Hôm nay,  

Hoàng Ngọc Hiến: Đọc Văn Học Hải Ngoại (tiếp Theo)

03/08/200100:00:00(Xem: 4083)
II.
“Cái đẹp hoàn hảo lơ lửng tỏa ra từ lối sống của cộng đồng”.
Trong sự “chập chờn cơn tỉnh cơn mê” những ngày tháng cuối đời, triết gia Trần Đức Thảo có đưa ra được một ý tưởng sáng sủa về cái đẹp: “… ý thức trong lời kêu gọi chính nó đặt ra sự đòi hỏi… cái đẹp trong sự hoàn thiện những quá trình nghiệm sinh” (achèvement des processus vécus) (1). Trong khi có những tác giả, trong cơn tuyệt vọng, muốn nôn mửa trên bàn nhậu cũng như trên trang giấy, thì những nỗ lực của những nhà văn đưa cái đẹp vào nhằm “hoàn thiện những quá trình nghiệm sinh”, độc giả riêng tôi hết sức quí trọng. Cái đẹp “ở đâu cũng có, vấn đề là mình có nhìn thấy và biết chia sẻ hay không"” (Nguyễn Xuân Hoàng). Để nhìn thấy cái đẹp phải có tài và có tình, để chia sẻ cái đẹp phải có tài nghệ, phải thực sự có tài năng nghệ thuật mới làm cho độc giả cảm nhận được cái đẹp một cách tự nhiên, một cách tự do và cũng chỉ từ sự cảm nhận tự do này mới có sự “hoàn thiện những quá trình nghiệm sinh”. Trong sự náo động các trường phái hiện đại, hậu hiện đại cạnh tranh bác bỏ nhau, biết đâu ý tưởng của Trần Đức Thảo lại là tiền đề cho một sự đổi mới sâu sắc về mỹ học. Từ ý tưởng của Trần Đức Thảo, tôi liên tưởng đến một quan niệm về nghệ thuật của đạo diễn Trần Anh Hùng mà tôi cảm thấy như có sự gần gũi, sự tương đồng. Anh cảm nhận nhiệm vụ cốt yếu và cuối cùng của người làm phim là nắm bắt “cái chất hoàn hảo lơ lửng tỏa ra từ lối sống của cộng đồng”, tìm đúng “cái cách đưa người xem vào cảm giác về cái hoàn hảo đó.” Theo tôi hiểu, cái “hoàn hảo lơ lửng” không phải là lý tưởng, càng không phải là cái lý tưởng được suy ra, vẽ ra từ một chủ thuyết, hoặc từ những “tổng lộ tuyến”… Bị ám, bị khống chế bởi loại lý tưởng này, người sáng tác trở thành vô cảm trước “cái hoàn hảo lơ lửng tỏa ra từ lối sống của cộng đồng”. Theo tôi hiểu, cái “hoàn hảo” ở đây sở dĩ hoàn hảo vì nó là sự tổng hợp “chân, thiện, mỹ”, bản thân nó có thể có nhiều thiếu sót. Cái hoàn hảo lơ lửng là cái khó nắm bắt: nó vừa mong manh vừa bền vững, khi ẩn khi hiện, vừa cao vừa thấp, bà già thất học hiểu ra được, nhưng bậc đại trí có khi suốt đời không với tới, khó nhất là nó thường pha trộn với nhiều thứ “không hoàn hảo” và bất hảo.
Bài “Những mảnh đời và những con đường” của Vũ Huy Quang (3) chỉ là một bài ký bình thường. Tôi biết anh Vũ Huy Quang, nhân vật xưng “tôi” trong đó chính là tác giả bài viết. Điều khiến tôi chú ý đến bài ký trước tiên là ngôn ngữ những nhân vật trong đó, cũng như của chính tác giả “khác hẳn” cái “ngôn ngữ… trong tiểu thuyết”. Chính vì vậy, đọc bài ký thấy “văn” của nó không “hay” bằng nhiều truyện trong văn học hải ngoại được viết bằng một thứ ngôn ngữ rất “tìểu thuyết”. Nhưng chính vì vậy tôi thấy nó đáng tin cậy hơn. Bài ký viết về một toán thợ ráp nối điện tử cùng phiên làm với tác giả, khoảng hai chục người, quá bán là nữ. Họ chỉ là những con người hết sức bình thường: trình độ lớp 7, lớp 8 ở Việt Nam, “ít đọc báo địa phương tiếng Mỹ”, cũng có những sự va chạm, ghen ghét; ngôn ngữ “bặm trợn”, đôi khi suồng sã, “những câu nói đùa tàn nhẫn, sống sượng”; những nỗi lo thường tình: lo ế chồng… và bao trùm lên tất cả một nỗi lo lớn hơn, mơ hồ hơn về toàn bộ cuộc sống của họ trước sau chỉ có đi làm, đi làm, đi làm… Và một nguy cơ lớn đe dọa họ: quá trình “nguyên tử hóa” những cá thể trong cộng đồng. “Rất nhiều khi – Vũ Huy Quang viết – âm thầm tôi thấy cách xa họ, y như cách xa các bạn đồng tuế với tôi, những người bạn mỗi người một nghề, những người bạn chỉ còn đi làm, không biết gì khác hơn ngoài công vịêc, họp hành Hội Ái Hữu, và lâu lâu lại nghe một bạn hữu lìa đời. Các thế hệ cách nhau, gần nhau, chung một quá khứ hay không… nhưng vẫn thấy thật là cách xa. “Cứ như mỗi người một mạch điện riêng. Một mảnh đời, một con đường” (chữ in đậm do Hoàng Ngọc Hiến) (4). Cho nên, mặc dù theo lời tác giả, “các cháu tôi đều ăn trắng mặc trơn, đều tươi mát vui vẻ, da dẻ hồng hào, kiếm ra tiền…”, ông vẫn hồ nghi “không biết họ có thật tốt số, mà nếu có tìình cờ gặp lại ngoài đường, tôi không biết cười nói gì với họ…”, “họ may mắn hay hẩm hiu"” “May mắn sao có những buổi có đứa ngồi bãi đậu xe một mình, nét mặt buồn rầu kêu nhớ Tết Việt Nam. Có đứa bảo đi làm về thì chỉ biết ngủ, cuối tuần nếu không làm giờ phụ trội chỉ biết đi lễ.” (tr.18). Trong câu chuyện về những nguuời thợ ráp nối, có một điểm sáng: tác giả là một người có lòng. Ông chân thành vui mừng khi thấy sự “thông sáng” ở những người thợ Việt. “Không ai học xong trung học, vậy mà việc khó khăn đến đâu… họ vẫn làm xong.” (tr.19). “Những ngón tay thoăn thoắt sử dụng dụng cụ điện tử, những trí khôn tính toán theo trực giác, vì không đọc được chữ Mỹ, nhưng cái gì họ cũng làm trọn…” Tôi không phản đối việc trưng bầy “người Việt xấu xí”, nhưng riêng tôi rất xúc động thấy anh Vũ Huy Quang chân thành vui mừng nêu lên một ưu điểm của những người Việt. Càng cảm động khi anh ca ngợi tinh thần đoàn kết tương trợ trong cái tập thể bé nhỏ những người thợ “vô danh tiểu tốt” của anh.
“Trong sở, có những người Phi, người Mễ, người Tàu. Nhưng chỉ những người thợ Việt Nam này thông sáng, đùm bọc và năng suất cao nhất.” (tr.19). Anh có lần đi làm ở một hãng điện tử khác, và anh so sánh: “Toán làm việc, toàn gốc Ấn, nhưng họ không nói tiếng Hindu với nhau, mà bằng tiếng Anh. Không khí làm việc không thân ái đoàn kết bằng. Hiệu năng cũng không bằng, vì không khí không tươi vui, tương trợ…” (tr.19). Phải chăng ở đây, Vũ Huy Quang nắm bắt được “cái hoàn hảo lơ lửng tỏa ra từ lối sống” của “cộng đồng” nhỏ bé những người thợ ráp nối của anh" Phải chăng ông có quyền hy vọng tìm ra được một đối trọng cho quá trình nguyên tử hóa đương diễn ra không sao cưỡng lại được trong cộng đồng người Việt hải ngoại" Dẫu sao, thì trong khi tình trạng đấu đá bấu chí nhau, “tranh giành quyền lãnh đạo lẫn nhau… đổ tội lẫn cho nhau… chống lẫn nhau” (5) là tình trạng khá phổ biến, hơn một nhà văn đã phải nổi khùng, thì ít ỏi tinh thần đoàn kết thân ái còn lại trong toán thợ lắp ráp được nhà văn Vũ Huy Quang chắt chiu trân trọng, quả là điều quí hóa.
“Cái hoàn hảo lơ lửng” toát ra từ truyện Chớp Mắt Ngoái Lại (6), của Song Thao, là tình bạn giữa ba người Nghĩa, Vũ và Tước. Họ quen nhau từ “những năm tháng ngây ngô” tiểu học, đến tuổi lớn khôn trở thành những người bạn chí cốt, sau 1975 thì tan tác, mỗi người một ngả. Mười năm sau Nghĩa mới gặp lại Tước bấy giờ làm linh mục, hơn hai mươi năm sau Nghĩa mới gặp lại Vũ trên đất Canada. Trong tình hình rối ren 1975, Nghĩa làm lễ cưới, kết hôn với Diệu, hai người bạn chí cốt không đến dự được. Hai mươi lăm năm sau, Nghĩa và Diệu làm lễ cưới bạc, “Tước ở xa không đến được, Vũ còn xa hơn nữa (tức bên kia thế giới)”. “Chớp mắt đã cưới bạc rồi.” Chớp mắt hai mươi lăm năm. Bao biến động, gian truân trong mỗi cuộc đời: trại cải tạo, vượt biên, định cư… Tất cả chỉ là trong một chớp mắt. Duy chỉ còn lại một cái bền lâu hơn một cái chớp mắt, đó là tình bạn. Đúng hơn, đó là tình nghĩa giữa ba người bạn. Tình là tình thương, nghĩa là tinh thần nghĩa vụ trách nhiệm, chăm lo… Tình thương thể hiện ở tinh thần trách nhiệm, chăm lo tới người mình thương. Lần gặp nhau sau mười năm, Tước lo cho tương lai những đứa con của Nghĩa và anh đã giới thiệu gia đình Nghĩa với một đường dây “êm ả và hữu hiệu” do “một bổn đạo thân tín của anh tổ chức”. Gặp lại Nghĩa trên đất Canada, Vũ chăm lo giúp gia đình bạn như một “thiên thần hộ mệnh”. Lời trăn trối cuối cùng của Vũ nói với Nghĩa: “Nhớ thương yêu Diệu suốt đời nghe!” (7). Dường như Nghĩa đã linh cảm trước lời trăn trối này, và trước đó, mỗi lần điện thoại, Nghĩa vẫn để Diệu nói ít câu với bạn (8). Có “cái hoàn hảo lơ lửng” tỏa ra từ lối sống của cộng đồng và cũng có “cái hoàn hảo lơ lửng” tỏa ra từ tình nghĩa giữa ba người bạn.

Trong truyện “Auld Lang Syne” (9) của Song Thao, qua hai nhân vật Loan và Ngạn, một kiểu nhân cách người Việt hải ngoại được khắc họa khá tinh tế và hấp dẫn. Loan và Ngoạn đã trải qua những cơn lốc: cơn lốc “30 tháng Tư”, cơn lốc di tản… Tới xứ định cư họ cùng chung số phận: “…. Chạy ra khỏi nước trong cơn hồng thủy táp tới gót chân, kiếm được việc làm mừng muốn chết… chẳng màng đến việc đi tìm việc khác tốt hơn.” Hai mươi năm sau họ cùng làm việc ở một nhà máy. Và ngài mai thì… nhà máy đóng cửa. Nguy cơ trước mắt: mất việc. Một thử thách mới đối với họ. Mất “job” cũng là một cơn lốc: họ đứng trước “một đổi thay khắc nghiệt” và khác với tâm trạng cơn lốc 30 tháng Tư, lúc này họ cảm thấy “trống trải”, vì chung quanh họ “giờ đây toàn là những khuôn mặt da không vàng, mũi không tẹt” (trong xưởng chỉ có họ là người Việt, còn lại là Pháp, Mỹ, Ý, Hy Lạp…). Thái độ của hai người Việt này trước cơn lốc" Một sự điềm tĩnh lạ thường. Đây là những lời nói cuối cùng của họ khi chia thay:
“Loan nước mắt doanh tròng đưa tay cho Ngạn nắm:
-Chúc anh may mắn! Mọi sự rồi sẽ qua. Nhớ lúc mình mới tới đây, lạ nước lạ cái, chẳng biết sẽ sống ra sao. Vậy mà cũng chẳng chết! Giờ này thì nhằm nhò gì…”
“Ngạn rộng miệng cười không thành tiếng:
-Ờ nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ. Giữ cho chân cứng đá mềm nghe Loan!”
Ngay trong tâm trạng “cười không thành tiếng” Ngoạn vẫn dỡn trong lời nói.
Sự điềm tĩnh của họ là sự điềm tĩnh của những người đã từng trải qua sóng gió, đã “bao lần chông chênh những di chuyển, những cắt đứt phũ phàng”, đã sống trong cơn lốc kinh hoàng, và hôm nay, lâm nạn trong cơn lốc này, họ chép miệng, “xá chi một vết xước tay cỏn con” (11). Trong những xã hội phương Tây mà sự phát triển hiện đại trong thế kỷ vừa qua dữ dội và ồ ạt như những cơn lốc, những người “dầy dạn với những cơn lốc”, những người “sống trong cơn lốc như trong nhà của mình” thường có sự điềm tĩnh này. Và đây là đặc tính quan trọng nhất của con người hiện đại. Ở Loan và Ngạn, sự điềm tĩnh còn có một gốc nguồn tư tưởng: hình như họ có ngộ ra được đôi ba điều từ những tư tưởng triết lý phương Đông. Họ “thấm thía lẽ xuất xử”: “Biết được mệnh trời, nương theo thiên mệnh mà sống, con người dễ tránh được sự bẽ bàng” (12); họ coi trọng việc “ngộ được lẽ suy vong trong lúc thịnh thời”, việc “ngộ được cả lẽ thua”, không chỉ “nếm lẽ thắng”, họ “uốn mình vào trái tim trước khi san lợi lộc bên ngoài” (13) (tôi dẫn câu này để lấy ý, cách diễn đạt của tác giả tôi cảm thấy chưa ổn)…
Nhân cách của Loan và Ngạn biểu lộ khá rõ trong cuộc liên hoan tạm biệt ngẫu hứng, đặc biệt được thể hiện trong cách ứng xử của họ với những người thợ Tây khác, với ông chủ người Mỹ và trong quan hệ của hai người với nhau.
Họ không giống như những người ngụ cư rụt rè, khép nép ngồi lủi sang một bên, trong khi đám quan viên làng tự do ăn nói. Loan đã xóa bỏ được hàng rào ngôn ngữ, không có mặc cảm, mỉm cười thoải mái với những người bạn Tây, sẵn sàng đùa rỡn, đối đáp… Một tác phong rất Tây, theo nghĩa tốt đẹp của từ này. Diễn đạt một cách triết học, thì đây là “cá tính tự do”. Một nét đẹp của nhân cách con người trong xã hội dân chủ. Cũng như những người thợ khác, Loan và Ngạn hiểu rất rõ ông chủ là người như thế nào. Có lẽ nét duy nhất có thể thương được ở ông là ham mê công việc, ông “say mê nhà máy hơn vợ con”… Ngoài ra, ông là người “có tính kỹ càng với đồng tiền”, tính toán so kè… và cũng như mọi ông chủ, ông sẵn sàng đối xử tàn nhẫn để khẳng định quyền uy của mình. Trong những giờ phút hấp hối cuối cùng của nhà máy, khi ông chủ xuất hiện với bộ mặt thảm hại, dáng bộ tiều tụy”, thì, “đối diện với ông chủ là những bộ mặt trơ ra bất cần”. Riêng Loan có sự ái ngại. Và đến khi thấy Giulio làm trò hề riễu cợt”” (14) thì Loan xua tay, tỏ thái độ không tán thành. Đến cuối truyện, khi ngoái lại nhìn nhà máy một lần nữa, Loan thấy “ông chủ run rảy từng bước đi, tay rờ rãm từng chiếc máy im lìm dưới những tấm bạt phủ như những chiếc khăn liệm,”, “nàng bất giác quẹt nước mắt. Tình thương cho ông già khốn khổ mà cũng là sự thông cảm chung cho “cái thua muôn thuở của tuổi già lụn bại”. Giọt nước mắt của Loan có ý nghĩa nhân loại phổ biến. Ngôn ngữ của Loan giúp độc giả hình dung đầy đủ hơn con người của Loan. “Nói vô duyên chứ – Loan nói – nếu tôi là con gái ổng, tôi sẽ bằng mọi cách tiếp tục hãng hoạt động để ông vui lòng”… Đây là một câu nói có ý tứ: cảm thấy lời sắp nói gây ấn tượng vô duyên, nên rào trước đỡ sau bằng câu: “nói vô duyên chứ”. Đây là ngôn ngữ của một người có giáo dục. Tôi nhận thấy ngày nay, những vị phụ huynh quan tâm đến việc giáo dục cho con em có ý tứ như vậy trong lời nói càng ít đi, có khi chỉ còn vài ba phần trăm. Chính vài ba phần trăm này là đại diện cho bản sắc dân tộc Việt.
Trong truyện, Loan và Ngạn là hai nhân vật chính, một nữ, một nam. Thông thường, độc giả chờ đợi một câu chuyện tình. Họ không phải là những người tình. Lúc từ biệt, họ nắm tay nhau:
“Chúc anh may mắn! Mọi sự sẽ trôi qua…”
“… Giữ cho chân cứng đá mềm nghe Loan!”
Đây là lời giã từ của những người bạn. Những người bạn mà đường đời cùng trải qua những “đổi thay khắc nghiệt”, những “cắt đứt phũ phàng”. Và ở mỗi người luôn thường trực nối nhạy cảm “sót” cho bạn mình. Trong cuộc liên hoan Loan nói tếu, chọc Peter, không ngờ bị Peter đốp chát lại, vô phương chống cự, “Ngoạn thấy nhột dưới gáy” (15), và anh kịp thời đối đáp, cứu bãn mình. Không thể nói quan hệ giữa Loan và Ngạn là phong cách Tây hay phong cách ta; chắc chắn đó là phong cách văn hóa cao.
Một bạn đọc nói với tôi: “Trong thực tại không có người nào hoàn hảo như Loan! Loan chỉ là mơ ước, trăm lần mơ ước của Song Thao”. Cứ cho là trong thực tại không có người hoàn hảo như Loan, tại sao Song Thao không có quyền mơ ước một người như vậy. Cái “hoàn hảo lơ lửng” vừa là thực tại vừa là mơ ước; đây là cái lơ lửng thơ mộng. Trong thực tại, cái hoàn hảo của nhân vật Loan tản mạn ở nhiều người, có nét ở người này, có nét ở người kia, đậm nhạt khác nhau lại tùy ở từng người, người mang vẻ này, người mang vẻ nọ, cũng tùy từng người mà sắc thái khác nhau. Đây là cách hiểu của tôi về sự “lơ lửng” trong ý niệm “cái hoàn hảo lơ lửng” của Trần Anh Hùng.
Hoàng Ngọc Hiến.
Chú thích của tác giả:
1. Xem Phan Huy Đường: Penser librement, Chronique sociale [Suy tưởng tự tại, Ký sự xã hội], 2000, tr. 53.
2. Xem Thế giới điện ảnh số 2, tháng 7, 2000, tr. 55.
3. Đăng trong Diễn Đàn [Pháp], số 88 (tháng 9 năm 1999).
4. Như trên, tr. 19.
5. Xem Hoàng Khởi Phong: Ngày N+, nhà xb Văn Nghệ [Cali], 1988, tr. 260.
6. Đăng trong tập truyện Chân Mang Giầy số 6, của Song Thao, nhà xb Văn Mới [Cali], 1999.
7. Sách đã dẫn, tr. 166.
8. Sách đã dẫn, tr. 165.
9. Đăng trong tập truyện Chân Mang Giầy số 6. Auld Lang Syne là tên một bài hát khi tạm biệt khá phổ biến ở nhiều nước phương Tây. Truyện ngắn này mang tên bài ca tạm biệt vì trong truyện có buổi liên hoan tạm biệt của một toán công nhân, trong buổi làm việc cuối cùng trước ngày nhà máy đóng cửa.
10. Xem sách đã dẫn, tr.78.
11. Như trên, tr. 79
12. Như trên, tr. 72.
13. Như trên, tr. 74.
14. Như trên, tr. 75.
15. Như trên, tr.77
(Tin Văn kỳ tới: Hoàng Ngọc Hiến: Đọc văn học hải ngoại; Phần III: Tinh thần hiện đại và bản sắc dân tộc)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
DB Rick Miller thuộc Đảng Cộng Hòa, đại diện khu vực Sugar Land, đã bị phản ứng gay gắt sau khi ông chụp mũ các đối thủ tranh ghế ông chỉ vì họ là người Mỹ gốc Á trong địa hạt đông ngưởi gốc Á.
Ai quyết tâm đi tìm chân lý và hướng thượng cuộc đời trong tinh thần – Tu là cõi phúc – đều hưởng được sự bình an trong tâm hồn, tức là hưởng được hạnh phúc, Thiên đàng, Niết bàn, Cõi phúc ở trần gian
nữ tài tử Julia Roberts và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ có chuyến đi đặc biệt thăm Việt Nam trước khi sang Malaysia dự chương trình "Leaders: Asia-Pacific"
ông có tập Thơ Lửa, cùng làm với Đoàn Văn Cừ, gồm những bài thơ đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp, do Cơ quan Kháng chiến Liên khu III xuất bản, được in ở Thái Nguyên năm 1948
James Nguyen Fernandes, 43 tuổi, bị buộc tội 6 vụ tấn công, gồm 2 tội tấn công cố ý sát hại, và 6 tội phạm tội liên quan súng, theo hồ sơ tòa án cho biết.
Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.
Khi chưa thấy ánh mặt trời, Tôi đã cảm nhận được muôn ngàn đau khổ, Của mẹ cha, Của bà con và của muôn triệu người dân gần xa trong nước, Lúc mẹ ôm bụng bầu chạy từ chỗ nầy sang chỗ khác,
Theo bản tin từ đài KUSI, Dân biểu Cộng Hòa Duncan D. Hunter cho biết ông sẽ nhận một tội sử dụng sai trái quỹ vận động khi ra tòa vào hôm Thứ Ba ngày 3 tháng 12/2019 trước Chánh án Thomas J. Whelan.
Mùa cháy rừng hiện nay nêu bật việc cần phải nhanh chóng đạt được các mục tiêu loại bỏ carbon đầy tham vọng của California, và bản báo cáo ‘Lộ Trình 2045’ đặt ra sơ đồ định hướng để đạt được mục tiêu đó
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Thứ Hai, 2 tháng 12, lên án các nhà Dân Chủ tại Hạ Viện về việc tổ chức điều trần luận tội trong khi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại London
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.