Hôm nay,  

Quốc Tế Viết Về Ht Quảng Độ: Người Giữ Lửa

29/06/200000:00:00(Xem: 5284)
SAIGON (VB) - Tạp chí Asia Week số ra ngày 30.6.2000 có một bài nhan đề “Keeper of the Flame” (Người Giữ Lửa) tường trình đặc biệt về Hòa Thượng Quảng Độ. Bài này do ký giả Ken Stier viết từ Sài Gòn, và được lược dịch như sau.

Ở một nước Việt Nam khá hơn, HT Quảng Độ sẽ có riêng một chương trình TV, hệt như các cao tăng khác ở Thái Lan, hay các giáo phẩm Hồi Giáo ở Mã Lai. Là một học giả, hùng biện và quyến rũ, với hài hước ý nhị, HT Quảng Độ có thể dễ dàng điều khiển chương trình TV riêng của Ngài kình với các chương trình nhạt nhẽo của TV nhà nước. Không chỉ cung ứng giải pháp cho một xã hội suy sụp tâm linh một cách hệ thống, Ngài cũng có thể kể lại câu chuyện vẫn còn giữ bí mật về những cuộc đàn áp Phật Giáo VN trong hơn nửa thế kỷ qua - tất cả đều từ kinh nghiệm cá nhân. Các chính khách Bắc Mỹ và Âu Châu đã đề cử Ngài vào Giải Nobel Hòa Bình năm nay.

Nhưng trong VN ngày nay, HT Quảng Độ, 72 tuổi, rõ ràng không thích hợp với giờ cao điểm. Vấn đề: Ngài có hơi chống Cộng. Và không lạ gì. Thầy của Ngài đã bị xử tử bởi quân CS trước mắt Ngài năm 1945. Ngài kể lại, “Họ nói, Thầy là kẻ phản quốc.” Sau một thời kỳ cư trú 7 năm ở Ấn Độ, Tích Lan và các phần khác ở Á Châu Phật Giáo, Ngài trở về Sài Gòn, nơi Ngài dạy Triết Học Phật Giáo các năm 1960s và 1970s. Từ khi CS toàn thắng năm 1975, Ngài có gần 15 năm trong tù hay bị “quản thúc trong chùa.” Lý do: chống lại sự tàn phá Giáo hội PGVN Thống Nhất, cơ quan trước kia đại diện gần như tất cả các tu sĩ (20,000 tăng ni) và các cư sĩ tín đồ Miền Nam VN. Giáo hội đã bị thay thế bởi Giáo Hội Phật Giáo VN của nhà nước, kiểm soát bởi Đảng CSVN.

Từ khi vào VN hai thiên niên kỷ trước, Phật Giáo luôn luôn đứng ngoài vòng kiểm soát của chính phủ — hỗ trợ nhà nước trong những khi cần thiết, thường can thiệp khi nhà nước trở thành tham nhũng hay quá độc tài. Đạo Phật thường xuyên bị áp bức bởi các chế độ phong kiến, thuộc địa, quân phiệt và CS. Kinh nghiệm cá nhân đã thuyết phục HT Quảng Độ rằng CSVN là tệ hại nhất. “Tôi từng sống thời thuộc địa Pháp, thời Bảo Đại, tất cả các thời VNCH,” Ngài nói. “Nhưng không thời nào tệ như chế độ độc tài CS.”

HT Quảng Độ nói, sau khi đẩy người Pháp khỏi Miền Bắc năm 1954, CSVN bằng mọi giá tuyệt diệt tôn giáo, đặc biệt Phật Giáo. Tất cả tu tập bị cấm, chùa bị tịch thu hay phá hủy. Các sư trẻ bị đưa đi lao động tập thể. Ngay cả bây giờ, có rất ít sư - hay là có khái niệm nào về tâm linh - tại miền Bắc.

Sau 1975, một kế hoạch tương tự bắt đầu ở Miền Nam nhưng nó mau chóng bị trở ngại. Được hình thành xuyên qua thời đấu tranh chống chế độ TT Ngô Đình Diệm, Phật Tử Miền Nam có tổ chức tốt hơn và quyết tâm hơn các sư miền Bắc. Trong hành động phản đối đầu tiên, cuối năm 1975, có 12 sư và ni tại 1 tu viện đã tự thiêu tập thể. Vào tháng 4.1977, HT Quảng Độ bị tù và vào 1981, Ngài và vị chỉ huy là HT Huyền Quang đã bị lưu đày tới các chùa xa mà không xét xử.
Áp lực quốc tế đã giúp HT Quảng Độ tự do tháng 9.1998, sau 3 năm bị tù vì tổ chức cứu trợ bất hợp pháp cho nạn nhân bão lụt. Bây giờ cư trú ở Thanh minh Thiền Viện ở Sàigon, Ngài vẫn chưa hoàn toàn tự do. Các chú tiểu bị cấm tới gần HT Quảng Độ và Ngài bị cấm thuyết giảng. Ngài nói và cười, “Họ muốn cô lập tôi như thể tôi là 1 bệnh truyền nhiễm.” Khi công an ngăn cản 1 viên chức tôn giáo LHQ không được thăm tu viện, HT Quảng Độ đã cảm ơn họ vì đã biểu diễn màn thiếu vắng tự do tôn giáo mạnh mẽ hơn bất cứ những gì Ngài có thể nói hay làm.


Bất chấp căng thẳng, Ngài, nhân vật thứ nhì của GHPGVNTN, viết thư cho CSVN và được luân lưu toàn cầu xuyên qua văn phòng giáo hội ở Paris, Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế. Vài mảnh thông tin dội trở lại VN, qua mạng Internet hay các đài phát thanh Việt Ngữ của Tây Phương. Ngài chạm yếu huyệt của CSVN khi thúc giục cấp viện Phương Tây phải tiếp tục nói kết viện trợ VN với điều kiện nhân quyền. Nhà nước nổi giận. Ngài bị thẩm vấn nghiều giờ và bị đe dọa là vi phạm an ninh quốc gia - tội có thể tử hình. Mặc dù Ngài thú nhận có vài quan ngại về một màn nhà nước dàn dựng tai nạn để ám sát, nhưng ở tù thì sẽ có thời gian cho Ngài chiêm nghiệm về chiến lược đối phó với nhà nước.

Nhưng những ngày ở tù của Ngài như dường đã qua. “Ngài là mũi gai bên sườn của họ, nhưng họ không xem Ngài như mối đe dọa lớn,” theo lời 1 nhà ngoại gioa tại Hà Nội. “Nếu không thì họ có thể cô lập Ngài hoàn toàn. Thêm nữa, họ không thể trấn áp Ngài mà không gây thiệt hại tới hình ảnh của họ trên thế giới.” Chiếc dù chính trị đó ngày càng lớn thêm, mặc dù đối với HT Quảng Độ đó là một vinh dự bi hài khi nổi tiếng ở hải ngoại nhiều hơn là ở quê nhà. Việc Ngài được đề cử mới nhất cho Giải Hòa Bình Nobel này là lần thứ ba. Và khi một dân biểu Mỹ mới đây thăm Ngài, Hà Nội lập tức chỉ trích đó là một “hành vi thiếu hữu nghị.”

Chính phủ tìm cách bác bỏ Ngài, và vài chục nhà sư khác công khai hoạt động cho Giáo hội của Ngài, như là không dính dáng gì bởi vì giáo hội đó không chính thức hiện hữu. Lê Đình Hiệt, một viên chức tôn giáo, nói, “Độ chống lại khuynh hướng thống nhất và luật nhà nước, cũng như luật lệ của Giáo Hội PGHH, thế nên ông ta có các hoạt động bất hợp pháp.” Hà Nội khoe là có sự trung thành của các tu sĩ Phật Giáo, con số bây giờ ước lượng 28,000 tăng ni. Tuy nhiên, HT Quảng Độ nói rằng hầu hết tăng ni bí mật hỗ trợ Giáo Hội của Ngài, dù họ không đủ can đảm đứng ra.

HT Nhất Hạnh, người rời quê hương thời chiến, có lẽ là 1 nhà sư ở Tây Phương được biết nhiều sau Đức Đạt Lai Lạt Ma. HT Nhất Hạnh nói về HT Quảng Độ: “Nhà nước tìm cách cáo buộc và xử HT Quảng Độ như 1 tù hình sự, người phá hoại an ninh quốc gia. Nhưng tận thâm tâm, họ vẫn kính trọng HT Quảng Độ như một nhân cách phi thường, người có đạo đức và can đảm nổi bật như điển hình cho người đương thời. Đó là sự ghen tị của lãnh đạo chính trị.”

Võ Văn Ái, người điều hành Phòng Thông Tin PG Quốc Tế ở Paris, nói rằng, “Đảng CSVN đang dùng cơ quan tôn giáo do nhà nước bảo trợ để đưa sinh hoạt tôn gióa chỉ còn là kinh cầu, thiền định và nhịn đói. Thế là biến tôn giáo thành dị đoan trá hình.”

Nhưng Hà Nội đang dần dần thú nhận rằng guồng máy bị tràn ngập vì tệ nạn xã hội. HT Quảng Độ đề nghị cung cấp các Phật Tử hoạt động xã hội thêm - nếu mạng lưới bệnh viện, trường học, trại mồ côi, trung tâm xã hội và một đại học của giáo hội được trao trả cho giáo hội. Trong một Miền Nam tiến bộ hơn, các cán bộ đang lặng lẽ thử nghiệm với các trợ giúp đó, mặc dù dưới hỗ trợ của nhà nước. HT Quảng Độ nói, “Trong 25 năm, chúng tôi chịu đựng trấn áp liên tục. Nhưng chúng tôi tin chắc rằng chúng tôi sẽ được tự do hoàn toàn, không sớm thì muộn.”

Và lúc đó thì Ngài sẽ có thể nói với đồng bào của Ngài trong giờ cao điểm.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.