Hôm nay,  

Chúng Ta Lên Lão

25/03/200000:00:00(Xem: 5941)
“Hoa Kỳ sẽ không dám hy sinh 200 triệu dân Mỹ cho 20 triệu dân Đài Loan”. Ai đã đưa ra một lời tiên đoán đằng đằng sát khí như vậy" Không phải các nhà lãnh đạo cấp cao ở Bắc Kinh mà do bài báo của một tờ tuần san ít người biết đến thuộc Ủy hội Khoa học Kỹ thuật Quốc phòng. Trong “cơn thịnh nộ hạt nhân” tác giả bài báo hăm dùng bom “trung hòa tử” tấn công Đài Loan. Ghê thật! Không ai biết tác giả là ai, nhưng Bắc Kinh đã ra lệnh đóng cửa tờ báo, không nói lý do. Vì tiết lộ bí mật Quốc phòng chăng"

Trên thế giới ngày nay, vũ khí hạt nhân đã lan tràn, ngay cả hai anh Ấn và Hồi nghèo đói cũng có bom nguyên tử để đem ra hù dọa nhau chơi. Nhưng kịch bản “đại chiến nguyên tử” có vẻ đã lỗi thời, bởi vì có một câu hỏi dễ giận: Anh nào dám đem bom nguyên tử ra nện trước" Trong suốt thời chiến tranh lạnh, bom nguyên tử đã không nổ chỉ vì gây ra chiến tranh nguyên tử là tự sát. Quân đội Trung Quốc rất đông và đã có những nỗ lực hiện đại hóa, nhưng so với Mỹ vẫn còn lạc hậu về kỹ thuật, về vũ khí kể cả kho đạn hạt nhân. Trung Quốc không thể đánh Đài Loan vì một bản giao ước năm 1972: Mỹ công nhân một nước Trung Hoa, đối lại Trung Quốc cam kết không dùng vũ lực giải quyết vấn đề Đài Loan. Vi phạm thỏa ước này là một vấn đề quốc tế chớ không phải chuyện nội bộ.

Môn công phu nắn gân cốt nhau thử xem vẫn là chuyện thường xẩy ra trên bàn cờ thế giới, chỉ có điều khôi hài là chính anh khổng lồ Trung Quốc bị anh tí hon Đài Loan nắn gân cốt đau thấu đến óc mà không dám làm gì. Bầu cho Trần Thủy Biển làm Tổng Thống, dân Đài Loan đã chọc giận Trung Quốc một cách dễ sợ. Một ngày trước bầu cử, Thủ tướng Chu Dung Cơ chính thức hăm dân Đài Loan không được bầu cho kẻ nào chủ trương độc lập, và nói “nhân dân Trung Quốc sẳn sàng dùng máu ngăn cản phong trào độc lập”. Trong ba ứng cử viên chỉ có ông Trần Thủy Biển đại diện cho đảng Dân Chủ Cấp Tiến có chủ trương Đài Loan độc lập. Vậy mà dân Đài Loan vẫn bầu cho họ Trần.

Tại sao dân Đài Loan dám thách thức Bắc Kinh như vậy" Bởi vì Đài Loan có chính nghĩa. Không phải chính nghĩa “hai nước Trung Hoa” để đòi ly khai Trung Quốc, chuyện này còn hạ hồi phân giải, nhưng chính nghĩa dân chủ và tiến bộ, chống lại Quốc dân đảng đã già nua và bất lực trước nạn tham nhũng và tội phạm có tổ chức. Ứng viên Quốc dân đảng là Phó Tổng Thống Liên Chiến chỉ được số thăm còn kém xa người về nhì là ứng viên độc lập Tống Sở Du. Sau khi ông Trần đắc cử, dân chúng đã biểu tình chống Tổng Thống Lý Đăng Huy là người trên danh nghĩa đứng đầu Quốc dân đảng. Nhưng Quốc dân đảng ngày nay cũng đã đổi mới, những người lãnh đạo đã sáng suốt hơn. Họ đã lên tiếng ngay công nhận và ủng hộ Trần Thủy Biển, cả quân đội Đài Loan xuất thân từ Quốc dân đảng cũng thề trung thành với Tổng Thống mới. Thế đoàn kết toàn dân toàn quân đó đã tạo sức mạnh cho Đài Loan và cũng là một cái cớ chính đáng để Mỹ dương ô dù nguyên tử bảo vệ cho đảo này.

Những nhà lãnh đạo Đài Loan cũ cũng như mới chắc chắn không phải là những tay mơ về chính trị. Người ta chưa biết Trần Thủy Biển trị nước ra sao, nhưng ông đã từng làm Thị trưởng Đài Bắc từ 1994 đến 1998 nên chắc đã thừa kinh nghiệm. Ngay sau khi đắc cử ông đi một nước cờ mới: đề nghị họp Thượng đỉnh với Bắc Kinh, nhưng nhấn mạnh cuộc đàm phán không thể đặt trên cơ sở “Nhất Hoa”, nghĩa là một nước Trung Hoa. Nhất Hoa là đề tài để thảo luận chớ không phải là cái khung đóng chặt cho thảo luận. Giang Trạch Dân đã chối từ, nói Nhất Hoa phải là điều kiện tiên quyết để hai bên nói chuyện. Hai lập trường tương khắc nhau như vậy, nhưng thật ra không có gì thay đổi. Bắc Kinh coi Đài Loan là một tỉnh phản nghịch nay muốn thống nhất, còn ông Trần cũng chỉ nói lên lập trường của Lý Đăng Huy là “quan hệ quốc gia và quốc gia”. Mọi việc đâu còn đó, nhưng Đài Loan đã bỏ bớt lệnh cấm buôn bán với Hoa Lục, trong khi đảng Dân Chủ Cấp Tiến muốn sửa lại lập trường để không còn nói đến Đài Loan độc lập. Người ta gọi đây là liều thuốc trong uống ngoài xoa vậy.

Trước khi nói chuyện thống nhất, Đài Loan không khi nào chịu tự nhận mình là “một tỉnh phản nghịch” của Hoa Lục. Bởi vì chưa bao giờ Quốc dân đảng đầu hàng Trung Cộng, đó là điều cần phải nhấn mạnh cho rõ. Và những ai ở Việt Nam cũng cần phải nhìn cho rõ. Khi đã đầu hàng nó rồi, đừng có mong nói chuyện hay đàm phán cái gì hết. Khi đã đầu hàng, thương thuyết chỉ còn là một trò hề. Tôi nghĩ đến đảng Cộng sản Việt Nam và tình hình đất nước ta. Dân Đài Loan chỉ có 22 triệu người mà làm sao họ can trường đến thế, dám ngang nhiên nói lên lập trường bất khuất của họ. Còn ở Việt Nam, đảng Cộng sản lãnh đạo 79 triệu dân mà sao hèn nhát quá vậy. Trung Quốc nó chiếm Hoàng Sa mà chẳng dám làm gì, chỉ phản đối chiếu lệ, đến khi Bắc Kinh không chấp nhận đặt Hoàng Sa vào cuộc thương thuyết với ASEAN, Hà Nội cũng chẳng dám ho he. Sao mà khổ thế hở Trời" Năm 1979, Việt Nam còn đánh thắng Trung Quốc ở biên giới chớ đâu có đầu hàng nó. Vậy mà các ông lãnh đạo đảng ngày nay, 20 năm sau lại sợ Trung Quốc như sợ cọp đói.

Trung Quốc không dám đánh Đài Loan, làm sao dám đánh Việt Nam" Vậy các ông lãnh đạo đảng ở Hà Nội sợ cái gì" Các ông không sợ mất nước mà chỉ sợ mất chỗ ngồi. Dân Đài Loan mừng đương đầu được với Trung Quốc không khiếp nhược. Họ hô to: “Chúng ta tái sinh”. Ở Việt Nam, người ta cũng mừng vì đã giữ được cái ghế ngồi đến già. Họ ôm ghế múa “Chúng ta lên lão”. Đó là lễ mừng sống lâu của cái bàn tọa dính vào cái ghế.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.