Hôm nay,  

Tình Báo Chiến Lược Vnch Tấn Kích Mật Khu Cq

03/03/200100:00:00(Xem: 9497)
Trong loạt bài viết về hoạt động của Lực lượng Đặc biệt VNCH, VB đã lược trình về sự phối hợp của Lực lượng Đặc biệt Hoa Kỳ và hệ thống tổ chức các đơn vị đặc nhiệm của Lực lượng Đặc biệt VNCH và Liên đoàn 5 Lực lượng Đặc biệt Hoa Kỳ tại VN trước năm 1970. Trong số báo kỳ này, thể theo lời yêu cầu của nhiều bạn đọc muốn tìm hiểu về các đặc nhiệm tình báo chiến lược sau khi Lực lượng Đặc biệt VNCH được giải tán, VB xin giới thiệu bài tổng hợp về hoạt động của các đơn vị tình báo chiến lược trong giai đoạn 1970-1972. Phần này được biên soạn dựa theo tài liệu của Lực lượng Đặc biệt Hoa Kỳ và VNCH, một số bài viết trong KBC, đặc san Gia đình 81 Biệt Cách Nhảy Dù.

* Lược ghi về các đơn vị tình báo chiến lược
Vào giữa năm 1970, theo kế hoạch của Bộ Tổng tham mưu Quân Lực VNCH, Lực lượng Đặc biệt (LLĐB) được giải tán, các đơn vị Biệt kích quân tại các trại biên phòng được cải tuyển thành các tiểu đoàn Biệt động quân biên phòng, riêng quân số của trung tâm huấn luyện, đại đội Tổng Hành Dinh, cơ quan tham mưu và văn phòng của bộ Tư lệnh được bổ sung cho Nha Kỹ Thuật, cơ quan tình báo chiến lược của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Ngoài ra, một phần các tiểu đoàn Biệt kích quân tiếp ứng được địa phương hóa để trở thành Địa phương quân. Riêng hai đơn vị thiện chiến của LLĐB là tiểu đoàn 81 Biệt cách Nhảy Dù (BCND) và Trung tâm Huấn luyện Hành quân Delta sáp nhập thành một đơn vị duy nhất với danh xưng là Liên đoàn 81 BCND, được đặt dưới quyền điều động của Phòng 3 bộ Tổng tham mưu.

Về phái bộ cố vấn, sau khi Liên đoàn 5 LLĐB Hoa Kỳ kết thúc nhiệm vụ tại VN cùng với thời gian LLĐB VNCH giải tán, bộ chỉ huy MACV đã cử trung tá David P. Cole, nguyên chỉ huy bộ phận xâm nhập phía Bắc của Đơn vị Nghiên cứu và Quan sát (SOG) thuộc MACV được phái ra Nha Trang để thành lập toán cố vấn LLĐB gọi tắt là SMAG. Trung tá Cole chọn những quân nhân được tuyển từ Liên đoàn 5 LLĐB để thành lập toán cố vấn này. Toán SMAG đã huấn luyện cho các toán đặc nhiệm thuộc Nha Kỹ thuật về các chiến thuật và kỹ thuật chiến trang không quy ước, bắt đầu từ 1 tháng 2/1971. Đến cuối tháng 2/1971, doanh trại của LLĐB Mỹ ở Nha Trang được giao cho bộ phận của trung tá Cole. Sau gần 1 năm được SMAG huấn luyện, các toán đặc nhiệm VN khởi sự hoạt động vào tháng 1/1972. Kể từ đó, các đơn vị đặc nhiệm này khởi động các cuộc đột kích ngoại biên, thu thập tin tức tình báo, và được di chuyển ra Đà Nẵng và Kontum vào đầu tháng 2/1972. Đến ngày 1-4, toán cố vấn ngưng hoạt động vì công tác huấn luyện đã xong, các nhân viên trong toán cố vấn được điều động sang giúp các đơn vị đặc nhiệm của Nha Kỹ thuật.

* Hoạt động của đơn vị đặc nhiệm do SOG yểm trợ
Về hoạt động của đơn vị đặc nhiệm Nghiên cứu và Quan sát (SOG) thuộc MACV, chính thức hoạt động từ 1964, thì đến năm 1971, đơn vị cố vấn SOG được đổi thành 3 toán cố vấn: toán 1, toán 2 và toán 3 để giữ vai trò cố vấn cho Nha Kỹ thuật và hoạt động yểm trợ cho ba đơn vị đặc nhiệm thuộc SOG, mỗi đơn vị có 244 chiến binh LLĐB và 780 chiến binh người Thượng. Toán cố vấn Đặc nhiệm 1 được giao nhiệm vụ phòng thủ đài phát tuyến Hickory Hill, đài này tọa lạc trên ngọn đồi cao 953 mét, nằm về phía Tây Bắc Quảng Trị, gần khu Phi Quân Sự (DMZ). Ngày 3 tháng 6/1971, pháo binh CSBV bắt đầu hỏa tập vào các hầm phòng thủ của đài phát tuyến này. Ngày 4-6, 15 chiến binh bị thương, trong đó có 5 LLĐB và 10 chiến binh người Thượng, tất cả được tản thương. Quân số còn lại chỉ còn hai trung sĩ Cố vấn Mỹ và 23 cảm tử quân bảo vệ ngọn đồi. Ngày 5 tháng 6, một tiểu đoàn CSBV tấn công chiếm đài phát tuyến, 1 cố vấn Mỹ bị bắt và 1 được ghi nhận là mất tích, như thế SOG chỉ còn một trạm tiếp vận truyền tin Leghorm ở ngã ba biên giới Lào.

Ngày 30-3-1972, đơn vị SOG đồn trú tại Nakhon Phamom ở Thái Lan giải tán. Một tháng sau, bộ chỉ huy SOG thuộc MACV cũng được lệnh giải tán để cho toán Cố vấn Nha Kỹ thuật thay thế.

* Đơn vị An ninh Biệt động Golf-5
Trong tất cả các đơn vị thuộc Nha Kỹ thuật, có một đơn vị đặc biệt có tên là Đại đội An ninh Biệt động Golf-5. Đây là lực lượng phản kích cho đài phát tuyến Leghorm và là lực lượng tổng tấn công thuộc Sở Liên lạc đồn trú tại Kontum. Đơn vị Biệt động này gồm 21 LLĐB chỉ huy điều động 150 dân sự chiến đấu gồm các bộ lạc Thượng, trong đó có nhiều người đã từng chiến đấu cho LLĐB Hoa Kỳ trước đây. Đại đội cũng có 1 phân đội canh gác riêng gồm 54 người Nùng. Một trong những công tác quan trọng nhất mà đại đội đã được ủy nhiệm thực hiện, đó là chuyến công tác đi tìm xác của 10 quân nhân LLĐB quan trọng và các hành khách đã bị lâm nạn trong vụ chiếc phi cơ C-46 của Hàng Không Trung Hoa bị rớt gần Pleiku ngày 5-6-1972. Trong số quân nhân tử vong có trung tá Mendoza thuộc toán phân phối Quân cụ ở Cam Bốt. Sau khi nhận được lệnh, cả đại đội đã đi vào rừng sâu, bung rộng từng toán để lục soát và tìm dấu tích, cuối cùng đại đội đã tìm được và đưa về tất cả các tử thi trong điều kiện thời tiết rất xấu.

Đại đội cảm tử quân này cũng được phái đến địa điểm chiếc phi cơ hành khách của hãng Cathay Pacific rớt trong một vùng khác ở Cao nguyên Trung phần. Dù phải thực hiện nhiệm vụ trên một địa thế hiểm trở, khó xác định tọa độ, nhưng với nỗ lực và kinh nghiệm, ngày 16 tháng 6/1972, đại đội tìm được 65 xác nhưng cuối cùng phải bỏ cuộc vì vừa lúc đó CSBV tới khu vực với một lực lượng rất đông. Cũng cần ghi nhận rằng trước đó, vào ngày 23-4-1972, CSBV mở một cuộc tổng tấn công phía Tây Cao nguyên và tiến về hướng Kontum. Đến ngày 10-5, sư đoàn 320 CSBV đã có mặt ở ngoại vi Kontum, trước tình hình đó, toán đặc nhiệm 1 và đại đội cảm tử quân phải di chuyển về Ban Mê Thuột để tái phối trí lại thành lực lượng Công tác Đặc biệt vào ngày 11-7-1972.

* Lực lượng Công tác đặc biệt và các hoạt động tiền phương
Với hai thành tích tìm được phi cơ Trung Hoa và Cathay Pacific rớt, Lực lượng Công tác Đặc biệt được trao nhiệm vụ chuyên cứu tù binh và lính lạc đường cũng như tìm cách cứu phi cơ rớt. Năm 1972, trận chiến tại Tây nguyên càng ngày càng kéo dài, trong mùa mưa tháng 6, chỉ huy MACV Quân khu 2 là ông John Paul Vann bị tử nạn trực thăng, người thay thế là chuẩn tướng Michael D. Healy. Vị tướng này nhìn thấy khả năng hiệu quả của lực lượng Công tác đặc biệt nên ông đòi thu dụng các toán tình báo để giúp các đơn vị bộ chiến VNCH lấy lại Đức Cơ. Tháng 9/1972, toàn bộ Sở Liên lạc được tăng phái cho Sư đoàn 22 BB và 23 BB đang tiến qua rừng chiếm lại Đức Cơ. Các toán LLĐB đã chứng tỏ khả năng tình báo cũng như tác chiến ở tuyến tiền phương, cung cấp yếu tố để B-52 đến oanh tạc giúp các đơn vị VNCH lấy lại Đức Cơ.

Sau khi các đơn vị của sư đoàn 320 CSBV chiếm được làng Plei Djereng vào ngày 4/9 để làm đầu cầu cho các cuộc tấn công quy mô vào một số vị trí trọng yếu ở khu vực Pleiku, các đơn vị đặc nhiệm của Nha Kỹ thuật cũng được điều động tham dự các trận đánh ở Pleiku. Các toán tình báo của sở Liên lạc cũng được dùng như đơn vị biệt động cho đến cuối tháng 9. Do tình hình chiến trường, vùng Cao nguyên cũng vẫn rất cần đến các đơn vị tình báo biệt động, và nha Kỹ Thuật có toán 158 được chuyển thành toán Huấn luyện Đặc biệt để huấn luyện các chiến binh VNCH trong các công tác thám báo dài hạn.

Trong những tháng cuối năm 1972, các toán đặc nhiệm của Sở Liên lạc tham dự hai chuyến công tác tại Cam Bốt, trong đó có chuyến hoạt động sâu, đó là chuyến xâm nhập của 3 toán được thả vào khu Mỏ Vẹt Cam Bốt ngày 2-9-1972, mặc dù có vài chiến binh tử trận hoặc mất tích, nhưng cả ba toán đã hoạt động 10 ngày trong khu vực này trước khi được bốc ra. 35 chiếc B-52 bay hàng ngang oanh tạc tiêu diệt nhiều căn cứ hậu cần của CSBV. Sau đó, sở Liên lạc lại tái thực hiện các cuộc hành quân vượt biên vào tháng 12 và tiếp tục cho đến khi Hiệp định Paris được ký kết và có hiệu lực vào ngày 28-1-1973.

Theo tổ chức, các đơn vị đặc nhiệm thuộc Nha Kỹ thuật có nhiệm vụ chính là thực hiện các cuộc hành quân vượt biên, các chuyến công tác xâm nhập vào hậu tuyến địch trong nội địa VNCH, thế nhưng cuộc tấn công Mùa Hè 1972 của CSBV đã làm thay đổi cuộc diện chiến trường và vai trò của các đơn vị này. Theo kế hoạch và sự điều động của Bộ Tổng tham mưu QL.VNCH, các toán của Nha Kỹ thuật được chuyển sang nhiệm tác chiến biệt động để cùng với các đơn vị bộ chiến VNCH nỗ lực ngăn chận các cuộc tấn công của CSBV tại các tỉnh phía Bắc Quân khu 1. Các đơn vị thuộc sở Công tác/Nha Kỹ thuật được đặt thuộc quyền chỉ huy của bộ Tư lệnh Quân khu 1, các toán đặc nhiệm của sở này đã chiến đấu như những đơn vị biệt động tiền quân mở đường. Hoạt động của các đơn vị này được chấm dứt sau khi Thủy quân Lục chiến QL.VNCH tái chiếm Cổ thành Quảng Trị.

Ngày 9 tháng 10/1972, Sở Công tác nhận nhiệm vụ bảo vệ phòng tuyến chiến thuật giữa Huế và Lào do Liên đoàn 81 Biệt cách Nhảy Dù chuyển giao. Đúng 1 tháng sau, sở Công tác chấm dứt nhiệm vụ tại khu vực này. Toán Huấn luyện đặc biệt mang ký số 158 cũng được lệnh giải tán ngày 12-3-1973 theo lịch trình rút quân của các đơn vị Hoa Kỳ. Các đơn vị hành quân của bộ phận 158 đã lập nhiều chiến tích nhưng do vấn đề bảo mật nên đã không được phổ biến trong suốt cuộc chiến Việt Nam.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.