Hôm nay,  

Ly Dị Vì “tô Canh Chua 30-4”?

29/10/199900:00:00(Xem: 6380)
Tại sao vợ chồng phải ly dị" Đó là câu hỏi tưởng dễ trả lời nhưng thật khó khăn vô cùng. Nhiều cặp vợ chồng, bề ngoài nhìn vô thấy thật hạnh phúc. Họ có đủ tất cả những gì người khác ước mơ: nhan sắc, tiền bạc, địa vị, danh vọng, sức khỏe... Vậy mà rồi một ngày nào đó, bỗng nhiên họ chia tay, mỗi người mỗi ngả, và căm hận nhau còn hơn cả kẻ thù truyền kiếp. Tìm hiểu về nguyên nhân khiến vợ chồng ly dị, nhiều người thường nói đến những cuộc ngoại tình lú ruột lú gan, những xung đột dữ dội, những mâu thuẫn vô phương hàn gắn. Thực ra, ít ai có thể ngờ được, có những chuyện rất cỏn con, tầm thường trong cuộc sống cũng làm tan vỡ hạnh phúc gia đình. Để có thể phần nào giúp các ông chồng bà vợ cũng như các bạn sắp bước vào ngưỡng cửa hôn nhân tránh được những chuyện cỏn con đáng tiếc trong đời sống vợ chồng, Bội Dziệp sẽ giới thiệu mỗi tuần một chuyện ly dị qua lời tâm sự của chính người chồng hoặc vợ. Vì tôn trọng cuộc sống riêng tư của mỗi người, nên tuy chuyện là chuyện thật nhưng tên tuổi, địa danh đều được thay đổi. Bội Dziệp cũng mong bạn đọc đóng góp ý kiến về những cuộc ly dị được mô tả là “vô lý” bằng cách gửi thư, gọi điện thoại, hoặc Email về địa chỉ tòa soạn. Tuần này, trong số tái ngộ bạn đọc, Bội Dziệp xin giới thiệu chuyện ly dị chỉ vì tô canh chua 30-4 của chị Loan.

Chị Loan là một thiếu phụ tuổi gần 40, nhan sắc tuy không lộng lẫy nhưng mặn mà, có duyên. Mái tóc dài, đen mượt tăng thêm vẻ duyên dáng của cô. Đặc biệt, nụ cười tươi, để lộ chiếc răng khểnh, trông rất nhí nhảnh, khiến người đối diện đôi lúc có cảm tưởng cô chỉ trên dưới 30 là cùng. Chị Loan và anh Thành yêu nhau tha thiết, nhưng xa cách cả một đại dương suốt 10 năm trời. Sau khi được anh Thành bảo lãnh sang Úc, hai người tổ chức đám cưới rất linh đình tại Perth rồi sau đó chuyển về Sydney. Ai cũng nghĩ, một cuộc hôn nhân kết trái sau 10 năm yêu đương chờ đợi, chắc chắn cuộc hôn nhân đó sẽ 100 năm hạnh phúc, hai người sẽ sống với nhau đến đầu bạc răng long. Không ngờ, sau 5 năm chung sống, hai người ly thân rồi một năm sau cả hai đồng thuận ly dị. Điều lạ lùng là tuy ly dị, chị Loan vẫn còn yêu anh Thành và hiện chị vẫn sống một mình với đứa cháu, con của người chị ruột đang sống ở Mỹ. Sau đây là những lời tâm sự của chị Loan…

Bội Dziệp: Nhìn những tấm hình chị chụp trong ngày cưới và nghe chuyện của chị, ai cũng nghĩ anh chị sống rất hạnh phúc. Vậy mà chỉ không đầy 5 năm sau ngày cưới, anh chị đã chia tay. Tại sao một cuộc tình thơ mộng, trải qua gần 10 năm chờ đợi, lại có thể kết thúc bất ngờ và đáng buồn như vậy, chị có thể cho em biết được không"
Cô Loan: Chuyện thì dài dòng lắm. Có kể sáng đêm cũng không hết. Bây giờ tôi chỉ kể sơ sơ nghe thôi. Tôi biết ảnh từ khi tôi còn nhỏ. Gia đình ảnh và gia đình tôi vốn họ hàng với nhau đó cô. Nhưng họ hàng xa lắm. Thỉnh thoảng nhờ hai gia đình đi lại thăm nom nhau, nên tôi biết ảnh. Thời đó, ảnh trông đạo mạo, ngoan đạo và dễ thương lắm. Vì thế tôi yêu thầm trộm nhớ ảnh ngay từ khi tôi mới học đệ tam. Yêu mà sợ hai người có họ có hàng không thể lấy nhau được nên chẳng dám thổ lộ một lời. Về sau, tôi đánh bạo hỏi má, mới biết rõ, hai gia đình chơi với nhau thân thiết vì ba tôi làm chuyện ơn nghĩa gì đó cho ba của ảnh thời chống Pháp chứ không phải vì họ hàng ruột thịt gì…

Bội Dziệp: Vậy đến khi nào thì chị ngỏ lời yêu ảnh"
Cô Loan: Ảnh ấy ngỏ lời trước chứ đâu phải tui. Mà ảnh ngỏ lời tình tứ lắm, dễ thương lắm. Ngỏ lời yêu nhau mà không một lời thổ lộ thế mới lạ. Hôm đó, gia đình tôi chia tay lên xe đò về Tây Ninh. Tôi đang đứng nói chuyện với Hồng, em gái của ảnh, thì ảnh chạy lại dúi vào tay tôi một gói giấy nhỏ, nói là đưa lại cho Sơn. Sơn là anh hai của tôi. Anh đi mất tích hồi 1975, đến nay vẫn chưa nghe tin tức gì. Tôi cầm gói giấy của ảnh đưa, lúc lên xe đò mở ra coi, chỉ thấy có mỗi quả xí muội, còn tờ giấy thì ghi bốn câu thơ lục bát, viết rất nắn nót…

Bội Dziệp: Chắc hẳn chị còn nhớ hai câu thơ đó"
Cô Loan: Nhớ chứ, làm sao mà quên được. Tôi thì sống để dạ, chết mang đi, dù bây giờ mỗi người mỗi ngả, nhưng mấy câu thơ đó tôi vẫn nghĩ nó là đồ gia bảo, vốn liếng của riêng tôi thuở tôi còn thơ ấu. Với người con gái có số phận long đong như tôi thì kỷ niệm mối tình đầu đẹp lắm và đẹp mãi. Mà dù nó có không đẹp đi nữa, mình cũng phải tôn thờ nó, phải thánh hóa nó để mình có thể bấu víu lấy nó mà sống nốt những năm tháng còn lại của cuộc đời…

Bội Dziệp: Chị có thể đọc nghe hai câu thơ đó được không"
Cô Loan (cười lắc đầu): Tôi không đọc đâu. Kỳ lắm. Thơ ảnh làm không hay ho gì, đọc lên độc giả người ta cười chết. Với lại, thơ của ảnh chỉ vỏn vẹn có bốn câu, mà nhắc tới bốn tên người. Cả bốn người đó đều đang sống ở Úc, họ biết cả ảnh, cả tôi, nên tôi chẳng thể đọc được. Đọc lên rồi, người ta biết, người ta trách tôi ngồi lê đôi mách…

Bội Dziệp: Vậy là nhờ bốn câu thơ lục bác và quả xí muội, hai người bắt đầu yêu nhau"
Cô Loan: Yêu qua thư thôi. Vì lúc đó giặc giã triền miên, gia đình tôi phải di tản lên Sàigòn, nên tôi và ảnh chỉ viết thư gửi cho nhau, chẳng bao giờ được gặp mặt nhau. Qua thư của ảnh, tôi mới biết, ảnh cũng để ý tôi từ lâu. Tôi còn nhớ trong một lá thư của ảnh, ảnh so sánh tình yêu của ảnh dành cho tôi giống hệt như những thân cây ở rừng Tây Ninh trải qua trận cháy rừng, cứ mỗi cơn gió thổi tới là cả thân cây sáng hừng hực trong đêm, rồi bụi than hồng bừng lên trong gió cả... Ảnh so sánh tình yêu như vậy thì thiệt kỳ cục, nhưng tôi rất thích kiểu so sánh đó. Chả là nhà tôi ở gần rừng Tây Ninh, cách biên giới Căm Bốt không bao xa, nên tôi đã từng chứng kiến những đám rừng bị cháy, đêm đến cả thân cây sáng hồng lên trong bóng tối, trông vừa hoang dại, man dã, lại vừa nồng nàn, tha thiết…

Bội Dziệp: Yêu nhau qua thư được bao lâu thì anh chị được “cầm tay nhau”"
Cô Loan: Hơn 10 năm sau"

Bội Dziệp: Mười năm sau"
Cô Loan: Đúng 10 năm 2 tháng, 16 ngày. Tính từ ngày tôi nhận quả xí muội lúc sắp lên xe đò về Tây Ninh đến lúc tôi được ảnh bảo lãnh đến Úc sống với ảnh.

Bội Dziệp: Mười năm trời tôn thờ một mối tình “xí muội”! Chị đúng là người tình lý tưởng.
Cô Loan: Nhiều người cũng bảo vậy và chính tôi, tôi cũng nghĩ vậy. Rất lý tưởng! Mười năm trời một lòng một dạ yêu ảnh, bỏ ngoài tai mọi lời tán tỉnh của đàn ông con trai, ương bướng cãi lại ba má, thậm chí tôi còn bỏ nhà đi hai tháng, chứ nhất định không chịu lấy anh Ch., con trai của một người bạn của ba tôi. Anh Ch. là người miền Bắc vô Nam sau 1975. Ảnh làm quản thủ thư viện Hà Nội sau vô Sàigòn cũng làm quản thủ thư viện. Ảnh cũng hiền lành, ít nói. Nhưng trong tim tôi đã có hình bóng một người chiếm ngự, làm sao tôi có thể yêu được người nào khác. Ngay cả ông kỹ sư Th. là người đã thắng giải vẽ tòa thị sảnh Tây Ninh sau này cũng theo đuổi tôi tha thiết, mà tôi đâu có thèm ngó ngàng gì. Nói thiệt với cô, mười năm trước, tôi đẹp lắm, đẹp cao sang, nên đàn ông mê tôi thiếu gì…

Bội Dziệp: Ngay bây giờ, tôi thấy chị vẫn còn đẹp, huống gì mười lăm năm trước...
Cô Loan: [cười] Tôi bây giờ già rồi, còn đẹp nỗi gì, cô. Chồng con nó tàn phá nhan sắc của mình giữ lắm cô ạ. Cô cứ coi bàn tay của tôi thì biết. Đây nè, chiếc nhẫn này má tôi cho, tôi đeo nó lúc tôi còn ở Việt Nam. Bây giờ đeo vô ngón út cũng chật cứng như thế này, thì cô đủ hiểu. Bàn tay “mười ngón kiêu sa” từng làm thổn thức bao nhiêu trái tim đàn ông, bây giờ trông cứ như nải chuối mắn, tôi thấy tôi cũng phát khiếp. Thì may vá thâu đêm suốt sáng, rảnh chút nào là chợ búa, cơm nước, chén đũa quần áo, còn vườn tược trước sau, có sức voi cũng phải kiệt, có đẹp như tiên cũng tàn tạ. [Thở dài] Nói thiệt với cô, đàn bà con gái mình dù xinh đẹp đến thế nào, dù quý phái đến đâu, dù sống trong nhung lụa đến mức gì chăng nữa, một khi lấy phải thằng chồng nghèo, là cầm bằng theo gió mà héo úa, tàn tạ cùng với năm tháng…

Bội Dziệp: Chị nói vậy có nghĩa lý do khiến chị ly dị ảnh là vì ảnh nghèo"


Cô Loan: [lắc đầu] Không, không phải vì chuyện đó đâu. Giầu nghèo, sướng khổ nói là nói chơi cho vui thôi, chứ đâu có thể vì chuyện đó mà vợ chồng tình nghĩa bao nhiêu năm, mỗi người mỗi ngả được cô. Tôi từ khi còn ở bển Việt Nam đã biết ảnh sang đây ảnh làm cu ly, cầy ngày cầy đêm mờ con mắt cả tuần lễ mới cầm về được ngót 500 đồng bạc. Tôi biết rõ lắm chứ. Nhưng tôi vẫn chấp nhận lấy ảnh. Ở Việt Nam, tuy gia đình tôi không giầu có gì, nhưng nói đến chuyện rửa ráy chén đũa, hay giặt giũ quần áo, lau chùi nhà cửa hay dọn dẹp vườn tược thì không bao giờ. Tôi chẳng hề đụng đến ngót tay. Đàn bà con gái mình là phái đẹp mà cô. Chính đàn ông họ cũng bảo đàn bà con gái tựa như bông hoa để cho thiên hạ ngắm, cho đàn ông họ tôn thờ. Chỉ tiếc là khi đàn ông họ nói như vậy, bao giờ họ cũng ám chỉ đàn bà con gái thiên hạ. Còn vợ họ thì ngoại lệ. Vợ họ là con sen, con đòi, không phải đàn bà, con gái. Phục dịch họ bao nhiêu cũng không đủ. Mình trổ tài nấu nướng những món ăn thiệt ngon, ngon không kém gì ở tiệm, thậm chí còn ngon hơn cả tiệm, nhưng nếu trong ngày đó, họ có chuyện gì bực mình ở sở ở hãng, là khi ngồi vào bàn ăn, mặt họ sưng lên một đống trông dễ ghét. Thế rồi sau đó y như rằng họ bầy đặt chê cái này mặn quá, chê cái nọ nhạt quá... cái này sao nhũn thế em, cái kia sao cứng thế cưng... Nghe riết, tôi thét lên, “Chê hoài thì đi tiệm mà ăn, lấy con này về làm vợ chứ không phải làm đầu bếp à nghen.” Đó, tôi nói thẳng với ảnh như thế đó. Ưng thì ở, không ưng thì đường ai nấy đi. Yêu ảnh thì tôi vẫn yêu. Nhưng bảo vì yêu ảnh mà để ảnh hạch sách vô lý thì không bao giờ. Thời đại bây giờ làm gì có chuyện chồng chúa vợ tôi. Nhất là ở bên này, phải không cô" Tiện thể, tôi nói chuyện này cho cô nghe để cô thấy ổng xã nhà tôi vô lý đến thế nào. Ảnh thì khoái món canh chua ở tiệm ông H. Cabrammatta. Tôi trước ở Việt Nam cũng nấu canh chua ngon một cây, chẳng thua gì tiệm. Thấy ảnh khoái, tôi cũng cố gắng trổ tài nấu thiệt ngon. Nhưng mười lần nấu là y như cả mười một ảnh nhăn mặt chun mũi bảo tôi nấu canh chua giống canh chua “30-4”. Tôi thì tôi chẳng biết món canh chua 30-4 nó tệ đến độ nào, nhưng cứ nghĩ đến ngày 30-4 mất nước là đủ hiểu ảnh ghê tởm món canh chua của tôi đến độ nào. Lúc đó, hai người mới lấy nhau chưa lâu, nên tôi nghĩ mình còn đủ tài năng, đủ nghệ thuật cảm hóa ảnh. Vì thế, tôi dọ hỏi biết được người nấu món canh chua tiệm ông H. Cabramatta, và năn nỉ bà ta chỉ dậy tôi cách thức nấu nướng. Tôi phải mất cho bà ta hai xấp vải thêu may áo dài mới được bà ta chấp thuận. Vậy mà khi bưng tô canh chua dâng lên tận miệng cho ông, ổng xã tôi vẫn hét lên be be như bò kéo xe... Cái gì nhỉ, ông bảo tôi là lá khoai là đầu vịt. À tôi nhớ ra rồi, ổng bảo tôi thế này: “Tôi nói với bà đúng là nước đổ lá khoai, mưa rơi đầu vịt. Bao nhiêu lần tôi bảo bà đừng bao giờ nấu món canh chua này nữa mà sao bà vẫn nấu.” Tôi năn nỉ ổng nếm thử một lần này nữa xem có khác gì không. Nếm xong, ổng vẫn lạnh lùng phán: Vẫn thứ canh chua 30-4! Sau lần đó, tôi thề không bao giờ nấu bất cứ món ăn gì cho ổng. Được hai tháng, tình cờ gặp con nhỏ bạn, tôi than vãn chuyện nấu nướng với nó. Nó mới bầy ra kế đến tiệm ông H. mua canh chua về rồi giả vờ bảo mình nấu xem thái độ của ông ta thế nào. Thấy mưu mô con nhỏ cũng hay hay ngộ ngộ nên tôi dại dột nghe lời. Tôi nhớ, hôm đó là tối Thứ Sáu, nể lời năn nỉ của tôi và con nhỏ bạn, ảnh nếm thử món canh chua tôi vừa mua về. Nhưng có lẽ vì đinh ninh đó là món canh chua tôi nấu, nên thái độ của ảnh y hệt những lần trước. Khi thấy ảnh nhăn mặt chun mũi chê “canh chua 30-4”, cả tôi lẫn con bạn đều ôm bụng mà cười... cười chảy nước mắt nước mũi... Sau đó hay chuyện tôi và con nhỏ bạn lừa ảnh, ảnh quê quá, bỏ đi một mạch.

Bội Dziệp: Bỏ đi một mạch"
Cô Loan: Đi gần tuần lễ. Nhưng đến khi trở về, ảnh chỉ ở nhà có hai tiếng rồi lấy quần áo đi luôn…

Bội Dziệp: Kết quả hai người ly dị"
Cô Loan: Chúng tôi ly thân đúng một năm rưỡi rồi ly dị.

Bội Dziệp: Ly dị chỉ vì món “canh chua 30-4”"
Cô Loan: Còn vì nhiều lý do khác nữa... Thú thực, từ khi lấy ảnh, chỉ được có vài tháng đầu tôi lo nấu nướng cho ảnh. Còn về sau, tôi để mặc anh ăn đâu thì ăn. Mà ảnh thì đòi hỏi nhiều món ăn vô lý lắm, cô ạ. Ai lại sống ở Úc mà đòi ăn canh cua rau đay với cà muối mặn. Cua thì không muốn ăn cua biển, đòi phải cua đồng, hoặc của nước ngọt. Cua hộp cũng không được. Khó tính như vậy thì đến Tây Thi(*) tái thế cũng chẳng chiều được ảnh. Đại khái nhiều lý do lắm. Nhưng... có thể nói chính “tô canh chua 30-4” tối hôm đó đã khiến ảnh bỏ nhà ra đi.

Bội Dziệp: Cho đến bây giờ chị có thấy ân hận gì không"
Cô Loan: Buồn thì có buồn nhưng ân hận thì không.

Bội Dziệp: Tại sao vậy"
Cô Loan: Thì hai người yêu nhau tha thiết, sau 10 năm trời cách biệt, đến khi lấy nhau lại không sống được với nhau cho đến già, chuyện đó chẳng buồn thì vui à" Nhất là đàn bà con gái, đã có chồng là như thuyền có lái. Cầm chắc như cả đời mình vui buồn sướng khổ cũng phải dính cứng với người đó. Chồng chứ đâu có phải là cái áo, cái quần, sớm mặc tối thay được đâu cô.

Bội Dziệp: Vậy tại sao chị lại không ân hận khi hai người ly dị"
Cô Loan: Không biết thiên hạ thế nào, tôi thì tôi chỉ ân hận với những gì mình có thể làm để cứu vãn mà mình không làm. Còn đằng này, tôi đã cố gắng làm tất cả mọi chuyện có thể làm để cho ông xã tôi vui lòng. Vậy mà cuối cùng cũng không được. Âu cũng là cái số. Số tôi nó như vậy thì có cưỡng mấy cũng không trái được ý trời... Nhưng ly dị thì ly dị, tôi vẫn yêu ảnh tha thiết.

Hỏi: Chị nói vậy thiệt là khó hiểu. Đã ly dị ảnh vì không thể sống chung được với ảnh, vậy mà chị vẫn còn yêu ảnh, sống vậy nuôi con. Lại ngày đêm chịu khó may đồ kiếm tiền giúp gia đình ảnh. Người như chị, e ở Úc này chẳng có ai...
Đáp: Thì tôi đã nói với cô ngay từ đầu, chuyện này dài dòng lắm. Đầu đuôi tôi chỉ thể tóm tắt như thế này. Người khác không biết nghĩ sao, riêng tôi thì lúc nào tôi cũng nghĩ tình yêu của người đàn bà con gái chỉ có một lần. Nó cũng giống như cuộc đời vậy. Sống chỉ một lần thì yêu cũng chỉ một lần mà thôi. Tôi biết có nhiều người chẳng đồng ý với tôi điều này. Nhiều người họ yêu năm bảy người là thường. Nay yêu người này, mai yêu người khác. Ai họ cũng yêu nồng nàn, say đắm tưởng không lấy được người đó là chết chắc. Vậy mà xa nhau chỉ dăm bữa nửa tháng là họ có người yêu khác được liền à. Thôi thì sống một người mỗi tính, chết mỗi người mỗi mồ. Tôi yêu ảnh khi còn ở tuổi học trò. Tôn thờ một tình yêu suốt 10 năm trời, như vậy là cả quãng đời tươi đẹp, mộng mơ nhất của mình bị chìm đắm vô một người đàn ông. Đến khi lấy được ảnh, sống hạnh phúc với nhau được một thời gian, mình mới biết được những tính xấu của ảnh thì đành phải chia tay chứ biết làm thế nào. Nhưng chia tay thì chia tay vậy, chứ bảo hết yêu ảnh thì đâu có dễ, phải không cô" Nói thiệt với cô, nhiều đêm, thức giấc ôm con tôi cứ thở dài nhớ ảnh đến não nùng cả lòng…

Hỏi: Nhưng chị phải đồng ý là xưa nay nhân vô thập toàn. Ai mà không có tính xấu. Chẳng lẽ chỉ vì không ưa nhau một chuyện gì đó là vội vàng ly dị thì trên đời này có mấy ai sống chung được với nhau đến đầu bạc răng long"
Đáp: Nói cô bỏ quá đi cho. Cô còn trẻ người non dạ, nên chưa hiểu được chuyện vợ chồng, nó có nhiều điều kỳ lắm, nói mãi cũng không hết đâu. Chả vậy các cụ ngày xưa đã bảo là “có nằm trong chăn mới biết chăn có rận”. Cô có hiểu câu này có nghĩa gì không"

Hỏi: Thì em cũng hiểu đại khái, nếu mình không phải là người trong cuộc thì mình không hiểu rõ chuyện.
Đáp: Thì ai mà chả hiểu vậy. Nhưng hiểu nghĩa là một đằng, còn trải qua thực tế mới là một điều đáng nói. Tôi đây nè, trước đây ở Việt Nam khi còn đi học, đã từng viết văn bình câu đó, được thầy khen, bắt đọc to cho cả lớp nghe, nói vậy cô đủ hiểu. Vậy mà mình đâu có ngờ cuộc đời của mình có ngày trải qua những chuyện vô lý đến lãng xẹt. Đàn ông con trai họ có nhiều tính xấu lạ lắm. Bề ngoài thì ăn mặc bảnh bao, nói năng ngọt ngào, nhã nhặn. Nhất là khi họ còn theo đuổi mình thì ôi thôi, họ nhún nhường, lịch sự, một lời nó nặng cũng không có. Nhưng đến khi cá đã cắn câu, mình đã lọt vô tròng, làm vợ của chàng rồi, lập tức chàng thành con hổ, con sư tử. Nói năng đã cục súc, chân tay lại còn hung bạo nữa chứ. Cô coi hình đám cưới của tôi, nhìn mặt ảnh, cô có thể nào tin một người với bản mặt dễ thương như vậy mà có lần cầm cả tô canh chua nóng hổi hắt vào mặt tôi hay không" May hôm đó, tay cầm cái khăn làm bếp, tôi kịp che vội lên mặt, chứ không thì bây giờ tôi chẳng nhìn thấy mặt cô đây…

Hỏi: Chị muốn nói tô canh chua 30-4"
Đáp: Thì tô canh chua 30-4 đó. Ảnh nhà tôi có tính kỳ lắm, bất cứ cái gì ảnh không ưa, hay cái gì dở, xấu xa, là ảnh dán cho cái nhãn hiệu 30-4. Riết rồi mấy đứa em của ảnh cũng bắt chước ảnh hết chơn à.

Hỏi: Nghĩa là chỉ vì tô canh chua chị nấu không ngon mà ảnh tức giận hắt tô canh chua vô mặt chị"
Đáp: Đúng như vậy! Cô thử nghĩ coi, đàn bà con gái một khi lấy chồng là phải lo lắng đủ mọi thứ, làm đủ các chuyện, chứ đâu có riêng chuyện nấu nướng. Tôi lấy chồng để tôi làm vợ chứ tôi đâu có mua nhà hàng đâu mà phải biết nấu nướng ngon lành. Vả lại, trên đời này có cả ngàn món ăn ngon. Dù tôi có tài thánh đi nữa cũng chẳng thể nào biết nấu đủ hết cả ngàn món ăn đó để chiều chồng. Mà làm sao biết được chồng mình tương lai là ai, thích món ăn nào, phải không cô" Đàn ông, con trai họ phải biết, nếu phúc đức cha ông họ tốt, mả táng hàm rồng, thì họ lấy được người vợ giỏi nấu nướng. Bằng không thì có gì ăn nấy, hoặc lâu lâu ra tiệm, đâu có chết ai.

Hỏi: Mà chuyện hôm đó đầu đuôi thế nào khiến ảnh hắt tô canh chua vô mặt chị"
Đáp: Thì tôi dọn cơm cho ảnh, ảnh cầm đôi đũa gảy gảy tô canh chua, tôi liếc mắt thấy vậy mới nóng mắt bảo... Bảo gì nhỉ" À tôi nhớ rồi, nói cô tha lỗi, tôi bảo ảnh thế này, ăn không ăn thì đổ cho chó ăn…

Hỏi: Chị dám nói vậy sao"
Đáp: Thì lúc đó nóng quá nói vậy. Nói xong, biết mình lỡ lời đang tính xin lỗi ảnh thì ảnh cầm tô canh chua hắt vô mặt tôi liền à. Vậy là huề, cả hai đều phạm phải cái lỗi tầy đình như thế, dù có kiên nhẫn sống chung với nhau thì cũng chẳng thể nào bỏ qua cho nhau được.

Hỏi: Trong thời gian hai người ly thân, ảnh có thỉnh thoảng về thăm chị và cháu"
Đáp: Ảnh có về hai lần. Lần đầu tôi mở cửa cho ảnh. Hai người trò chuyện một chút là lại quay ra cãi nhau như mổ bò, chẳng ai chịu ai cả. Lần sau, tôi cũng tính không mở cửa. Nhưng thấy ảnh đứng đến khuya, trời lại lạnh, nên tôi mở cửa cho ảnh vô phòng khách, nhưng nhất định không chịu cho ảnh vô phòng ngủ của tôi.

Hỏi: Ảnh có đòi vô với chị không"
Đáp: Không, ảnh chỉ vô phòng thăm thằng nhỏ rồi ảnh đi lúc nào đó tôi cũng không hay.

Hỏi: Chị ngủ quên hay sao mà không biết"
Đáp: Làm sao mà ngủ được. Cô nghĩ coi, trong hoàn cảnh lúc đó, tôi thao thức, trằn trọc suốt cả đêm. Đến gần sáng thiếp đi lúc nào không hay. Sáng sớm dậy sang phòng con thì thấy có tấm nệm trải ở dưới sàn và ít sách để ở đầu nệm, chắc là ảnh dùng để gối đầu... Thấy cảnh tượng như vậy, tôi xúc động quá cô ạ. Tôi vội nằm úp mặt vô chồng sách rồi khóc ngất một hồi... Tình vợ chồng bao nhiêu năm mà cô, hơi hướng của ảnh vẫn còn phảng phất trong phòng, tôi vẫn cảm thấy cả hơi ấm của ảnh còn ngưng đọng trên chiếc nệm cũ, nên đau lòng lắm cô... Người đàn bà con gái, khi lấy chồng có con là coi như miếng ván đã đóng thuyền. Tháo ra, tháo vô là mục nát hết. Biết thế nhưng nếu tôi vẫn tiếp tục sống chung với ảnh thì chẳng thể nào yêu nhau được. Tính tình của ảnh kỳ lắm. Mà tính tình của tôi cũng vậy, rất nóng nảy. Hai người cùng nóng nảy mà sống chung với nhau thế nào cũng có ngày xảy ra án mạng.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.