Hôm nay,  

Cảm Nghĩ Đêm ‘nhạc Tiền Chiến’ Tại Quận Cam

03/03/200100:00:00(Xem: 4791)
Đêm thứ bảy, 17 tháng 2, 2001, giới yêu nhạc Việt Nam đã được dịp thưởng thức một đêm Nhạc Tiền Chiến rất độc đáo do Hội Nghệ Thuật Âm Nhạc California tổ chức tại hý viện La Mirada thuộc thành phố La Mirada, miền Nam Cali. Hội trường trang nhã và ấm cúng chật hết 1200 chỗ ngồi. Giới sành điệu nhạc xưa Việt Nam đã được dịp nghe và xem tận mắt một tập hợp gồm bảy tiếng hát của những ca sĩ mà tên tuổi ít nhiều gắn bó với dòng nhạc này, hòa điệu cùng dàn nhạc giao hưởng mới lạ và đặc sắc do nhạc trưởng trẻ tuổi tài cao Thomas Ngô điều khiển.

Khoảng thời gian gạch nối giữa buổi chiều và buổi tối đến chậm rãi khoan thai. Trời chiều không mưa, không khí lành lạnh với từng làn gió nhẹ đủ làm se lòng khách đi tìm kỷ niệm xa vời nào đó gắn bó với dòng nhạc ngày xửa ngày xưa. Hý viện La Mirada thanh lịch, tọa lạc tại địa điểm trung tâm thuận tiện cho khách đến từ Quận Cam cũng như khách xuống từ Los Angeles.

Những khuôn mặt quen thuộc của âm nhạc và giới truyền thông hiện diện đêm ấy, ngoài hai tiền bối của âm nhạc Việt Nam là nhac sĩ Nguyễn Hiền và nữ ca sĩ Minh Trang, còn có nhạc sĩ Phạm Duy, được hội trường tán thưởng với sự biết ơn như thầm hiểu ông là nhạc sĩ đã đóng vai trò quan trọng cho âm nhạc Việt Nam. Có nhà văn Nguyễn Đình Toàn, từng chủ biên chương trình Nhạc Chủ Đề trên đài phát thanh Saigon ngày trước, và được Khánh Ly giới thiệu là "ông thầy" âm nhạc của cô. Có họa sĩ Thái Tuấn và họa sĩ Trịnh Cung cũng là thân phụ của nhạc sĩ dương cầm Nguyễn Vương Hương trong ban nhạc. Phia báo chí thấy có nhà báo Đỗ Ngọc Yến của Người Việt, có PTH của Việt Báo. Có Phạm Long và Nguyễn Hữu Công của đài Little Saigon Radio.

Chúng tôi có mặt từ sớm để có dịp gặp gỡ chuyện trò cùng hai người trưởng ban tổ chức là Vũ Thị Thơ và Phạm Duy Quang, và chàng nhạc trưởng trẻ tuổi vui tính Thomas Ngô. Hội Nghệ Thuật Âm Nhạc tập trung nhiều khuôn mặt trẻ, hăng say với âm nhạc, có liên hệ với Trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Saigon ngày xua. Hầu hết thành viên của hội này đã từng theo học và tốt nghiệp âm nhạc và kịch nghệ từ đây. Tất cả cùng san sẻ một hoài bão phụng sự nghệ thuật âm nhạc và ý hướng làm mới lạ âm nhạc Việt để vun xới cho khu vườn nghệ thuật trình diễn trong cộng đồng người Việt hải ngoại cũng như cho thế hệ tương lai. Nhạc Tiền Chiến là chương trình nhạc thính phòng phối hợp những giọng hát quen thuộc của dòng nhạc lãng mạn trữ tình năm xưa, với dàn nhạc giao hưởng trình tấu phương pháp hòa âm mới lạ và đầy sáng tạo. Chương trình đầu tiên này đã ra mắt thành công tốt đẹp tại miền bắc California. Sau đêm nay, họ dự định sẽ lần lượt cho chúng ta thưởng thức nhiều chương trình nhạc khác trong những dự án rất nhiều tham vọng trong tương lai..

Phông cảnh trang trí bên trong hội trường thật nhẹ nhàng lịch sự, khách thưởng lãm bước vào hội trường với một cảm giác ấm áp thơ thới nhẹ nhàng. Trên sân khấu ánh sáng điều chỉnh vừa phải và thích hợp với từng giòng nhạc từng bài hát. Khán giả có thể thấy là buổi hòa nhạc đã được tổ chức khá chu đáo, không có chi tiết nhỏ nào bị bỏ qua hay bỏ quên từ ngoài đến trong. Kể cả chi tiết người viết bị cô trật tự viện đến ra lĩnh cấm chụp hình để rồi sau đó chính cô xin bắt tay xin lỗi vì không nhìn thấy bảng tên ban tổ chức đã gắn cho trên túi áo. Điều đáng khen ngợi nhất là chương trình đã khai mạc rất đúng giờ.

Nhận xét đầu tiên là ban tổ chức đêm nhạc tiền chiến này đã khéo chọn được người điều khiển chương trình Bùi Bảo Trúc. Dù không phải là "nhà văn chuyên nghề MC", nhưng những chuẩn bị và nghiên cứu về nhạc tiền chiến cùng những tìm tòi về xuất xứ từng bản nhạc cho thấy sự say mê của anh về dòng nhạc này. Với cung cách giới thiệu, lịch thiệp khéo léo, các câu nói duyên dáng pha chút dí dỏm, một vài câu đùa để làm nhẹ bớt không khí trang trọng. Những lời qua lại mang chút đùa nghịch với Khánh Ly đã làm cho những câu giới thiệu đỡ khuôn sáo và khô khan. Nhưng nếu cả Khánh Ly và Bùi Bảo Trúc bỏ bớt chừng một nửa những câu đùa thì hợp với không khí trang trọng thính phòng hơn. Giá như Nguyễn Kim Oanh học thuộc hơn tí nữa những bài viết bay bướm và công phu của Bùi Bảo Trúc thì phần giới thiệu và trình bày của cô sẽ hay hơn. Nhưng bù lại, Kim Oanh đã được nhà vẽ kiểu Vũ Thị Thơ trau chuốt kỹ lưỡng với mấy chiếc áo dài đẹp, lạ mắt và thật lộng lẫy.

Thành công lón nhất phải nói đến việc tập hợp một dàn nhạc giao hưởng thính phòng vừa phải đầy đặn mang lại cho cả hội trường chật nức những âm hưởng nhạc Việt Nam thơ mộng trữ tình. Một dàn nhạc gồm từ trống, guitar và keyboard đến, dương cam, vỹ cầm, cello, sáo, clarinette, saxophone, base... Một tập hợp dàn nhạc như vậy được phối trí hòa điệu dưới ngọn đũa của chàng nhạc trưởng trẻ tuổi, tính tình đằm thắm dịu dàng mà tôi đã chứng kiến tận mắt qua nhiều giờ anh điều khiển dàn nhạc này tập dợt với nhiều ca sĩ khác nhau. Thomas Ngô cũng tự viết hòa âm hầu hết những bài tiền chiến cho chương trình này, một số khác do Đặng Xuân Thìn và Nhật Trung viết hòa âm.

Âm hưởng mới lạ của dàn nhạc thính phòng này với những hòa điệu gắn bó ngọt ngào, những âm điệu hài hòa, lúc nhẹ nhàng e ấp đi theo sau các giọng hát thân quen, nhưng cũng có khi như lên giọng đưa dẫn cũng những tiếng hát tưởng như hơi nhàm chán để bước lên một tầng cấp mới của âm thanh. Không cần phải sành điệu nhà nghề, khách cũng có thể nghe được sự khác lạ của hòa âm của ba nhạc sĩ trẻ này so với lối hòa âm công thức nhan nhản trên thị trường băng đĩa hôm nay. Những câu nhạc mở đầu của từng bài hát, những hòa âm mới lạ nổi lên những âm hưởng sáng tạo nhưng hài hòa với nhịp điệu cũng như tâm tình của bài hát mà các ca sĩ được dìu vào trong vài ba giây kế tiếp. Khán giả cũng không khỏi ngạc nhiên thích thú với hòa âm mới lạ độc đáo của những câu kết của mỗi bản nhạc, mỗi ca khúc. Mỗi bài một khác, thay đổi gắn liền với tiết điệu và âm hưởng của từng ca khúc, tha thướt theo sau những bản tình ca lãng mạn, rồi nồng nàng đột ngột chấm dứt thẳng thừng cho một điệu nhạc vui tươi, vừa nhí nhảnh vừa nghịch ngợm.

Chương trình gồm 23 ca khúc tiền chiến phần lớn do những nhạc sĩ tiền phong của âm nhạc sáng tác vào thời "bình minh" của nhạc Việt Nam., 23 bài hát của nhiều thể điệu khác nhau, có bài hát tươi trẻ như Bánh Xe Lãng Tử của Trọng Khương do Thanh Lan trình bày, có hai bản nhịp điệu nhanh, tươi sáng chọn cho phần trình bày hợp ca như Con Đường Vui, và Xuân Và Tuổi Trè. Có bài với nhịp điệu nhẹ nhàng lãng mạn muôn thủa như Ngọc Lan do Quỳnh Giao trình bày, có những bản nhạc không một khách yeụ nhạc nào không biết đến như Con Thuyền Không Bến của Đặng Thế Phong do Mai Hương hát, hay Đêm Đông của Nguyễn Văn Thương với tiếng hát Kim Tước. Mai-Hương Kim-Tước Quỳnh-Giao là ba con chim đầu đàn của nhạc tiền chiến, tên tuổi họ gần như đi liền với những bản nhạc lời ca êm ả diễm tình của dòng nhạc này. Thanh Lan hát Giọt Mưa Thu với chỉ có tiếng dương cầm thánh thót điệu nghệ của Nguyễn Vương Hương phụ họa. Đinh Ngoc chưa đủ hơi để chuyên chở Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay của Đoàn Chuẩn và Từ Linh.

Tuấn Ngọc vẫn là giọng nam trầm ấm, ngất ngưởng một mình một chợ. Vẫn tiếng hát khỏe, hơi dài, điệu nghệ, phảng phất một chút cao ngạo, nhưng không thể thiếu cho một chương trình nhạc tiền chiến như đêm nay. Chỉ một sơ hở kỹ thuật nhỏ là tiếng hát anh đêm nay không giữ được sự chú ý của khán giả khi trình bày đến bài thứ ba. Giọng hát mới của Trần Thái Hòa đem đến cho khách mộ điệu nhiều thích thú. Trần Thái Hòa hát Dư Âm và Cô Láng Giềng đầm ấm, vừa phải, rất được tán thưởng. Tiếng hát ấm áp, tràøn đầy và kỹ cương cho thấy nhiều triển vọng, nhưng trang phục của Hòa không phù hợp với các bài hát anh trình bày và bị lạc lõng giữa không khí trang trọng của đêm nhạc thính phòng.

Giọng hát Thái Hiền, theo tôi, chuyên chở nhiều âm hưởng tiền chiến nhất. Tiếng hát gọn ghẽ đầy đặn, thiện nghệ nhưng không quá khuôn sáo, và nhất là không nhàm chán. Thái Hiền hát Suối Mơ và sau đò, Bến Cũ, thật ngọt ngào, diệu vợi... Không một vấp váp thiếu hụt. Có cần chăng là một tí cảm xúc đi theo cùng âm hưởng của lời thơ ý nhạc.

Trước đây người ta có hơi lạm dụng khi dùng chữ "hiện tượng" để nói đến Khánh Ly... Một hiện tượng Khánh Ly với nhạc tình Trịnh Công Son, hát trên giảng đường đại học Vạn Hạnh, trên sân cỏ Văn Khoa, hay trong quán Văn. Hiện tượng Khánh Ly hát Trên Hoang Tàn Đổ Nát của Trần Đình Quân ở Huế ngay sau Mậu Thân, hay hiện tượng Khánh Ly hát Kinh Khổ của Trầm Tử Thiêng trong trại tỵ nạn, hát Vinh Biệt Saigon những ngày đầu trở lại ca hát trên miền đất tạm dung. Những hình ảnh đó của Khánh Ly vẫn không xóa nhòa được sự hiện hữu mạnh mẽ, tràn đầy sức sống của cô trong đêm nay trên sân khấu này... hát nhạc tiền chiến. Chính cô đã thú nhận "Nhạc Tiền Chiến" lả mối tình đầu của cuộc đời ca hát của cô khởi đi từ những ngày còn bé ở Hà Nội, đến Đà Lạt, rồi Saigon. Và nay là Hoa Kỳ và khắp năm châu. Đêm nay, tiếng hát Khánh Ly trổi lên mạnh bạo sang sảng trong bài Nụ Cười Sơn Cước, và lâm ly tha thiết qua Biệt Ly. Đi từ nhịp nhàng của Qua Bến Năm Xưa chuyển sang da diết luyến lưu trong Trách Người Đi. Khánh Ly đã làm chủ sân khấu, chiếm ngôi độc tôn qua bốn bài nhạc tiền chiến với bốn tiết điệu khác nhau. Đêm nay ta thực sự chứngkiến "hiện tượng Khánh Ly" với nhạc tiền chiến…!

Bắt đầu từ những chương trình nhạc Cung Tiến và Ngô Thụy Miên năm ngoái, và đêm nay, với Nhạc Tiền Chiến, Thomas Ngô đã mang một luồng sinh khí mới cho nhạc thính phòng giao hưởng bằng cả tấm lòng yêu thích nghệ thuật của anh.

Rất mong Hội Nghệ Thuật Âm Nhạc, sau sự thành công của chương trình "Nhạc Tiền Chiến" đêm này tiếp nối bằng những dự án như các anh chị đã hoạch định. Đừng để khách yêu nhạc phải chờ mong.

(Đỗ Khanh)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.