Hôm nay,  

Thiên Sử Thi Của Người Vượt Biển Ra Mắt Ở Los Angeles

16/05/200200:00:00(Xem: 3734)
(Los Angeles) - Vào lúc 2 giờ chiều ngày 12-5-2002 vừa qua, Thiên Sử Thi Của Người Vượt Biển - tác phẩm thứ bảy của nhà văn, nhà thơ Đào Văn Bình đã được long trọng ra mắt tại Phòng Sinh Hoạt Saigon Times thuộc Thành Phố Rosemead. Nhà thơ Thái Tú Hạp - Chủ Nhiệm Saigon Times đã đại diện cho Phòng Sinh Hoạt ngỏ lời chào mừng quan khách cũng như thân hữu và rất hân hạnh được bảo trợ buổi ra mắt sách hôm nay. Cựu Đại Tá Phạm Văn Thuần - Chủ Tịch BCH Khu Hội Cựu TNCT Los Angeles, đại diện ban tổ chức đã giới thiệu sơ lược tiểu sử tác giả. Ô. Đào Văn Bình sinh năm 1942 tại Hải Phòng, di cư vào Miền Nam năm 1954, sau biến cố 30-4-1975 bị tù 9 năm qua các trại tù từ Nam ra Bắc. Năm 1984 ông vượt biển đến Mã Lai, định cư vào Hoa Kỳ năm 1985. Từ đó ông sinh hoạt với lực lượng cựu tù nhân chính trị tại hải ngoại và tiếp tục sáng tác văn học. Hiện nay ông Đào Văn Bình là Chủ Tịch BCH Tổng Hội Cựu TNCT/VN. Phần giới thiệu tác phẩm đã được phó thác cho Nhà Văn Đỗ Tiến Đức - Chủ Nhiệm Thời Luận. Các Bác Sĩ ĐoànYến, Nguyễn Văn Đức, Phạm Nguyên Lương đã chia xẻ một vài tâm tình với tác giả. BS Nguyễn Văn Đức đã nhắc lại mối giao tình tốt đẹp của Ô. Đào Văn Bình với Hội Y Sĩ Việt Nam tại Hoa Kỳ khi BS Hoàng Cầm còn giữ chức vụ chủ tịch ban chấp hành. BS Nguyễn Văn Đức nói rằng ông có thói quen "méo mó nghề nghiệp"ø khi nhìn vào một tác phẩm, điều ông chú ý trước tiên là lỗi chính tả. Nhưng nhìn qua một số trang ông chưa thấy một lỗi chính tả nào. Ông hứa sẽ đọc hết và sẽ có nhận xét về tác phẩm cũng như nếu có lỗi chính tả ông sẽ thông báo cho tác giả biết. Trong phần cảm tạ và tâm tình với quan khách và thân hữu Ô. Đào Văn Bình đã phát biểu như sau:

"Sở dĩ mãi tới ngày hôm nay tôi mới cho ra đời tác phẩm Thiên Sử Thi Của Người Vượt Biển một phần vì tôi quá bận với công tác đấu tranh ở hải ngoại. Một mặt khác cũng phải đợi cho một biến cố lịch sử kết thúc và lắng yên chúng ta mới có một cái nhìn toàn cảnh về nó. Giả thử khi cuộc chiến đang còn đang bốc khói mà chúng ta viết về cuộc chiến đó thì nó chỉ có tác dụng như một bài phóng sự chiến trường. Phải để cuộc chiến chấm dứt chúng ta mới thấy bộ mặt thực của cuộc chiến tranh, sự mất mát và tổn thất của cả dân tộc. Do đó nếu vào năm 1987 hay 1988 mà tôi cho ra đời thiên sử thi này thì tôi chỉ nhìn thấy một góc cạnh của thảm kịch thuyền nhân, không hiểu nổi nỗi đau của các thuyền nhân ở các trại tỵ nạn Hongkong v.v. và mục đích cuối cùng của cuộc bỏ nước ra đi này. Một biến cố lịch sử lớn lao của dân tộc thì không thể không có sử thi để ghi lại cho đời sau. Cho đến bây giờ Việt Nam chúng ta không hề có sử thi. Truyện Kiều là một tác phẩm văn chương nói về nỗi gian truân của một cô gái ở bên Trung Hoa phải bán mình chuộc cha không phải là sử thi. Cung Oán Ngâm Khúc nói về thân phận hẩm hiu của nàng cung nữ bị thất sủng không phải là sử thi. Chinh Phụ Ngâm nói về nỗi đau đớn của người đàn bà năm tháng mòn mỏi chờ chồng đi chinh chiến cũng không phải là sử thi. Tôi đã noi theo truyền thống sử thi Cổ Hy Lạp để viết tác phẩm này. Theo truyền thống thì thiên sử thi đều bắt nguồn từ sự mời gọi, thôi thúc của thần linh - thần linh ở đây khác với ý niệm Thượng Đế. Trong Thiên Sử Thi Của Người Vượt Biển tôi đã dùng lời kêu gọi của Thần Núi Tản Viên để thúc dục con dân Việt Nam phải bỏ nước ra đi không ngoài mục đích thần thánh hóa và nâng lên một tầm cao ý nghiã của cuộc bỏ nước ra đi vô tiền khoáng hậu này. Vượt biển ra đi không phải chỉ để trốn chạy một chế độ bạo tàn, mưu tìm tự do không thôi - mà còn phải quay về để cứu nguy dân tộc và xây dựng lại quê hương:

Ta là Thần Núi Tản Viên.
Vốn giữ gìn giềng mối,
Và uy linh cho dân tộc.
Cũng cảm thấy xót xa !
Nay ta nói lên lời máu lệ:
Khuyên các người chỉ vì kế lâu dài.
Hãy hướng ra Biển Đông để tìm sinh lộ.
Hãy thét to lên cho loài người được rõ:
Rằng nơi này loài quỷ rất hung tàn!
Rằng nơi này Việt tộc quá lầm than!
Nếu không khéo sẽ có ngày diệt chủng!
Hãy ra đi để tương lai được sống.
Đến nơi rồi hãy quần tụ bên nhau.
Hãy thắp lên ngọn Đuốc Việt nhiệm mầu.
Hãy đoàn kết, hãy mưu đồ phục quốc.
Hãy chờ đợi một thời cơ thuận tiện.
Hãy quay về để dựng lại quê hương.
Kìa phương đông chói lọi một vầng dương!
Trong nỗi chết đã nảy mầm sự sống.
Hãy quyết liệt, hãy căng buồm gió lộng.
Hãy ra đi và đừng có ngại ngần.
Ta nói lời máu lệ hỡi muôn dân !

Và cuối cùng, trải bao đau thương bao biến cố kinh hoàng, người đã đi tới bờ tới bến rồi thì làm gì đây" Chúng ta mong chờ ngày cộng sản xụp đổ lúc đó chúng ta sẽ trở về như một thiên anh hùng ca giống như thiên sử thi, thiên anh hùng ca của Ulysses sau chiến thắng ở Thành Troy trở về quê hương cũ. Nhân đây tôi cũng xin cám ơn chị Bích Ty đã diễn ngâm bài thơ Rủ Nhau Ta Về là bài thơ cuối cùng trong Thiên Sử Thi đã nói lên phần nào mộng ước cuối cùng của người vượt biển. Ngày mà chế độ cộng xụp đổ chúng ta sẽ dùng thơ để diễn tả bước đi của triệu người trên đường trở về quê hương, từng giọt nước mắt, bao háo hức, bao mong chờ, hằng triệu người cùng quỳ xuống hôn lên mảnh đất cũ giữa giờ phút linh thiêng và thề sẽ tái dựng lại quê hương. Tôi mong rằng các nhà thơ lớn ở hải ngoại hãy nghĩ tới chuyện đó để sau này có một thiên sử thi, một thiên anh hùng ca cho dân tộc Việt Nam.

Trong thiên sử thi này có những đoạn mà khi sáng tác tôi đã khóc rất nhiều, chẳng hạn như hình ảnh một cô gái chiều chiều ra Bãi Biển Nha Trang để ấp ủ giấc mơ vượt biên.

Chiều trên Bãi Biển Nha Trang
Trùng trùng cờ đỏ, khăn tang cuộc đời
Chim ơi buồn lắm chim ơi
Ta không có cánh theo người bay đi.

Cô gái chỉ muốn biến thành cánh chim hải âu để bay đi, muốn biến thành con sò, thành loài rong rêu hay là chiếc chai trôi giạt mà đời lại có tự do hơn ! Thế nhưng muốn tham gia cuộc tự sát tập thể này thì cũng phải có mấy cây vàng !

Rồi những đoạn khi đoàn lữ hành, đoàn người vượt biển rời Quảng Ngãi:

Rời Quảng Ngãi thương Sa Huỳnh nghèo lắm
Việt Cộng về tan tác cả tình quê
Nhìn sao khuya ta cố ngoái trông về
Thương dáng mẹ hao gầy từ Cổ Lũy

Những đoạn thơ tả lại cảnh công an và du kích săn đuổi đoàn người vượt biên khi họ núp đụp suốt đêm tối ở mé bờ sông:

Trăng vàng úa trăng treo trên Rừng Sát
Từng tốp người bám sát mé bờ sông
Dưới rặng bần con nước trải mênh mông.
Chờ "cá lớn" bốc nhanh ra ngoài biển
Đêm kinh dị đêm chập chờn bí hiểm
Tiếng thầm thì sợ tắt ngúm đầu môi
Đàn muỗi rừng tìm hút máu đào tươi
Từng tiếng vỗ nhách lên như tiếng ếch
Bầy con nít mệt phờ không buồn khóc
Người mẹ quỳ nước sấp tới bờ lưng
Dưới rặng bần con nước trải mênh mông
Vẫn gìn giữ đứa con không thấm ướt.

Sau này khi chúng ta chết đi, con cái chúng ta có đứa trở thành bác sĩ, kỹ sư, dân biểu, thượng nghị sĩ hoặc thị trưởng của một thành phố nếu như có cơ hội đọc lại tác phẩm này chúng nó sẽ thấy bố mẹ chúng nó đã đánh đổi cả sinh mệnh của mình để chúng nó có được tương lai như ngày hôm nay. Rồi những hình ảnh thê lương của người tỵ nạn khi đón Tết trên đảo:

Biển lặng lòng người như đám ma.
Cúi đầu đón Tết nhớ quê cha.
Buồn ơi! xoong chảo thi nhau gõ.
Pháo đón giao thừa trên xứ xa.
Mẹ nói ba mươi đêm linh thiêng.
Hương hoa dâng cúng ở bàn thiên.
Năm nay mẹ khóc đêm trừ tịch.
Đảo nhỏ con quỳ một nén nhang.

Chúng ta cần phải ghi lại những hình ảnh này vì hiện nay cộng sản muốn dùng những Nguyện Huệ Chi và Hoàng Ngọc Hiến để bôi xóa căn cước của người tỵ nạn. Mà cho dù lịch sử sau này có ghi chép tội ác của đảng cộng sản thì cũng chỉ ghi chép vắn tắt. Chẳng hạn dưới thời Hồ Quý Ly lịch sử chỉ ghi ngắn gọn: " Chịnh trị họ Hồ phiền hà " nhưng còn phiền hà như thế nào thì cần phải có thi, ca, truyện, kịch của thời đại ghi lại. Con cháu chúng ta sau này chúng nó giỏi lắm: Có đứa sẽ là kịch tác gia, có đứa sẽ là đạo diễn phim ảnh, điêu khắc gia chúng nó sẽ làm sống dậy lịch sử nếu như nếu như chúng ta để lại các tác phẩm văn chương nói về giai đoạn bi thảm này. Chẳng hạn nếu như sau này chúng ta xây dựng được một Bức Tượng Bà Mẹ Vượt biên tại Cửa Biển Vũng Tàu hay Bà Rịa thì đó là biểu tượng cho ngàn đời sau hiểu rằng đất nước này phải có Tự Do, phải được xây dựng trên nền móng Tự Do:

Tượng tôi là tượng Nữ Thần
Tự Do vượt biển bội phần gian nan
Ôm con liều chết bước lên
Phong ba, hải tặc, chiếc thuyền mong manh.

Đấy, tác dụng của thi ca thật lớn lao. Chẳng hạn khi đọc bài thơ của Trần Quang Khải:

Đoạt sáo Chương Dương độ
Cầm Hồ Hàm Tử Quan
Thái bình nghi nỗ lực
Vạn cổ thử giang san

Đọc xong bài thơ này chúng ta thấy từ bậc sĩ phu tới thứ dân ai nấy đều bừng bừng khí thế và sôi sục lòng ái quốc. Thi ca có tác dụng đoàn kết dân tộc nhanh nhất vì thi ca đi vào lòng người nhanh nhất. Một dân tộc có thi ca là một dân tộc không bao giờ bị tiêu diệt vì kẻ thù có thể đốt hết sách vở nhưng không bao giờ "đốt"được những bài thơ đã nằm sâu trong tim trong óc con người. Mà muốn có thi ca thì phải có một nền văn học cao. Thi ca chính là lâu đài dựng trên nền văn học. Cho nên chúng ta phải có trách nhiệm xây dựng một nền thi ca mới đi sát với những diễn biến lịch sử để truyền lại muôn đời con cháu mai sau những gì chúng ta muốn nói ở thời đại ngày hôm nay."

Buổi ra mắt Thiên Sử Thi Của Người Vượt Biển đã thật sự sống động bởi tài điều khiển chương trình của nhà thơ Ái Cầm và chị Bích Ty cùng sự diễn ngâm của Bích Ty, Phi Loan qua các bài thơ Phong Ba Chợt Đến, Rủ Nhau Ta Về, Tạ Ơn Biển và Mai Tôi Chết Xin Đừng Đem Đấu Giá với sự phụ họa của tiếng sáo Ngọc Nôi.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.