Hôm nay,  

Tội Ác - Nô Lệ Trong Công Nghiệp Thời Trang Úc

31/03/200100:00:00(Xem: 4249)
Từ thị trấn Mt. Pritchard cần phải đi một đoạn đường dài mới ra được đến biển. Nhưng trong một ngôi nhà thường thường bậc trung tại nơi này, người ta đã tìm thấy cơ xưởng sản xuất những mặt hàng thời trang cao cấp của Úc mang nhãn hiệu Speedo lừng danh thế giới. Speedo là một tên tuổi lớn gắn liền với các trang phục cho tất cả mọi môn thể thao dưới nước gồm bơi lội, thuyền buồn và các môn chơi khác.

Chính ngôi nhà bình thường đó tại khu vực miền tây nam Sydney nói trên là một trong những phân xưởng của đại công ty Speedo.Công ty này vừa chính thức tuyên bố chấm dứt những sản phẩm của mình tại Úc, khiến cho 65 công nhân chính thức thất nghiệp.

Dưới bóng của đại công ty Speedo này là cả một đội quân những người di dân đã làm việc như những nô lệ của thời đại trong những căn nhà như căn nhà số 14 đường Floyd Place, Mt Pritchard để sản xuất ra những bộ trang phục cho các lực sĩ của Úc và thế giới. Thay vì được xây dựng đàng hoàng thành các trung tâm sản xuất kỷ thuật cao, Speedo đã chọn hình thức để sản phẩm của mình được tạo ra từ những garage với những công nhân thuộc nguồn gốc di dân bán mồ hôi và sức lao động của mình bằng một giá rẻ mạt.

Công ty Speedo đã từng nhiều lần cam kết rằng họ không bao giờ chấp nhận để cho các sản phẩm của mình được sản xuất ra trong các xưởng thợ kiểu nô lệ như trên. Tuy nhiên sự thật là trước khi đóng cửa phân xưởng chính thức của họ ở Windsor, Speedo đã mất khả năng kiểm soát của hàng loạt phân xưởng "garage"của họ tại vùng tây nam Sydney thông qua các tay môi giới.

Hiện nay nhiều máy may công nghiệp đã được di chuyển khỏi các garage nói trên nhưng những giấy tờ hợp đồng, hóa đơn giao hàng đã cho thấy Speedo từng đặt hàng trăm nghìn sản phẩm thể thao cao cấp của mình từ những phân xưởng bố trí trong các garage của cư dân vùng Mt. Pritchard. Các bằng chứng cho thấy thông qua hai công ty khác, những đơn đặt hàng của Speedo cuối cùng đã được mang đến giao cho các phân xưởng garage tại vùng Mt. Pritchard.

David Triton, một nhân viên của công đoàn vải sợi,quần áo và giày dép (TCFU) cho biết ông đã lần theo các giấy tờ từ tổng hành di của Speedo và lần mò theo một đường dây rắc rối như ma trận để cuối cùng tìm đến một phân xưởng của Speedo tại số nhà 14 Floyd Place, Mt.Pritchard. Từ công ty chính các hợp đồng lần lượt được ký với các công ty phụ và đến lược các công ty phụ này lại ký hợp đồng với các xưởng may tư nhân.

Khi các thanh tra của công đoàn tìm đến được địa chỉ nói trên, người ta tìm thấy nhiều vải vụn, các cơ phận máy móc chứng tỏ trong garage của ngôi nhà từng là một phân xưởng sản xuất rất bận rộn. Tuy nhiên chủ nhà một người đàn ông với năm đứa con cho các viên thanh tra biết rằng anh ta đang nhận trợ cấp xã hội và chẳng hề biết tí gì về việc may vá và công ty Speedo là ai. Tuy nhiên sau đó các thanh tra may mắn gặp được một người đàn ông tự xưng là đại diện công ty chính nào đó. Người đàn ông này cho biết ông ta từng đi lại giữa nhiều xưởng may mà trong đó xưởng may garage số 14 Floyd Place là một trong nhiều địa điểm.Chính nhân vật này đã mang các hợp đồng từ các công ty nói trên đến ký với gia chủ của các xưởng may garage.

Tuy nhiên lúc mới đầu gặp gỡ, người đàn ông naỳ cố tình đuổi các viên thanh tra ra khỏi văn phòng của ông ta và tuyên bố rằng ông ta chẳng biết gì ráo về vụ làm ăn với Speedo cả. Các thanh tra của công đoàn liền trưng ra các bằng chứng giấy trắng mực đen cho nhân vật trên thấy rằng trong vòng bốn tuần đã có 158 ngàn đô la được chuyển khoản qua văn phòng của ông ta và ít nhất 38 ngàn đô la trị giá sản phẩm đã được chuyển giao trực tiếp từ công ty Speedo. 150 ngàn đô la khác được chuyển đến cùng địa chỉ nói trên tại Mt. Pritchard thông qua một công ty trung gian khác hiện đang bị công đoàn tìm cách phát hiện.

Cuối cùng nhân vật nói trên đành thú nhận rằng ông ta đã ký hợp đồng với garage 14 Floyd Place để sản xuất một số mặt hàng thể thao cho công ty Speedo. Theo ông này thì có chừng 200 đến 400 phân xưởng kiểu garage chuyên sản xuất hàng cho công ty Speedo. Trên thực tế sau khi bị các thanh tra công đoàn lưu ý, xưởng may tại số 14 Floyd Place đã đăng ký kinh doanh với hội đồng thành phố Fairfield như là một xưởng ủi dập. Hiện nay do bị điều tra, nhiều xưởng garage nói trên đã ngưng hoạt động vì sợ bị phát hiện khiến cho ông naỳ đang tích cực đi tìm các xưởng khác để ký hợp đồng.

Hai công ty có tên là Progression Pty Ltd và Slyone Pty Ltd đã dùng địa chỉ nói trên làm phân xưởng sản xuất của mình trên giấy tờ và chính hai công ty này nhận những đơn đặt hàng chính thức từ công ty Speedo. Giám đốc điều hành của công ty Speedo là Rob Davies cho rằng ông ta không ngờ rằng các sản phẩm của công ty mình lại được sản xuất trong các xưởng garage tại Mt. Pritchard. Rob Davies cho biết sẽ nêu vấn đề này với hai công ty con của mình là Dolphin Garments và New Century Enterprises vì xem ra vấn đề đã trở nên rất nghiêm trọng sau khi nói chuyện với các thanh tra công đoàn.

Rob Davies cũng biết cảnh sát sẽ tham gia điều tra và vì thế hứa hẹn sẽ cung cấp tất cả mọi tin tức cho cuộc điều tra. Rob Davies nhận định rằng việc ký hợp đồng với các xưởng garage đã vi phạm chính sách sản xuất của công ty từ xưa đến nay. Cũng theo Davies thì công ty Speedo đã cúp các hợp đồng với các công ty con sau khi các cuộc điều tra của thanh tra công đoàn tiết lộ bắng chứng về các hợp đồng ba bốn tầng và điều kiện làm việc như nô lệ của các công nhân sản xuất. Ông Rob Davies cho biết Speedo không chấp nhận kiểu sang tay hợp đồng như thế và không chấp nhận sản phẩm của mình được sản xuất bởi lao động rẻ mạt và trong các phân xưởng dưới tiêu chuẩn quốc tế.

Tuy nhiên Rob Davies từ chối không cho các thanh tra công đoàn biết rằng ông ta có bao nhiêu công ty con chuyên sản xuất hàng cho Speedo, và tuyên bố rằng nếu có việc dùng lao động rẻ mạt và các phân xưởng garage thì đó cũng chỉ là một việc làm có tính chất nhỏ bé không mang lại một lợi nhuận thực tế nào về kinh tế. Davies cũng nhận định rằng có thể các công ty sản xuất của ông ta làm không kịp hàng nên mới bày ra trò đi ký hợp đồng lại với các xưởng may garage tư nhân.

Theo Rob Davies thì công ty Speedo không thể làm ăn phát đạt tại Úc được vì giá công nhân quá cao. Chính vì thế vừa qua Speedo đã chính thức tuyên bố chấm dứt việc sản xuất tại Úc và chuyển các phân xưởng của mình sang Trung quốc. Thật ra Speedo có thể càng ngày càng nhận thấy việc dùng các công ty con để ký các hợp đồng với xưởng may garage dùng nhân công rẻ mạt của di dân tại Úc đang bị theo dõi và không thể kéo dài được, do đó đã quyết định chuyển sang Trung quốc để có thể dùng nguồn nhân lực rẻ mạt tại quốc gia cộng sản này.

Theo giáo sư Michael Quinlan của khoa quan hệ công nghiệp đại học NSW thì việc đóng cửa các phân xưởng của Speedo tại Úc và chuyển sang Trung quốc, đang là khuynh hướng hiện tại của rất nhiều ngành công nghiệp khác nhau. Vấn nạn này không chỉ xảy ra tại NSW mà đang xảy ra trên một bình diện toàn thế giới.

Giáo sư Quinlan nhận định rằng trong lĩnh vực công nghiệp sản xuất áo quần thời trang, thì chính các công ty bán lẽ chính là những người được hưởng lợi nhuận nhiều nhất. Về mặt tâm lý người tiêu thụ tại Úc và tại tất cả các quốc gia trên thế giới thường bị tâm lý coi trọng các sản phẩm của các hãng danh tiếng như Speedo. Nhưng nếu quả thật sản phẩm của các công ty này là có chất lượng siêu hạng như họ quảng cáo thì chúng không thể được sản xuất trong các phân xưởng garage hoặc trong các ngôi nhà tại vùng tây nam Sydney được.

Càng ngày các hình thành nhiều công ty con để nhận các hợp đồng từ các đại công ty thời trang. Các công ty con này đến lượt lại đẻ ra nhiều công ty con khác và cuối cùng hợp đồng sản xuất mới đến tay của những công nhân may tại gia. Với ba bốn tầng trung gian như thế giá tiền công trả cho các công nhân may tại gia chỉ là một con số làm xấu hổ một quốc gia thường tự hào là thiên đường của di dân như nước Úc.

Công ty New Enterprise nhận hợp đồng may cho công ty Speedo một bộ đồ bơi hiệu Supa Brief với giá 2.90 đô.Sau đó New Enterprise ký lại hợp đồng với công ty Slyone với gia 2 đô la một bộ. Ai là những người may thuê cho công ty Slyone thì không được rõ và may lại mỗi bộ Supa Brief với giá bao nhiêu cũng chưa được điều tra rõ ràng. Tuy nhiên trên giấy tờ thì xưởng may chính thức của công ty Slyone là số 14 Floyd Place, Mt.Pritchard. Tuy nhiên ông chủ nhà năm đứa con đang lãnh trợ cấp tại địa chỉ này thì cho biết cả đời chưa thấy cái máy may nào và chỉ sống chủ yếu bằng tiền trợ cấp của bộ xã hội.

Số 14 Floyd Place cũng là địa chỉ phân xưởng sản xuất của công ty may Progresson. Công ty này nhận hàng từ công ty Dolphin và công ty Dolphin thì ký hợp đồng sản xuất với công ty Speedo. Thành ra số 14 Floyd Place chính là xưởng sản xuất của hai công ty thời trang khác nhau"! Hồ sơ từ công ty Dolphin cho thấy nó có đến 13 công ty nhận hàng khác nhau và dĩ nhiên giá may mỗi bộ Supa Brief từ Dolphin giao lại cho các công ty khác rẻ hơn giá chính thức ký với Speedo rất nhiều.

Chỉ có những người nhận hàng may tại gia chính là nạn nhân của các công ty thời trang lớn tại Úc. Dù tuyên bố biết hay không biết về những gì đang xảy ra đàng sau lưng họ, các đại công ty thời trang của Úc cũng phải chịu trách nhiệm của họ đối với tình trạng bóc lột thậm tệ mồi hôi và nước mắt của giới công nhân di dân đang làm việc trong các garage tại miền Tây Sydney.

Speedo được chính thức thành lập vào năm 1928 do thương gia Úc là MacRae Knitting Mills vốn sống tại Sydney. Công ty này bắt đầu sản xuất các kiểu thời trang áo tắm. Một nhân viên của ông MacRae đã được giải thưởng một bảng Anh do có sáng kiến đặt tên cho công ty mới là Speedo. Từ năm 1948 công ty Speedo đã trở thành nhà bảo trợ của thế vận hội mở đầu với thế vận hội London. Từ đó Speedo luôn luôn đồng nghĩa với đội bơi quốc gia của Úc.

Năm 1957 công ty Speedo thông báo sản xuất những kiểu trang phục bơi thể thao bằng sợi tổng hợp, kết hợp với tay bơi lừng danh của Úc là Dawn Fraser. Năm 1972 Speedo được công nhận là y phục chính thức của các lực sĩ bơi lội tại thế vận hội Munich. Sang năm 1991 đại công ty của Anh là Pentland mua lại công ty Speedo của Úc với doanh thu tổng cộng 1.5 tỷ đô la mỗi năm. Năm 1996 tại thế vận hội Atlanta 75% lực sĩ lên nhận các loại huy chương đã mặc các bộ đồng phục mang nhãn hiệu Speedo.

Đoan Hùng

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.