Hôm nay,  

Tin Úc Đại Lợi - Phần Ii

22/07/200000:00:00(Xem: 4487)
NHIỀU BẬC CHA MẸ CHO CON CÁI DÙNG THUỐC QUÁ BỪA BÃI

CANBERRA: Theo một thống kê mới nhất của bộ y tế liên bang thì hàng năm các bậc cha mẹ tại Úc đã tiêu tốn đến gần 12 triệu đô la để mua các loại thuốc bổ không cần thiết cho con cái của mình. Các loại thuốc bổ này thường là các loại vitamin viên được bán trong các siêu thị, các loại thuốc viên dược thảo mà nhiều bậc cha mẹ tin rằng sẽ giúp con mình ngoan ngoãn hơn, có trí nhớ tốt hơn và học hành thông minh hơn. Nhiều bậc cha mẹ bận rộn không có thời gia chăm sóc việc ăn uống cẩn thận cho con cái tin rằng cách tốt nhất là cho lũ trẻ dùng các loại viên vitamin hay viên sắt để bù lại việc ăn uống không đúng tiêu chuẩn.

Các viên chức y tế lên tiếng cảnh cáo rằng nói chung các loại vitamin nếu được dùng trong một thời gian ngắn hạn, không có tác hại cho sức khỏe của con cái, tuy nhiên các loại dược thảo chưa được nghiên cứu cẩn thận có thể gây ra những tác hại nghiêm trọng nếu bị sử dụng bừa bãi. Đặc biệt là trẻ em có thể bị dị ứng khi dùng những loại dược thảo mạnh với liều cao. Các bác sĩ chuyên khoa về dinh dưỡng lại cho rằng đa số các loại vitamin chẳng giúp gì được bao nhiêu mà vấn đề quan trọng là phải bảo đảm cho con cái ăn uống đúng theo các phương pháp dinh dưỡng chứ không phải là dùng vitamin để thay thế.

MƯỜI NGÀN ĐÔ LA CHO MỖI MỘT DI DÂN LẬU VÀO ÚC

QUEENSLAND: Hồi tuần trước đã có thêm 21 di dân lậu từ Hoa lục đến Úc đã bị tóm cổ trong một ngôi nhà trên bờ biển của thành phố Cairns. Những di dân này đã bị bắt trong khi đang tìm cách di chuyển về Sydney và trốn vào khu Chinatown. Theo các nguồn tin của cục di dân và cảnh sát liên bang Úc thì gần đây các tổ chức di dân lậu thường đưa người vào Úc trên các chiếc du thuyền hạng sang để có thể dễ dàng qua mặt cảnh sát và lực lượng phòng duyên Úc. Nhóm 21 người nói trên đã lên một chiếc du thuyền sang trọng từ Phi luật tân và được đưa đến Cairns chờ giao đủ tiền cho bọn đầu nậu rồi trốn về Sydney.

Sự vụ đã được báo động cho cảnh sát liên bang và bộ di trú khi các cư dân địa phương phát hiện nhiều người Trung hoa, ăn mặc lịch sự đến các cửa hiệu địa phương tìm cách đổi các đồng đô la Mỹ và gọi điện thoại đi các nơi. Khi cuộc đột kích bất ngờ của cảnh sát xảy ra, nhiều di dân đã toan tính chạy trốn và bị thương, khiến hai người đã được đưa vào bệnh viện dưới sự canh phòng của cảnh sát. Ít nhất ba di dân lậu gồm hai đàn ông và một người đàn bà đã chạy thoát khỏi cuộc vây bắt của cảnh sát và hiện đang lẩn trốn đâu đó. Hồi tháng trước đã có 58 di dân lậu Trung quốc chết ngạt trong một container trên một bến cảng của Anh.

JOHN HOWARD SẼ TRANH CỬ VỚI KIM BEAZLEY TRONG NĂM 2001

CANBERRA: Vừa qua thủ tướng John Howard tuyên bố rằng ông sẽ chạm trán với lãnh tụ đối lập Kim Beazley trong cuộc tranh cử liên bang sẽ xảy ra vào năm 2001. Lời tuyên bố này của ông John Howard được đưa ra bất chấp có những tin đồn rằng ông Kim Beazley sẽ mất chức lãnh tụ phe đối lập liên bang trong thời gian tới. Theo thủ tướng John Howard thì cuộc bầu cử liên bang sẽ được tổ chức vào cuối sang năm. Phe liên đảng cho rằng họ không cần phải tổ chức cuộc bầu cử sớm hơn để lợi dụng việc đảng Lao động liên bang chưa kịp chuẩn bị chu đáo cho cuộc tranh cử.

Hồi tuần rồi lời phát biểu của dân biểu Lao động John Bosca rằng dân chúng Úc ủng hộ thuế GST và ông Kim Beazley sẽ không bao giờ bãi bỏ được thuế này khi ông lên làm thủ tướng, đã được xem như một nhát dao dâm sau lưng ông Kim Beazley. Giới bình luận cho rằng phản ứng của ông Kim Beazley khi tuyên bố ông nhất định bỏ thuế GST càng làm ông rơi sâu vào thế kẹt. Thực tế dân chúng Úc và nhiều đảng viên Lao động đã không tin rằng ông Kim Beazley có thể thực hiện được lời hứa là sẽ bãi bỏ thuế GST một khi Lao động thắng cử trong cuộc bầu cử năm 2001.

ĐA SỐ HỌC SINH BỊ KỶ LUẬT VÌ MA TÚY VÀ BẠO HÀNH

SYDNEY: Trong học kỳ một của năm nay số học sinh bị đình chỉ học tập dài hạn hay ngắn hạn tại các trường trung học tại tiểu bang NSW đã tăng lên với mức độ kỷ lục, khi các vị hiệu trưởng tiến hành những chiến dịch chống ma túy và nạn bạo hành trong trường học. Hiện có chừng 1300 học sinh trung học bị đình chỉ học tập dài hạn đến 20 ngày. Tỷ lệ học sinh bị đình chỉ học tập vì dùng hay buôn bán ma túy, vì có những hành vi bạo lực đều gia tăng gấp đôi so với năm học trước. Nhiều học sinh đã bị kỷ luật vì mang vũ khí bất hợp pháp vào trường học.

Trả lời phỏng vấn của tờ Daily Telegraph, bộ trưởng giáo dục John Aquillina cho rằng hiệu trưởng các trường trung học nên thẳng tay đuổi học những học sinh vi phạm kỷ luật đủ 15 tuổi. Việc các vị hiệu trưởng các trường trung học phải dùng những biện pháp mạnh tay hơn với đám học sinh vì tệ nạn ma túy và các vụ bạo hành trong các trường học đang gia tăng với một mức độ báo động, làm các phụ huynh và thầy cô giáo lo ngại cho việc học tập của các học sinh gương mẫu khác. Tuy nhiên nhiều phụ huynh cho rằng việc đình chỉ học tập hay thậm chí đuổi học không phải là một biện pháp tốt để khắc phục tệ nạn ma túy và bạo hành trong giới học sinh.

+++

CỜ CSVN SẼ TRÀN NGẬP SYDNEY"!

SYDNEY: Nguồn tin mới nhất do đặc phái viên Sàigòn Times thu thập cho thấy, trong mùa Thế Vận Hội 2000 tại Sydney, chính quyền cộng sản Hà Nội sẽ xảo quyệt tận dụng quan niệm "thể thao phi chính trị" của Ủy Ban Thế Vận Hội cũng như của chính phủ Úc để tuyên truyền tối đa cho chế độ, giành giật nhân tâm trong cộng đồng người Việt tại Úc. Một trong những biện pháp chúng tôi biết được là hiện CS đang tìm cách phân phát hàng ngàn cờ đỏ sao vàng trong hàng ngũ sinh viên học sinh VN hiện du học, các thân nhân của vận động viên tham dự Thế Vận Hội cũng như các gia đình của nhân viên tòa đại sứ, lãnh sự cộng sản tại Úc. Nhiều tổ chức chìm nổi của cộng sản tại Úc cũng đã họp nhiều buổi để tìm cách đối phó với phong trào chống cộng, đồng thời đề ra những phương cách thao túng cộng đồng người Việt nói riêng và cộng đồng Úc nói chung. Đặc biệt, chính quyền cộng sản Hà Nội cũng đã tỏ vẻ tức giận khi hay tin, có nhiều người Úc gốc Việt hiện làm tài xế xe bus, taxi, hoặc nhân viên phục vụ tại làng Thế Vận... đã từ chối không chịu đeo huy hiệu có hình cờ đỏ sao vàng do Ủy Ban Thế Vận Hội cung cấp.

Được biết, trong dịp Thế Vận Hội, để phục vụ các vận động viên và thân nhân đến từ các quốc gia trên thế giới, Ủy Ban Thế Vận Hội đã yêu cầu các công ty chuyên chở công cộng cũng như tư nhân, các tổ chức thiện nguyện, các cơ quan phục vụ Thế Vận Hội, khuyến khích các nhân viên đeo hình quốc kỳ của quốc gia mà nhân viên đó am tường văn hóa, ngôn ngữ, phong tục, tập quán... Làm như vậy, các vận động viên, các thân nhân của họ, cũng như các du khách, chỉ cần nhìn vào quốc kỳ là biết họ có thể trò chuyện bằng chính ngôn ngữ mẹ đẻ của họ. Trong khi hầu hết nhân viên người Úc đến từ các quốc gia trên thế giới đều sẵn sàng đeo huy hiệu có hình quốc kỳ của quốc gia mình, riêng người Việt, đã có nhiều người thẳng thắn từ chối vì cho rằng, đó là lá cờ của một chế độ độc tài, khát máu, phi dân chủ từ xưa cho đến cả bây giờ.

Anh D. hiện đang lái xe bus cho chính phủ tiểu bang NSW cho biết, gần đây, ban giám đốc đã gửi anh một tờ form kèm theo lá thư yêu cầu anh tình nguyện đeo quốc kỳ CSVN. Nếu chấp thuận, anh phải điền đơn và gửi về cho ban giám đốc trước ngày 14 tháng 7. Tuy nhiên trong thư ban giám đốc cũng xác nhận, chuyện đeo hay không, hoàn toàn tùy thuộc vào sự tình nguyện của anh chứ cơ quan không bắt buộc. Trong số anh em lái xe bus tại NSW cũng có một số người rời Việt Nam từ thời Pháp. Vì vậy, những người này không hiểu rõ về cộng sản. Gần đây về thăm nhà, những anh em này nhận ra sự tệ hại, ngu dốt và tàn bạo của cộng sản, nên hiện cũng thẳng thắn từ chối đeo cờ cộng sản VN. Anh D. tự hào cho biết, có một vị đã lớn tiếng tuyên bố: "Cờ đó đâu có phải cờ của tổ quốc tôi đâu mà tôi đeo!" Một vị khác, tuổi mới ngoài 40 cũng hùng dũng không kém, "Tôi là người quốc gia, đến Úc để tỵ nạn cộng sản, thì không có lý gì tôi lại đeo lá cờ CS trên người".

Một chị người Việt bán cửa hàng thực phẩm tại làng Thế Vận Hội Homebush cũng mỉm cười cho đặc phái viên của Sàigòn Times biết, "Em tuy không phải là người vượt biển tỵ nạn, nhưng em hiểu lá cờ của cộng sản đã tạo nên không biết bao nhiêu cảnh tang thương trên đất nước suốt cả nửa thế kỷ qua. Vì vậy, một là bảo em đeo cờ vàng ba sọc đỏ, hai là em đeo cờ Úc, chứ nhất định em không chịu đeo lá cờ cộng sản". Khi được hỏi, nếu không đeo có thể mất việc, chị cười rất tươi: "Em không bán hàng chỗ này thì bán hàng chỗ khác. Chứ còn đeo cờ cộng sản thì cả đời em, em sẽ vĩnh viễn không dám soi gương, không dám ngước mắt nhìn di ảnh của cha em". Qua tâm sự, chúng tôi được biết, thân phụ của cô T. nguyên là trung tá quân lực VNCH và ông đã mất trong một trại cải tạo ở thượng du Bắc Việt. Khi đó cô T. mới được 9 tuổi.

Ở thời điểm hiện tại, sự từ chối đeo cờ CSVN còn lẻ tẻ, nên chính phủ Hà Nội chưa chính thức lên tiếng phản đối. Tuy nhiên, qua nguồn tin chúng tôi mới thu lượm được thì có thể vào cuối tháng 7, đầu tháng 8, chính phủ Hà Nội sẽ qua Ủy Ban Thế Vận Hội VN tìm cách lên tiếng. Khi đó, nhiều người e ngại, Ủy Ban Thế Vận Hội 2000 sẽ có những biện pháp cứng rắn hơn để buộc người Úc gốc Việt phải đeo cờ cộng sản trên áo. Trước viễn ảnh đó, thiết tưởng qúy vị lãnh đạo cộng đồng cần có những biện pháp thích hợp để một mặt hậu thuẫn quan điểm chính trị hợp tình hợp lý của qúy anh chị em nhân viện người Úc gốc Việt, đồng thời làm sáng tỏ thái độ lập trường của cộng đồng người Việt đối với chính giới và xã hội Úc.

Một vị cao niên có hai người con hiện lái xe taxi tại Sydney đã góp ý với chúng tôi: "Mình là người Việt, thấy anh chị em vận động viên từ Việt Nam sang tranh tài thì nên ủng hộ giúp đỡ họ. Tình hàng xóm láng giềng, tình đồng bào, rồi còn tinh thần thể thao nữa. Nhưng mình phải hiểu, giúp là giúp người Việt mình chứ không phải giúp chế độ cộng sản Hà Nội à nghe. Cái gì cũng vậy, giúp thì phải giúp chân thành, nhưng cũng phải minh bạch, không thể lập lờ được. Giúp bao nhiêu cũng được, chân tình mà giúp, nhưng đeo cờ của cộng sản là nhất định không. Tôi bảo hai thằng con tôi, nếu họ bắt chúng mày phải đeo, cứ bảo tao. Tao sẽ đến gặp họ cho họ coi mấy vết sẹo trên lưng tao là họ hiểu cộng sản nó là người hay là thú." Vị cao niên cũng đưa ra một đề nghị, thay vì đeo cờ CSVN, ta có thể đeo tấm huy hiệu nhỏ có ghi chữ "Vietnamese" là ai cũng biết.

Cụ Ng. cũng nhấn mạnh, "Nói thể thao phi chính trị là nói trên lý thuyết thôi. Xưa nay mình chơi bời, hay thi thố với người nào thì người đó cũng phải xứng đáng. Chẳng nói đâu xa, nói ngay Úc đây này. Trước đây khi Nam Phi duy trì chế độ kỳ thì chủng tộc, Úc vẫn tảy chay không cho Nam Phi đến Úc tranh tài suốt bao nhiêu năm đó. Còn người Việt mình đến Úc tỵ nạn cộng sản. Chính phủ Úc biết rõ điều đó mới chấp nhận mình. Bây giờ cộng sản VN còn sờ sờ ra đó. Chúng vẫn tàn ác, hung dữ hệt như ngày xưa. Như vậy mình từ chối đeo cờ CSVN là hợp lý. Bình tĩnh phân tích cho người Úc họ hiểu, thì họ cũng chẳng nỡ nào bắt ép mình làm một việc trái với lương tâm. Cái gì cũng vậy, không không quá lẽ, khỏe không qua lời. Nói không hết tình hết lý thì cứ gọi điện thoại cho mấy vị trong cộng đồng tiểu bang, liên bang là họ sẽ cử người đến giúp ngay đó..."

LỢI DỤNG HỘ CHIẾU NGOẠI GIAO BUÔN LẬU

LITTLE SAIGON: Báo Người Việt (US) số ra Chủ Nhật, ngày 15-07 có đưa tin về vụ Tham tán thương mại sứ quán CSVN tại Nga, ông Nguyễn Mạnh Cường, lấy công quỹ mua xe trị giá 80,000 mỹ kim, rồi sau đó để mất một cách "khó hiểu". Một độc giả ở Nga đã gọi điện thoại cho toà soạn để bổ túc nhiều chi tiết rất hấp dẫn như sau. Nguyên do sợ bị tố cáo về những hành vi lừa bịp, nhũng lạm, ông Cường cần một số tiền lớn để bịt miệng kẻ biết nhiều chuyện, muốn "bán" chiếc xe Mercedes kể trên, nên lợi dụng việc đưa đón khách sứ quán để giả như mất. Tháng 9-1997, ca sĩ Ngọc Tân, bạn học cũ của Nguyễn Mạnh Cường, sang thăm Nga. Chiều hôm đó trời mưa sụt sùi, Cường đưa Ngọc Tân xuống trung tâm thương mại Tôgi để ca hát ăn nhậu. Ca sĩ ngọc Tân ngỏ ý muốn được tham quan Mạc Tư Khoa. Cường bảo Thăng chở Ngọc Tân đi, còn mình thì ở lại.

Xẩm tối, Thăng mò về Tôgi, trước mặt đông người, mếu máo nói với Cường rằng: xe đã bị cướp. Theo lời kể của Thăng, tóm tắt như sau: Thăng đưa ca sĩ Ngọc Tân đến quảng trường Chiến Thắng (nơi tổng thống Yeltsin và Clinton ngày 9 tháng 5-1995 đã từng duyệt binh). Đây là công viên có nhiều tổ hợp tượng đài đẹp nhất nhì Mạc Tư Khoa, cạnh đại lộ Cutuzốp nườm nượp xe chạy suốt ngày đêm với mật độ cao nhất Mạc Tư Khoa. Cảnh sát và tuần cảnh thường xuyên túc trực 24/24 chưa kể mật vụ chìm nổi.

"Tôi ra ngoài đi tiểu và quay về, vừa ngồi vào ghế thì có hai người tiến lại chĩa súng ép tôi đưa chìa khoá và ra khỏi xe, rồi họ ngồi vào phóng xe đi mất". Vị độc giả ở Moscow cho biết là cũng có một chiếc xe cà tàng nên có đôi chút hiểu biết về các vụ mất xe.

"Theo luật bất thành văn, bọn ăn cắp xe rất ngại ăn cắp xe mang biển miễn trừ ngoại giao vì cảnh sát sẽ truy lùng gắt gao sớm muộn cũng tìm ra. Nhất là chiếc xe S320 không phải có nhiều ở Mạc Tư Khoa. Giả sử lấy được xe của Cường, thì không cảnh sát Nga nào dám bạo gan đục lại số và làm giấy tờ mới, khi có công hàm ngoại giao yêu cầu truy tìm. Chưa kể rằng chỉ cần 5 phút sau khi được báo, tất cả cảnh sát tuần tra các ngả đường sẽ được biết và xe Mercedes S320 mang biển ngoại giao màu đỏ lại càng dễ bị phát hiện. Tóm lại là chỉ có bọn điên mới làm được những việc như Thăng kể ở trên.

"Người ta rất khó hiểu là tại sao ngay sau khi mất xe Thăng không báo cảnh sát tuần cảnh (cứ 2 phút có một xe chạy qua) mà lại "im lặng" khá lâu mấy tiếng đồng hồ rằng quay về báo cho Cường" Chẳng có gì khó hiểu cả đâu. Chiếc xe đã được bí mật giao bán, "người mua" nó cũng là giới giang hồ buôn xe ăn cắp, đã chuẩn bị sẵn bộ hồ sơ của chiếc xe từ trước khi nó "bị cướp". Việc Thăng im lặng là để cho bọn chúng có thời gian đưa xe vào gara ở thành phố Podolsk (20 km cách Mạc Tư Khoa) để "sửa " lại số và thay biển.

"Công hàm của sứ quán từ phía "người mất xe" vẫn được gửi đi, tuy muộn màng, nhưng không thiết tha thúc giục. Chỉ sau vài tháng là Cường hết hạn về nước. "Người mua xe" cũng thừa biết rằng "công hàm" của Cường chỉ là hình thức phải có. Cảnh sát thông minh được "đấm bóp" cũng hiểu như vậy. Vị độc giả cũng đính chính tin trên Người Việt rằng "Chiếc xe thứ hai là do Biên, người kế nhiệm Nguyễn Mạnh Cường, đặt mua, chứ không phải Cường như tin 15-07".

Vị độc giả còn biết rất rõ về thân thế, sự nghiệp của viên cán bộ tại toà đại sứ CSVN ở Nga kể trên. Theo bà, Hiện tại Cường đang học "trường đảng cao cấp" Nguyễn ái Quốc để chuẩn bị ra làm quan cộng sản. Tiểu sử Cường được bà tóm lược như sau:

Nguyễn Mạnh Cường là sinh viên học ở Nga. Sau khi tốt nghiệp quay về nước làm việc ở Bộ ngoại thương. Đầu những năm 1980 Nguyễn Mạnh Cường được cử làm nhân viên tại cơ quan đại diện thương mại Việt Nam tại Liên Xô.

Đó là những năm hoàng kim của Nguyễn Mạnh Cường: dùng hộ chiếu ngoại giao (gọi nôm na là "thẻ đỏ") và cả thuê mướn các "xếp" có thẻ đỏ để buôn lậu quần bò (kèm thêm mặt hàng đồng hồ đeo tay điện tử) từ Ba-lan vào Liên Xô. Sau nhiệm kỳ 3 năm. Cường được coi là người Việt Nam giàu nhất Mạc Tư Khoa với vốn liếng ngót 1 triệu mỹ kim. Năm 1994 Nguyễn Mạnh Cường được cử sang giữ chức Tham tán phụ trách Cơ quan thương mại Việt Nam tại Nga- gọi tắt là Thương Vụ. Cường đã tận dụng cơ hội để kiếm tiền.

Bấy giờ, nhiều đại diện công ty Việt Nam muốn có một chỗ ngồi trong Thương vụ, thứ nhất là để an toàn về mặt tiềng nong, sau đến là được lây hơi "uy tín". Để được xếp chỗ ngồi, ngoài tiền thuê nhà hàng tháng, người thuê còn phải lót tay cho Cường. Một chỗ nhỏ ở tầng hầm, chừng 6 mét vuông phải lót từ 4000- 7000 mỹ kim. Để tránh cướp và khám xét của cảnh sát, nhiều người có nguyện vọng được thuê nhà tại khu chung cư ngoại giao. Số căn hộ (apartment) có hạn, mà nhu cầu lại nhiều, muốn được thuê chỗ ở phải "lót tay". Một căn hộ 60 mét vuông, lúc cao điểm phải đưa cho Cường 12,000 mỹ kim để được phép "vào cửa".

Thời kỳ 1995-1998 là những năm đăng ký hộ khẩu cá nhân ở Mạc Tư Khoa rất khó khăn. Nhưng nếu bạn có chứng chỉ là đại diện của một công ty, thì có rất nhiều quyền lợi: mua xe ô tô ngoại nhập vào Nga miễn thuế, được đeo biển số ngoại giao (biển đỏ), được đăng ký hộ khẩu cho gia đình.... Năm 1995, vợ chồng ông Đức-bà Tiến, chân rết của Nguyễn Mạnh Cường, có cả tập giấy phép như thế, đã có lần mời cô em họ tôi ở Mạc Tư Khoa "đăng ký hộ khẩu thương vụ 3 năm" chỉ hết... 6,000 mỹ kim.

Để xin được giấy phép thành lập công ty, có đăng ký ở Thương vụ, người ta sẵn sàng trả cho Cường "trọn gói" 7,000 mỹ kim, từ đó Cường bỏ túi 5,000 mỹ kim. Là người đứng đầu cơ quan thương mại Việt Nam tại Nga, Cường nắm được thông tin kinh tế và "đem bán". Thí dụ hàng năm Việt Nam phải trả một khoản nợ cho Nga bằng hàng hóa: gạo, cao su, quần áo... theo đúng trách nhiệm thì Nguyễn Mạnh Cường phải tổ chức việc tiếp nhận và thanh toán. Nhưng chỉ có ngu mới ôm công việc này, vừa mệt người lại không có "màu".

Nguyễn Mạnh Cường bắn tin cho công ty Sovico (do Thảo-Hùng cầm đầu) lo chuyện này. Là người đi đàm phán, Cường biết giá cả thật sự, Cường báo công ty Sovico kích giá lên kiếm lợi và "lì xì" cho Cường. Thế là Cường vừa "hoàn thành trách nhiệm" lại có tiền bỏ túi đều đều.

Chỉ chết cái ngân sách còm cõi của Việt Nam phải nuôi báo cô đám người như Cường, ăn hại đái nát và đục khoét ngân quỹ. Ngoài ra thỉnh thoảng có ai xin xỏ giấy tờ hoặc "chữa cháy" cho một vụ bị nhà chức tránh tạm giữ tiền, hoặc giả bị thuế vụ đến kiểm tra, thì Cường đều vui vẻ "giúp đỡ", lẽ đương nhiên không thể cảm ơn bằng nước bọt được. Chính thế mà người ta gọi Cường bằng một cái tên thân mật, pha khinh bỉ: "Cường mâm".

Trong số đầu mối buôn bán "quần bò" (quần jean) đầu những năm 80 của Cường, có Công Văn Tụ, sinh 1947, tiến sĩ Toán, từng là một phó chủ nhiệm khoa toán của trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Bỏ nghề dạy học, sang Mạc Tư Khoa làm ăn từ những năm 1991, Công Văn Tụ là một đầu mối tiêu thụ quần bò. Thấy Nguyễn Mạnh Cường sang Mạc Tư Khoa nhận chức vụ cao, Tụ quay đến cậy nhờ. Cường bố trí cho Tụ một phòng nhỏ ở Thương vụ để Tụ có cơ hội đi vay tiền những người ngờ nghệch. Nhằm tăng uy tín cho Tụ, thỉnh thoảng Cường dắt Tụ đi cùng đến chỗ công chúng để mọi người hiểu rằng "Tụ là người có thế lực". Song lòng tốt của Cường đã hại lại chính Cường và tạo thành vụ mất xe kể trên.

Số là, Công Văn Tụ là một trí thức lưu manh chỉ giỏi võ mồm nhưng thiếu kinh nghiệm kinh doanh. Số tiền vay mượn người quen đã lần lượt rũ áo ra đi sau những hoá đơn tiền nhà, tiền trả tiền nhân công, tiền 2 lái xe người Nga... nhất là sau cú mua sai chủng loại hàng giày dép của Thổ Nhĩ Kỳ khiến cho Kiên, cộng sự của Tụ bị nhân viên công ty Thổ doạ giết, do không trả tiền đúng hạn. Bí bách, Tụ phải lừa người quen để có tiền chi trả. Trong số này có một người tên Thăng, là tài xế riêng của Cường, lái chiếc Mercedes S320, đã cho Tụ vay nhiều đợt với tổng số tiền 70 ngàn mỹ kim. Trao đổi chuyện với Nguyễn Mạnh Cường, biết Tụ không có khả năng trả lại, thì Thăng mới ngã ngửa người ra vì bị lừa. Thăng doạ sẽ tiết lộ những thông tin bất lợi của Cường.

Nguyễn Mạnh Cường rất đau đầu về vụ này. Cường muốn giữ êm thấm để hy vọng quay về Hà nội kiếm chức thứ trưởng Bộ thương mại, hoặc chí ít là chức vụ trưởng. Gần tới ngày hết hạn về, Cường được gia đình hay tin: khó mà len vào êkip trên Bộ thương mại. Đường công danh bỗng bị chặn lại. Nhưng tìm đâu ra một khoản tiền bịt mõm cho Thăng, mà không phải bỏ tiền túi ra" Thế là chiếc xe Mercedes S320 được chọn làm dê tế thần. “Không Sợ Cộng Sản Mà, Chỉ Sợ Cộng Đồng” - Một So Sánh Sai Lầm, Nguy Hiểm Và Đầy Ác Ý .

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.