Hôm nay,  

Vài Suy Nghĩ Sau Lễ Kỷ Niệm 25 Năm Người Việt Định Cư Tại Uùc

18/11/200000:00:00(Xem: 4573)
Thứ Sáu, 3 tháng 11 vừa qua, tại Casula Powerhouse Arts Centre, Ban Chấp Hành Cộng Đồng Người Việt Tự Do Úc Châu NSW đã chính thức khai mạc Lễ Kỷ Niệm 25 Năm Người Việt Định Cư Tại Úc. Bên cạnh nghi lễ khai mạc, trong suốt thời gian từ ngày 3 tháng 11 cho đến ngày 26 tháng 11, nhiều cuộc triển lãm, văn nghệ cùng nhiều hình thức kỷ niệm khác cũng đã được tổ chức. Đặc biệt, nhiều cuộc hội thảo về truyền thông, cộng đồng, mỹ thuật, kịch nghệ, xã hội, văn học, âm nhạc... cũng đã được tổ chức với sự đóng góp của nhiều diễn giả trong cộng đồng Úc Việt. Toàn bộ chương trình lễ kỷ niệm được đặt dưới sự điều hành trực tiếp của ông Phan Đông Bích, trưởng ban tổ chức, và Ban Chấp Hành CĐNVTDUC (NSW).

Nhìn vào những hoạt động cùng ý nghĩa của chương trình lễ kỷ niệm 25 năm, ta phải thừa nhận, đây là lần đầu tiên, một buổi lễ có tầm vóc và có nội dung sâu sắc, đa dạng được tổ chức. Nhất là thời điểm kỷ niệm 25 năm đối với một cộng đồng tỵ nạn, trong đó phần đông những người đặt nền móng, đều ở tuổi trên 40, lại càng có một ý nghĩa quan trọng đặc biệt vì tương lai, khi lễ kỷ niệm 50 năm được tổ chức, nhiều người trong số đó sẽ không còn có cơ hội tham dự.

Chính vì tầm quan trọng và ý nghĩa đặc biệt như vậy, nên đông đảo bà con trong cộng đồng, trong đó có bản thân tôi, đã đặt sự kỳ vọng rất lớn vào ban tổ chức. Rất tiếc, bên cạnh những thành công xuất sắc trong lĩnh vực triển lãm tranh ảnh, nghệ thuật, tôi nhận thấy buổi lễ khai mạc có phần không xứng đáng với tầm vóc, ý nghĩa của buổi lễ cùng sự kỳ vọng của nhiều người. Sau nhiều ngày băn khoăn, sau nhiều lần điện thoại hỏi ý kiến một số vị trong cộng đồng, trong đó có cả ông Phan Đông Bích, trưởng ban tổ chức, cuối cùng, tôi viết bài này, trình bầy một cách chân thành những suy nghĩ của mình. Và trong số báo tới, tôi sẽ trình bầy những nhận xét chân tình của ông Phan Đông Bích, trưởng ban tổ chức buổi lễ.

Tôi cũng biết, đọc bài viết của tôi sẽ có nhiều vị không đồng ý ở điểm này hoặc điểm khác. Vì vậy, tôi rất mong sự đóng góp của qúy vị. Tôi cũng tha thiết mong qúy vị hãy hiểu, tôi viết bài này với tất cả thiện tâm thiện ý. Vì vậy, rất mong qúy vị hãy đón nhận bài viết của tôi trong tinh thần đó.

1. Sự vắng mặt của nhiều hội đoàn đoàn thể

Buổi lễ kỷ niệm 25 năm người Việt định cư tại Úc khai mạc vào Thứ Sáu, 3 tháng 11. Qua lời tường thuật của anh Lê Thảo Minh, đại diện cho báo Sàigòn Times đến tham dự lễ khai mạc, thì buổi lễ đã diễn ra không đông đúc, nhộn nhịp. Số người tham dự kể cả quan khách chỉ khoảng 200 người. Ngày Thứ Bảy, số người tham dự còn ít hơn, khoảng 150 người. Điểm lạ lùng là nhiều hội đoàn, đoàn thể trong cộng đồng đã vắng mặt. Tại sao một buổi lễ kỷ niệm 25 năm người Việt định cư tại Úc sao lại có thể vắng mặt nhiều hội đoàn, đoàn thể như thế" Nhất là theo tôi biết, cộng đồng NVTD tại NSW có tới trên 70 hội đoàn đăng ký, trong đó có nhiều hội đoàn, đoàn thể, nhiều cá nhân, suốt thời gian hơn 20 năm qua, luôn luôn tích cực tham gia mọi sinh hoạt của cộng đồng, nhưng hôm đó cũng vắng mặt.

Tôi cảm thấy sự vắng mặt của các hội đoàn, đoàn thể không thể xuất phát từ những lý do cỏn con hay những dị biệt nho nhỏ. Vì dù có lý do nào, hay dị biệt gì chăng nữa, thì ý nghĩa to lớn của buổi lễ kỷ niệm 25 năm cũng sẽ giúp mọi người xóa bỏ mọi tỵ hiềm, cùng chung tay chung sức, ngồi lại với nhau. Một đời người đâu có mấy lần được tham dự buổi lễ kỷ niệm 25 năm"

Vả lại, nội bộ cộng đồng mình đã vậy, còn quan khách của Úc nhìn vào thì sao" Tôi là một người Việt đến dự lễ còn cảm thấy bơ vơ, lạ lùng, bỡ ngỡ như thế, thử hỏi quan khách Úc họ sẽ nghĩ gì về cộng đồng của chúng ta" Nhất là trong số những quan khách Úc hiện diện, có cả những người đại diện cho cơ quan, tổ chức của chính phủ tiểu bang, liên bang, khi nghe cộng đồng tổ chức lễ kỷ niệm 25 năm, đã giúp đỡ cả chục ngàn Úc kim. Dĩ nhiên, những quan khách đó khi bỏ tiền giúp đỡ cộng đồng, họ cũng kỳ vọng, một khi đến dự lễ khai mạc, sẽ chứng kiến đông đảo người Việt tham dự. Sự trống vắng của buổi lễ, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến uy tín của cộng đồng trong chính giới Úc, đồng thời cũng ảnh hưởng đến mức độ hậu thuẫn tài chánh của chính giới Úc đối với cộng đồng chúng ta trong tương lai.

Sự vắng mặt của nhiều hội đoàn, đoàn thể, khiến tôi có cảm tưởng, ban tổ chức buổi lễ đã không có được sự hậu thuẫn nhiệt tình đúng mức của đông đảo các hội đoàn, đoàn thể trong cộng đồng. Tha thứ cho tôi, nếu tôi nghĩ không đúng. Nhưng nếu tôi nghĩ không đúng, thì lý do nào có thể giải thích được một cách thỏa đáng sự vắng mặt của nhiều hội đoàn, đoàn thể" Nhưng nếu ý nghĩ của tôi có phần đúng, thì nguyên nhân nào khiến ban tổ chức không có được sự hậu thuẫn của các hội đoàn, đoàn thể" Tại các hội đoàn, đoàn thể có khuynh hướng bè phái, hay tại phương thức làm việc của ban tổ chức thiếu thân thiện, chân thành" Đâu là bài học cần thiết, ban tổ chức cần phải rút tỉa để tương lai có thể tránh khỏi những lầm lẫn tương tự"

2. Sự vắng mặt của đông đảo bà con trong cộng đồng

Bên cạnh sự vắng mặt của nhiều hội đoàn, đoàn thể, tôi còn thấy sự vắng mặt của đông đảo bà con trong cộng đồng. Tại sao vậy" Có phải vì bà con không biết, hay vì nơi tổ chức quá xa xôi" Hay vì bà con bỗng nhiên quay ra thờ ơ với lễ kỷ niệm 25 năm" Hay ban tổ chức cho rằng, sự hiện diện của những người không bằng cấp, khoa bảng là không quan trọng nên không có những biện pháp cụ thể để giúp những người đó tham dự"

Theo tôi, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự vắng mặt của bà con. Thứ nhất, vì địa điểm quá xa, quá lạ. Thứ hai, việc phổ biến, loan truyền tin tức trên báo chí, truyền thanh, truyền hình có phần hạn chế. Thứ ba, ga Casula là ga nhỏ, xe lửa ít khi dừng tại đây. Thứ tư, ban tổ chức thiếu chu đáo trong việc cung cấp phương tiện chuyên chở công cộng từ Cabramatta đến Casula cho những người có thiện chí tham dự mà không có phương tiện di chuyển.

3. Tại sao không phổ biến thời biểu xe lửa

Trong thông báo gửi cho báo chí, ban tổ chức buổi lễ cho biết, "thời biểu xe lửa tại trạm xe lửa Casula sẽ được phổ biến sau". Nhưng thực tế cho thấy đến tận ngày khai mạc, ban tổ chức không hề gửi "thời biểu xe lửa" cho các báo như đã loan tin. Tại sao lại như vậy" Đây là sự sơ sót của ban tổ chức, hay của một, hai cá nhân được ban tổ chức trao trách nhiệm"

Ở đây, tôi cũng xin được nói thêm, có một độc giả gọi điện thoại và cho rằng, vì buổi lễ được tổ chức ở địa điểm cách xa shop, xa tiệm, xa phương tiện giao thông, khiến ban tổ chức phải bao luôn ăn trưa cho quan khách lẫn người tham dự. Vì vậy nếu người tham dự quá đông, mức tốn kém sẽ vượt quá khả năng của ban tổ chức, nên ban tổ chức không muốn phổ biến rộng rãi. Điều này không biết đúng sai như thế nào, nhưng tôi cứ mạnh dạn nêu lên ở đây và chờ đợi sự lên tiếng của ban tổ chức.

4. Tại sao quảng cáo dạ tiệc mà không quảng cáo ngày khai mạc"

Xét về ý nghĩa của buổi lễ kỷ niệm 25 năm, dĩ nhiên, dạ tiệc cũng quan trọng, vì đó là dịp khoản đãi quan khách, thể hiện lòng hiếu khách và đáp lễ đối với quan khách Úc. Ngoài ra, dạ tiệc cũng là dịp để các thành viên trong cộng đồng có dịp gặp gỡ trao đổi, và đóng góp chút đỉnh tài chánh với ban tổ chức qua việc mua vé dự tiệc.

Nhưng trên phương diện ý nghĩa và tầm quan trọng của nghi lễ, tôi nhận thấy, buổi lễ khai mạc vào ngày Thứ Sáu tại Casula Powerhouse Arts Centre quan trọng và ý nghĩa gấp bội so với dạ tiệc. Tôi không hiểu quan khách Úc sẽ nghĩ gì khi họ tham dự buổi dạ tiệc với 5, 6 trăm người Việt tham dự, trong khi hai buổi lễ khai mạc vào ngày Thứ Sáu và chiều Thứ Bảy, số người Việt hiện diện không tới bằng một phần ba, phần tư số người Việt dự dạ tiệc"

Tôi cũng rất ngạc nhiên, tại sao số quan khách Úc đến dự dạ tiệc lại đông đúc, trong khi số người đến dự lễ khai mạc trong cả hai buổi lễ khai mạc lại ít ỏi như thế" Tôi cũng không nghĩ, quan khách Úc là những người thích thưởng thức món ăn Việt hơn là đến dự lễ kỷ niệm của người Việt.

Trở lại ý nghĩa của dạ tiệc so với lễ khai mạc, nếu qúy độc giả và qúy vị trong ban tổ chức đồng ý với tôi, chắc chắn sẽ ngạc nhiên, khi thấy quảng cáo Dạ Tiệc chiếm nguyên trang trên các báo Việt ngữ, trong khi quảng cáo cho lễ khai mạc thì không hề xuất hiện dưới bất cứ hình thức quảng cáo nào dù là nhỏ. Tại sao lại như vậy" Có phải vì ban tổ chức thiếu hụt ngân sách không đủ tiền chi cho quảng cáo" Sự thực không phải thế. Các báo khác tôi không biết, riêng Sàigòn Times đã đồng ý với đề nghị của ban tổ chức, tất cả những quảng cáo về lễ kỷ niệm 25 năm của cộng đồng NVTD, đều ủng hộ 100%. Vậy thì nguyên nhân nào khiến ban tổ chức không quảng cáo lễ khai mạc mà lại chỉ quảng cáo cho dạ tiệc" Có phải vì người dự dạ tiệc phải trả $35 một vé, còn người đến dự lễ khai mạc thì ban tổ chức phải bao ăn trưa"

Thú thực, khi hỏi chuyện ông Phan Đông Bích về vấn đề này, tôi đã nói thẳng, cách thức làm việc như vậy của ban tổ chức đã khiến một số người, trong đó có bản thân tôi, có cảm nghĩ, ban tổ chức đã thương mại hóa lễ kỷ niệm 25 năm. Tôi đồng ý, cộng đồng của chúng ta còn rất nghèo. Sự đóng góp của mọi người luôn luôn là cần thiết. Tuy nhiên, điều đó không thể biện minh thỏa đáng cho việc ban tổ chức đăng quảng cáo nguyên trang cho buổi dạ tiệc, trong khi nhiều người trong cộng đồng, không biết buổi lễ kỷ niệm tổ chức ở đâu, đến đó bằng cách nào"

Theo tôi, một trang quảng cáo cho buổi lễ, kèm theo đó là bản đồ chỉ rõ địa điểm, ngày giờ, cùng thời gian các chuyến xe bus chở các vị cao niên, phụ nữ, trẻ em, từ ga xe lửa Cabramatta đến tận nơi tổ chức buổi lễ, thiết tưởng cần thiết hơn trang quảng cáo cho dạ tiệc.

5. Tại sao lại tổ chức ở Casula Powerhouse Arts Centre"

Một trong những nguyên nhân khiến số người tham dự buổi lễ khai mạc quá ít ỏi là địa điểm tổ chức buổi lễ. Ai đến dự lễ kỷ niệm 25 năm cũng phải ngạc nhiên khi thấy quang cảnh tiêu điều, đường đi quanh co, khó kiếm của Casula Powerhouse Arts Centre (CPAC). Tôi đã hỏi nhiều vị, tại sao chúng ta lại chọn nơi đó để tổ chức một buổi lễ có ý nghĩa và tầm quan trọng nhất trong lịch sử người tỵ nạn tại Úc từ xưa đến nay" Nhìn chung, các vị đều trả lời, tổ chức tại CPAC không những không tốn tiền mà còn được họ cho tiền. Điều này tôi không biết thực hư như thế nào, và ai là người đã quyết định tổ chức tại đó. Nhưng nếu đây là chuyện có thực thì quả là một quyết định không hợp lý.

Một cộng đồng có mặt tại Úc 25 năm, có tiếng là một cộng đồng thành công, và thực tế cộng đồng đó đã biến vùng Cabramatta trở thành vùng sầm uất, đô hội vào bậc nhất Úc châu, không lý gì, cộng đồng ấy không đủ tài chánh đến độ phải tiết kiệm vài ngàn bạc để tổ chức một buổi lễ kỷ niệm 25 năm trong một khu nhà giống nhà kho hơn là nhà khánh tiết. Với uy tín của cộng đồng, với sức mạnh tài chánh và chính trị, tôi tin có nhiều vị mạnh thường quân, nhiều cơ quan công quyền của Úc, sẵn sàng giúp đỡ cộng đồng trong việc tổ chức buổi lễ. Tại sao, nhiều hội đoàn, đoàn thể, chỉ là một bộ phận nhỏ của cộng đồng, có thể tổ chức được những buổi lễ đàng hoàng, tại những nơi khang trang, lộng lẫy, trong khi cả cộng đồng tổ chức lễ kỷ niệm 25 năm thì lại chọn nơi cô quạnh vắng vẻ như CPAC"

6. Kết luận

Cộng đồng là một tập hợp của các thành viên và các hội đoàn, đoàn thể, tổ chức, trong đó phúc lợi chính đáng của mỗi cá nhân là điều vô cùng quan trọng. Chính vì nhu cầu phúc lợi chính đáng của mỗi người Việt trên đường hội nhập và bảo tồn truyền thống, nên các hội đoàn, đoàn thể được thành lập để rồi qua các hội đoàn, đoàn thể, cộng đồng được thành hình. Vì vậy, sự hiện diện của các hội đoàn, đoàn thể, các tổ chức trong buổi lễ là điều vô cùng quan trọng. Sự hiện diện đó là những bằng chứng cụ thể chứng minh sự thành công của cộng đồng trên con đường hội nhập. Không có cơ cấu cộng đồng, hội đoàn, đoàn thể vẫn có thể tồn tại và làm tốt mục tiêu phục vụ các thành viên trong cộng đồng. Tuy nhiên, nếu thiếu vắng các hội đoàn, đoàn thể, cộng đồng khó có thể tồn tại.

Bên cạnh tầm quan trọng của sự hiện diện của các hội đoàn, đoàn thể, nếu ban tổ chức buổi lễ không giúp cho những ông già, bà lão, những anh công nhân, những chị thợ may... trong cộng đồng chúng ta được tham dự, được tự hào, được thấy ý nghĩa và hiểu được sự thành công của 25 năm định cư tại Úc thì đó cũng là điều đáng buồn.

Một người Việt đến Úc trở thành một bác sĩ, một luật sự, một tiến sĩ, một ông kỹ sư, một nhà họa sĩ, một anh ký giả, hay một ông chủ báo trên đất Úc... đều là những người có đủ vốn liếng, tài sản, kiến thức, cảm hứng nghệ thuật và sự thành công để sống hạnh phúc, sung sướng và tự hào. Nay đánh thức niềm sung sướng và lòng tự hào đó, tung hô sự thành công đó, rao truyền những cảm hứng cao thượng đó, phổ biến những bài học những kinh nghiệm qúy báu của những người đó, dĩ nhiên là điều rất cần phải làm. Nhưng quan trọng và cần phải làm không kém là làm sao, bên cạnh việc rao truyền những thành công của những người đó, ban tổ chức cũng nên biết cách giúp cho những người Việt bình thường trên đất Úc, những người Việt hàng ngày lam lũ, đầu tắt mặt tối, thất bại nhiều hơn thành công, buồn nhiều hơn vui, cô đơn nhiều hơn hạnh phúc, chán nản, tuyệt vọng nhiều hơn hy vọng... biết tự hào với những thành công âm thầm, biết nhận thức được những giá trị khiêm tốn mà họ đã đạt được, và thậm chí, biết trân trọng ngay cả với những thất bại họ gặp phải trên đường hội nhập...

Hữu Nguyên

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.