Hôm nay,  

Diện Và Điểm

11/07/200000:00:00(Xem: 5397)
Trước ngày lên đường đi Mỹ, coi như cơ hội chót để hoàn tất bản thương ước, ông Nguyễn Đình Luyện, trưởng phái đoàn thương thuyết của Hà Nội, đã có một lời tuyên bố ngoạn mục làm tăng thêm khí thế hồ hởi cho những người bên ngoài mong chờ ký kết. Ông ta nói: “Quy chế quan hệ thương mại bình thường (tức tối huệ quốc) Mỹ dành cho Việt Nam sẽ được duyệt xét lại mỗi năm cho đến khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)”.

Người ta biết bản thương ước được thỏa hiệp trên nguyên tắc từ tháng 7 năm ngoái đã lâm thế kẹt vì Hà Nội rêu rao việc xét lại mỗi năm một lần như vậy là bất công. Hà Nội đòi Mỹ phải cấp cho Việt Nam quy chế tối huệ quốc trường kỳ như đã cấp cho Trung Quốc. Vì vậy người ta cho rằng thế kẹt chính yếu làm trì trệ bản thương ước là điểm này. Bây giờ ông Lương nói như vậy phải được hiểu như Hà Nội đã nhượng bộ, chịu nhận “tối huệ quốc” mỗi năm một lần. Nhưng nếu quả như thế, tại sao phái đoàn hai bên họp trong suốt tuần qua, cả bà Đại diện Thương Mại Mỹ Charlene Barshefsky và ông Bộ trưởng Thương Mại VN Vũ Khoan cũng họp trong hai ngày liền mà vẫn không có kết quả" Hẹn họp đến thứ sáu là hoàn tất nhưng rút cuộc phải leo qua đến thứ hai tuần này.

Chúng tôi nghĩ tối huệ quốc chỉ là “diện” để mà mắt thiên hạ, còn “điểm” mới là mục tiêu thực sự của trận đánh. Diện và điểm chỉ là một mưu mẹo cổ điển của chiến thuật du kích các ông Cộng sản vẫn quen dùng từ ba bốn chục năm trước. Vậy điểm nằm ở chỗ nào" Nó nằm ở chỗ giải tỏa cái mũi nhọn thương ước lụi vào chỗ đau đến ruột của mấy ông cộng sản. Cái “diện” chỉ là những trận đánh xách nhiễu bố vờ mà Hà Nội không coi là trọng, bởi vì tối huệ quốc trường kỳ trước sau rồi cũng có, khi Việt Nam được gia nhập WTO, tự nhiên là có. Chính các ông Cộng sản cũng thừa biết rằng bất cứ nước nào được gia nhập WTO là bắt buộc phải được “quan hệ thương mại bình thường” với những nước khác kể cả Mỹ. Việc ký thương ước chỉ là một bước chuẩn bị cho việc gia nhập WTO.

Vậy điểm của Hà Nội nằm ở chỗ nào" Trước ngày phái đoàn Việt Nam lên đường, Hà Nội đã loan báo một tin rất có ý nghĩa. Ông Đào Duy Quát, Phó ban Tư tưởng Văn hóa đảng họp báo nói Trung ương đảng đã nhất trí thông qua nghị quyết thực thi chính sách “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” với 5 thành phần là: kinh tế quốc doanh, kinh tế hợp tác xã, kinh tế tư doanh, kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế tư bản nhà nước và kinh tế bình đẳng ngoại quốc. Danh sách dài này làm lóa mắt thiên hạ, nhưng trên thực tế nó chỉ có hai loại quốc doanh và tư doanh. Kinh tế quốc doanh, kinh tế hợp tác xã do nhà nước kiểm soát và kinh tế tư bản nhà nước chỉ là một, nó nắm nhiều nhất đến 60% kinh tế quốc dân. Còn tư doanh dân ta chỉ được 20% và tư doanh dân ngoại cũng chỉ được 20% với điều kiện bình đẳng chớ không được ăn hiếp các ông quốc doanh. Cái điểm của Hà Nội chính là chỗ này, nó nhằm tạo ra một tấm lá chắn bảo vệ quốc doanh để mũi dùi thương ước khỏi xỉa tới quốc doanh liền khúc ruột của các ông giáo điều bảo thủ tham nhũng.

Nghị quyết trên là đề nghị đưa ra trước Đại hội đảng thông qua vào tháng 3 năm 2001. Vào giờ chót Hà Nội mới đưa “điểm” để đánh trận “hoàn tất thương ước”, có nghị quyết để lấy cớ đòi hỏi thêm được phần nào hay phần đó. Nếu Mỹ vẫn cứng rắn không chịu sửa đổi thương ước đã thỏa thuận trên nguyên tắc, Hà Nội vẫn ký nhưng với lời tuyên bố cầm chừng là phải chờ Đại hội đảng biểu quyết thuận hay không thuận điều khoản cứu mạng quốc doanh rồi tính sau. Thủ đoạn diện và điểm có thể đắc dụng trên chiến trường một thời, nhưng nay nó đã lạc hậu, trên chính trường nó càng lạc hậu, nhất là đối với Mỹ vốn là tổ sư của nghề thương thảo làm ăn buôn bán. Ký ngay bây giờ rồi chờ đến Đại hội đảng của mấy ông giải quyết sau cái kẹt quốc doanh chăng" Có anh ngố nào tin cái ngón bịp quá tầm thường như vậy không"

Vấn đề là tại sao Hà Nội vẫn đòi ký thương ước cho bằng được ngay lúc này. Đó là vì thời gian không còn làm việc cho các ông cộng sản cù nhầy. Các ông không có thời gian và không có cả đô-la, tình thế cấp bách lắm rồi. Có thương ước thì dân trong nước và dân ngoại quốc mới tin. Có thương ước mới có đầu tư ngoại quốc và có viện trợ phát triển của các định chế tài chính quốc tế như ADB, IMF và WB. Mấy chục năm trước, tôi thích cuốn tiểu thuyết khoa học giả tưởng của nhà văn Robert Henlein có tựa đề “Have Space Suit Will Fly” (Có áo phi hành là ta bay), nó bắt chước câu nói quen thuộc của dân Mỹ “Have money will travel” (Có tiền là ta du lịch). Bây giờ chắc hẳn các ông Hà-Nội cũng nghĩ rằng”Có thương ước là ta có tất cả”.

Nếu các ông còn nằm mơ, xin hãy nhìn sang Trung Quốc một chút. Trung Quốc đã có thương ước, lại sắp vào WTO cuối năm nay, nhưng chỉ mới đây, Bắc Kinh đã bị Ngân hàng Thế Giới (WB) bác bỏ đơn xin vay 40 triệu đô la, vì số tiền này định dùng vào kế hoạch tái định cư 58,000 dân Trung Quốc ngay sát biên giới Tây Tạng. Trung Quốc nói đây một dự án phát triển kinh tế, nhưng thật ra chỉ là một âm mưu thô bỉ nhằm làm suy yếu nền văn hóa Tây Tạng. Những người ủng hộ dân tộc Tây Tạng trên khắp thế giới đã ăn mừng về quyết định của WB.
Chúng tôi viết bài này vào sáng thứ hai 10-7, vào lúc chưa có tin gì thêm về cuộc họp thương ước Việt-Mỹ ở Washington, chưa biết đích xác lúc nào ký kết và nội dung bản văn thương ước ra sao. Vậy hãy chờ xem khi có thương ước, các ông lãnh đạo Cộng sản Hà Nội có... bay không.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.