Hôm nay,  

Tt Putin Và Nền Dân Chủ Của Liên Bang Nga

08/03/200400:00:00(Xem: 4913)
Cuối tháng Hai, tổng thống Liên bang Nga Vladimir V. Putin giải tán chính phủ. Thế giới ngạc nhiên, vì giữa tháng Ba tức chỉ ba tuần lễ sau là đến ngày bầu cử tổng thống. Có 6 người dự tranh, nhưng ông Putin cầm chắc là sẽ đắc cử. Vậy tại sao ông Putin giải tán chính phủ" Dư luận tại Hoa Kỳ và Âu châu lo ngại rằng sau 4 năm làm tổng thống, quyền lực đã vững vàng, ông Putin chuẩn bị để trở thành nhà độc tài dưới nhãn hiệu dân chủ, hay tệ hại hơn đưa Liên bang Nga trở về chế độ độc tài đảng trị. Tháng 10 năm 2003, khi ông Putin ra lệnh bắt giữ và truy tố ông Mikhail Khodorkovsky, nhà tài phiệt chủ nhân của công ti dầu hỏa lớn nhất Liên bang Nga thế giới cũng từng bày tỏ sự lo âu như vậy. Ông Putin vốn gốc là một đại tá tình báo và là một cựu đảng viên đảng cộng sản Liên bang Xô viết nên sự lo ngại của Tây phương là dễ hiểu.
Sự lo ngại này có trở thành sự thật hay không còn phải chờ thời gian trả lời. Trước hết là cung cách xử ông Khodorkovsky trước tòa, sau đó là những gì ông Putin sẽ làm trong 4 năm tới. Nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy ông Putin muốn xây dựng lại uy tín của Liên bang Nga hơn là tạo điều kiện cho một nước Nga độc tài và cá nhân ông trở thành một thứ tổng bí thư đảng thời Liên bang Xô viết cũ.
Dấu hiệu thứ nhất: Sau khi giải tán chính phủ, ông Putin bổ nhiệm ông Mikhail Fradkov, một nhân vật trung dung làm thủ tướng thay thế ông Mikhail Kasyanov. Ông Fradkov là một chuyên viên trong ngành thu thuế và hiện là đại diện Liên bang Nga tại Liên hiệp Âu châu (EU). Ông không thuộc giới tình báo an ninh hay quân sự, cũng không thuộc nhóm những người chủ trương đẩy mạnh kinh tế thị trường mọi mặt. Ông là người được giới chính khách và doanh nhân EU biết và kính nể. Sự bổ nhiệm này cho thấy ông Putin muốn cải tổ kinh tế trong chừng mực và có kiểm soát trong một không khí dân chủ cũng chừng mực và có kiểm soát.
Dấu hiệu thứ hai là nhận xét của một nhân vật có thẩm quyền. Trong một cuộc phỏng vấn ông Mikhail Gorbachev, người đã giải thoát Liên bang Xô viết ra khỏi chế độ độc tài cộng sản nói rằng tây phương không cần phải quá lo lắng và thúc ép Liên bang Nga. Ông nói mặc dù từ năm 1990 đến nay Liên bang Nga không có một cuộc bầu cử nào hoàn toàn dân chủ nhưng Liên bang Nga cũng đã vĩnh viễn từ bỏ độc tài. Ông nói: "Sự trở về một chế độ độc tài là điều không thể xẩy ra được. Nó không thể xẩy đến ngày hôm nay và càng không thể đến trong tương lai khi thế hệ trẻ nắm quyền lãnh đạo quốc gia." Nói đến sự phê bình của Hoa Kỳ và Âu Châu trước các diễn biến chính trị tại Liên bang Nga như việc bắt giữ chủ tịch hãng dầu Yukos Mikhail Khodorkovsky, việc kiểm soát các đài truyền hình, việc vi phạm nhân quyền tại Chechnya và cuộc bầu cử quốc hội Liên bang Nga tháng 12 năm 2003, và việc giải tán chính phủ vừa qua ông Gorbachev nói: "Tôi có cảm tưởng Hoa Kỳ và Âu châu, nhất là Âu châu chỉ muốn Liên bang Nga nằm sấp mặt xuống. Nhưng Liên bang Nga không thể nằm sấp mặt, không thể để người ta bóp cổ, bóp họng." Và ông nói tiếp: "Ai muốn đẩy nước Nga vào góc kẹt kẻ đó đã phạm một sai lầm lớn."
Tình hình chính trị tại Liên bang Nga đang ổn định, vị trí ông Putin lúc này và sau ngày bầu cử tổng thống 14/3/2004 sắp tới vững vàng, vậy tại sao ông giải tán chính phủ" Câu trả lời có thể đơn giản là ông Putin muốn tranh thủ thời gian. Và ông muốn chứng tỏ ông có tư thế chính trị để làm như vậy. Tại sao phải chờ mất vài tháng, tranh cử, bầu cử, chờ đợi chọn lựa tân thủ tướng và thành lập chính phủ trong khi Liên bang Nga đang có những vần đề cấp bách phải giải quyết. Thời gian chờ đợi ông Putin một mặt phải đương đầu với nội bộ vì đương kim thủ tướng Mikhail Kasyanov vốn bất đồng ý kiến với ông trong việc bắt giữ và truy tố ông Mikhail Khodorkovsky, mặt khác với áp lực dư luận của thế giới Tây phương.
Thế chính trị của tổng thống Putin là thành quả những gì ông mang lại cho nước Nga trong 4 năm ở chức vụ tổng thống. Trong gần 10 năm đổi mới, chuyển đổi từ kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường dưới thời Boris Yeltsin, nước Nga kinh qua vực thẳm của sự thất bại kinh tế và suy giảm uy tín trên thế giới. Ông Putin đã vực nên kinh tế Liên bang Nga dậy, chận đứng sự lạm quyền của các tân đại tư bản (trường hợp ông Mikkahil Khodorkovsky là một), bảo toàn lãnh thổ Liên bang Nga (chính sách cứng rắn đối với Chechnya để bảo vệ quyền lợi của người gốc Nga tại đó, mặc dù bị kết án là vi phạm nhân quyền) và nhất là dần dần tái lập uy tín của Liên bang Nga (giúp đỡ Hoa Kỳ sau khi phi thuyền con thoi Columbia nổ khi trở về mặt đất đầu năm 2003; có thái độ độc lập với Hoa Kỳ đối với cuộc chiến tranh tại Iraq ...)

Vào ngày 14 tháng 3, 2004 khi người dân Nga đi bầu tổng thống, có thể trước đây 20 năm đa số không nghĩ rằng ngày hôm nay họ có được cái quyền đó, dù là một thứ quyền rất căn bản. Hôm nay Liên bang Nga đã có một mức độ dân chủ nào đó, và người dân Nga không sống dưới đôi mắt luôn luôn bị dòm ngó bởi mật vụ. Bộ máy kinh tế vận hành theo nguyên tắc kinh tế thị trường, nghĩa là sản xuất theo nhu cầu tiêu thụ của quần chúng chứ không sản xuất theo kế hoạch nhà nước. Và với đà tăng trưởng kinh tế hiện nay chỉ trong một thời gian ngắn nữa Liên bang Nga sẽ rời bỏ hàng ngũ những nước nghèo. Với khả năng sẵn có về khoa học và một nền tảng kỹ thuật vững chắc, với tiềm năng trí tuệ và nhân lực, với các cải tổ cần thiết về ngân hàng, thuế vụ của tổng thống Putin, Liên bang Nga sẽ gia nhập vào hàng ngũ những nước phát triển trong một thời gian có thể thấy trước mắt.
Dù vậy, cái cơ nguy Liên bang Nga trở lại chế độ độc tài dưới một bề ngoài dân chủ hiến định cũng không phải là điều không nên nghĩ tới. Vì rằng mặc dù từ năm 1991 đến nay đã có 7 cuộc bầu cử toàn quốc, trong đó có 4 cuộc bầu cử quốc hội và 3 cuộc bầu cử tổng thống, các nhà lãnh đạo Liên bang Nga đã nhúng tay quá nhiều vào các cuộc bầu cử đó như độc quyền xử dụng phương tiện truyền thông nhà nước, kiểm soát chặc chẽ bằng kiểm duyệt và đe dọa báo chí và truyền thông tư nhân, xử dụng tối đa và một cách thiên vị bàn tay tư pháp và hành chánh để bóp chẹt những ứng cử viên đối lập. Bên cạnh đó là thế lực của các nhà tài phiệt bỏ tiền của ra vận động cho những ứng cử viên gà nhà. Tất cả các sự việc đó làm cho cử tri không muốn đi bầu, và kết quả của các cuộc bầu cử không phản ánh đầy đủ sự chọn lựa của người dân.
Tuy nhiên theo nhận xét của ông Andrei Shleifer, giáo sư kinh tế học đại học Harvard, và ông Daniel Treisman, giáo sư khoa học chính trị tại đại học UCLA trong một bài biết về tiến trình xây dựng dân chủ tại Liên bang Nga (xem tài liệu dẫn chiếu số 4) thì sự lo lắng của Tây phương đối với nền dân chủ Liên bang Nga có vẻ quá đáng. Nhìn tổng thể trong 10 năm qua Liên bang Nga là nước dân chủ nhất trong những nước đang phát triển. Trong cuộc bầu cử nào cũng có đủ mầu sắc chính trị tham dự (dù bị chèn ép), và những ai đi bầu đều được tự do tại phòng phiếu. Theo sự đánh giá của Tổ chức An ninh và Hợp tác Âu châu (Organization for Security and Cooperation in Europe) thì các cuộc bầu cử tại Liên bang Nga trong thời gian 1993 đến 1995 là "tự do và công bình " (free and fair); các cuộc bầu cử từ năm 1996 đến 1998 đã "tăng cường nguyên tắc đại diện dân chủ"(consolidating representative democracy); và trong hai cuộc bầu cử năm 1999 và 2000 nguyên tắc đếm phiếu được xem là "trong sáng, tin được và chính xác" (transparency, accountability, and accuracy). Đó là bằng chứng của sự tiến bộ trong tiến trình bầu cử dù chưa hoàn hảo.
Cũng theo hai giáo sư Shleifer và Treisman, trong một nền dân chủ giả tạo (như nền dân chủ trên giấy tờ của các nước cộng sản) kết quả của các cuộc bầu cử phản ánh điều chờ đợi của người đang cầm quyền, thì trái lại các cuộc bầu cử ở Liên bang Nga từ năm 1991 đến nay thường mang đến kết quả bất ngờ. Năm 1991 Boris Yeltsin thắng Gorbachev (người hùng của nước Nga trước mắt thế giới) và trở thành tổng thống Liên bang Nga với 57% phiêu bầu. Năm 1993 thế giới ngạc nhiên đến độ hoảng hốt khi đảng của ông Vladimir Zhirinovsky chủ trương quốc gia cực đoan thắng lớn trong cuộc bầu cử quốc hội. Năm 1995 và năm 1999 đảng Cộng sản Nga thắng lớn (chiếm 22% và 24% ghế quốc hội), trong khi đảng thân với những nhân vật đang cấm quyền chỉ chiếm được 15% trong cuộc bầu cử năm 1993 và 10% trong cuộc bầu cử năm 1995.
Trong bối cảnh đó việc giải tán chính phủ, và lập tân nội các trước ngày bầu cử tổng thống của ông Putin không phải là một dấu hiệu đáng lo. Liên bang Nga đã kinh qua điểm không thể vãn hồi trên con đường hội nhập vào thế giới văn minh. Tổng thống Valadimir Putin cũng như bất cứ ai khác cũng không thể đi ngược lại ước mơ dân chủ của người dân.
Nếu chúng ta tin vào nhận xét của cựu chủ tịch đảng Cộng sản Liên bang Xô viết, ông Gorbachev thì ông Putin đang có một vị trí quyết định. Nếu ông ta dùng quyền hành để tiếp tục con đường xây dựng dân chủ, canh tân xứ sở và giải quyết các vấn nạn quốc gia hiện nay thì Liên bang Nga sẽ cùng ông đi tới trước. Ngược lại nếu ông Putin dùng quyền hành để bảo vệ quyền hành và làm cho quyền hành cá nhân của mình lớn hơn thì ông sẽ đối diện với sự phản kháng của người dân. Nhân dân Liên bang Nga sẽ đào thải ông Putin cũng như sẽ đào thải bất cứ chính trị gia nào theo bước ông ta.
Trần Bình Nam
March 6, 2004
BinhNam@earthlink.net
http://www.vnet.org/tbn
Tài liệu tham khảo:
1. "No Turning Back for Russia", by Kim Murphy, Los Angeles Times, March 4, 2004
2. "Putin Looks West for Premier", by Kim Murphy, Los Angeles Times, March 2, 2004
3. "Here Today, Gone Tomorrow", The Economist, Feb. 28 - Mar. 5, 2004
4. "A Normal Country: Rethinking Russia", by Andrei Shleifer & Daniel Treisman, Foreign Affairs, March/April 2004.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạp chí Văn Học Mới số 5 dày 336 trang, in trên giấy vàng ngà, bìa tranh nghệ thuật của Nguyễn Đình Thuần, sáng tác từ hơn 50 nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo và phê bình nghệ thuật.- Văn Học Mới số 6 sẽ ấn hành vào tháng 3/2020, có chủ đề về nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Một tuyệt phẩm thi ca gồm những bài thơ dị thường chưa bao giờ xuất hiện bất cứ đâu, viết bởi một thi sĩ dị thường. Tựa: Tuệ Sỹ Ba ngôn ngữ: Việt - Anh - Nhật Dịch sang tiếng Anh: Nguyễn Phước Nguyên Dịch sang tiếng Nhật: G/s Bùi Chí Trung Biên tập: Đào Nguyên Dạ Thảo
Mùa thu là cơ hội bước sang trang mới khi nhiệt độ bắt đầu dịu lại. Trong mùa này, người dân California không cần mở điều hòa không khí lớn hết cỡ và cũng còn quá sớm để lo chạy máy sưởi.
Garden Grove xin mời cộng đồng tham gia chương trình đóng góp tặng quà cuối năm nhằm mang lại niềm vui, hy vọng và giúp đỡ cho những trẻ em địa phương không có quà trong mùa lễ Noel.
Ngồi niệm Phật miên man, dù cố tâm vào Phật hiệu nhưng hôm nay vẫn không sao “ nhập” được, đầu óc nó cứ văng vẳng lời anh nó lúc sáng: - Tu hú chứ tu gì mầy!
Một đường dây buôn người bán qua TQ do một phụ nữ Việt là nạn nhân buôn người trước đây tổ chức vừa bị phát hiện và bắt 2 người tại tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam, theo bản tin hôm 5 tháng 12 của Báo Dân Trí cho biết.
Điều trần luận tội đầu tiên của Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đã nhanh chóng nổ ra cuộc đấu đá nội bộ đảng phái hôm Thứ Tư, 4 tháng 12 năm 2019, khi các nhà Dân Chủ cáo buộc rằng Tổng Thống Donald Trump phải bị truất phế khỏi chức vụ vì tranh thủ sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và đảng Cộng Hòa giận dữ vặn lại không có căn cứ cho hành động quyết liệt như vậy.
Đó là cuộc khảo sát của công ty tài chánh WalletHub đối với 182 thành phố khắp Hoa Kỳ, để xếp thứ tự an toàn nhất cho tới bất an nhất. Cuộc nghiên cứu dựa trên 41 thước đo liên hệ tới an toàn
Cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông cầm dao tại El Monte, Nam California hôm Thứ Hai.
Một phần thưởng 50,000 đô la được đưa ra để bắt một người đàn ông của thành phố Burnaby đã bị truy nã trước đây vì tội rửa tiền như một phần của nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam hoạt động tại Canada và Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.