Hôm nay,  

Các Trận Mùa Hè 1968 Tại Phòng Tuyến Lửa Khe Sanh

19/10/199900:00:00(Xem: 5303)
* Trận chiến Mùa Hè 1968 tại Khe Sanh:
Như đã trình bày, sau khi đã đánh bật Cộng quân ra khỏi các vị trí trọng yếu quanh vòng đai Khe Sanh, ngày 15 tháng 4/1968, liên quân Việt Mỹ đã mở cuộc hành quân tổng truy kích các đơn vị chủ lực của CQ ở phía Tây và Tây Nam Khe Sanh với nỗ lực chính là 2 tiểu đoàn Nhảy Dù VNCH, 3 tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 3 Thủy quân Lục chiến/Lực lượng 3 Thủy bộ Hoa Kỳ. Giao tranh đã chiến ra quyết liệt tại Làng Vei và Calu vào ngày 17 tháng 4/1968 giữa đơn vị Nhảy Dù VNCH và CSBV. Tiếp đến vào sáng ngày 22 tháng 4/1968, Cộng quân đã tập trung hỏa lực pháo binh pháo kích dữ dội vào đồi 881 của cụm phòng tuyến Khe Sanh, sau đó đặc công và bộ binh xung kích của địch đã tiến sát đến phòng tuyến của Thủy quân Lục chiến, sử dụng lựu đạn ném vào các công sự chiến đấu của đơn vị trú phòng, nhưng CQ vẫn không chiếm được ngọn đồi này. Pháo binh Thủy quân Lục chiến (TQLC) từ trung tâm căn cứ Khe Sanh và Không quân chiến thuật đã kịp thời yểm trợ cho đơn vị phòng thủ đồi 881 đẩy lùi được cuộc tấn công của CQ.

Tình hình chiến sự tại mặt trận Khe Sanh tạm lắng dịu vào những ngày cuối tháng 4/1968 và đã bùng nổ trở lại vào tuần lễ đầu của tháng 5 bằng những trận hỏa tập của CSBV vào các tiền cứ ở phía Tây Khe Sanh. Giữa tháng 5/1968, Cộng quân mở cao điểm Hè 1968 tại Khe Sanh bằng những trận tấn công kết hợp giữa bộ binh và pháo binh. Cao điểm Hè 1968 tại mặt trận này kéo dài đến cuối tháng 6/1968. Sau đây là một số trận kịch chiến giữa TQLC Hoa Kỳ và các đơn vị CSBV:
- Ngày 17 tháng 5/1968, trận kịch chiến đã diễn ra ở Tây Khe Sanh khi CSBV mở trận đột kích vào cụm tiền đồn ở Tây Khe Sanh, đại đội TQLC tiền đồn đã cận chiến dữ dội với một thành phần đặc công của địch, hạ sát 51 CQ ngay tại trận địa, phía Hoa Kỳ có 6 tử trận, 8 bị thương.
- Ngày 24 tháng 5/1968, trong khi bung rộng để truy lùng địch, một thành phần Thủy quân Lục chiến HK đã giao tranh dữ dội với CQ tại một vùng đồi cách Khe Sanh 4 km về hướng Đông. Trong trận chạm súng này, 36 CSBV bị hạ tại trận, phía TQLC Hoa Kỳ có 15 tử thương, 16 bị thương.
- Ngày 11 tháng 6/1968, Cộng quân đã tấn kích vào một thành của Sư đoàn 3 TQLC Hoa Kỳ ở phía Đông Nam Khe Sanh khi đơn vị này bung rộng về phía Nam. Cộng quân đã dàn quân bố trí trên một tuyến dài, tấn công mạnh vào đội hình hành quân của TQLC Hoa Kỳ. Không quân chiến thuật xuất trận yểm trợ kịp thời nên CQ đã phải rút lui, bỏ lại trận địa 28 CSBV, phía Hoa Kỳ có 115 bị thương, 4 tử thương.
- Ngày 15 tháng 6/1968, CQ tấn công vào một thành phần TQLC Hoa Kỳ khi đơn vị này đang hoạt động ở vòng đai căn cứ Khe Sanh về hướng Tây. Trận chiến diễn ra ở mức đội ác liệt và kéo dài suốt một ngày, Cộng quân bị tổn thất nặng với 186 tử thương, 7 bị bắt, 13 súng cộng đồng và 44 súng cá nhân. Phía Hoa Kỳ có 16 tử trận, 61 bị thương.
- Ngày 18 tháng 6/1968, hai tiểu đoàn TQLC Hoa Kỳ mở cuộc hành quân truy kích đơn vị CQ đã tham dự cuộc tấn công vào Khe Sanh trước đó 3 ngày. TQLC đã đụng độ dữ dội với CQ cách Khe Sanh 14 km về hướng Nam, kết quả: 128 CSBV bỏ xác tại trận địa cùng với 9 súng cộng đồng và 29 súng cá nhân. Phía Hoa Kỳ có 11 tử thương và 30 bị thương.
- Ngày 23/6/1968, sau khi cân nhắc tình hình, đại tướng Abrams-tân tư lệnh Lực lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam quyết định bỏ ngỏ Khe Sanh. Căn cứ này không còn làm bẫy dụ đối phương như trước. Căn cứ mới thành lập sau này mang tên là Vanderright chỉ dùng làm bãi đáp trực thăng cho các cuộc hành quân truy kích CQ quanh Khe Sanh và trạm tiếp vận. Chiến trường Khe Sanh tạm lắng từ tháng 7/1968.

* Phòng tuyến Khe Sanh qua các thời kỳ:
Trong các số trước, VB đã lược trình một số trận đánh tại Khe Sanh từ tháng 1 đến 15 tháng 4/1968, để giúp bạn đọc một số thông tin về cuộc chiến tại Khe Sanh qua nhiều thời kỳ, chúng tôi xin tổng lược về tình hình chiến sự tại Khe Sanh từ 1948 đến 1968:
- Trong giai đoạn từ 1948 đến năm 1952, quân đội Liên Hiệp Pháp đã lập đồn trại tại Khe Sanh với quân số khoảng 1 tiểu đoàn. Nhiệm vụ của đơn vị trú phòng là tổ chức các cuộc tuần tiểu truy kích Việt Minh (CSVN) để bảo vệ khu vực gần biên giới Việt-Lào và đồn điền cà phê tại Khe Sanh do người Pháp làm chủ. Căn cứ Khe Sanh trong thời gian này cũng là tiền đồn ở hướng Tây Bắc tỉnh Quảng Trị, khống chế không cho địch quân hoạt động quấy rối Quốc lộ 9, đoạn đường từ Cam Lộ lên Khe Sanh. Đến năm 1952, do áp lực nặng của đối phương, lực lượng Liên Hiệp Pháp đã rút đi.
- Năm 1962, Liên quân Việt-Mỹ đã cho tái lập căn cứ Khe Sanh nằm gần một sân bay cũ của quân đội Pháp trước 1954. Lực lượng phòng thủ căn cứ là một đơn vị Dân sự chiến đấu được các sĩ quan Hoa Kỳ huấn luyện và chỉ huy. Vào giữa năm 1964, khi đến nhận chức tư lịnh lực lượng quân đội Mỹ tại Việt Nam, đại tướng Westmoreland đã nhìn thấy tầm quan trọng của Khe Sanh về mặt chiến lược. Trong một chuyến đi thanh tra tại vùng cận sơn Quảng Trị sát biên giới Lào-Việt, khi đến một tiền cứ gần Khe Sanh, tướng Westmoreland đã bị pháo kích ngay đầu phi đạo, và qua sự việc này, ông thấy rõ cần phải củng cố hệ thống phòng ngự tại căn cứ Khe Sanh và giao cho lực lượng Đặc biệt Hoa Kỳ phụ trách. Đến tháng 10/năm 1966, tướng Westmoreland quyết định mở rộng hệ thống phòng thủ tại căn cứ Khe Sanh, ông giao trách nhiệm này Lực lượng 3 Đặc nhiệm Thủy quân bộ/Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ. Tiểu đoàn 1/3 Thủy quân Lục chiến đã tiếp nhận căn cứ này do Lực lượng Đặc biệt Hoa Kỳ bàn giao.

* Khe Sanh và Điện Biên Phủ dưới mắt đại tướng Westmoreland


Tháng 1/1968, tin tức tình báo ghi nhận có 4 sư đoàn CSBV đang tập trung gần Khe Sanh. Các thông tin này đã được các bộ phận tình báo chiến trường của liên quân Việt-Mỹ trình cho đại tướng Cao Văn Viên-Tổng tham mưu trưởng QL.VNCH và đại tướng Westmoreland-Tư lệnh Lực lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam. Sau khi đưa ra những chỉ thị khẩn cấp bộ Tư lệnh Lực lượng 3 Thủy quân Lục chiến về việc phòng thủ căn cứ Khe Sanh, tướng Westmoreland đứng trước hai chọn lựa: rút khỏi Khe Sanh nếu địch gia tăng áp lực, hoặc quyết cố thủ căn cứ Khe Sanh. Sau khi cân nhắc nhiều lần, tướng Westmoreland bỏ hẳn ý định rút quân ra khỏi Khe Sanh. Tướng Westmoreland phân tích rằng Cộng quân đang cố tâm chiếm trọn 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên để “đưa chiến tranh về nơi làng mạc có dân cư sinh sống”.

Để có thể phòng thủ hữu hiệu hơn căn cứ hơn và có sự phối trí lực lượng hợp lý hơn, tướng Westmoreland đã tham khảo ý kiến của một cựu tướng hồi hưu người Pháp từng tham gia chiến tranh Đông Dương, đồng thời nghiên cứu căn kẽ sự khác biệt giữa Điện Biên Phủ và Khe Sanh. Qua đó, ông thấy rằng Điện Biên Phủ là một thung lủng hiểm trở, trong khi Khe Sanh là một cao nguyên nhỏ. Quân Pháp tại Điện Biên Phủ không bố trí quân quanh các đỉnh chung quang căn cứ, trong khi đó tại Khe Sanh, Thủy quân lục chiến Mỹ đã phối trí lực lượng đóng quân trên 4 đỉnh cao quan trọng như Đồi 558 và Đồi 950, các đồi này nhìn xuống một thung lủng có con sông đổ vào Khe Sanh từ hướng Tây Bắc, trong khi đó Đồi 861 và 881 nằm về mạn phía Nam.
Tướng Westmoreland cũng phân tích đến sự phối trí về pháo binh: tại Điện Biên Phủ, quân Pháp không có pháo binh ở bên ngoài để yểm trợ cho phòng tuyến trong căn cứ. Trong khi đó, tại Khe Sanh ngoài 18 khẩu đội 105 ly, 6 khẩu đội 155 ly nòng ngắn và 6 khẩu đội súng cối ở trong căn cứ, Thủy quân lục chiến Mỹ tại Khe Sanh còn được 18 khẩu pháo 175 ly ở căn cứ Carroll cách đó khoảng 22 km đường chim bay có thể yểm trợ cho căn cứ. Đồn lủy của quân Pháp đóng tại Điện Biên Phủ không có đường tiếp tế. Tại Khe Sanh, mặc dù các cây cầu trên quốc lộ 9 trong địa bàn quận Hướng Hóa trở đi đều bị phá hủy để không cho Cộng quân sử dụng nhưng với khả năng của quân đội Mỹ, con đường này có thể mở lại bất cứ lúc nào trong mọi thời tiết trong trường hợp cần di chuyển bằng đường bộ.

Về không quân, tướng Wesrmoreland đã đưa ra những ưu thế của không quân Hoa Kỳ so với Pháp. Theo ông, quân Pháp không có đủ phi cơ yểm trợ, nhưng Hoa Kỳ có thừa khả năng không quân, kể cả B52 để có đánh phủ đầu địch quân. Về phi đạo, sân bay tại Điện Biên Phủ quá nhỏ bé để các vận tải cơ có thể lên xuống, hơn nữa quân Pháp không có khả năng mở cầu không vận mà chỉ tiếp tế bằng cách thả dù. Tại Khe Sanh, ngay từ năm 1967, sân bay ở căn cứ này được mở rộng để phi cơ C 130 lên xuống được. Đại đội phụ trách tiếp tế cho các đơn vị trú phòng Khe Sanh có thể dùng thùng to để thả dù hoặc đóng thùng nhỏ để cuối thân phi cơ để khi bay thật thấp thì đổ các thùng này xuống. Tại Điện Biên Phủ, quân Pháp không có trực thăng nhưng với Không quân Mỹ thì có khá nhiều loại này, kể cả các loại trực thăng vận tải. Về di tản binh sĩ, quân Pháp không có các phương tiện tối tân nhưng với Thủy quân lục chiến Mỹ có thể được tiếp cứu bằng phi cơ hay bằng lực lượng tiếp viện.

Tướng Westmoreland cũng quan tâm đến thời tiết tại Khe Sanh. Tại khu vực này thường có sương mù và mây thấp, mưa lất phất từ suốt tháng 10 đến tháng 4. Khe Sanh cũng là đường phân ranh giữa hai thái cực. Cùng thời gian này, bên khu vực đường mòn Hồ Chí Minh thì trời quang đảng khiến Cộng quân di chuyển dễ dàng. Trong khi đó thì tại Khe Sanh, trời âm u hay mưa mù, tầm quan sát bị giới hạn. Tuy nhiên, B 52 và pháo binh và phi cơ chiến thuật có trang bị ra đa se không gặp trở ngại. Cũng theo lời tướng Westmoreland thì vấn đề thời tiết cũng là một yếu tố gây sự tranh cải về quyết định giữ hay rút khỏi Khe Sanh giữa các tướng lĩnh tư lịnh các đại đơn vị và bộ tham mưu Quân đội Mỹ tại Việt Nam.

Tuy có lòng tự tin ở khả năng phân tích của mình, nhưng tướng Westmoreland cũng đã tham khảo ý kiến của sĩ quan phụ trách quân sử của bộ tham mưu là đại tá Reamer Argo và yêu cầu vị sĩ quan này nghiên cứu kỹ trận Điện Biên Phủ để tìm hiểu chiến thuật nào Cộng quân sẽ áp dụng tại Khe Sanh. Trong buổi thuyết trình cho bộ tham mưu và tướng Westmoreland nghe, đại tá Argo đưa ra một hình ảnh rất ảm đạm về Điện Biên Phủ và nhận xét rằng sở dĩ người Pháp thất trận là vì họ không chịu hạ thủ vi cường. Nghe viên đại tá phụ trách quân sử phân tích như vậy, đại tướng Westmoreland cho rằng tại Khe Sanh thì tình hình khác hẳn, quân Mỹ nhờ vào pháo binh và không quân yểm trợ để có thể nắm thế thượng phong, trong trường hợp căn cứ bị rơi vào tình trạng nguy kịch thì các đơn vị tăng viện có thể được gửi đến tiếp cứu một cách dễ dàng bằng đường bộ hoặc bằng không vận.

Bài tường trình của đại tá Argo đã làm cho tướng Westmoreland và bộ tham mưu sửng sốt. Tướng Westmoreland nói với các sĩ quan tham mưu rằng “chúng ta cẩn thận là điều tốt, nhưng chúng ta không thể-tướng Westmoreland gằn từng chữ với giọng cương quyết, không thể bị đánh bại tại Khe Sanh. Tôi không chấp nhận một lời bàn cải nào cả". Sau câu nói đó, tướng Westmoreland chấm dứt buổi họp và bước ra khỏi phòng. (Biên soạn theo tài liệu của Trung tâm Quân sử Lục quân Hoa Kỳ, hồi ký của đại tướng Westmoreland-nhà xuất bản Thế Giới, bản tin chiến sự của Tổng cục Chiến tranh Chính trị QL/VNCH phổ biến cho báo chí,tạp chí KBC...)

Kỳ sau: Không quân và Pháo binh Việt-Mỹ tại mặt trận biên giới Việt Lào.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.