Hôm nay,  

Tình Cha Như Trời Biển Bao La: Phẩm Thí Dụ Kinh Pháp Hoa

11/10/200000:00:00(Xem: 3731)
Trở lại lớp thuyết giảng kinh Pháp Hoa tại chùa Liên Hoa, tôi nhớ về câu đồng dao nằm lòng từ thời thơ ấu như sau:

Lạy Trời mưa xuống!
Lấy nước tôi uống!
Lấy ruộng tôi cày!
Cho đầy bát cơm!

Người nông dân tay lấm chân bùn đi cày ruộng chỉ mong trời có mưa cho lúa được mùa, thế nhưng trời thì xa biết có thấu chăng cho lòng thành này, vì thế trước mắt để tự cứu mình người nông dân phải tự nổ lực bằng chính bản thân tìm cho có nguồn nước để có chén cơm đầy. Không ai có thể giúp mình bằng chính mình.

Người Phật tử cũng vậy khi trì chú tụng niệm luôn luôn cầu mong Phật chứng ngộ cho mình, nếu nói về “KHÔNG GIAN VẬT CHẤT” thì Phật đang ở cõi Niết Bàn mà chúng ta đang ở thời đại khoa học tiến bộ con người đã tiến đến cung trăng, sao hỏa sao Mai nhưng không tìm đâu ra cõi Niết bàn vật chất. Với không gian vô tận như vậy, lời cầu xin của người Phật tử trong cõi ta bà này làm sao Đức Phật biết được để chứng ngộ" Vậy có phải chúng ta đang làm một việc viễn vông hay không" Khoan vội trả lời đã hãy đi vào “KHÔNG GIAN TÂM LINH” Đức Phật trước khi nhập Niết Bàn đã tiên liệu trước sự kiện này nên đã dạy:” Phật không đâu xa chính ở trong mỗi chúng ta vậy”. Điều này nói lên là mỗi người đều có tâm Phật hay còn gọi là Phật tánh, và Ngài dạy tiếp “Hãy lấy Trí Tuệ làm đuốc soi đường” từ đó mới tỏ ngộ Tri Kiến Phật được và điều nhắc nhở cuối cùng là tất cả các Pháp môn của Ngài tuy rằng khác nhau, tùy theo căn cơ của mỗi người để tiếp nhận, nhưng tất cả đều đến con đường duy nhất là dẫn chúng sinh đến quả Phật.

Với hành trang này người Phật tử phải tự tin ở chính mình sau khi đã được trang bị kiến thức ở Phẩm Phương Tiện tài tình thì có thể tiếp cận ở Phẩm tiếp theo đó là Phẩm Thí Dụ. Sở dĩ có tên gọi như vậy vì trong phẩm này Đức Thế Tôn đã nêu lên câu chuyện ỳ đầy ẩn dụ về “CĂN NHÀ LỬA” để nói lên Tình Đức Thế Tôn là tình của Người Cha như trời biển bao la. Chuyện là: Ở một nước kia có một ông Trưởng giả đã già nhưng rất giàu có, của cải, ruộng vườn, tôi tớ nhiều vô kể. Ông có một nhà lầu rộng lớn nhưng bên trong tường vách đã mục, cột kèo lại hư, nóc nhà xiêu vẹo. Trong đó có thể chứa được khoảng 500 người nhưng chỉ có một cửa ra. Các con ông có khoảng 30 người trong đó. Nhà bổng nhiên bị phát cháy lửa lên ngùn ngụt. Các con ông ở trong đó vẫn chạy giỡn vui chơi không biết đến lửa cháy và không sợ chết cháy vì họ chẳng hiểu gì là lửa, gì là nhà và thế nào là hại.

Trong nhà ở phần trùng tụng còn kể thêm có các loại độc trùng, ác thú, quỷ ma có thể hại người mà các con ông trưởng giả vẫn vui chơi không chịu ra ngoài.

Thấy lửa cháy nguy hiểm, ông Trưởng giả nghĩ rằng ông đã ra ngoài dễ dàng và cũng có thể dùng hai tay với vạt áo hay bắc ghế để cứu con ra nhưng cửa hẹp, con dại chưa chắc cứu ra được hết, cho nên ông đã kêu lớn nói lửa nguy hại, có thể chết người nhưng các con vẫn vui chơi, không quan tâm đến cha đang nói gì.

Sau cùng ông nghĩ ra một cách để dụ các con ra, đó là bày các đồ chơi mà các con thích ở ngoài, rồi gọi các con ra lấy. Ông bèn kêu lớn cha đã mua ba thứ xe để các con đi dạo, đó là xe nhỏ do dê kéo, xe vừa do hươu kéo, xe lớn dùng bò kéo, các con hãy mau ra mà lấy. Các con nghe đúng ý mình bèn xô nhau chạy ra ngoài. Khi đã thoát ra được cả, Ông Trưởng giả ngồi chờ con ở nơi ngã tư đất trống bên ngoài. Khi các con đến xin xe, ông đã cho các con cùng một loại xe to, trang hoàng lộng lẩy do bò trắng kéo..

Qua đoạn tóm lược Kinh văn “Nhà lửa” người hành giả nên hiểu ý nghĩa dẫn dụ của câu chuyện này là :


1. Ông Trưởng giả là chỉ Đức Phật
2. Căn nhà chỉ cho ba cõi Dục giới, sắc giới và vô sắc giới
3. Lửa cháy là lửa tham, sân si, phiền não, ái dục.
4. Các loài rắn rết, thú dữ, độc trùng là chỉ những tâm tham, sân, si, ác độc, ngã mạn, vị kỷ, nghi ngờ hóa sinh thành
5. Trong nhà có khoảng 500 người là chỉ cho 5 đường: Trời, Người, súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục. (Không kể A Tu La thuộc loại thần)
6. Các con Trưởng giả khoảng 30 người chỉ cho tam thừa: Thanh văn, Duyên Giác và Bồ Tát ở trong.
7. Nhà chỉ có một cửa ra, đó là cửa thoát ly sinh tử mà cũng là cửa “Nhất Phật Thừa”
8. Ba xe ở ngoài chỉ cho ba Thừa: Thanh văn xe dê, Duyên giác xe hươu, Bồ Tát xe bò

Điều đặc biệt cần quan tâm đến ý nghĩa khác biệt của 3 thừa:
- Thanh văn (là xe dê) (Văn là nghe, Thanh là tiếng) có nghĩa là bề trong có trí tính, nghe và tin pháp, ân cần tinh tấn.
- Duyên Giác (xe hươu) ngoài hai điểm giống Thanh Văn đó là Tin nghe Pháp và Ân cần tinh tấn. Duyên giác còn có 4 điểm khác là : Cầu trí tuệ tự nhiên, thích ở chỗ vắng lặng, độc thiện riêng mình là riêng biệt cầu tu và sâu rõ nhân duyên các pháp.
- Bồ Tát (Xe bò) ngoài hai điểm giống như Thanh Văn Duyên giác ở trên thì với Bồ Tát hạnh thì phải tu cả Trí và Bi. Về mặt Trí ta tìm học được cầu nhất thiết trí, Phật trí, Tự nhiên trí, vô sư trí, tri kiến, lực và vô úy của Như Lai. Về Bi theo hạnh Bồ Tát thì phải Thượng cầu hạ hóa có nghĩa là trên cầu Phật pháp dưới mong hóa độ chúng sinh.

Để kết thúc phẩm thí dụ này người Phật tử học Pháp Hoa phải tự mình nhìn lại để rút ra những bài học từ phẩm thí dụ này đó là:
Thứ nhất.- Chúng ta mê muội nên ở trong cảnh phiền não, tham sân, si, mạn, nghi, ác kiến thiêu đốt mà mà vẫn không tỉnh giấc tìm đường thoát khổ.
Thứ hai.- Chư Phật, chư Bồ tát lúc nào cũng sẵn sàng độ thoát chúng ta, chỉ cần mình biết tìm về nương tựa các Ngài, nương nhờ Tam bảo.
Thứ Ba.- Con đường đi đến giác ngộ là cần có Trí, Bi đầy đủ luôn nghỉ đến tha nhân để mở rộng tâm mình.
Thứ tư.- Sự phá chấp và bỏ được kiêu mạn là tiến tu theo Pháp Hoa.
Thứ năm.- Người tu theo Pháp Hoa phải đặt niềm tin nơi giáo pháp trong kinh này mà lần lần chuyển hóa tâm mình.

Với tinh thần “PHÁP HOA ĐI VÀO ĐỜI SỐNG THỰC TIỂN” người hành giả đang theo học hay bạn đọc có duyên lành với Pháp Hoa có thể rút ra 3 điều thực hành từ phẩm Thí dụ này như sau:

Một là: Tất cả đều đang khổ sở vì cuộc sống, đang bị thiêu đốt bởi lửa độc trong tâm ta cùng tâm mọi người. Vậy thì về phần mình xin đừng đốt thêm lửa, đừng làm khổ thêm cho người và mình về những sự việc không đáng.

Hai là: Hàng ngày áp dụng Pháp Hoa trong cuộc sống là nuôi lớn bông sen trong lòng ta để thơm lây tất cả nên lấy hạnh “xả” đi đầu để tỏa ngát hương tu.

Ba là: Nhìn tấm gương Tăng thượng mạn trong Pháp Hoa mà sống với đời bớt đi kiêu mạn để cho mình bớt thấy hơn người thì mới học được ở trường đời những bài học nhìn ra sự thật.

Bạn đọc nên nghĩ rằng: khi bài viết này đến tay bạn, cũng là lúc bạn nắm được một cơ duyên tốt để tự mình tìm ra hướng đi sáng lạng của cuộc đời, đó chính là con đường trở về Phật tánh của mình.

Ghi Chú : Muốn biết thêm chi tiết về lớp học xin gọi ô. Bách (714)638-2867 - ô. Đệ (714) 775-0872 - ô. Mậu (714)898-8408. ô. Diễn (714) 539-3691. Lịch học tháng 10 còn 2 buổi chiều chủ nhật từ 3-6 Pm ngày 15 và 29. Kính mời quí vị đồng hương tham dự. Địa chỉ Chùa Liên Hoa số 9561 Bixby Ave, Garden Grove, CA 92841. do cư sỉ MẬT NGHIÊM (Đặng Nguyên Phả) thuyết giảng. Trân trọng kính mời.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.