Hôm nay,  

Chiến Trường Vn Trước Giờ Hiệp Định Paris Có Hiệu Lực

29/07/200100:00:00(Xem: 4716)
Đại tướng Cao Văn Viên nói về sự kiện đình chiến

* Lược ghi các phần đã trình bày
Ngày 27 tháng 1/1973 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế ở Paris, Hiệp định “Chấm dứt chiến tranh và phục hồi hòa bình tại Việt Nam” (còn được gọi tắt là Hiệp định Ba Lê hay Hiệp định Paris) được chính thức ký kết bởi bốn bên: Việt Nam Cộng Hòa, Hoa Kỳ, Cộng sản Bắc Việt và tổ chức CSVN tại miền Nam. Đại diện cho mỗi bên là các nhân vật giữ chức Ngoại trưởng. Lúc này, ông Kissinger, Cố vấn của Tổng thống Nixon, đã được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng Hoa Kỳ. Đại diện cho Việt Nam Cộng Hòa là Ngoại trưởng Trần Văn Lắm. Đại diện cho Cộng sản Bắc Việt là Nguyễn Duy Trinh, đại diện cho chức CSVN tại miền Nam là Nguyễn Thị Bình.

Theo quy định, Hiệp định đình chiến có hiệu lực kể từ 8 giờ sáng (giờ Sài Gòn) ngày 28 tháng 1/1973. Để đối phó với âm mưu “lấn đấn giành dân” của Cộng quân mà các đơn vị Quân lực VNCH khám phá được qua các tài liệu tịch thu của CQ, và đặc biệt qua bài học Hiệp định Genève, Bộ Tổng tham mưu Quân Lực VNCH đã thảo ra kế hoạch lấy tên Trần Hưng Đạo II. Kế hoạch này đề ra rất nhiều chi tiết để thực hiện nhằm đối phó với các cuộc di chuyển của địch: mọi tiểu khu, mọi đơn vị tác chiến đều được phân phối để tất cả đều nắm vững. Việt Nam Cộng Hòa lúc nào cũng tôn trọng hiệp định và biết chắc âm mưu “giành dân lấn đất” của Cộng quân.

Sau đây là tình hình chiến trường VN trong ngày 27 tháng 1/1973 trước khi Hiệp định Ba Lê có hiệu lực. Phần này được trình bày tổng lược dựa theo các tài liệu sau đây: Hồi ký của Đại tướng Cao Văn Viên do Trung tâm Quân sử Lục quân Hoa Kỳ xuất bản, dịch giả Duy nguyên chuyển dịch sang Việt ngữ và đồng ý cho VN sử dụng; tài liệu của Khối Quân sử/ Phòng 5 bộ Tổng Tham mưu QL.VNCH; bản tin chiến sự do Tổng cục Chiến tranh Chính trị QL.VNCH phổ chiến cho báo chí.

* Tình hình chiến trường VN trước giờ G
Trước khi Hiệp định Ba Lê có hiệu lực, Cộng quân đã “leo thang” với một số trận tấn công và pháo kích vào nhiều vị trí trọng điểm của QL.VNCH tại Miền Trung và Nam phần.

Tại Quân khu 1 (Vùng 1 chiến thuật), Cộng quân đã tấn công chi khu Đức Dục tỉnh Quảng Nam, căn cứ Sa Huỳnh Quảng Ngãi, pháo kích vào Đà Nẵng, áp lực tại khu vực Cửa Việt (Quảng Trị).

Tại Quân khu 2, Cộng quân đã gia tăng hoạt động quấy rối ở phía Tây Bắc quận Đức Lập, và phía Nam quận Kiến Đức tỉnh Quảng Đức.

Tại Quân khu 3 (miền Đông Nam phần), áp lực của Cộng quân vẫn đè nặng quanh căn cứ Tống Lê Chân-căn cứ án ngữ đường tiếp tế giữa Chiến khu C với hai tỉnh Bình Long và Bình Dương.

Tại Quân khu 4 (miền Đông Nam phần), Cộng quân tiến hành một số trận tấn công quấy rối tại Kiến Hòa, Định Tường, Kiến Phong, Chương Thiện... Ghi nhận tổng quát, áp lực Cộng quân đã gia tăng mạnh tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi. Sau đây là lược trình một số trận giao tranh lớn tại Quân khu 1 trong ngày 27 tháng 1/1973.

* Trận chiến tại Sa Huỳnh, Quảng Ngãi
Theo tài liệu của Đại tướng Cao Văn Viên, ngay từ chiều ngày 26 tháng 1/1973, nhiều đơn vị thuộc Sư đoàn 2 CSBV đã bắt đầu bao vây Sa Huỳnh và gây áp lực nặng lên căn cứ hỏa lực chính tại đây. Ngày 27 tháng 1/1973, Cộng quân khởi sự cuộc tấn công và pháo kích mạnh vào căn cứ này. Sa Huỳnh có hải cảng trọng yếu và từng là căn cứ của Việt Minh (Cộng sản Việt Nam) trong thời kỳ chiến tranh Đông Dương. Với dân số khoảng 3 ngàn người, Sa Huỳnh là nơi quan trọng để nhận tiếp tế từ biển Đông Hải vào và từ đó có đường chạy lên vùng cao nguyên. Hành lang này cũng là lằn ranh ngăn đôi Quân khu 1 và Quân khu 2.

Đúng 8 giờ tối ngày 27 tháng 1/1973, tức là trước 12 tiếng của giờ Hiệp định ngưng bắn có hiệu lực (8 giờ sáng ngày 28/1/1973), các đơn vị Sư đoàn 2 CSBV đồng loạt tấn công các vị trí phòng ngự của QL.VNCH từ Đức Phổ đến Sa Huỳnh và đèo Bình Đê trên một đoạn dài 30 km của Quốc lộ 1 đi ngang địa phận tỉnh Quảng Ngãi. Đến nửa đêm thì liên lạc vô tuyến giữa quân trú phòng và Bộ Chỉ huy Tiểu khu Quảng Ngãi bị gián đoạn. Ngay sau khi nhận được báo cáo khẩn, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 2 Bộ binh tiến hành kế hoạch phản công vào ngày 28 tháng 1/1973. Sau hơn hai tuần kịch chiến với CQ, Sư đoàn 2 Bộ binh và lực lượng tăng phái là Liên đoàn 1 Biệt động quân đã đánh bật CQ ra khỏi Sa Huỳnh.

* TQLC phản công đánh bật Cộng quân ra khỏi Cửa Việt
Tại vòng đai căn cứ Hải quân Cửa Việt, thuộc khu vực duyên hải tỉnh Quảng Trị, Cộng quân đã gia tăng áp lực để khống chế vị trí trọng điểm này. Căn cứ Cửa Việt là một vị trí chiến lược, quan sát được các hoạt động chuyển quân của Cộng quân từ biển tiến vào Đông Hà theo đường sông Hiếu Giang, đồng thời cũng là vị trí án ngữ bảo vệ trục thủy lộ đến thị xã Quảng Trị. Để chận đứng việc Cộng quân chiếm giữ căn cứ này, Thủy quân Lục chiến VNCH đã tung ra một cuộc hành quân với nỗ lực đánh bật Cộng quân ra khỏi khu vực này. Đến tối ngày 27/1/1973, được sự yểm trợ tối đa của Không quân và Hải quân, Thủy quân Lục chiến tung cuộc tấn công chớp nhoáng trong nỗ lực giải tỏa áp lực của CQ tại khu vực này.

* Sư đoàn 1 Bộ binh chận địch ở phía Tây Quốc lộ 1
Tại phía Tây Nam Thừa Thiên, chiều ngày 27 tháng 1/1973, tin tức tình báo ghi nhận Cộng quân đã điều động hai tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 812 CSBV đã xâm nhập vào khu vực phía Tây cầu Truồi nằm trong địa phận quận Phú Lộc. Phân tích của Phòng 2 Sư đoàn 1 BB cho biết là Cộng quân cố đánh chiếm một số ấp dọc theo Quốc lộ 1 dài hơn 10 km, đoạn từ phía Nam La Sơn đến gần Đá Bạc trên trục lộ Huế-Đà Nẵng. Trước diễn biến của tình hình chiến sự, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 1 BB đã ra lệnh cho Trung đoàn 54 Bộ binh đang phòng thủ vùng cận sơn quận Phú Lộc tái phối trí lực lượng, sử dụng tiểu đoàn ứng chiến tại căn cứ La Sơn (bản doanh của Bộ chỉ huy hành quân Trung đoàn 54 BB), phối hợp với 1 tiểu đoàn của Trung đoàn 1 Bộ binh tăng cường khai triển lực lượng ngăn chận địch mưu toan đánh chiếm khu vực nói trên.

* Mặt trận Quảng Nam-Quảng Tín: Cộng quân tấn công Đức Dục, pháo kích Đà Nẵng:
Tại phía Tây Quảng Nam, 1 giờ sáng ngày 27 tháng 1/1973, Cộng quân đã huy động 2 tiểu đoàn đặc công 91 và 409 tấn công cường tập vào chi khu Đức Dục. Với sự yểm trợ kịp thời của Không quân thả hỏa châu soi sáng và xạ kích, lực lượng trú phòng đã đẩy lùi được cuộc tấn công đối phương. Đến sáng, quân trú phòng bung rộng lục soát đếm được 73 xác Cộng quân bị bỏ lại trận địa cùng với 48 vũ khí các loại.

Tại Đà Nẵng, trong nửa đêm ngày 26 và sáng ngày 27/1/1973, Cộng quân đã ba lần pháo kích bằng hỏa tiễn 122 ly tổng cộng hơn 50 trái vào phi trường Đà Nẵng. Tại mặt trận Hiệp Đức, sau khi Bộ Tư lệnh Sư đoàn 3 BB tái phối trí lực lượng để bảo vệ khu vực phía Tây Thăng Bình, Tiểu đoàn 3/2 BB tiếp tục làm nỗ lực chính tấn công núi Liệt Kiểm. Trận chiến diễn ra quyết liệt cho đến cuối ngày 27/1/1973.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.