Hôm nay,  

Ls Mỹ: Thương Ước Còn Trì Trệ, Có Thể Phải Sửa

27/07/200000:00:00(Xem: 4240)
Sang Năm Quốc Hội Mỹ Mới Biểu Quyết Và Có Thể Đòi Thương Thuyết Lại

HÀ NỘI (Reuters) - Thương ước Việt-Mỹ có thể mất gần một năm mới được phê chuẩn và còn có thể bị đem ra thương thuyết lại nếu trì trệ đến lúc chính phủ mới cầm quyền ở Mỹ. Một luật sư của một hãng luật quốc tế hàng đầu ở Việt Nam đã nói như trên hôm thứ tư 26-7.

Luật sư Frederick Burke của tổ hợp luật Baker & McKenzies nói trong bữa cơm trưa của Phòng Thương mại Mỹ ở Hà Nội rằng bản thỏa ước thương mại ký kết tháng này sau hàng năm trời mặc cả đem lại những cơ hội lớn cho các công ty Mỹ.

Ông nói: “Đây là một thỏa ước bao quát sẽ mở ra hàng đống cửa ngõ”.
Tuy nhiên thương ước còn phải được phê chuẩn bởi Quốc hội Mỹ và Quốc hội Việt Nam.
Thời gian tối đa để Quốc hội Mỹ phê chuẩn thương ước là 75 ngày, với sự hạn chế ở cả hai viện, mỗi người chỉ được lên nói trong 20 phút.

Burke nói: “Vậy nạn chiếm diễn đàn Quốc hội để kéo dài cũng có hạn chế”. (Filibuster là thủ tục cho phép các vị dân cử thay nhau chiếm diễn đàn để làm bế tắc việc thông qua dự luật nào đó nhằm lỡ luôn hạn chót của nghị trình.)
“Như thế nếu Tổng Thống đệ nạp hôm nay, điều có thể xẩy ra, có thể quan niệm trên phương diện lý thuyết, là Quốc hội sẽ thảo luận vào cuối năm nay”.

Tuy nhiên vì chương trình làm việc của Quốc hội quá bận rộn nên không chắc thương ước có thể được Quốc hội ghi vào chương trình nghị sự trước khi các dân biểu nghỉ họp để tranh cử.
“Điều đó có nghĩa là chúng ta đứng trước tình trạng phải chờ đến đầu tháng 1 năm tới thương ước mới có thể đệ nạp lên Quốc hội. Nếu như vậy, có thể thương ước được phê chuẩn vào lúc nào đó khoảng cuối tháng Hai”.

Nhưng nếu Quốc hội Việt Nam chờ đến khi nào Quốc hội Mỹ phê chuẩn xong rồi mới biểu quyết phê chuẩn, như vậy phải chờ đến tháng 5 sang năm thương ước mới được đóng triện.

Sợ Có Thương Thuyết Lại
Một vài nhà phân tích tỏ ý lo ngại sự chậm trễ ở Quốc hội Mỹ sẽ khiến chính phủ mới sau cuộc bầu cử tìm cách thương thuyết lại thương ước. Về chuyện này ông Burke nói: “Phải công bằng mà nhìn nhận chuyện đó có thể xẩy ra. Tôi không thể nói nguy cơ đó lớn như như thế nào, nhưng có nguy cơ như vậy.”

Tổng hội nghiệp đoàn lớn nhất của Mỹ là AFL-CIO đã thề chống đối bản thương ước, gọi bản thỏa ước này là một sự hăm dọa cho những tiêu chuẩn về nhân quyền và lao động.

Ông Burke nói: “Họ chống lại thương ước và Phó Thổng Thống Al Gore đang có tiềm năng mắc nợ họ (vì cuộc bầu cử)”.
“Trong cuộc vận động tranh cử, ông Gore đã cho thấy một vài dấu hiệu là ông muốn có những tiêu chuẩn bảo vệ bảo vệ người lao động, bảo vệ môi sinh trong các thương ước tương lai mà Mỹ ký”.
“Bởi vậy, đó là nguy cơ cho thương ước. Ngay cả trường hợp một chính phủ Gore thừa hưởng di sản thương ước Việt-Mỹ của chính phủ Clinton và thực sự muốn thay đổi nó, việc đó cũng không phải là điều không thể nghĩ tới”.

Đây là lý do chính đáng để thôi thúc Tổng Thống Clinton đệ nạp thương ước cho Quốc hội và làm cho cuộc thảo luận khởi sự trước khi ông rời khỏi chức vụ vào tháng 1 năm 2001. Burke nói như vậy và tiếp:
“Nếu chúng ta cần phải khuyến khích Việt Nam phê chuẩn thương ước trước, đó là điều nên làm có lợi cho chúng ta. Bởi vì như vậy là đã khóa chặt được các điều khoản ghi trong thương ước và bất cứ ai đi theo trong việc phê chuẩn sẽ thấy khó mà tìm cách thay đổi nó”.

Nhưng ông Burke còn nói dù sau khi phê chuẩn, vẫn cón một số vấn đề phải đối phó.
“Hiển nhiên sự thi hành thương ước sẽ là một cuộc đấu tranh. Các công ty Mỹ sẽ ủi thật mạnh để xác nhận những quyền của họ. Và còn vấn đề WTO”.

Một khi thương ước được phê chuẩn, điều quan trọng là phải khích lệ Việt Nam nạp đơn xin gia nhập WTO. Vì cho đến ngày được gia nhập, Hà Nội vẫn phải mỗi năm một lần thương thuyết lại với Mỹ về quy chế “tối huệ quốc” như đã ghi trong thương ước.

Luật sư Burke nói trong ngắn hạn bản thương ước có thể đem lại một số đầu tư đáng kể của Mỹ vào Việt Nam, nhưng việc này cũng có một trở ngại.

“Đầu tư ngoại quốc vào Việt Nam sẽ bị cản trở một phần nào đó, bởi vì nếu người ta nhìn xem nên đầu tư vào Việt Nam hay vào Trung Quốc, người ta sẽ thấy Trung Quốc không có nguy cơ mỗi năm một lần có thế mất tối huệ quốc - Việt Nam có nguy cơ đó.
“Điều này sẽ làm một số người sợ mà lánh xa Việt Nam”.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.