Hôm nay,  

Chủ Nhật 17-11-2002 Tại Virginia: Nhạc Thính Phòng Vinh Danh Nghệ Sĩ Lữ Liên

25/10/200200:00:00(Xem: 3724)
PHOTO: Ban nhạc AVT Hải Ngoại, và nhạc sĩ Lữ Liên.

(Fairfax, Virginia) Trong dự án gây quỹ để sáng lập một trung tâm văn hóa cộng đồng tại vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn làm nơi triển lãm những cổ vật, di tích lịch sử, văn hóa, tranh ảnh, hội họa, và những tuyệt phẩm điêu khắc, Sáng Hội Văn Học Nghệ Thuật của Người Mỹ Gốc Á Châu Thái Bình Dương ("Asian Pacific American Cultural Arts Foundation", "APACAF") sẽ tổ chức một chương trình đại nhạc hội quy mô quy tụ những ca nghệ sĩ kỳ cựu trong làng âm nhạc Việt Nam tại hải ngoại.
Nhân cơ hội này, APACAF sẽ vinh danh vị nghệ sĩ lão thành Lữ Liên, người đã đóng góp rất nhiều cho kho tàng âm nhạc Việt Nam từ hơn 60 năm qua. Hẳn chúng ta không ai quên được tài nghệ vui nhộn, dí dỏm của Ban Nhạc AVT. Ngoài ra, các con của ông cũng đã nối gót cha và giữ một địa vị rất vững trong làng âm nhạc Việt Nam. Sau 1975, đồng hương Việt Nam tại vùng Hoa Thịnh Đốn vẫn chưa có cơ hội nghe lại tiếng đàn cò độc đáo của Lữ Liên và cũng chưa một lần được thưởng thức lại phần trình diễn của the Uptight. Chủ đề của buổi đại nhạc hội là để mừng cho sự đoàn tụ của gia đình nghệ sĩ Lữ Liên, cũng như tạo một cuộc hội ngộ với khán giả vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Ngoài sự góp mặt của Tuấn Ngọc, Anh Tú, Khánh Hà, Thúy Anh, Lan Anh, Lưu Bích, cùng những tay đàn trống điêu luyện của the Uptight, Hoàng Thi Thi, Lê Ngọc, Lê Trương, và Nguyễn Huy còn có sự đóng góp của Asa Trịnh qua những nhịp điệu lả lướt, sống động và tiếng đàn vĩ cầm điêu luyện của nhạc sĩ Hoàng Thi Thao.
Chương trình nhạc thính phòng mang chủ đề "They Were One Family... Separated... and Together Again..." dựa trên chủ đề CD của ban nhạc The Uptight. Qua họa bút long phụng, điêu luyện của Họa Sĩ Vũ Hối, khiến chủ đề này được đơm thêm nét đậm đà. Buổi nhạc hội sẽ được trình diễn tại Hý Viện Concert Hall, trường Đại Học George Mason, tại thành phố Fairfax, vào lúc 5 giờ chiều, ngày Chủ Nhật, 17 tháng 11 năm 2002. Vé có bán tại Galerie Brigitte trong thương xá Galleria, Tysons II và tại Concert Hall. Vé có số ghế sắp sẵn và sẽ do nhân viên của hý viện hướng dẫn chỗ ngồi để tránh hiểu lầm. Chương trình sẽ bắt đầu đúng giờ.

Vài nét tiểu sử về Nghệ Sĩ Lữ Liên: Phải nói Lữ Liên là một siêu nghệ sĩ trong làng âm nhạc Việt Nam. Ông đã đóng góp hơn 60 năm cuộc đời cho nghệ thuật tân cổ nhạc Việt Nam. Cổ nhạc ở đây không hẳn chỉ là cổ nhạc miền Nam hay dân ca, mà là loại nhạc cổ của cả 3 miền. Ông rất sành sõi từ kỹ thuật, nhạc lý cho đến nghệ thuật trình diễn các loại nhạc cụ cổ truyền thích hợp cho các thể điệu nhạc cổ như ca trù, ả đào, chầu văn, v.v... Các giới trí thức, văn thi sĩ cũng như những nhạc sĩ chuyên khảo về âm nhạc cổ truyền Việt Nam, như thi sĩ Cao Tiêu khi nghiên cứu về "Ca Trù", đều tìm đến ông để trao đổi và học hỏi thêm kiến thức. Lữ Liên còn là diễn viên kịch nghệ trong Ban hợp ca Thăng Long, cùng với Thái Thanh, Hoài Bắc và Hoài Trung, nổi tiếng qua nhạc cảnh "Sơn Tinh Thủy Tinh". Di cư vào Nam, ông từng cộng tác với Hoàng Thi Thơ trong các nhạc kịch Ả Đào Say, Cô Gái Điên. Ông cũng từng hoạt động trên đài phát thanh Đà Lạt từ năm 1950. Năm 1957, ông làm trong Ban Biên Tập đài phát thanh Tiếng Nói Quân Đội tại Sài Gòn. Sau đó chuyển sang Tiểu Đoàn I Chiến Tranh Tâm Lý, bổ sung vào ngành kịch nghệ sân khấu để giúp vui cho các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa khắp 4 vùng chiến thuật. Khi Sài Gòn thất thủ, nhờ làm việc trong ngành thông tin trên Đài Mẹ Việt Nam, gia đình ông được di tản trước ra Phú Quốc, được tầu Mỹ vớt đưa sang Guam và qua Mỹ.
Sang Hoa Kỳ, ông vẫn không ngừng hoạt động trong cộng đồng âm nhạc Việt Nam và thường xuất hiện trong những buổi ca nhạc cổ truyền Việt Nam. Ngoài ra, ông vẫn tiếp tục chuyển dịch những bài ca ngoại quốc sang tiếng Việt cho các con ông hát. 27 năm xa quê hương, 85 niên lão, vị nghệ sĩ tài ba kia vẫn can trường, âm thầm đóng góp xây dựng cho nền âm nhạc Việt Nam tại hải ngoại được trường tồn.

Lữ Liên và Ban AVT: Năm 1958, trong danh sách của Đoàn Chiến Tranh Tâm Lý có 3 anh Tân Binh tên là Anh Linh, Vân Sơn, và Tuấn Đăng chuyên trình diễn những bản nhạc vui nhộn trong các buổi văn nghệ ủy lạo anh em chiến sĩ. Họ dùng 3 chữ đầu trong tên của họ để đặt tên cho ban nhạc. Từ đó, danh xưng AVT ra đời. Khi trình diễn, Ban AVT luôn mặc quốc phục, áo dài khăn đóng, dùng các nhạc khí Tây Phương và hát những bản nhạc trào phúng, vui tươi, đầy nghệ thuật do Lữ Liên biên soạn. Giọng ca của họ có khi lên cao chót vót, nhưng xuống cũng trầm đều. Họ từng được mệnh danh là Ban Kích Động Nhạc AVT.

Năm 1960, để hòa lẫn những nhịp điệu trẻ thế giới đang thịnh hành, Lữ Liên đã trích một đoạn trong bản "Thất Nghiệp Ca" mà ông đã soạn cho Đoàn Văn Nghệ Việt Nam và lấy tên là Tam Nghiệp để Ban AVT thử nghiệm trình diễn vào dịp tất niên tại Rạp Thống Nhất trong buổi văn nghệ ủy lạo các chiến sĩ xuất sắc, dưới sự chủ tọa của Tổng Thống và các tướng lãnh. Tam Nghiệp nói lên tâm nghiệp của ba anh chàng Thợ Nhuộm, Thợ Sửa Khóa, và Thầy Bói. Lối trình diễn sống động, lời ca dí dỏm, trào phúng mang cho quý vị khán giả danh dự những tràng cười rộn rực, tạm quên nỗi khổ nhọc khi chiến đấu. Từ đó, Lữ Liên liên tục biên soạn những bài ca mới, đặc thù cho AVT. AVT lần lượt được các hãng dĩa nhạc mời hợp tác thâu băng và dĩa cũng như trình diễn tại các phòng trà, hý viện nổi tiếng khắp Sài Gòn.

Trong thời gian này, có một vài thay đổi nhân sự trong ban AVT. Khi Anh Linh được bổ nhiệm tham dự khóa sĩ quan, Hoàng Hải được mời thay thế. Vài năm sau, Hoàng Hải được lệnh giải ngũ, Lữ Liên được mời vào. Ông đã đề nghị thay đổi chút ít. Từ đó, Ban Kích Động Nhạc AVT được gọi là Ban Tam Ca Trào Phúng AVT và bắt đầu xử dụng nhạc cụ cổ điển Việt Nam với Vân Sơn chơi đàn Tỳ Bà, Tuấn Đăng chơi đàn Đoản và Lữ Liên xử dụng Nhị Huyền Cầm. AVT cũng lần lượt cùng phái đoàn văn nghệ Việt Nam du lịch khắp thế giới để trình diễn và phổ biến văn hóa Việt Nam. Lần trình diễn lần đầu tiên tại Âu Châu, thành phố Ba Lê, với phái đoàn văn nghệ hùng hậu dưới sự hướng dẫn của cố nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đã đưa AVT đến cực cùng của danh vọng, một thời vàng son, lẫy lừng của Lữ Liên, Vân Sơn và Tuấn Đăng. Nơi nào có bước chân, có tiếng đàn, giọng hát của AVT, nơi đó như sống dậy niềm tin yêu và những tràng cười quên đi tiếng gầm hăm dọa của chiến tranh.

Đến tháng 4 năm 75, chúng ta mất nước. Lữ Liên may mắn được tầu Mỹ cứu thoát sang định cư tại Mỹ. Vân Sơn và Tuấn Đăng bị kẹt lại. Vì quá tuyệt vọng, Vân Sơn đã tự vẫn trên giòng sông Thị Nghè. Còn Tuấn Đăng, nặng nợ gia đình, sống cam khổ trong cơ cực điêu linh dưới một chế độ độc tài.

Tại hải ngoại, hầu hết các ca nghệ sĩ tị nạn Việt Nam đều dồn về Nam California để lập nghiệp. Mộng ước của họ là làm sống lại nền văn học nghệ thuật, sân khấu, âm nhạc Việt Nam trên mảnh đất mới. Ban AVT Hải Ngoại với Lữ Liên, Vũ Huyến, Ngọc Bích (năm 1977, Trương Duy thay thế Ngọc Bích) tiếp tục truyền thống trào phúng, vui nhộn của AVT chính tông và bắt đầu cùng các anh chị em nghệ sĩ trình diễn khắp nơi từ năm 1976 cho đến năm 1987.

Tiểu Sử Hoàng Thi Thao: Tình nghĩa giữa Hoàng Thi Thao và nghệ sĩ Lữ Liên đãkéo dài hơn 45 năm. Hoàng Thi Thao thường gọi nghệ sĩ Lữ Liên là Bố. Ngoài ra, cũng vì tình cảm riêng của anh với Tuấn Ngọc và Khánh Hà nên anh đã nhận lời tham gia vào buổi trình diễn văn nghệ đặc biệt này. Được biết, Bích Chiêu và Tuấn Ngọc đã từng hát trong ban hợp ca Nhi Đồng do nhạc sĩ Hoàng Thi Thao điều khiển vào năm 1958 tại Sài Gòn.

Hoàng Thi Thao theo học nhạc và vĩ cầm từ lúc lên 5. Đến 6 tuổi đã đi trình diễn trên khắp các sân khấu. Được báo chí gọi là Thần Đồng Vĩ Cầm vào thập niên 50-60. Tốt nghiệp Âm Nhạc Viện vào năm 1965. Anh trình diễn thường xuyên trên các đài truyền hình, phát thanh, các phòng trà dạ vũ tại Sài Gòn. Anh cũng từng làm Đạo Diễn Sân Khấu cho các chương trình Đại Nhạc Hội Ca Vũ Nhạc Kịch của chú ruột của anh, cố Nhạc Sĩ Hoàng Thi Thơ. Thân phụ của Hoàng Thi Thao là anh cả và Hoàng Thi Thơ là người thứ 20 trong một gia đình có 23 người con.

Sang Hoa Kỳ, anh thường chơi nhạc tại các Show khắp các tiểu bang và các vũ trường tại Quận Cam với ban nhạc Trung Nghĩa, Hoàng Thi Thi. Từ năm 1981, anh cùng Nam Lộc tổ chức những Show tại Hollywood, mỗi năm 4 lần tại San Jose và Orange County. Hiện nay, anh là Phó Chủ Tịch Hội Âm Nhạc Nghệ Thuật California. Trong 2 năm qua đã tổ chức 5 buổi Thính Phòng rất thành công.

Các Con của Lữ Liên: Bích Chiêu và Tuấn Ngọc đã bắt đầu sinh hoạt văn nghệ từ thuở bé. Từ năm 1953-1954, hai chị em thường xuyên hoạt động qua nhóm Song Ca Nhi Đồng, dưới sự hướng dẫn của Hoàng Thi Thao. Anh Tú, Khánh Hà, Thúy Anh (còn có biệt hiệu là bé Thúy) đã làm long trời lở đất qua "Cát Bụ Tình Xa". Sau 75, gia đình Lữ Liên muốn làm sống lại the Uptight, khuyến khích Lan Anh và Lưu Bich học đàn, học nhạc. Trong các buổi trình diễn của the Uptight, chúng ta thường thấy Lan Anh linh động trong những nhịp trống mạnh bạo. Lưu Bích với những nốt lả lướt trên Keyboard, và sau này cô cũng đứng vững trong làng âm nhạc Việt Nam như các anh chị của cô. Bích Chiêu lập gia đình và hiện định cư tại Ý nên không tiện sang giúp vui. Thúy Anh cũng lập gia đình và ít sinh hoạt hơn. Giọng ca truyền cảm của Tuấn Ngọc và Khánh Hà đã đưa họ lên hàng danh ca trong giới âm nhạc Việt Nam. Anh Tú, Lan Anh và Lưu Bích cũng rất được khán giả khắp mọi nơi ưu ái.

Có lẽ không gì hãnh diện hơn khi nhìn thấy sự đóng góp của cả một gia đình nghệ sĩ, suốt đời mang lời ca tiếng hát để đem nguồn cảm hứng, niềm tin yêu đến với những tâm hồn tha hương. Chúng ta không hề chán xem gia đình Von Trapp trong phim "The Sound of Music", thì hẳn nhiên chúng ta có thể cùng chia sẻ niềm hãnh diện này với vị nghệ sĩ quí mến đã ngoài 85 nhưng vẫn không ngừng đóng góp cho nền văn học nghệ thuật Việt Nam và cho những thế hệ sau. Đặc biệt trong lần xuất hiện này, Lữ Liên và Hoàng Thi Thao sẽ cống hiến khán giả vùng Hoa Thịnh Đốn một tiết mục rất đặc sắc.

(VANN-Lê Thùy Lan)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.