Hôm nay,  

Lễ Bách Nhật Tưởng Niệm Giáo Sư Thạc Sĩ Phạm Biểu Tâm

25/03/200000:00:00(Xem: 9741)
Y Sĩ Việt Nam thành lập giải thưởng Y Khoa Phạm Biểu Tâm

Gần 300 nhân vật thuộc nhiều thế hệ y khoa và đại học Việt Nam đã trân trọng tham dự Lễ Bách Nhật tưởng niệm Giáo Sư Thạc Sĩ Y Khoa Phạm Biểu Tâm, Cựu Khoa Trưởng Đại Học Y Dược Khoa Sài Gòn.
Buổi lễ được tổ chức trọng thể vào chiểu Chủ Nhật, 19 tháng 3 năm 2000,tại chùa Việt Nam, Garden Grove, California, với sự chứng minh của Hòa Thượpng Thích Mãn Giác, Hội Chủ Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ. Trong số quan khách tham dự có đông đủ các đại diện của Hội Y Sĩ Việt Nam tại Hoa Kỳ, các Hội Y Sĩ Việt tại cả hai miền Nam Bắc Cali, San Diego và nhiều y sĩ về từ các tiểu bang xa.

Buổi Lễ đặt dưới sự chứng minh của Hòa Thượng Thích Mãn Giác, Hòa Thượng Thích Mãn Giác, đã nói lên cảm tưởng của mình về buổi lễ rằng Hòa Thượng đã rất xúc động về sự tôn kính của mấy thế hệ bác sĩ đã dành cho vị Thầy khả kính, đức độ, mà bất khuất.

Bác Sĩ Võ Văn Tùng giới thiệu chương trình và thành phần giáo phẩm Hòa Thượng Thích Mãn Giác và các Thượng Tọa, đại đức, chư tăng; gia đình Bác Sĩ Phạm Biểu Tâm gồm có Bà Phạm Biểu Tâm, Thứ Nam Ông Phạm Biểu Chí, Thứ Nữ Bà Phạm Biểu Kim Hồng; Ông Phạm Biểu Trung, Bà Phạm Bửu Kim Liên, ông Phạm Biểu Tình và dưỡng nữ Bà Trần Thị Hồng. Đặc biệt có sự tham dự của GS Đặng Văn Chiếu, Cựu Khoa Trưởng ĐH Y Khoa SG và quý vị giáo sư trường Y. GS Tô Đồng, Cựu Khoa Trưởng ĐH Dược Khoa SG và quý giáo sư trường Dược BSNK Lê Trọng Phong cựu Phó Khoa Trưởng trường Đại Học Nha Khoa SG; Bác Sĩ Trần Ngươn Phiêu, Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị Hội Y Sĩ VN tại Hoa Kỳ; Bác Sĩ Nguyễn Văn Sĩ, Chủ Tịch Hội Y Sĩ Miền Nam Cali, BS Trần Duy Tôn, Chủ Tịch Hội Y Sĩ VN San Diego là những Hội Y Sĩ đồng tổ chức buổi lễ hôm nay. Dược Sĩ Trần Đức Hiếu, Chủ Tịch Hội DS VN tại Hoa Kỳ và Ông Tôn Thất Hy và Trần Đức Hạnh, đại diện Hội Hướng Đạo Việt Nam.
Bác Sĩ Tùng cũng sơ lược qua về thân thế và sự nghiệp của cố Giáo Sư mà vì đức tính khiêm nhường của GS, nên ít người biết đến.

Giáo Sư Phạm Biểu Tâm sinh ngày 13/12/1913 tại làng Nam Trung, Tổng Sư Lỗ, Huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế, trong một gia đình nho học và khoa bảng. Nội Tổ của Giáo Sư là cụ Tổng Binh Phạm Tấn quê quán tại làng Long Phú tỉnh Gia Định được vua nhà Nguyễn triệu về kinh làm quan vào khoảng năm 1864. Thân Phụ của GS Tâm là Cụ Phạm Hữu Văn, bút hiệu là Mai Nam, tiến sĩ Hán học triều Nguyễn, khoa Quý Sửu (1913), có bia ghi tên ở Văn Miếu Hà Nội và Văn Thánh Huế. Cụ làm quan đến chức Bố Chánh tỉnh Thanh Hóa và khi về hưu được thăng Thượng Thư.

Tuy ra Trung làm quan và sinh sống ở Huế, nhưng tâm hồn các cụ gốc miền Nam vẫn hướng về cố hương của mình nên đã cùng nhau lập ra một ngôi làng đặt tên là làng Nam Trung, ghép hai chữ Nam- Trung lại và được triều đình Huế công nhận. Đặc biệt làng này không có lũy tre, nhà san sát và quan nhiều hơn dân, là nơi Giáo Sư Phạm Biểu Tâm ra đời.

Sinh trưởng ở đất thần kinh, GS đã học tiểu học ở trường Đông Ba, Huế, Trung Học ở trường Vinh (College de Vinh), tú tài trường Quốc Học Huế và trường Bưởi (Lycee du Protectorat) ở Hà Nội.

Năm 1932 GS học ngành Y ở Đại Học Dược Khoa Hà Nội, Nội trú Bệnh viện là môn đệ của Thạc Sĩ Huard lúc bấy giờ là Khoa Trưởng trường Đại Học Y Dược Khoa Hà Nội, kiêm Giám Đốc BV Phủ Doãn (BV Yersin) Hà Nội. Năm 1944, GS lập gia đình, Bà Phạm Biểu Tâm tên thật là Công Tằng Tôn Nữ Tuyết Lê, thuộc hoàng tộc, sinh hạ được ba trai hai gái.

Năm 1947 Giáo sư Tâm sang Pháp, đậu bằng Thạc Sĩ Y Khoa với chuyên môn giải phẫu tại trường Đại Học Y KHoa Paris và sau đó được phong làm GS Thạc Sĩ Y Khoa tại Đại Học Y Dược Khoa Hà Nội. Cùng với Giáo Sư Pierre Huard, Bác Sĩ Phạm Biểu Tâm đã huấn luyện một số bác sĩ kế tiếp, nhiều người đã trở thành giáo sư có sự nghiệp vẻ vang, trong số đó có Giáo Sư Trần Ngọc Ninh và Giáo Sư Đào Đức Hoành.

Theo Kỷ Yếu 50 năm Hướng Đạo Bạch Đằng, BS Phạm Biểu Tâm đã hoạt động hăng say trong ngành hướng đạo VN, nguyên là tráng sinh Tráng đoàn Lam Sơn Hà Nội cùng thời với BS Tôn Thất Tùng, Hoàng Đạo Thọ, và nguyên trưởng ban bảo trợ Tráng đoàn Bạch Đằng Sài Gòn.
Năm 1984, Giáo sư Tâm bị bệnh tai biến mạch máu não. Tháng 7, 1989, hai Ông Bà được sang Hoa Kỳ đoàn tụ với con cháu và chữa bệnh. Giáo sư đã tạ thế vào lúc 8:30 sáng ngày 11 tháng 12, 1999 tại tư gia, California, hưởng thọ 86 tuổi.

Bác Sĩ Đặng Văn Chiếu, Cựu Khoa Trưởng Đại Học Y Khoa Sài Gòn trong phần phát biểu đã nói:
“GS Phạm Biểu Tâm đã có công lớn trong việc đào tạo nhiều thế hệ thầy thuốc, nhân viên giảng huấn và phẫu thuật viên từ 1944 đến 1975. Ông đã cứu sống và bình phục biết bao bịnh nhân. Ông coi nghề y như một sứ mạng. Ông giữ gìn và tranh đấu cho tự trị và tự do Đại Học. Luôn luôn công bằng, liêm khiết và trung trực, Ông là một y sĩ lý tưởng, có đức, có tài, giàu tình nhân ái, là một gương sáng cho đàn em và các thế hệ sau. Tôi đề nghị cùng quý vị và BS Phạm Tu Chính, xưng danh Hội Quốc Tế Y Nha Dược Sĩ Việt Nam Tự Do là Đại Hội Phạm Biểu Tâm vì Ông đã có công lớn phát triển cả ba ngành tại Sài Gòn.”

Bác Sĩ Trần Ngươn Phiêu, cựu Bộ Trưởng Y Tế trong chính phủ VNCH trước 1975, hiện là Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị Hội Y Sĩ Việt Nam tại Hoa Kỳ đã phát biểu trong buỗi Lễ:


“Đại diện cho Hội Đồng Quản Trị và Ban Chấp Hành Hội Y Sĩ Việt Nam tại Hoa Kỳ và Hội Y Sĩ Việt Nam Thế Giới Tự Do, tôi xin được phép, trước tiên kính tỏ lòng cám ơn Hòa Thượng Hội Chủ Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, đã hoan hỉ đến chứng minh, chủ lễ Bách Nhật Tưởng Niệm cố Giáo Sư Thạc Sĩ Phạm Biểu Tâm, một vị thầy tài ba và đức độ, đã từng dìu dắt bao thế hệ Y giới Việt Nam. Đây là phước duyên lớn lao mà Hòa Thượng đã dành cho vong linh vị Thầy kính mến của Y giới Việt Nam.

Kế đến chúng tôi xin nhân dịp này, gởi lời phân ưu đến Bà Giáo Sư và gia đình cố Giáo Sư Phạm Biểu Tâm. Mặc dầu theo tinh thần Phật Giáo, chúng ta đều có ý thức lẽ Vô Thường của mọi vật, có sinh tất có hoại. Nhưng sự ra đi của Giáo Sư Phạm Biểu Tâm là một mất mát lớn lao cho gia đình bà Giáo Sư và cũng là một mất mát lớn cho các môn đệ của cố giáo sư.

Nhân ngày Lễ Bách Nhật tưởng niệm cố Giáo Sư, Ban Tổ Chức đã nhận được bao nhiêu thư và điện thư của Y giới từ Âu Châu, Úc Châu và trên toàn thế giới đồng tâm góp phần tưởng niệm vị Thầy tài năng cao cả, vừa đức độ vừa khiêm nhường đã từng góp công xây dựng bao thế hệ đàn em.”

Giáo sư Trần Ngươn Phiêu còn đề nghị, tên tuổi và sự nghiệp của Giáo Sư Thạc Sĩ Phạm Biểu Tâm trong lịch sử Y Khoa xứng đáng được ghi công, ít nhất cũng một tượng đài hay một giảng đường cho đại Học Y Nha Dược mai sau tại quê hương, khi đất nước đã thực sự thanh bình, tự do, dân chủ. Giáo sư tiếp lời:
“Trong khi chờ đợi sự ghi danh xứng đáng trong một đất nước Việt Nam thanh bình và dân chủ, trong buổi Hội vào ngày 4 tháng 3/2000 vừa qua ở Washington DC, toàn thể Hội Đồng Quản Trị và Ban Chấp Hành Hội đã đồng ý thiết lập một giải thưởng mang tên: Giải thưởng “Giáo Sư Thạc Sĩ Phạm Biểu Tâm” để tặng cho các đồng nghiệp có công và thành tích xuất sắc trong ngành Giáo Dục Y Khoa. Đây là một giải thưởng để nhắc nhở thường xuyên đến tấm gương hy sinh phục vụ của cố Giáo Sư cho các thế hệ Y Khoa đàn em. Giải thưởng đầu tiên dự trù sẽ phát vào Đại Hội Toàn Quốc Hoa Kỳ và năm 2000 tại New York...”

Bác Sĩ Trần Ngươn Phiêu đã trao tặng Bà Phạm Biểu Tâm một tấm bảng vinh danh biểu hiệu lòng kính mến và tri ân của Y giới đối Hvới cố Giáo Sư Phạm Biểu Tâm. Ông Tôn Thất Hy và Ông Trần Đức Hạnh cũng đại diện Hội Hướng Đạo Việt Nam, trao tặng Bà Phạm Biểu Tâm bảng vinh danh của Hội Hướng Đạo VN dành cho cố tráng sinh Phạm Biểu Tâm.

Giáo Sư Tô Đồng, Cựu Khoa Trưởng ĐH Dược Khoa Sài Gòn nói về buổi tưởng niệm:
“Nhân ngày giỗ một trăm ngày Ông về Trời, nơi có hoa đào và nước chảy, có hạc múa và oanh ca, chúng tôi muốn được bày tỏ lòng biết ơn và sự ngưỡng mộ đến một bậc đàn anh khả kính của đại gia đình Y Nha Dược Việt Nam... Chúng tôi cũng mạn phép được cung tiến đôi câu đối sau đây để tưởng nhớ tới Ông.
“Tài nối Hoa Đà, Nam Trung Bắc chói ngời gương dạy dỗ
Đức noi Khổng Tử, Dược Y Nha ghi mãi nghĩa vun trồng...”

Trong phần phát biểu cảm tưởng, người đã làm quan khách cảm động nhất là Bác Sỹ Nguyễn Văn Sĩ, Chủ Tịch Hội Y Sĩ Việt Nam Nam California. Bác sĩ Sĩ cho biết, lúc sang Mỹ, ông mới 13 tuổi, lúc theo học ngành y toàn với các giáo sư Mỹ. Lần interview đầu để được vào chương trình nội trú, giáo sư Mỹ đã hỏi ông về Bác Sĩ Phạm Biểu Tâm. Ông nói không biết. Hỏi về Trường Y Khoa Sài Gòn trước 75, ông cũng nói không biết. Kết quả kỳ thi đó ông bị trượt. Lần thứ hai, cũng giáo sư Mỹ, hỏi Ông về Giáo Sư Tâm và các Giáo sư Bác Sĩ Việt Nam, Ông cũng trả lời không biết. Hỏi về trường Y Khoa Sài Gòn. Ông cũng trả lời không biết. Vị giáo sư này khuyên Ông nên tìm hiểu về các danh y Việt Nam có trong sách vở, nhờ đó, Ông tìm về cội nguồn và biết được Giáo Sư Phạm Biểu Tâm. Qua sách vở Mỹ, Ông đọc và học hỏi được rất nhiều điều ở vị Thầy Việt Nam khả kính này. Bằng giọng đầy xúc cảm và đôi mắt rưng rưng lệ, Bác Sĩ Nguyễn Văn Sĩ đã tỏ lòng biết ơn vị thầy khả kính đã đem bao nhiêu vinh dự cho nền Giáo Dục Y Khoa trước đây và thế hệ sau được hãnh diện học hỏi.

Bà Bác Sĩ Phạm Biểu Tâm trong chiếc áo dài giản dị, đã lên cám ơn Ban Tổ Chức và quan khách. Bà xin được nói tiếng Huế để nhắc nhở tới người bạn đời của bà. Theo bà, Ông là một người bình dị, đức tính khiêm nhường và tận tụy. Ông dành ít thì giờ cho gia đình, còn lại, thì giờ dành hết cho Khoa Học và Y Khoa. Trong 10 năm ở Mỹ, ông một lòng son sắt với quê hương, dân tộc. Trước khi qua đời, ông có để lại bài thơ thấm nhuần tư tưởng Phật Giáo.
“Trăm năm trước thì ta chưa có
Trăm năm sau có cũng như không
Cuộc đời sắc sắc không không
Trăm năm còn lại tấm lòng từ bi.”

Bây giờ thì Ông đã về miền Vĩnh Hằng, thân đã trở thành cát bụi, nhưng mong rằng tấm gương sáng của Ông vẫn mãi mãi trong lòng các Bác Sĩ Việt Nam Tự Do.

Sau lời cảm tạ của Bác sĩ Nguyễn Ngọc Kỳ, Hòa Thượng Thích Mãn Giác chứng minh buổi lễ trong một không khí thiêng liêng, trang trọng. Tất cả quan khách đều cùng đọc kinh theo để cầu nguyện cho anh linh của Bác Sĩ Phạm Biểu Tâm được yên vui nơi cõi Phật, sau khi đã một đời tận tụy với chức nghiệp, để lại cho thế hệ về sau một kho tàng quí giá về Giáo Dục Y Khoa.
Trong buổi thụ trai thanh đạm kết thúc buổi Lễ, sự nghiệp và tấm lòng của người thầy y khoa Việt Nam vẫn không ngừng được nhắc nhở.

Lễ Bách Nhật Tưởng Niệm Giáo Sư Phạm Biểu Tâm đã được 4 hội y sĩ Việt Nam tại Hoa Kỳ giao phó cho các bác sĩ Võ Văn Tùng, Nguyễn Ngọc Kỳ và Nguyễn Văn Sĩ đặc trách tiến hành việc tổ chức.(V)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.