Hôm nay,  

Chuyện Hai Ông Phó

15/08/200000:00:00(Xem: 5569)
Như vậy đã đủ hai cặp bài để đấu với nhau trong cuộc chạy đua đến Bạch Cung năm 2000. Hai ứng viên Phó Tổng Thống đã được lựa chọn. George W. Bush của đảng Cộng Hòa chọn Dick Cheney và Al Gore của đảng Dân Chủ chọn Joseph Lieberman. Chúng tôi không muốn đi vào việc cân nhắc thế mạnh yếu trong cuộc chạy đua của hai liên danh chính này vì còn quá sớm, cũng như không nhắc đến những poll thăm dò vì nó còn hơi phiêu. Nhưng nhìn đến quyết định của mỗi bên chọn vị Phó soái cũng là điều lý thú.

Theo chúng tôi nghĩ, nếu ông W. Bush chọn ông John McCain làm phó sẽ là điều tốt nhất, nhưng đây là việc ông không thể làm được. McCain đã làm các phần tử cốt lõi bảo thủ của Cộng Hòa nổi giận trong cuộc đua tranh sơ cử, vì lập trường tự do lánh xa truyền thống của đảng. Vả lại quyết định của ông W. Bush lại còn bị ảnh hưởng bởi nhóm tham mưu thân cận gia đình giòng họ mà đứng đầu là phụ thân ông, cựu Tổng Thống George Bush. Vì nhu cầu lấy lại Bạch Cung, với ông W.Bush đảng Cộng Hòa đã phải chấp nhận danh nghĩa cái gọi là tình thương, vuốt mềm đi những cạnh nhọn cứng rắn nhưng cái lõi vẫn là thép nguội. Trong cuộc vận động từ những tháng sơ cử, W. Bush đã tỏ ra rất mềm mỏng để lấy phiếu của các thành phần cử tri, đặc biệt là dân khác mầu da, dân gốc Mễ và Nam Mỹ. Cái lõi thép sợ rằng nếu đi quá nữa, các cạnh mềm sẽ hóa ra nhão, làm mòn luôn truyền thống cố hữu của đảng, bởi vậy một McCain không thể được chấp nhận và một Colin Powell lại càng không. Dick Cheney chính là thứ bột cứng nhào vào những cạnh mềm của W. Bush, dung hòa được lập trường nguyên thủy bảo thủ, và còn phòng hờ được trường hợp quá mềm làm mất lòng cử tri xưa nay vẫn trung thành với lập trường bảo thủ của đảng Cộng Hòa. Một sự lựa chọn khá tinh vi vậy.

Dick Cheney là một người bảo thủ cứng rắn, nhưng ông có tài ăn nói hấp dẫn, cử chỉ dễ thương và thuyết phục, thành ra những cái cứng rắn nhất ông để sau lưng, ít người nhìn thấy được. Chỉ khi nào ông bỏ những lá thăm quyết định, người ta mới thấy ông lộ nguyên hình. Cheney xuất thân là Chánh văn phòng của Tổng Thống Gerald Ford, dân Việt Nam tị nạn nhớ ông Ford rất nhiều vì ông làm Tổng Thống khi Mỹ phải chạy tháo ra khỏi Saigon tháng 4 năm 1975. Trong thời gian 10 năm (1979-89), Cheney là dân biểu Hạ Viện, ông đã có thành tích biểu quyết đáng chú ý. Chẳng hạn ông chống lại luật tu chính quyền bình đẳng, chống lại việc trừng phạt chế độ người da trắng kỳ thị chủng tộc ở Nam Phi, chống lại việc phóng thích lãnh tụ da đen Nelson Mandela khi chế độ da trắng còn cầm quyền. Ông cũng bỏ những lá thăm chống lại việc trang bị áo giáp đặc biệt chống đạn cho cảnh sát, chống lại sự chi tiêu cho các chương trình xã hội nhưng ủng hộ các khoản chi lớn về quốc phòng, chống lại một luật liên bang trừng trị các tội ác do lòng thù ghét gây ra (hate crime). Trong 5 năm qua ông là tay kinh doanh hữu hạng, Công ty Hallibuton mà ông làm Tổng Giám đốc đã trở thành công ty hàng đầu thế giới cung cấp những trang bị khai thác mỏ dầu. Vì thế ông chống lại sự trừng phạt Iran.

Về phía đảng Dân Chủ, sự tuyển chọn Thượng nghị sĩ Joseph Lieberman làm ứng viên Phó Tổng Thống đã gây ngạc nhiên, có thể nói đây là nước cờ rất táo bạo. Về nhân cách, Lieberman là một người rất xứng đáng, ông là một người trung trực không có gì tà khuất, ông được các bạn đồng viện cả hai đảng kính nể ở Thượng Viện. Nhưng ông lại là người gốc Do Thái và người theo Do thái giáo rất thuần túy. Lần đầu tiên một người Do Thái, không phải theo đạo Tin Lành nhắm ngồi vào Bạch Cung dù chỉ mới là ghế phụ. Đây là sự chấp nhận một thử thách khá liều lĩnh của Al Gore nhưng phù hợp với những suy tư kỷ nguyên mới để tạo thay đổi và cũng là một quyết định có tính toán rất kỹ. Đó là việc muốn tách rời ra khỏi cái “xì-căng-đan” Lewinsky do Clinton phạm phải hai năm trước. Lieberman là một Thượng nghị sĩ Dân chủ uy tín đầu tiên đã đứng lên đả kích việc làm sai trái của Clinton trong phạm vi đạo đức. Dù vậy khi Thượng viện biểu quyết, toàn thể các Nghị sĩ Dân Chủ đã nhất tề chống lại việc truất phế Clinton và Lieberman cũng là một trong số đó. Lập trường đã rõ: ủng hộ Clinton về những việc làm của một Tổng Thống, nhưng chống Clinton về sự sai trái đạo đức trong tư cách một con người.

Việc lựa chọn Lieberman cũng là nước cờ chiến lược truyền thống, vì nó làm nức lòng nguời dân Mỹ có gốc lạ, nghĩa là không phải gốc Ái nhĩ lan hay Anh cát lợi là những gốc người đã đứng ra lãnh đạo nước Mỹ kể từ khi lập quốc. Thế nhưng chiến lược này không phải không có thử thách. Về những công dân gốc lạ lâu đời nhất ở Mỹ, phải kể đến những người da đen. Trong lịch sử, các cộng đồng Mỹ da đen và Do Thái đã có chung kinh nghiệm bị đàn áp. Họ đã đoàn kết trong chiến đấu chống nạn kỳ thị, đòi hỏi công bằng xã hội. Cả hai đã hợp lực thành những tập thể cử tri nồng cốt của Dân Chủ. Nhưng mối đoàn kết này cũng hơi phiêu khi nó phân ra hai loại người, những chủ nhân nhà đất và kẻ đi ở thuê, những chủ tiệm và kẻ đi mua hàng, nghĩa là người có thế lực và người không thế lực, tóm lại sự bất đồng muôn thuở giữa người có và nguời không có. Cũng có thể dân da đen không hồ hởi lắm với một Lieberman ngồi ghế phụ ở Bạch Cung vì họ vẫn có tham vọng đưa một ông da mầu ngồi vào đó. Còn một vế thử thách nữa, cũng có thể chiến lược Lieberman để xa lánh xi-căng-đan sẽ quật ngược, dân da đen sẽ không tha thứ cho những ai đã từng rủa xả Clinton, vị Tổng Thống “mến yêu” của họ. Thế nhưng nghĩ lại, cũng không thiếu gì người dân da đen tuy ủng hộ Clinton, vẫn chỉ trích ông về vụ Lewinsky.

Hãy tạm kết luận về hai sự lựa chọn. Một bên mềm đi một chút nhưng rồi ngầm tìm thế cứng trở lại cho chắc ăn. Một bên táo bạo, dám chấp nhận thời vận để tìm con đường thích hợp với thời đại.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.