Hôm nay,  

Ngửa Mặt Nhìn Lên Trời

10/08/200000:00:00(Xem: 5289)
Ngửa mặt nhìn lên trời là thói quen của con người do gien di truyền từ thời xa xưa khi trí khôn đã phát triển đầy đủ. Các nhà hiền triết nói con người từ thời tiền sử đã biết ngắm nhìn bầu trời cao thẳm để ngưỡng mộ sự bao la kỳ diệu của không gian, với lòng tôn kính đấng Tối cao. Riêng tôi nghĩ con người ngửa mặt lên trời là sự di truyền khi gập cảnh tuyệt vọng khốn cùng để than với đấng Cao xanh mong có cơ cứu khổ. Tôi nghĩ như vậy vì kinh nghiệm bản thân, những lúc bị gông cùm xiềng xích trong trại “cải tạo” ở Việt Nam tôi đã từng nhìn lên trời, thầm nói lên một nguyện cầu trong tuyệt vọng.

Nhưng bây giờ có những người nhìn lên trời không phải để tuyệt vọng mà để phấn khởi. Tôi muốn nói đến các nhà bác học về vũ trụ. Họ thật mừng rỡ và phấn khởi vì họ được có thêm ngân quỹ để tiếp tục một chương trình gọi là SETI - chữ tắt của một cụm từ Anh ngữ có nghĩa là “Tìm kiếm loài thông minh ngoài Trái Đất”. Tuần vừa qua Học viện SETI ở Mountain View, Bắc California được biết sẽ có thêm ngân khoản để thực hiện một dự án 26 triệu đô-la, tương tự như dự án được mô tả trong cuốn phim Contact do cô đào lừng danh Jodie Foster thủ vai chính, sản xuất năm 1997. Tôi mê cuốn phim này nên khi nó được in ra băng video, tôi đã mua cuốn băng để thỉnh thoảng xem lại cho... đời đỡ khổ. Trong phim, Jodie là cô gái còn nhỏ, cha là một nhà thiên văn, cô đã tập sự “nghe” bầu trời từ lúc chưa đến 10 tuổi, để tìm xem có tín hiệu thông minh nào từ bên ngoài trái đất vọng tới không. Nhưng cha cô chẳng may chết đột ngột vì bệnh tim. Cô lớn lên được ăn học đầy đủ và vào đại học, cô tiếp tục nghề của cha với ý chí quật cường, bất chấp mọi khó khăn để rồi khi ra trường được giao phó trách nhiệm lãnh đạo một đoàn khoa học gia chuyên nghe những tín hiệu của vũ trụ. Tại sao nghe mà không nhìn" Nhìn là thu ánh sáng rọi tới nhưng không đủ, phải nghe mọi tần số vô tuyến đầy rẫy trong vũ trụ mới đủ. Rút cuộc cô đã nghe thấy “loài thông minh” và chính cô là người duy nhất được chọn ngồi trên một phi thuyền hiện đại phóng tới nguồn tín hiệu thông minh cách xa Trái Đất hàng trăm năm ánh sáng. Và ở đó cô đã gập một người... chính là cha của cô, ông đã chết nhưng đang ở trển.

Dự án SETI cũng đại khái giống như chương trình nghe của Jodie trong phim. Các nhà khoa học của SETI sẽ thiết lập khoảng từ 500 đến 1,000 đĩa ăng-ten đường kính 5 mét, đặt thành từng dẫy dài trong một vùng hoang vắng ở Bắc California để bắt các tín hiệu vũ trụ. Thật ra việc nghe các tín hiệu vũ trụ đã có từ 40 năm trước, nhưng chưa bao giờ bắt trúng một tín hiệu thông minh. Khoảng thập niên 60, người ta đã rộn rã khi nghe được những tín hiệu lên xuống bổng trầm rất đều đặn và rõ, có vẻ không phải là những tạp nhiễu của sóng điện thiên nhiên. Nhưng sau mới khám phá ra đó chỉ là những vi ba của những sao gọi là “mạch động” (pulsar), tức là sao trung hòa tử (neutron star). Dự án SETI được thành lập trong thập niên 70 giữa những tranh cãi gay go. Chẳng hạn người ta hỏi nghe và tìm để làm cái gì vậy" Hoặc ở “ngoài đó” có gì đâu mà nghe, chúng ta là duy nhất trong vũ trụ, còn có loài nào khác nữa đâu" Trong thập niên 80, SETI làm việc ngầy ngật phần thì thiếu tiền, thiếu phương tiện, các nhà khoa học chỉ có tấm lòng là thừa.

Năm 1993, quỹ chính phủ bị cúp. SETI tiếp tục với số tiền hạn chế do tư nhân đóng góp, như gia đình Hewlett-Packard góp 13 triệu. Ngoài ra còn có những mạnh thường quân lớn khác như Gordon Moore, đồng sáng lập Intel, Barney Oliver sáng lập Phòng Thí nghiệm HP. SETI chỉ có quỹ cầm chừng 9 triệu đô la một năm, nhưng vấn đề là ngày nay nhu cầu của khoa học về viễn vọng kính quá lớn, SETI chỉ có giao kèo được dùng các dụng cụ nghe vũ trụ có 20 ngày trong một năm. Nay nhờ sự đóng góp mới 11.5 triệu đô-la của Paul Allen, nguời đồng sáng lập Microsoft, và 1 triệu đô-la của Nathan P.Myhrvold, cựu Trưởng Phòng Thí Nghiệm Microsoft, Viện SETI đã có tiền khởi công xây dựng dự án kiểu Contact, đến năm 2005 thì hoàn thành để có thể nghe các vì sao 365 ngày một năm. Hệ thống viễn vọng mới này lúc đầu sẽ nhắm vào 20,000 ngôi sao tương tự như Mặt Trời của chúng ta, - phần lớn ở gần, chỉ cách có vài trăm năm ánh sáng, rồi sau sẽ nghiên cứu mỗi năm khoảng 1 triệu ngôi sao trong Giải Ngân Hà với số sao ước lượng 400 tỷ.

Liệu có “người” thông minh trong vũ trụ không" Các nhà khoa học vũ trụ tin là có, bởi vì Giải Ngân Hà này có 400 tỷ ngôi sao, trong vũ trụ có hàng ngàn tỷ Thiên hà như Ngân hà của chúng ta, ở các Mặt trời đó đều có hành tinh, chẳng lẽ trong hằng hà sa số hành tinh đó lại không có sự thông minh. Biết đâu họ cũng đang phóng các luồng sóng điện từ để tìm những kẻ đồng hành trong vũ trụ. Chẳng cứ các nhà khoa học, nhiều người trong số dân thường chúng ta cũng tin loài người không đơn độc trong vũ trụ. Các nhà bác học có lòng tin, họ đã hiến dâng cả cuộc đời để nhìn lên bầu trời cũng giống như Jodie trong cuốn phim Contact. Thế nhưng trên đời này lại có quá nhiều người không thích ngửa mặt nhìn lên trời, họ chỉ thích nhìn thấp lè tè vì ham danh vọng, quyền lực chính trị và kinh tế. Họ không nghe và tính sao trên trời. Họ chỉ thích nhìn và đếm stocks dưới đất. Năm 1993, SETI bị Quốc Hội cúp ngân khoản. Đó là năm Clinton đã vào Bạch Cung, và cũng là lúc Quốc Hội bị Cộng Hòa lấy lại với đa số áp đảo.

Bây giờ các nhà khoa học muốn tìm người trên Trời để làm gì nhỉ" Tôi nghĩ có lẽ họ muốn tiếp xúc để nhờ các “đấng thần tiên” trên đó giúp một kỹ thuật kỳ diệu, làm sao dẹp bớt được bọn bịp bợm trên quả Địa Cầu này cho... đời đỡ khổ.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.