Hôm nay,  

Cơ Thể Học Một Con Nợ

19/08/200000:00:00(Xem: 4822)
Ở Việt Nam có nhiều chuyện nợ nần, nợ máu, nợ tình, nợ ân nợ oán. Nhưng cụ thể nhất vẫn là chuyện nợ tiền. Các cụ thời xưa đã có câu “tiền có đồng cá có con”, vì nó đếm được. Anh nào nợ nhiều, tục ngữ nói “nợ đìa như tổ đỉa”. Thế nhưng từ ngày đảng và nhà nước mở cửa đổi mới kinh tế, cái tổ đỉa chỉ bằng một gang tay nên không đủ chỗ nhét hết của nợ vào đó. Bởi vậy người ta phải du nhập từ ngữ bên ngoài gọi là “nợ như núi”.

Ở Việt Nam khi hệ thống ngân hàng đã tỏ ra quá rệu rạo có nguy cơ sụp đổ, các nhà quan sát và kinh doanh ngoại quốc đều nói các ngân hàng nhà nước và ngân hàng thương mại liên cổ phần đang ngồi trên núi nợ. Người ta có thêm từ ngữ mới như “nợ khó đòi”. Trên thực tế đây chỉ là loài nợ biến mất tiêu, không có cách nào đòi lại được. Nó bao gồm cả các loại nợ như nợ chồng, nợ dây chuyền, nợ bán cái. Tất cả các loại nợ khó đòi đều bắt nguồn từ các ngân hàng Việt Nam, vì đây là cái gốc chính cho các công ty vay tiền để kinh doanh, khi các con nợ này không trả được nợ, các ngân hàng ngồi trên núi... lửa. Vậy những công ty nào quỵt nợ ngân hàng"

Các ngân hàng của chế độ cho vay không theo ý thức kinh tế mà theo sủng ái chính trị. Bởi vậy những ân sủng lớn lao nhất rơi vào tay các ông quốc doanh. Đó là những con nợ khó đòi. Nhà nước không cho thống kê tổng số các nợ quốc doanh khó đòi là bao nhiêu, người ta chỉ biết Việt Nam có khoảng 5,000 quốc doanh lớn nhỏ, nhưng cho đến nay chỉ “giải tư” được khoảng hơn 400 ông. Lý do là đa số còn quỵt nợ, không có tiền thanh toán làm sao có thể giải quyết" Nhà nước cãi không phải chỉ có quốc doanh mà cả tư doanh cũng quỵt nợ, chẳng hạn như tư doanh Minh Phụng và tư doanh Huy Hoàng. Bởi vậy nhu cầu cơ thể học con nợ nói chung là đúng. Vụ Minh Phụng ở Saigon do một người Việt gốc Hoa làm chủ, chúng ta đã biết quá nhiều, nhắc lại chỉ là nhàm. Vụ Huy Hoàng mới nhất và cũng là điển hình vì số nợ quá lớn, vậy nên mổ sẻ cái chất tư doanh của con nợ này xem nó như thế nào.

Công ty Huy Hoàng do một tư nhân sáng lập năm 1990. Vị tư nhân này là ông Lê Văn Kiểm, được gọi là một “cựu đảng viên Cộng sản”. Cái thẻ đảng chỉ là hình thức bên ngoài, bỏ nó trong túi hoặc đưa ra khoe đã bỏ đảng rồi cũng chỉ là hình thức, quan trọng là con tim và khối óc ở bên trong. Tôi không biết bộ đồ lòng của ông Kiểm như thế nào, chỉ ngạc nhiên một ông Cộng sản, không biết có cấp bực lớn nhỏ như thế nào, chỉ biết đó là đảng viên một đảng vô sản, vậy mà có một tài sản lớn đến độ bỏ ra 1 triệu đô-la để thành lập công ty. Cái tên Huy Hoàng nghe cũng thật vui, vì nó là thành ngữ “tếu” của dân chơi Miền Nam trước năm 75 để chỉ chuyện “bốc lên” có ẩn ý mỉa mai. Chẳng hạn như nói “đời ta huy hoàng rồi”, hay có anh nghèo vớ được một cô vợ giầu bèn ca “tương lai ta huy hoàng”. Hay bốc trời hơn nữa mà nói “ăn chơi huy hoàng”. Quả danh bất hư truyền. Sau khi lập công ty, ông cựu đảng viên Kiểm đeo đồng hồ vàng nạm hạt xoàn, chơi toàn loại xe mắc tiền mhất thế giới như Mercedes và Rolls Royce. Thế tại sao lúc đó Kiểm không bị đảng ta dòm ngó" Xin lỗi, lúc đó đảng hô “làm giầu là vinh quang” và còn nêu ra vụ “Huy Hoàng” như bằng chứng điển hình của tiến trình đổi mới từ kinh tế xã hội chủ nghĩa sang kinh tế thị trường tự do, người ta còn bốc thơm ông Huy Hoàng, không ai dám chê.

Một ông tư nhân làm ăn “huy hoàng” như vậy tại sao còn bị kẹt nợ đến 40 triệu đô-la" Báo nhà nước Lao Động nói công ty Huy Hoàng sắp phá sản vì nợ. Huy Hoàng cải chính nói không phá sản, và bắn tin đã yêu cầu cơ quan đảng ở Saigon giúp đỡ rồi. Một giới chức lãnh đạo công ty không nói đến chuyện nợ nần, chỉ nhìn nhận công ty gập một vài khó khăn vì đã đầu tư vào địa ốc và xây dựng. Nhưng chính công ty này năm 1997 đã cải chính tin nói công ty đầu tư vào địa ốc, khi giá địa ốc sụp đổ thê thảm vì cuộc khủng hoảng kinh tế Á châu. Bây giờ con nợ tự giải phẫu cho thấy ruột gan để làm gì vậy" Năm 1967 Huy Hoàng gia nhập một tổ hợp quốc doanh để có danh chính ngôn thuận vay thêm tiền ngân hàng trả nợ đậy, nhưng lúc đó vẫn chối là mắc nợ. Bây giờ nó nhìn nhận mặc áo quốc doanh trở lại để có danh nghĩa cùng bầy thoát nạn phá sản, chỉ vài ngày sau khi bản dự thảo báo cáo chính trị được công bố, xác nhận quốc doanh vẫn chỉ đạo kinh tế cả nước và con đường Mác-Lê-Hồ được bám chặt để khỏi ai động đến “phe ta”. Nó cũng biết đón gió thương ước như ai, bởi vì nó nói “tương lai ta rất huy hoàng, thương ước với Mỹ đã ký rồi, đời ta sắp lên hương”.

Ôi... cái quốc doanh ta sao mà kỳ diệu đến như vậy. Nó có thể mặc đủ các thứ áo, kể cả tư doanh để được huy hoàng bịt mồm dị nghị, nhưng nó trở lại áo quốc doanh mấy hồi để được thoát chết, dù nó đã tích cực tạo những chuỗi nợ nần, nợ cái nợ con để góp phần xây dựng núi nợ. Chỉ có điều phiền là khi có ăn, cả bầy vui vẻ, nhưng khi gập cảnh khốn cùng, trong bầy cắn xé lẫn nhau. Đó là lý do tại sao có vụ báo Lao Động tố khổ ông Huy Hoàng. Các ông quốc doanh lớn nhỏ, trá hình hay không, làm ăn như thế nào để bị thua lỗ như vậy" Đó là vì các ông không kinh doanh, các ông chỉ vay tiền...để đầu cơ. Các ông bỏ tiền mua nhà đất và xây cất giữa lúc giá đang lên vọt, để mong bán lại khi nó lên mây xanh. Khốn thay đầu tư ngoại quốc đội nón ra đi, giá địa ốc sụp xuống đất đen. Sở dĩ các ông xa hố dễ dàng như vậy là vì chỉ có xí nghiệp nhà nước mới có đủ quyền thế mua nhà đất, xin giấy phép dễ dàng, xây dựng tưới hạt sen. Việc vay tiền thả cửa ngân hàng càng làm cho các ông phóng tay phát động “phong trào chim cút” để xuống cùng một hố.

Giữa Saigon nhiệt náo ngày nay, đèn nê-ông sáng quắc, có những tòa nhà vĩ đại xây dựng nửa chừng bị phủ rêu xanh, mạng nhện chăng đầy. Quả là kỳ quan trong vũ trụ vậy.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.