Hôm nay,  

Mùa Xuân Tưởng Nhớ Vũ Đình Liên

13/01/200100:00:00(Xem: 4903)
Đã từ lâu lắm, Thùy Dzung vẫn thầm hứa với lòng sẽ viết một bài thật dài về thi sĩ Vũ Đình Liên, người đã để lạo cho hậu thế nhiều bài thơ trong đó có bài thơ bất hủ nhan đề Ông Đồ.

Nhưng cuộc sống đa đoan với bao nhiêu trôi nổi của một đời con gái trong thời buổi nhiễu nhương, chinh chiến phải trôi dạt đến vùng đất thuở xưa chưa từng nghe, từng biết đã khiến ước nguyện của lòng mãi mãi vẫn là ước nguyện...

Thế rồi cách đây không lâu, đáng lẽ Thùy Dzung gửi gắm đến quý bạn yêu thơ gần xa một chút ít tâm sự về thi sĩ Vũ Đình Liên nhưng thiệt buồn khi anh em trong tòa soạn chê bài viết của Thùy Dzung quá dài và quá... buồn.

Nói dài thì Thùy Dzung chấp nhận vì tâm sự của một con người, nhất là người con gái có nhiều tâm sự như Thùy Dzung, dành cho một thi sĩ tài hoa mệnh bạc như Vũ Đình Liên thì đâu có thể chỉ giãi bày trong vài dòng hay vài trang mà đủ.

Nhưng còn "quá buồn" thì Thùy Dzung biết làm thế nào để tránh được cái buồn khi viết về một thi sĩ trong tâm tư luôn luôn chĩu nặng một tấm lòng hoài cổ, nhung nhớ những kỷ niệm xa xưa, những đường nét của quá khứ...

Thùy Dzung biết phần đông những nhà thơ, nhà văn đều muốn đi tìm cho mình một bút hiệu nếu không có cái âm vận thật kêu thì cũng là một cái gì gói ghém những hoài bão, kỷ niệm, hay một gửi gắm thiêng liêng chân thành nào đó. Nhưng trái lại Vũ Đình Liên lại lấy tên thật của mình làm bút hiệu. Điều này cho thấy thi sĩ đã chọn cho chính mình con đường thi nghiệp và coi sự thành bại của những bài thơ tác giả sáng tác sẽ gắn liền cùng sự thăng trầm của chính mình.

Theo tác giả Nguyễn Tấn Long, Vũ Đình Liên sinh ngày rằm tháng 10 năm Qúy Sửu 1913 tại Hà Nội. Thuở nhỏ ông theo học trường Bảo Hộ sau là trường luật. Vốn có năng khiếu thi tứ ngay từ nhỏ lại có một tâm hồn đa cảm biết rung động một cách sâu xa trước những thăng trầm của thời thế, những nghiêng ngửa của đời người nên Vũ Đình Liên đã sáng tác được những vần thơ mang một phong vận riêng biệt khác hẳn những thi văn thời bấy giờ.

Trong thời gian tiền chiến, thơ của Vũ Đình Liên thường được đăng rải rác trên các báo Loa, Tinh Hoa, Phong Hóa, Phụ Nữ Thời Đàm. Mặc dù giã biệt cõi đời khi còn rất trẻ và thơ văn thi sĩ để lại không nhiều nhưng tất cả đều có giá trị đặc biệt trong kho tàng văn học sử Việt Nam.

Nhìn vào những bài thơ của thi sĩ Vũ Đình Liên, ai cũng phải thừa nhận, bài thơ Ông Đồ là một kiệt tác của của văn chương Việt Nam thời tiền chiến, và có thể nói của muôn đời...

Bài thơ tuy không dài, chỉ có năm khổ mỗi khổ bốn dòng, nhưng thi sĩ đã thành công trong việc mô tả hình ảnh một con người tài hoa trải qua những đớn đau khi thời thế biến chuyển, thị hiếu xã hội thay đổi.

Trong hai khổ đầu, thi sĩ chỉ cần chấm phá một vài nét đã tạo cho người đọc sự liên tưởng mạnh mẽ về hình ảnh một ông đồ, văn hay chữ tốt được mọi người trọng vọng, khen ngợi, ngưỡng mộ.

Trong hai khổ kế tiếp, người đọc cảm nhận được cái buồn đang giăng mắc cùng với thời gian, trong không gian, hậu quả của một nền văn minh mới du nhập và một nền văn minh cũ phải lui vào dĩ vãng.

Cái hay của bài thơ chính là ở chỗ tác giả đã mô tả thành công số phận càng ngày càng buồn của một ông đồ trước những biến đổi của thời thế. Hiển nhiên, một con người tài hoa biết "thảo những nét như phượng múa rồng bay", đã nhận thức được giá trị của chính mình, đã quen được nhiều người khen ngợi, trọng vọng, một khi không gặp thời phải sống trong cái cảm giác "mình chỉ là một vật thừa ế" đã không những mang đến cho ông đồ sự mất mát về sinh kế, sự đói khổ trong cuộc sống mà còn làm cho ông đồ tiêu tán cả ý chí, lòng tự tin, tự trọng của một kẻ sĩ xuất thân từ cửa Khổng sân Trình.

Nhưng hay hơn nữa, chính là qua nỗi buồn, nỗi mất mát của ông đồ, thi sĩ Vũ Đình Liên đã tạo cho người đọc cảm nhận một triết lý tuy mờ ảo nhưng rất lý thú: Một người tuy có tài nhưng không gặp thời, không gặp hoàn cảnh đều có thể trở nên một người bất hạnh, một kẻ bất đắc chí.

Đọc bài thơ trong tâm trạng của một người tỵ nạn phải sống xa quê, Thùy Dzung mới thấy thấm thía triết lý trên. Thực tế, trong cuộc sống nơi đất khách quê người, Thùy Dzung từng gặp lại không thiếu gì người tỵ nạn có tài, có bằng cấp nhưng vì hoàn cảnh gia đình cùng những éo le của thời thế đành phải chấp nhận một vị trí khiêm tốn hay một việc làm tẻ nhạt trong khi tài năng thì mỗi ngày một mai một...

Xưa nay trong giới văn nghệ sĩ ai ai cũng khen bài thơ Ông Đồ là một xuất phẩm của thi sĩ Vũ Đình Liên. Nhất là khi đọc đến từ "mực đọng" trong hai câu thơ:

Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu...

Người đọc đều cảm nhận một cách sâu xa nỗi cô đơn, buồn thảm của một con người tài hoa có thừa nhưng bị xã hội đào thải vì tài hoa đó không còn hợp thời trong cái bối cảnh "vứt bút lông theo bút sắt" của một xã hội đang đua đòi để được Âu hóa theo "mẫu quốc" của xã hội Việt Nam thời bấy giờ.

Bài thơ Ông Đồ còn có một giá trị đặc biệt, đánh thức lòng hoài niệm quá khứ của người đọc. Nhớ nhung quá khứ luôn luôn là một khuynh hướng không thể thiếu của đời sống con người, nhất là khi người đó đã bước vào tuổi xế chiều. Quá khứ của một đời người luôn luôn ấp ủ những đường nét mộng mơ, những hình ảnh nhạt nhòa của tuổi trẻ, của ngày xuân, của vàng son lộng lẫy... Vì vậy đến ngàn sau, cho dù hình ảnh ông đồ vĩnh viễn biến mất trong cuộc sống cũng như sách vở, bài thơ Ông Đồ vẫn còn giá trị tạo nên những rung động sâu xa trong tâm khảm người đọc...

Là một thiếu nữ lớn lên trong một xã hội không còn hình ảnh ông đồ và cũng chẳng khi nào thấy cảnh mưa phùn bay lất phất mỗi khi tết về trên đất Hà Nội nghìn năm văn vật như thân phụ vẫn thường kể, nhưng chẳng hiểu sao Thùy Dzung vẫn cảm thấy lòng sũng buồn chỉ muốn gục vào lòng ai... mà thổn thức khi đọc bốn câu thơ:

Ông đồ vẫn ngồi đấy,
Qua đường không ai hay.
Lá vàng rơi trên giấy;
Ngoài trời mưa bụi bay.

Trước thềm Xuân Tân Tỵ, tưởng nhớ tới vong linh nhà thơ tài hoa Vũ Đình Liên, Thùy Dzung xin trân trọng giới thiệu cùng các bạn yêu thơ, bài thơ Ông Đồ cùng hai bài bình luận của hai tác giả, sinh sau thi sĩ Vũ Đình Liên ngót nửa thế kỷ.

Ngoài ra, trong trang thơ của Giai Phẩm Xuân Tân Tỵ, Thùy Dzung cũng xin được giới thiệu bài thơ "Cảm Hoài" của tác giả Đặng Dung, như là một món quà tinh thần kính tặng những người Việt đang bôn ba tìm đường cứu nước nơi góc biển chân trời, cùng những người suốt 25 năm qua ấp ủ hoài bão quang phục quê hương.

Đặng Dung là con Đặng Tất, một tướng tài thời Hậu Trần. Năm sinh và năm mất của ông không rõ, chỉ biết ông là người làng Tả Thiên Lộc, huyện Phỉ Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Giận cha mình bị vua Giản Định giết oan (1408) vì lời gièm pha của gian thần sau trận Bô Cô, ông đem quân từ Thuận Hóa về Thanh Hóa, tôn Trần Quý Khoáng lên ngôi vua, và được giữ chức Đồng bình chương sự. Ông cùng Nguyễn Cảnh Dị nhiều lần trực tiếp chiến đấu với quân Minh. Đêm tháng 9 năm Quý Tỵ (1413), Đặng Dung đánh úp doanh trại giặc và xuýt nữa bắt sống tướng Minh Trương Phụ (vì không biết rõ mặt nên Phụ lợi dụng đêm tối dùng thuyền nhẹ trốn thoát được). Tháng 11 năm 1413, vua tôi nhà Hậu Trần thế cô cuối cùng bị quân Minh bắt giải về Yên Kinh. Trên đường đi, ông đã nhảy xuống sông trầm mình tự tử, giữ trọn khí tiết.

Tuy nhiên, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư không có chép gì về cái chết của ông. Theo Ngô Thì Sĩ trong Việt Sử Tiêu Án thì ông và Nguyễn Cảnh Dị bị Trương Phụ moi gan ăn sống. Ông để lại duy nhất một bài thơ, Cảm Hoài, chép trong Toàn Việt Thi Lục. Lý Tử Tấn có lời bình: Phi hào kiệt chi sĩ bất năng (nếu không phải là kẻ sĩ hào kiệt, ắt không thể làm được bài thơ này).

Bài thơ "Cảm Hoài" là bài thơ gói ghém nỗi đau lòng của một con người có tài, có lòng yêu nước, thương dân nhưng không xoay chuyển được thời thế, không níu kéo được thời gian. Âu đó cũng là nỗi bi phẫn nhưng không kém phần hùng tráng của anh hùng xưa cũng như nay.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.