Hôm nay,  

Mỗi Truyện, Một Bài Thơ Sống

09/06/200000:00:00(Xem: 5423)
Tôi ngần ngừ khá lâu trước khi viết mấy hàng nầy, sợ bị hiểu lầm là mèo khen mèo dài đuôi vì gần nửa năm nay tôi cộng tác với Việt Báo, dù với tư cách khiêm tốn, tài tử thôi. Nhưng làm thế nào được. Việc riêng mà không vì cái chung thì không đáng nói. Còn việc chung mà bỏ qua nỗi niềm riêng thì vô tâm sao đành.

Từ ngày Việt Báo mở Giải Viết Về Nước Mỹ, mỗi tối mở computer đọc Việt Báo Online, và nhà tôi thường đòi coi trước. Vợ chồng già rồi, tôi thường nhường cho vui nhưng có ý xem diễn cảm của một độc giả nữ, đã 60 tuổi mà chỉ có chưa đầy 4 năm ở Mỹ ra sao. Cười nụ, cười ra tiếng, đôi khi sửa gọng kính, tập chú vào màn hình, chân mày nhíu lại như âu lo, xao xuyến, chuyện của chính mình. Tôi cũng thế. Suốt mười mấy bài, tôi đọc ngấu nghiến, rồi đọc lại nghiền ngẫm, hoàn toàn khác với cách đọc lướt qua tựa, câu chủ đề của mỗi đoạn các bản tin.

Tôi cảm thấy đó là chuyện của tôi, tình tự của tôi, nỗi niềm tâm sự của tôi. Tôi đã qua tất cả các lớp tiếng Anh là sinh ngữ thứ hai, đọc khá nhiều sách nói về làm thế nào sống còn ở Mỹ, sách nói về văn hóa dòng chính ở Mỹ trong môn xã hội học v.v... thú thật tôi chưa thấy ở đâu có những câu truyện sống động, thực tế và có lợi ích, giúp đỡ người đến Mỹ vượt qua bước đầu tâm lý và thực tế khó khăn để chọn một con đường vươn lên hợp lý, hợp tình như vậy. Nếu văn dùng để chở đạo, đạo sống, đạo ở đời thì mười mấy chuyện tôi đã đọc, mỗi một truyện là một bài thơ sống bằng Việt văn trên đất Mỹ nầy.

Vì không phải (và tôi biết tôi không bao giờ trở thành) nhà văn, phần văn chương xin dành cho quí vị nhà văn khảo luận; tôi chỉ nhìn giá trị mười mấy bài viết về nước Mỹ qua cái nhìn của một người Việt, qua cơn quốc biến, phải ngậm ngùi bỏ nước ra đi để sống trên một xứ từ khí hậu, phong cảnh, ngày giờ đến văn hóa, ngôn ngữ, khác rất xa với quê nhà. Nhưng tôi phải sống. Tôi phải sống còn. Phải tranh đấu với chính mình, với môi trường, với xã hội xung quanh để cố đứng vững trên đôi chân mình, gắng gượng kéo gia đình trên sinh lộ như mười mấy đồng bào tôi đã làm và nói ra kinh nghiệm.

Thực vậy, có thức khuya mới biết đêm dài. Chỉ trong 4 năm tôi phải đổi 6 lần công việc. Thợ điện tử ráp dây. Đi gác đêm. Đi làm tiếp viên văn phòng. Đi học Đại học kiếm tiền. Đi kèm trẻ tư gia. Đi bán thịt. Suốt nửa đời phục vụ quê hương xứ sở, văn có, võ có, tôi chưa bị mất một giọt máu. Qua Mỹ, đi bán thịt, suýt bị mất hai lóng tay vì cây cưa máy. Tôi không buồn vì sanh nghề tử nghiệp, nhưng tôi buồn vì người manager bảo tôi bấm thẻ đi về, sợ mất giờ của chủ trong khi không lo cho tôi bị mất mạng vì đứt suýt mất hai lóng tay, máu ra xối xả. Tôi không buồn cảnh Hàn Tín lòn trôn giữa chợ mà buồn vì người manager - Việt tám mươi phần trăm, Hoa hai mươi phần trăm - sai bảo tôi bằng tiếng Anh với các chữ mà tiếng Việt rất phổ thông như giò heo, cẳng gà.

Chính những thấm thía đó đã giúp cho tôi đi học; chớ cách kiểm soát của sở Xã hội, của USCC ở các lớp Anh văn dạy nghề lúc mới qua không thúc đẩy được tôi.
Từ cái chủ quan đau thương đó tôi thấm thía với người viết, chê việc làm nhàm chán là kiểm cục thạch anh, nói với cô giáo cũ là “việc ngu đần” (stupid job).

Với kinh nghiệm ngồi chung 21 sinh viên ở lớp Xã hội học, 20 đầu xanh, chỉ một đầu bạc là tôi, hầu như cả lớp tránh tôi vì quá “đát” để bắt tôi tự chấp nhận một cuộc đau trong một xã hội nhỏ, một “Nước Mỹ là Một Trường Đua”. Người viết bài tựa vừa nói, tuổi đời nhỏ hơn tôi, thấy trước và nói cho tôi điều tôi từ lâu suy nghĩ mà không đủ khả năng tu từ học để nói.

“Hai lần đến Mỹ”, người viết thân thương, xa lạ kia ơi, xin cám ơn bạn đã nói cho tôi. Từ 1968, tôi cũng có lần bôn ba xứ nầy, cũng yes yes, no no với các người ở Điện Capitol hàng mấy tháng hè lập pháp Việt. Nhưng lần thứ hai, ôi thôi, TV nghe không hiểu, điện thoại reo là run vì Anh văn thông dụng nuốt giọng 50% làm sao đoán được. Hồi trước người Mỹ cần mình, nói dễ nghe, chậm, rõ âm; bây giờ mình cần Mỹ, thì qua sông phải lụy đò chớ sao.

Phạm vi một bài khó mà nói hết cảm nghĩ đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu; ta, người tị nạn lại gặp nhau trên trang Việt Báo, giấy vắn tình dài. Nhưng có một số xác quyết chung của các bài mà tôi rất “kết,” và tạo cảm hứng không bộc lộ không chịu nổi về các bài dự thi là: Thứ nhứt, sự sống chân thật. Vui nói vui. Tức nói tức. Khen và chê thẳng thắn. Thứ hai, đây là bức tranh sinh động của nhiều cảnh đời thực, bi cảm, hài tấu không bị gò bó bởi trường phái văn chương nào cả. Thứ ba là không phải các bài nói lên cảnh sống của mười mấy người viết mà nói lên hoàn cảnh của đại đa số anh em tị nạn CSVN. Nhiều, rất nhiều người thấy mình trong đó và cũng thấy đó là mình. Thứ tư là tất cả đều chấp nhận thử thách, không sợ sự thật, cố gắng vươn lên. Và đa số đều thành công nhờ một phần xã hội tự do, tổ chức tốt và người Mỹ nói chung sẵn sàng giúp đỡ.

Điểm thứ năm là điểm quan trọng cho cộng đồng thiểu số Việt Nam trong xã hội đa chủng Hoa Kỳ. Đồng ý là chánh quyền Mỹ tốn không ít tiền từ trước khi người tị nạn vào đất Mỹ. Từ trại Bantaan đến Pendleton, đến các lớp học ở USCC, Laostian, Cambodian Families; tất cả đều có mục đích giúp sự hội nhập cho người tị nạn Đông dương, một cách qui ước. Nhưng cách viết nói lên kinh nghiệm sống của người trong cuộc là một bài học sinh động, cụ thể, và gần gũi với bà con. Học thầy không tầy học bạn.

Là một người tị nạn, đã có gần 50 năm dính líu với trường Tây, Việt, Mỹ trong tư cách học trò, người dạy, người thanh tra, tôi xin ngã nón chào những bài viết trong mục Giải Thưởng Việt Báo nơi tôi được học rất nhiều - không phải chuyện chữ nghĩa, mà là chuyện của cả một dân tộc, qua lời kể chân thành của những người đã trả giá đắt cho tự do, hạnh phúc và ấm no.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.