ổng dằn dọng: "Tôi phải nói thật một điều, rất thật, rất thẳng rằng tình hình hiện nay rất nghiêm trọng, cực kỳ nghiêm trọng. Ông Hoàng Minh Chính cầm đầu các vụ khuynh đảo suốt từ năm 1995 cho tới vụ yêu cầu lập Hội chống tham nhũng hôm nay . Chúng tôi sẵn sàng hy sinh một người (tức Hoàng Minh Chính) để cứu 80 triệu người". Nghe vậy, vợ tôi thét lên: "Tôi phản đối, tôi lên án sự tàn bạo của các anh!!!" rồi bà ra về ngay, biết rằng có nói gì cũng vô ích.
Tối ngày 6/9/01, sau 2 ngày họ không lấy nổi một lời khai nào, vào 8,30 h họ đành đưa trả tôi về nhà bằng xe máy, giữa đường người trung tá đèo tôi lắc mạnh tay lái suýt làm tôi văng xuống đường. Sáng hôm sau, vẫn 2 trung tá đó tới đưa giấy triệu tập tôi tới Sở CA để thẩm vấn tiếp. Tôi đáp dứt khoát: "Suốt 2 ngày qua tôi đã im lặng tuyệt đối khống trả lời, dù hôm nay có tới tôi cũng sẽ lại im lặng. Còn các anh có muốn bắt thì đem lệnh bắt tới đây, tội đã sẵn sàng từ lâu rồi ." Biết không làm gì hơn được, họ ra về và không trở lại nữa .
Những vụ việc kể trên có sự trùng khớp với việc đón Chủ tịch Quốc hội Lý Bằng làm cho trong nhân dân có dư luận rằng: "Ngày 5/9 CA lùng bắt các nhà CM lão thành, CCB, các trí thức, nhà báo nhà văn suốt 3 ngày liền, có người phải nhận giấy triệu tập của CA ngày 10/9, đúng trước hôm đón tiếp long trọng Chủ tịch QH Lý Bằng ngày 7/9 chẳng khác nào muốn biểu thị quyết tâm dẹp đường lực lượng dân chủ tự do để đón chào Vị thượng khách TQ". Nhất là, những người đứng đơn xin phép lập Hội chống tham nhũng lại là những người rất ôn hòa hứa trong đơn là "không làm chính trị và còn muốn xin cho Hội được gia nhập Mặt trậnTổ quốc" mà mới ngày nào Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ còn gọi là cây kiểng. Như vậy chẳng hoá ra công an công nhiên bao che bảo vệ cho những kẻ tham nhũng ư, và cảnh cáo cho những ai có ý muốn giúp Đảng và Nhà nước chống tham nhũng thì hãy dẹp ngay sự ngây thơ đó đi!!!"
Nhân đây, tôi muốn gợi một ý nhỏ với Đảng-Nhà nước về vấn đề chống tham nhũng. Ông nguyên TBT Lê Khả Phiêu đã phải lớn tiếng cảnh báo khi còn tại chức: "Nếu không chống tham nhũng thì Đảng sẽ mất vai trò lãnh đạo". Điều đó là hoàn toàn đúng, đúng 1000%. Tuy nhiên cấp lãnh đạo Đảng bỏ ngoài tai, nhất là 3 ông cố vấn Mười, Anh và Kiệt, vì sao thì mọi người dân đều biết rất rõ. Nhưng may cho Đảng-Nhà nước là cũng còn có người biểu đồng tình. Ông tân TBT Nông Đức Mạnh vừa nhậm chức liền tuyên bố: "Phải chống tham nhũng quyết liệt. Phải bảo vệ những người quyết liệt chống tham nhũng". Ông Nguyễn Văn An vừa nhậm chức Chủ tịch Quốc hội cũng tuyên bố mạnh mẽ: "Xin dân chủ đâu có được, phải đấu tranh mới có dân chủ. Xin công bằng cũng không được, phải đấu tranh mới có công bằng. Chống tham nhũng dĩ nhiên cũng phải đấu tranh rất quyết liệt". Hỏi, ai mà không vui mừng khi được nghe những lời tuyên bố tuyệt hảo như vậy . Tôi nhớ như vừa mới ngày hôm qua, nhà báo Đại tá Phạm Quế Dương đi xe ôm tới, chạy như bay vào nhà tôi và như reo lên: "Tuyệt vời! Tuyệt vời!!! "Tôi rất thông cảm với ông nhà báo nhà văn "cần có cảm hứng. Cần phải bốc thì lời văn mới sống, mới vào lòng người!!"Thế là nhà báo lão thành nguyên là Tổng biên tập của môt tạp chí TW quân đội có bề thế Phạm Quế Dương cầm bút viết một mạch thành "Đơn xin thành lập Hội Nhân Dân Việt Nam Ủng Hộ Đảng Và Nhà Nước Chống Tham Nhũng" đề ngày 02/9/2001 lịch sử và cùng nhà văn hóa lão thành Trần Văn Khuê ký và hoan hỷ gửi ngay cấp cao Đảng-Nhà nước. Và hệ quả ra sao thì mọi người đều đã rõ: CA quây ráp bắt đưa về Sở thẩm vấn liền 3 ngày về "tội quá sốt sắng chống tham nhũng khi chưa được phép". Tuy nhiên, sự đàn áp của CA không hề làm giảm niềm tin và bầu nhiệt huyết của các Ông. Chỉ có điều là cả Hà Nội náo loạn suốt một tuần và ngơ ngác hỏi nhau "chống tham nhũng theo lời kêu gọi khẩn thiết của cả 2 ông Tổng cũ và Tổng mới mà bị bắt à""!Thế hoá ra CA bao che bảo vệ bè lũ tham nhũng à""""
Riêng tôi vẫn cho rằng các lời tuyên bố như kể trên của các ông Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh và Nguyễn Văn An là "chân lý" đáp ứng đòi hỏi bức xúc của đông đảo các tầng lớp nhân dân cùng đông đảo lão thành cách mạng, cựu chiến binh và các đảng viên bình thường sống chan hòa trong nhân dân thấy rõ đó là con đường duy nhất đúng và khẩn cấp. Con đường duy nhất đó là: đi với dân thì phải thật sự chống tham nhũng, lời nói phải đi đôi với việc làm, phải quyết liệt chống những kẻ cướp ngày-tham quan ô lại cường hào ác bá mới . Còn những kẻ nào bao che cho lũ tham nhũng thì sớm muộn sẽ bị nhân dân vạch mặt chỉ tên và lật đổ nhào như nhân dân Thái Bình anh hùng đã đồng loạt đứng lên lật đổ hồi năm 1997. Cũng như 11 Cụ lão thành cách mạng ở Hà Nội đã ký đơn tập thể tố cáo ông Phạm Thế Duyệt về "các tội phạm về tham nhũng"(Bộ luật hình sự, các điều 278, 279, 280, v.v...) ngay trong thời gian ông Duyệt đang là ủy viên thường trực Bộ chính trị. Nhiều Cụ CM lão thành khác và nhà báo CCB lão thành Vũ Minh Ngọc trong "thất trảm sớ" của mình cũng đều tố cáo ông Phạm Thế Duyệt cũng về tội đồ đó. Đơn từ tố cáo của các Cụ đã 3 năm chờ đợi mà Đảng-Nhà nước vẫn lặng im. Tệ hơn nữa là 4 Cụ đảng viên lão thành cách mạng trong số 11 Cụ lại bị ông Duyệt sai bộ hạ khai trừ đảng tịch, còn các cụ khác thì bị các cấp o ép áp đặt thường xuyên. Tuy nhiên các Cụ vẫn giữ vững niềm tin chân lý.
Nhân đây tôi nhớ một danh ngôn: "Kẻ nô lệ mà tự hào với số phận nô lệ của mình là kẻ đáng khinh tởm ( đó là những tên nô lệ tay sai đeo khánh vàng), kẻ nô lệ mà cam phận nô lệ là kẻ đáng thương, còn kẻ nô lệ đứng thẳng dậy đấu tranh chống số phận nô lệ - đó là những trang chiến sĩ, anh hùng" (Lênin nói về nhân phẩm của những nô lệ thời nay).
Tôi thiển nghĩ, về các vụ sai trái phi pháp kể trên mà đông đảo nhân dân Thủ đô đều biết cả, chắc các Vị cấp cao Đảng-Nhà nước vẫn đang bàn bạc phương án giải quyết. Bên TQ lãnh đạo người ta quyết tâm chống quyết liệt tham nhũng đấy, với hy vọng để khỏi mất Đảng. Còn ở ta thì chưa biết thế nào "! Trong dân đang có dư luận "chống tham nhũng là chống Đảng đấy!"
III- Vấn đề Giữ vững Chủ quyền và Toàn vẹn lãnh thổ đất nước.
Kế tục truyền thống anh hùng Bình Ngô Đại Cáo của triều Trần, vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497) hết lòng xây dựng non sông giữ vững bờ cõi phòng chống ngoại xâm, truyền lệnh:
"Kẻ nào làm mất một tấc đất của đất nước là kẻ đó có trọng tội đối với Tổ tông".
Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau đại thắng Điện Biên Phủ vang vọng toàn cầu, cùng các chiến sĩ Quân Đội Nhân Dân tiến về giải phóng Thủ đô, đứng trước đền các vua Hùng nơi núi Nghĩa, Cụ nói với ba quân:
"Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước".
Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nói:
"Chúng ta có quyền tự hào vì những trang sử vẻ vang thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, v.v...Chúng ta phải ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc vì các vị ấy là tiêu biểu của một dân tôc anh hùng".(Hồ Chí Minh, Tuyển tập. NXBST, HN, 1960, tr. 366).
Sau hàng ngàn năm trải qua biết bao gian nguy không sao kể xiết trong mồ hôi nước mắt và xương máu dựng nước và giữ nước của toàn dân tộc, chúng ta mới có được hoà bình ngày nay . Cũng chính vì vậy mà mỗi người Việt cũng như toàn dân nâng niu từng tấc đất của Tổ tông.
Vậy cớ sao một nhóm người tự xưng là lãnh đạo Đảng rồi tự cho mình cái quyền được đem hàng trăm cây số vuông đất đai của Tổ quốc chúng ta mà cống hiến cho Trung Quốc như luật gia trẻ tuổi Lê Chí Quang đã vạch trần trong bản Đối thoại tháng 6 năm 2001- đối diện với 2 cán bộ CA tên là Cừ và Hạnh của phòng PA 25 của Bộ CA . Tôi xin trích đoạn dẫn chứng đối thoại đó:
"Anh Hạnh lên tiếng: Những điều em viết trong bài có một số điều chưa đúng.
- Điều gì chưa đúng thì xin anh cho em biết, nếu cần thì mời ông Phiêu ra đây đối chất xem! Ông ta nhân danh gì mà dám ký Hiệp định Biên giới làm cho nước ta mất hàng trăm kilomet vuông đất đai của Tổ quốc"! Cả Hiệp định về vịnh Bắc bộ nữa, trước kia Pháp thay mặt ta ký với Nhà Thanh theo tỷ lệ 62/38, bây giờ mình ký lại theo tỷ lệ 54/46! Tổ quốc bị thiệt hại đau đớn bao nhiêu chỉ vì quyết định của một người nhân danh Đảng! Biết bao xương máu, nước mắt, mồ hôi của cha ông, của nhân dân từ ngàn đời đổ xuống để giành từng tấc đất cho Tổ quốc, các anh có biết không"
- Anh Cừ giải thích: Ông Phiêu làm là do chỉ đạo của Đảng và Bộ Chính trị.
- Đảng là gì mà lại dám nhân danh nhân dân. Cha ông tôi, cha ông các anh sống mấy nghìn đời nay trên mảnh đât này, Đảng mới chỉ có cách đây 70 năm mà Đảng lại tự cho rằng Đảng là trên hết, là hơn hết, Đảng có quyền quyết định tất cả!
- Họ thuyết phục tôi: Chúng ta ở vào thế yếu không ký không được. Tôi tức sôi máu, bỏ ngoài tai những lời yếm thế thật đáng xấu hổ đó."
Quả thật, tôi không dám tin ở mắt mình khi xem bài Đối thoại tháng 6 năm 2001 của luật gia Quang với 2 cán bộ CA của Bộ CA .Và cho tới hôm nay đã 3 tháng trôi qua tôi vẫn không thể tin được rằng có chuyện bán đất nước như vậy . Như vậy, chẳng hoá ra họ cam tâm phản bội Tổ tông, phản bội dân tộc, phản bội Tổ quốc, phản bội hàng triệu triệu nắm xương chiến sĩ anh hùng đã hy sinh thân mình suốt 4000 năm để ngày nay một nhóm người hèn nhát cam tâm làm nô lệ như Lê Chiêu Thống cho phương Bắc sao "
Thiên anh hùng ca tuyệt vời Bình Ngô Đại Cáo - bản Tuyên ngôn Độc lập thứ hai của dân tộc còn vang dậy núi sông tận ngày nay mà họ quên sạch rồi sao, chỉ vì quyền lợi gia tộc vị kỷ hèn hạ của họ hay sao "! Ngày nay dù ai đọc lại hùng văn Bình Ngô Đại Cáo cũng đều thấy rạo rực sôi sục trong tim (trích):
"Như nước Đại Việt ta từ trước, Vốn xưng nền văn hiến đã lâu .
Tuy mạnh yếu có khác nhau, Mà hào kiệt không bao giờ thiếu .
Cửa Hàm-tử bắt sống Toađdô, Sông Bạchđdằng giết tươi Ô-mã.
Đánh trận đầu, sạch sanh kình ngạc,
Đánh trận nữa, tan tác chim muông.
Tướng giặc bị bắt tù, xin thương hại vẫy đuôi cầu sống,
Uy thần chẳng giết hại, lấy khoan hồng thể bụng hiếu sinh.
Xã tắc từ đây vững bền,
Giang sơn từ đây đổi mới ."
Ôi! xiết bao tự hào lòng dân! còn lũ tham quan thì uốn lưng quì gối, nhục nhã thay!!!
IV- Sau hết, tôi xin có vài kiến nghị đặc biệt quan trong.
1- Hiến pháp có quan hệ sinh tử đến vận mệnh quốc gia . Hiến pháp năm 1992 là trái với Hiến pháp đầu tiên năm 1946, trái với dân chủ tự do, trái với các quyền lợi cơ bản thiết yếu của nhân dân.
Tuy đã có nhiều ý kiến rất có giá trị và tâm huyết góp với việc Sửa đổi HP 1992 nhưng không được Uỷ ban dự thảo cho đăng trên báo chí để đại chúng bàn luận chỉ vì các bài đó có ý kiến khác hoặc trái với ý của Uỷ ban dự thảo . Như vậy là trái với tiêu chí mà UB dự thảo đã đưa ra là: "Phải bảo đảm dân chủ, huy động cao nhất trí tuệ của nhân dân,... bảo đảm phản ánh kịp thời, trung thực ý kiến của nhân dân". UB dự thảo chỉ cho đăng trên báo chí những ý kiến lọt tai mình thôi . Chính vì vậy mà không khí góp ý với việc sửa đổi HP bị khuôn vào một chiều được định trước là giáo điều, bảo thủ, chính thống, không cho phép đối thoại tranh luận công khai dân chủ, nên rất buồn tẻ nhạt nhẽo . "Việc sửa đổi HP năm 1992 ảnh hưởng trực tiếp đến toàn xã hội, là vấn đề trọng đại của đất nước" như UB sửa đổi nêu lên trên hết, nhưng làm như suốt hơn một tháng nay chẳng khác gì treo đầu dê bán thịt chó, là lừa dối nhân dân, làm cho qua quýt để rồi đưa ra thông qua theo ý muốn đã định trước mà thôi .
Tôi yêu cầu phải để các quan điểm khác nhau, kể cả những ý kiến phản bác HP 1992 được tranh luận trên các cơ quan thông tấn báo chí trong 6 tháng "thật dân chủ và trung thực" như UB dự thảo đã nêu lên từ đầu nhưng chưa hề làm. Chỉ có như vậy mới đúng với tiêu chí "Dân biết, Dân bàn, Dân làm, Dân kiểm tra". Nếu không thì chỉ là lừa dối!
2- Vấn đề Biên giới . Đây là vấn đề đại sự quốc gia có tầm sống còn của dân tộc.
Nếu giải quyết trái với truyền thống của Tổ tông Ông cha, trái với quyền lợi của đất nước và nhân dân, thì tai hoạ chính trị và xã hội sẽ là khôn lường. Cho tới nay tôi vẫn nghi ngờ tính chân thật lời nói của 2 CA viên tên là Cừ và Hạnh về vấn đề đất đai biên giới như vừa nêu trên.
Vì đây là vấn đề cực kỳ nghiêm trọng nên tôi đề nghị ông nguyên TBT Lê Khả Phiêu trả lời công khai trên các cơ quan thông tin đại chúng.
3- Vấn đề chống tham nhũng -

Hôm nay, tôi xin tuyên bố công khai rằng tôi quan tâm tới vấn đề này đặc biệt từ năm 1997, từ khi sẩy ra "vụ động đất Thái Bình" do bầy lũ "tham quan ô lại cường hào ác bá mới" gây ra .
Tôi coi trọng bệnh tham nhũng là thảm họa kinh hoàng bậc nhất xưa nay trên đất nước ta . Nếu không chống nổi thì xã hội sẽ tan hoang, Tổ quốc lâm nguy, lũ giặc nội xâm sẽ bán đất nước, và nhân dân sẽ bị đẩy vào vòng nô lệ mới lầm than không sao kể xiết!!! Hiện trên đất nước ta có tới 3000 điểm nóng bỏng mà nguyên nhân chính là do bọn tham nhũng gây ra .
Do dó, tôi rất hoan nghênh "Đơn xin thành lập Hội Nhân Dân Việt Nam Ủng hộ Đảng và Nhà nước Chống Tham Nhũng" do hai ông Phạm Quế Dương và Trần Văn Khuê đứng tên xin phép. Còn nếu như sau này có ai lợi dụng Hội đó mà làm sai điều lệ vi phạm pháp luật thì đưa ra truy tố xét xử trước toà án công khai .
Nếu Nhà nước không xét Đơn xin đó thì không khỏi dư luận trong nước và ngoài nước sẽ cho rằng Nhà nước bao che dung túng cho tham nhũng hoành hành. Mà nghiêm trọng hơn cả là Nhà nước sẽ chẳng còn mà cả Đảng cũng sẽ chẳng còn.
Nói thật - mất lòng! Mong được lượng thứ. Xin cảm ơn rất nhiều .
Ngày 22 / 9 / 2001
Kính
HMC
ĐC: 26 Lý Thường Kiệt, Hà Nội .
ĐT: 8.249252 ( đang bị cắt vô căn cứ và trái pháp luật )

Nơi gửi: - Cấp cao Đảng-Nhà nước.
- Cơ quan truyền thông đại chúng.
- Bạn hữu .

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.