Hôm nay,  

Họa Sĩ Vũ Hối Ra Mắt Thơ “nghìn Thương Đất Mẹ”

07/03/200000:00:00(Xem: 5171)
Nhà báo Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh nói về “truyền thông và sĩ khí Việt”

SAN JOSE - Buổi ra mắt thi phẩm “Nghìn Thương Đất Mẹ”, thơ và thư họa của họa sĩ Vũ Hối chiều chủ nhật 5-3 tại hội trường Le Petit Trianon San Jose đã có một số đông khoảng trên 300 người tham dự, gồm các thân hữu văn nghệ sĩ, những người yêu nghệ thuật và giới truyền thông ở miền Bắc California.

Trong phần giới thiệu và phát biểu về tác phẩm có nhà thơ Hà Thượng Nhân, nhà báo Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, nhà văn Sao Biển.
Phần văn nghệ giúp vui có sự hiện diện của các ca sĩ Nhật Trường, Mỹ Lan, Huyền Trần, Hạ Vân, giáo sư đàn tranh Ngọc Dung, Kiều Loan, Đan Hùng, Nguyên Nhu và Tú Minh. Phần lớn các nghệ sĩ đã trình bày những nhạc phẩm phổ từ thơ của Vũ Hối. Điều khiển chương trình có Phượng Thu và Nguyên Phương.

Trong dịp này nhà báo Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh đã có những lời phát biểu như sau:
Quý vị diễn giả trước tôi vừa nói đến những nét đặc sắc của một nghệ sĩ đa tài như Vũ Hối, về thơ cũng như về họa. Thơ Vũ Hối đã gây cảm hứng đến độ nhiều bài thơ đã được phổ nhạc, còn về họa lại có thêm một khía cạnh khác thường là thư họa. Tôi nghĩ không thể có lời lẽ nào diễn tả hơn những gì đã từng nói về nghệ thuật Vũ Hối. Tôi chỉ xin nói đến Vũ Hối trong lãnh vực truyền thông, có lẽ nó hợp với tâm tư của tôi nhiều hơn.


Ý NGHĨA TRUYỀN THÔNG
Khi nói đến truyền thông, nhiều người đã nghĩ ngay đến báo chí, kể cả báo đọc báo nhìn và báo nghe. Điều này cũng đúng, nhưng tôi nghĩ hai chữ truyền thông còn bao quát hơn nữa. Nó gồm đủ mọi mặt của nghệ thuật. Truyền thông là từ rút gọn của “truyền thông đại chúng” dịch cụm từ Anh ngữ mass media. Ý nghĩa thực sự của nó là mọi sự giao thông với quần chúng để truyền đạt tin tức, kiến thức, quan điểm, nghị luận và giải trí. Nếu vậy truyền thông phải gồm tất cả các văn nghệ sĩ như văn sĩ, thi sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ và cả những diễn viên sân khấu hay tài tử điện ảnh. Họ đều làm công tác hay có sứ mạng giao tiếp và truyền đạt đến quần chúng những thông tin và tư tưởng, nếu có khác chỉ là khác về phương tiện hay chuyên môn của họ gọi là nghệ. Một bản tin trên báo chí, một bài bình luận trên truyền thanh, một phóng sự trên TV, cũng có mục tiêu không khác gì một bức họa, một bài ca, một bản kịch hay một phim điện ảnh.

Trong sự truyền thông đa dạng đó chỉ có một vấn đề là sự phổ biến, nghĩa là nó có hấp dẫn, có đi sâu vào trong quần chúng hay không. Điều này không tùy ở các nghệ khác nhau mà tùy ở thuật có nghĩa là tài của mỗi người. Và cái tài này bắt buộc phải xuất phát từ chữ tâm. Tôi muốn nói những văn nghệ sĩ có sản phẩm phổ biến sâu rộng nhất phải là những người không chỉ có khối óc mà còn phải có cả con tim. Riêng trong ngành báo chí của tôi, tôi vẫn nghĩ một ký giả dù chỉ cần viết một phóng sự thông thường cũng phải là người có tim có óc mới mong bài báo của anh ta được phổ biến sâu rộng.

Chính trong khung cảnh suy tư đó tôi muốn nói đến Vũ Hối. Những sáng tác hội họa, thi ca và thư pháp của anh đã có sức truyền bá rất nhanh và rất mạnh. Anh đã nổi tiếng ở Việt Nam từ thời đệ nhất Cộng Hòa và nay tên tuổi anh đã vang lừng khắp thế giới. Tôi không muốn lạm dụng thì giờ của quý vị để nhắc lại những gì nhiều vị thức giả đã nói hay viết về anh. Ở đây bằng một vài lời ngắn gọn, tôi muốn nhấn mạnh đến tầm vuơn rất xa của những tác phẩm Vũ Hối trên bình diện quốc tế, ngay từ trước khi anh rời khỏi Miền Nam Việt Nam.

Vũ Hối đã từng triển lãm tranh tại Pháp, Ý, Anh, Nam Hàn, Đức, Phi Luật Tân, Hoa Kỳ và một số nước khác. Anh được mời vẽ chân dung cho các yếu nhân thế giới như Tổng Thống Kennedy - mà anh đoạt giải Khôi nguyên trong kỳ Triển lãm quốc tế năm 1963 - như Tổng Thống Đại Hàn Phác Chánh Hy và được mời triển lãm tác phẩm ở các Viện Nghệ thuật lớn năm châu và Hoa Kỳ.

Vũ Hối được vinh danh trong Tuyển tập Những Nhân vật lỗi lạc Quốc tế của Viện Tiểu sử Hoa Kỳ ấn hành năm 1996 và được bầu làm International Man of The Year 1994-1995 của Viện International Centre Cambridge ở Anh quốc. Anh cũng được vinh danh về Sáng tạo Nghệ thuật trong Đại hội Mỹ Thuật Thế giới ở Atlanta Mỹ năm 1994. Anh có tên trong cuốn “Tự điển Tiểu sử quốc tế” ấn hành tại London năm 1998. Tháng 9 năm 1995, tôi đọc tin anh được Tổng Thống Vacla Havel tiếp kiến và nhận tranh “The Dream of Peace” tại dinh Tổng Thống Tiệp Khắc. Tin đó với nhân vật đó và tranh đó, đã làm tôi chợt nghĩ quả có đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu.

Tôi đã nói chung về nguyên nhân tạo thành sức mạnh phổ biến các tác phẩm của văn nghệ sĩ. Nay tôi muốn nói riêng đến một khía cạnh đặc biệt, thích hợp với thời đại kỹ thuật học và tin học ngày nay cũng như ý nghĩa vô cùng sâu sắc của nó.


MỘT SỰ PHỐI HỢP HIẾM CÓ
Thế giới đã đi vào một cuộc Cách mạng vĩ đại là “Cách mạng Kỹ thuật học về giao thông và tin học”. Ngành truyền thông đang được hiện đại hóa với một đà gia tốc nhờ những phát minh kỳ diệu trong lãnh vực điện tử. Hai nét chính của sự phát triển truyền thông ngày nay là “nhanh” và “gọn” vì nhu cầu tiết kiệm thời gian. Nhanh vì những thông tin được truyền đi bằng vận tốc ánh sáng trong không gian điện tử hóa và khối lượng thông tin trao đổi ngày một nhiều. Chính vì thế khối lượng thông tin cũng phải thu gọn lại mới đáp ứng được nhu cầu phát triển rất mau và rất mạnh của tư duy nhân loại. Thế nhưng nhanh không phải là thiếu chính xác và gọn cũng không có nghĩa là mất đi những ý nghĩa quan trọng của thông tin. Tóm lại sự truyền bá tin tức, ý kiến và tư duy bắt buộc phải nhanh mà không sai, gọn mà vẫn xúc tích phong phú. Vậy phải làm thế nào"

Sống trong ngành truyền thông, tôi đã nghĩ đến “hình” là phương pháp truyền đạt mau lẹ và chính xác nhất. Một vài bức hình chụp, một đoạn trên TV là những truyền đạt cho quần chúng biết những gì đã xẩy ra một cách mau lẹ và chính xác hơn cả những bài báo tường thuật hay các thiên phóng sự trên làn sóng phát thanh. Nhưng tôi vẫn không thích hình chụp hay phim quay vì nó làm bằng máy, dù người cầm máy là một nghệ nhân, nhiều khi anh ta vẫn phải hy sinh sự truyền đạt ý nghĩa đầy đủ của thông tin cho nhu cầu cấp tốc của thời sự. Tôi thích hội họa hơn vì đó là một loại “hình” do bàn tay con người tạo ra, và con tim khối óc của con người đã truyền vào bàn tay đó. Một bức tranh vẽ của họa sĩ khác với một bản tin chăng" Tôi không nghĩ như vậy vì cả hai đều có nhiệm vụ truyền đạt cho quần chúng một cái gì, dù là tin, dù là tư duy. dù là cảm nghĩ, tất cả cũng nằm trong lãnh vực truyền thông.

Hội họa bao trùm nhiều lãnh vực nhất của truyền thông. Nó có thể là tin khi mô tả hình ảnh chiến trường hay khuôn mặt kẻ sát nhân còn tại đào, nó còn có thể phơi bầy tất cả sự thảm khốc của một trận động đất, bão lụt hay mọi thứ thiên tai, nói lên sự thống khổ bộc lộ trên những khuôn mặt nạn nhân hay hình dạng con người quằn quại trong cơn hoạn nan, nhưng nó cũng có thể đưa lại những cảnh đẹp tuyệt vời của thiên nhiên để truyền đi những cảm xúc, những tình cảm của con người với con người, kể cả những nụ cười hí họa để trong chốc lát chúng ta tạm quên đi những nỗi buồn nhân thế. Hội họa có tác dụng cũng như một bài thơ vậy.
Vâng, tôi muốn nói đến một lãnh vực khác nữa của truyền thông là thi văn. Thơ có sức truyền đạt ngắn gọn và xúc tích nhất, mau lẹ hơn các loại văn khác. Thơ có sức truyền cảm mau và mạnh hơn cả truyện ngắn truyện dài. Nhưng tôi thích hội họa hơn, bởi vì những tác phẩm của loại này có nhiều tính vuợt qua được không gian và thời gian. Nó vượt qua hàng rào các biên giới, nhất là vuợt qua hàng rào ngôn ngữ của các dân tộc. Về thời gian, chúng ta hãy nghĩ đến những danh họa kiệt tác được truyền từ thế kỷ này qua thế kỷ khác, và phải nói thêm càng lâu giá trị càng lớn. Về tính vuợt không gian và thời gian này tôi phải nói đến nhạc. Nhưng nhạc phải có lời mới có sức lan truyền rộng trong quảng đại quần chúng. Bởi vậy thơ phổ nhạc thường vẫn hấp dẫn hơn.

Thế nhưng Tạo Hóa thường chỉ dành cho chúng ta mỗi người một cái tài. Nếu anh đã có tài viết, anh lại không thể có cả tài nói để trở thành một nhà hùng biện. Cũng vậy, hoặc anh là một thi nhân hoặc anh là một họa sĩ, chớ không thể là cả hai và đều xuất chúng. Tôi nghĩ đến thiên tài Vũ Hối. Tôi không vì lòng cảm mến riêng tư mà lạm dụng từ ngữ. Vũ Hối đã được Ông Trời ban cho hai tài cùng một lúc, đó là thơ và họa. Bởi vậy đừng hỏi tại sao những tác phẩm của Vũ Hối được lan rộng trên khắp thế giới. Trên đời này ít nghệ sĩ có hai tài năng phối hợp nhịp nhàng và đồng bộ như vậy.


THƯ HỌA VÀ CHỮ THẢO CỦA HÁN TỰ
Nhưng tôi vẫn chưa nói đến một khía cạnh khác nữa của tài nghệ Vũ Hối mà riêng cá nhân tôi rất thích. Đó tài thư họa. Bút pháp của anh rất nhanh và rất đẹp. Lần đầu tiên khi tôi nhìn anh viết mấy giòng chữ tặng tôi, tôi nghĩ ngay đến mấy chữ “rồng bay phương múa”. Tôi dùng cụm từ cổ điển này vì người thầy đầu tiên của tôi là một cụ đồ nho rất sính viết chữ thảo. Lúc đó tôi là một cậu bé còn để chỏm, tôi ngây người ra nhìn cụ viết mà không hiểu gì cả, nhưng tôi thấy mê bàn tay của cụ cầm bút lông thoăn thoắt thảo những bài thơ chữ Hán. Tôi mê chữ thảo từ đó. Sau này ở Nhật Bản tôi càng mê chữ thảo hơn vì hình dạng của Nhật tự có vẻ thuận cho thư họa rất nhiều. Nhưng tôi không có cách nào học cho được vì nó đòi hỏi quá nhiều công phu và thời gian.

Sau này tôi mê chữ thảo không phải chỉ vì thấy đẹp và lạ, mà vì tôi đã nhận thấy từ những nét bút mềm mại đó bộc lộ cả một tinh thần của kẻ sĩ. Cương quyết, khẳng khái, dũng cảm và nghị lực, nét bút mềm thật đấy nhưng nó sắc bén làm sao tựa hồ như luỡi gươm của một kiếm sĩ. Nhìn thư pháp của Vũ Hối, tôi hiểu con người anh hơn, anh là một nghệ nhân, nhưng cũng là một kẻ sĩ, một chiến sĩ đấu tranh với một chí khí quật cường bất khuất.

Người ta nói nghệ thuật vì nghệ thuật chớ không vì cái gì hết. Nhưng thử hỏi nghệ thuật phục vụ cái gì. Nghệ thuật không thể phục vụ cho cái ác, phá hoại, đổ vỡ, tàn bạo hay giết chóc. Nghệ thuật góp phần vào một xu thế phát triển của nhân loại là “chân, thiện, mỹ”. Nghệ thuật phải nói lên cái thực của thân phận con nguời, cái đẹp của tâm hồn xứng đáng với cái đẹp Tạo Hóa đã ban cho thiên nhiên, và cái thiện của lương tri vốn đã giúp con người sống còn cho đến ngày nay. Vậy nếu có cái gì cản đường hay đi ngược lại xu thế đó, văn nghệ sĩ phải đấu tranh bằng tất cả khả năng và tài nghệ của mình để triệt tiêu, để khai phá con đường phục vụ của mình rộng mở thênh thang.

Với các văn nghệ sĩ Việt Nam hải ngoại nói riêng và tất cả những người Việt hải ngoại nói chung, tôi xin nói con đường đấu tranh của chúng ta đã vạch rõ. Chúng ta phải rời bỏ quê hương vì một biến cố của thời đại. Tuy xa quê hương những lòng chúng ta vẫn nặng về đất tổ. Ở nước ngoài chúng ta nỗ lực bảo toàn văn hóa, gìn giữ những di sản quý giá nhất tổ tiên để lại cho dân tộc. Đồng thời chúng ta vẫn hướng nhìn về quê mẹ để đấu tranh cho “chân, thiện, mỹ”, cho đất nước Việt Nam sớm có một chế độ tự do, dân chủ và tôn trọng nhân quyền.

Tôi tiếp nhận cuốn “Nghìn Thương Đất Mẹ” của Vũ Hối với một niềm cảm xúc vô biên, tôi nghẹn ngào vì người bạn chí thiết của tôi đã nói lên những điều tôi vẫn ấp ủ trong thâm tâm và tôi tin đó cũng là cảm nghĩ của tất cả những người Việt chúng ta ở hải ngoại.

Tôi xin tặng Vũ Hối một câu đối như sau, xuất phát từ những suy tư và niềm cảm mến khi đọc cuốn sách của anh:
Thư họa dọc ngang trùm biển cả,
Nghĩa khí cao xung ngất trời xanh.

Bài nói chuyện của tôi đã hết. Nhưng tôi xin phép quý vị được nán ở diễn đàn này thêm một hai phút để nói về câu đối tôi đã làm theo lệ cổ các cụ thời xưa để tặng Vũ Hối. Tôi muốn nhấn mạnh về chữ “đối”. Đối ở đây không có nghĩa là chống đối, mà là đối xứng, tương xứng và tương xứng là để hòa hợp. Hai chữ khác nhau nhưng vẫn đối xứng, cũng như âm dương khác nhau vẫn phải hòa hợp. Nam và nữ cũng vậy, tuy khác tính nhưng khi hợp lại là tình là nghĩa keo sơn.

Bởi vậy “thư họa” cần phải tương xứng hòa hợp với “nghĩa khí”. Thư mà thiếu nghĩa thì không hay, mà họa thiếu chí cũng chẳng giỏi.
Qua đến “dọc ngang” đối với “cao xung”, tôi muốn đi vào khoa học một chút. Không gian có ba chiều là ngang, dọc và cao. Nhưng vũ trụ của chúng ta có 4 chiều, ngoài 3 chiều không gian còn có một chiều thời gian. Vậy “xung” là gì" Xung làm ta nghĩ đến xung phong hay xung đột, nhưng theo cơ học sóng (wave mechanics) xung chỉ có nghĩa là đợt, như đợt sóng hiện ra theo chu kỳ. Và muốn có chu kỳ tất phải có thời gian để đo. Vì thế dọc ngang và cao xung đã phối hợp trong tương đối luận của nhà bác học Albert Einstein.

Tôi đã tạo ra hình ảnh của vũ trụ để nói lên sự rộng lớn của chí khí kẻ sĩ, rộng như biển lớn như trời. Các cụ thời xưa tán tụng “nam nhi chí khí” là thế, nhưng tôi thấy các cụ hơi bất công với phái nữ. Tôi nghĩ cái chí khí đó không phải của riêng các ông mà còn của các bà nữa. Nhiều khi cái chí của các bà còn mạnh hơn cái khí của các ông. Nhưng nếu cả ông cả bà cùng hợp lực, cái chí đó, ôi thôi... phải nói là vô biên, vô cùng tận.

Thưa quý vị, đó là cái chí của các con chim bằng... đực cũng như cái vậy.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.