Hôm nay,  

Non Bộ Gợi Nhớ Quê Hương

14/07/200100:00:00(Xem: 6017)

Trước năm 1954, tôi theo cha mẹ di cư lưu lạc sang nước láng giềng hồi đó gọi
là vương quốc Ai Lao. Tôi còn nhớ hôm xuống sân bay cánh đồng Chum thuộc tỉnh
Xiêng Khoản miền Bắc xứ Lào. Trước mặt tôi mở ra một khoảng trời núi rừng
trùng trùng điệp điệp với những đồi thông bạt ngàn và xa xa là những núi đá
dựng đứng xanh thăm thẳm, có nơi mây mờ che khuất không nhìn thấy ngọn núi.

Cha tôi, hồi đó tuy là dân trí thức nhưng cũng phải đổi nghề sang làm thợ xây,
mẹ tôi thì đi phụ hồ. Mỗi buổi chiều khi tan tầm thì tôi lại thấy cha tôi vác
về khi một cục, lúc thì hai cục đá có hình thù hang hốc kỳ quái. Và sau khi cọ
rửa cho hết đất rồi cha tôi cất vào một góc vườn, rồi chỉ tay về phía mấy hòn
đá và dặn tôi rằng:

- Con đừng nghịch mấy hòn đá đó nghe, nó mà bị gẫy ngọn thì uổng lắm đó. Để
rồi cha sẽ xây hòn non bộ cảnh quê nhà cho con xem.

Rồi thời gian trôi qua, đống đá sau nhà tôi đã được chất đống cao khoảng vài
mét khối. Lúc đó cha mẹ tôi cũng đã có cơ ngơi nên bắt đầu thực hiện ước mong
mà tôi thường nghe cha mẹ tôi bàn với nhau. Đó là xây hòn non bộ bên hồ cá,
tạo nên một khung cảnh núi non hấp dẫn sinh động được thu nhỏ.

Sau này lớn lên ở lứa tuổi thiếu niên tôi càng cảm thấy mê cảnh non bộ, và
nhất là những hòn đá có hình dáng thiên nhiên kỳ dị.

Tôi đến Úc năm 1995. Sau những ngày anh em đoàn tụ vui vẻ, tôi thấy chú em
trai đi làm hãng mà tiền dư dật cũng chẳng là bao. Nào là tiền nhà, tiền xe,
bảo hiểm, rồi đủ các thứ bill, rốt cuộc nợ vẫn hoàn nợ. Tuy nhiên với lòng
nhân ái bao la của người dân cũng như chính phủ Úc, lúc nào họ cũng tạo mọi
điều kiện cho mình có công ăn việc làm.

Một hôm anh em chúng tôi bàn với nhau đổi sang nghề xây hòn non bộ Đông Phương
xem sao. Chú Tâm,em tôi vui vẻ tán thành. Và vốn liếng đầu tiên của chúng tôi
là vài cái xẻng, cuốc và một số bút mực, giấy vẽ phong cảnh. Thú thực thì tôi
không biết vẽ, nhưng khi hình dung đến những hòn đá, những thác nước thiên
nhiên, nhất là có một lần cách đây khoảng 10 năm, tôi có dịp đi du lịch trở về
quê hương, trên con thuyền buồm du lịch, tôi có dịp đi dạo quanh vùng bờ biển
tỉnh Quảng Ninh. Thật là tuyệt vời, phong cảnh vịnh Hạ Long hiện ra tuyệt đẹp,
đúng là một danh lam thắng cảnh có một không hai trên thế giới này. Rồi cảnh
chùa Hương với những vách núi đá, những đám mây ẩn hiện làm cho lòng người
khoan khoái như thoát khỏi cảnh trần tục thế gian đầy sầu não.

Ngồi đây, trên đất Úc bỗng nhiên tôi thấy ham mê chế tác những ngọn non bộ nho
nhỏ với cây cối rong rêu. Và tôi đã làm xong nhiều hòn non bộ trong bồn cảnh,
nhìn thấy thích thú vô cùng.

Ở NSW nói riêng, cũng như ở Úc châu nói chung, cây cối tươi xanh, rừng núi bạt
ngàn và nhất là đá thì cũng đa dạng, nhiều không kém rừng cây. Trong những
ngày tháng nhàn rỗi tôi thường đi ngao du xem những vỉa đá ở vùng ven biển
Manly hoặc biển Coronulla. Phong cảnh thiên nhiên hiền hòa làm lòng tôi trào
dâng một niềm lâng lâng như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh.

Sau khi đã đăng quảng cáo trên một số tờ báo Việt ngữ được vài tháng, bỗng một
hôm chúng tôi nhận được một cú điện thoại của một ông người Việt gốc Hoa mời
đến xem thực địa để làm non bộ.

Ông chủ nhà tên Dương cũng vui tính cho biết là ông ta vừa được nhận một số
tiền hưu bổng nên muốn làm một hòn non bộ giống cảnh Hà Tiên. Theo ông thì để
nhớ ơn đến vùng đất vùng biển mà cha ông tổ tiên ba đời của ông khi từ Trung
quốc di cư qua đã mở mang và sanh con đẻ cái an cư lạc nghiệp nơi đó.

Sau khi thỏa thuận, chúng tôi vào thư viện để khảo cứu, tìm tòi về hình ảnh Hà
Tiên, nhưng chúng tôi đã thất vọng. Vì suốt một tuần lễ tìm kiếm mà không đạt.
Cuối cùng đành phải nói với ông chủ nhà:

- Ông Dương ạ, ông có thể kể sơ qua về phong cảnh nơi đó để chúng tôi phác họa
và xây dựng được không"

Ông vui vẻ kể về những hòn non bộ trên bờ biển, những hốc đá, tên gọi những
cái hang... mà chúng tôi chỉ biết gật đầu chăm chú nghe mà thôi.

Sau 20 ngày xây dựng thì cái job đầu tiên của chúng tôi đã hoàn thành. Ông chủ
nhà ngắm nhìn những dòng nước chảy rào rạt từ trên những khe đá tạo nên những
dòng thác trắng xóa đổ xuống mặt hồ gây nên những âm thanh nối tiếp vui tai
như cảnh suối nước, rừng núi thật sự, cộng với đàn cá Koi nhiều màu sắc óng
ánh bơi lội tung tăng gợi cho ta có cảm giác sống trong cảnh thanh bình an cư
lạc nghiệp. Thoáng lên trên vẻ mặt của chúng tôi, cả chủ nhà và thợ xây đều
hân hoan sung sướng.

Rồi cứ thế tháng ngày cái khó nó bó cái khôn. Chúng tôi đã hoàn thành gần 100
cái núi cảnh non bộ lớn nhỏ trên khắp vùng Sydney NSW này. Cứ mỗi lần xong một
công trình thì chúng tôi lại cảm thấy hạnh phúc, vì đã đem lại niềm vui cho
gia chủ.

Trong bối cảnh đường phố xe cộ ầm ĩ ảnh hưởng đến môi trường sống hàng ngày mà
sau nhà hay trước sân lại có một hòn non bộ soi mình bên hồ cá với tiếng nước
chảy róc rách để ta ngắm thì sẽ phần nào làm dịu đi nỗi căng thẳng của một
ngày mệt nhọc. Tôi còn nhớ cách đây một năm, có một ông bác sĩ người Úc tên là
John gọi điện thoại cho chúng tôi đến xây non bộ và hồ cá. Ông John nhấn mạnh:

- Người Úc chúng tôi thích đặt những hòn đá bằng phẳng như những vỉa đá thiên
nhiên, nhưng nếu non bộ Đông Phương mà sinh động hơn thì các anh cứ làm theo
nội dung quảng cáo của các anh thử xem.

Địa hình nơi nhà ông John ở vùng Bắc Sydney nên đường lối gập ghềnh, vách đá
cheo leo. Sau khi đã thỏa thuận đôi bên, chúng tôi bắt tay thực hành, nguyên
là sau nhà vị bác sỹ này có những bụi cây rậm rạp mọc chen lấn vào giữa những
khe đá tảng. Công việc tuy không thuận tiện lắm, nhưng trong cái khó lại có
cái may, trong một tuần đầu đào khoét, chúng tôi đã tạo được một cái hang bán
thiên nhiên vào sân trong vách núi chừng 5 mét. Thế là cái hồ ở trong hang
hiện ra ngoài dự tính. Trên vách đá lộ ra những cái nhũ đá. Dựa vào hoàn cảnh
thiên nhiên ưu ái đó, chúng tôi đã xây dựng hòn non bộ ngay trong hang.

Và đến ngày bàn giao công trình, tuy lời lãi chẳng là bao vì gặp phải cái job
hóc búa nhưng đôi bên thợ và chủ đều vui vẻ. Sau khi thả cá và cho nước chảy
thì vợ chồng ông John có tặng thưởng cho anh em chúng tôi mỗi người một bao
thơ, ngoài số tiền thưởng khích lệ. Chúng tôi còn nhận được một lá thơ nhỏ có
nội dung tóm tắt như sau: "Gửi những người bạn thợ xây VN thân mến.

"Chúng tôi vui mừng đón nhận cảnh quan tuyệt vời, một tác phẩm Đông Phương
thực sự mà trước đây chúng tôi chỉ được xem qua sách báo và tranh ảnh. Tôi sẽ
giới thiệu với bạn bè người Úc về thành quả tuyệt vời này".

Thực sự mà nói thì trên nước Úc này tuy có nhiều phong cảnh nhưng cũng không
thể có cảnh thơ mộng trữ tình như núi non đặc thù của Việt Nam, chẳng hạn như
vịnh Hạ Long, nơi mà đã được Ủy Ban Bảo Vệ Kỳ Quan Thế Giới coi là một trong
những danh lam thắng cảnh tuyệt vời trên hành tình chúng ta. Do đó trong tâm
khảm của hàng triệu người Việt Nam hải ngoại, nhất là trong số những vị trung
niên,cao niên luôn hình dung, nhớ đến quê hương với cảnh bụi tre khóm chuối
nơi những lòng sông, ghềnh thác trên thượng nguồn hai bên là những vách đá cao
hùng vĩ và thoai thoải với những bãi phù sa màu mỡ bạt ngàn của vùng hạ lưu.

Tuy nhiên ở thôn quê hay thành thị thì tùy theo hoàn cảnh và sự đáp ứng của
thiên nhiên. Cứ trong số 20% các cụ, các bác người Việt Nam ở quê nhà thì thảy
đều có một vài hòn non bộ bên vài chậu cây cảnh thể hiện nếp sống duyên dáng
Việt Nam.

Trở lại thực tại thì giờ đây tôi càng thấy yêu nghề chế tác non bộ. Có những
ngày mưa gió tôi đã căng tấm ny lông lên và cặm cụi say mê với tâm huyết để
chắp ghép những hòn đá hoa xanh để tạo nên những hòn non bộ trong những bồn
cảnh nho nhỏ mà mãi mãi đến lúc trời xẩm tối mới biết là mình đã quên ăn bữa
trưa.

Cách nay một tháng, có một ông khách hàng đến mua non bộ, và thật là tâm đắc,
ông tên là Hiến hơn tôi chừng dăm tuổi ở vùng Bankstown. Thấy anh Hiến nhiệt
tình nên tôi tình nguyện đưa hàng đến tận nhà anh. Qua trò chuyện, chúng tôi
cảm thấy tâm đầu ý hợp. Trong nhà anh Hiến có biết bao là tranh ảnh còn lưu
niệm mang từ Việt Nam qua. Anh vui vẻ nói với tôi:

- Mỗi lần tôi về nước là hai vợ chồng lại vác sang biết bao là thứ lỉnh kỉnh,
nhưng có cái thích nhất thì lại không mang được vì nó nặng quá, đó là hòn non
bộ.

Rồi anh vui vẻ giới thiệu cho tôi đủ các thứ chùa chiền, cho đến những ông ngư
phủ nhỏ xíu bằng sứ.

Sau khi đặt hòn non bộ mới mua về vào cạnh tường giữa phòng khách và ngắm
nghía mãi rồi anh Hiến mới đưa tôi ra về. Chúng tôi đã trao đổi với nhau về
mọi lãnh vực. Có đoạn anh Hiến tâm đắc:

- Tôi nói thực với anh Tâm đó, ở đất nước này mình có cuộc sống tự do, nhà có,
xe có, nói tóm lại là đầy đủ tất cả. Nhưng cái tôi muốn là làm sao tạo dựng
được cái gì tuy đơn giản nhưng nó có tính cách và ý nghĩa hướng về cội nguồn.
Nên tôi có ý định tạo dựng một cảnh Vịnh Hạ Long nho nhỏ mặc dù chỉ tượng
trưng cho một góc độ nho nhỏ mà thôi.

Anh Hiến vừa lái xe vừa nói tiếp:

- Tuy sống ở Úc nhưng tâm hồn tôi luôn luôn hướng về quê hương VN, nhớ lại
những vườn cây hồ cá, những hòn đá dựng bên cổng đình chùa miền quê xa xưa...

Còn gì vui bằng khi có người khách hàng cùng tâm trạng với mình, rất sâu sắc
về những đặc trưng của quê hương. Sau khi chia tay tôi đã hứa mua giúp anh cái
máy cắt đá cũng như hứa trao đổi với anh phương thức chế tác để anh thực hiện
ước mong đơn giản nhưng lại ẩn ý sâu xa mà anh đã hằng mong muốn từ lâu.

Thế rồi tuần trước tôi lại hân hạnh được đến thăm anh chị Hiến lần nữa. Khi
vào phòng khách trước nhà, tôi thật ngỡ ngàng, anh Hiến đã hoàn thành một đĩa
cảnh. Với bàn tay khéo léo chắp nối, anh Hiến đã dựng được một góc nhỏ của
vịnh Hạ Long. Thật không ngờ niềm vui và hình ảnh quê hương VN thân thương lại
rào rạt sống động lên trong tâm tư của tôi.

Anh Hiến vui vẻ rót bia mời tôi, chúng tôi bàn luận sôi nổi về từng chi tiết
nho nhỏ, từng khía cạnh của những viên đá sao cho gần giống với cảnh thực của
các hòn đảo ngoài vịnh Bắc Bộ. Và cứ thế chúng tôi vui vẻ đi từ cảnh này đến
cảnh kia của chiều dài đất nước VN mà quên đi rằng mình đang ở Bankstown...

Tôi còn nhớ hai dịp tết Nguyên Đán năm 2000 và 2001, chúng tôi đã xây hoàn
thành 2 tác phẩm, xin được gọi là "tác phẩm" vì cái hòn non bộ xây cho gia
đình anh chị Tịnh Linh ở vùng Canley Heights này nó quá đồ sộ, với khoảng 20
tấn đá hoa xanh được ngự trị trong một cái bồn hình bầu dục có diện tích chừng
25mét vuông. Chiều cao của hòn non bộ chừng 4 mét. Vì mức độ quá to cao nên
ông chủ nhà cũng nhiệt tình khiêng đá giúp chúng tôi.

Cái thứ hai ở vùng Mt.Prichard cho một gia đình thương gia người Việt Nam cũng
không kém phần đồ sộ. Nói chung đều chiều theo ý của gia chủ mà khánh thành
vào đúng ngày mồng Một tết. Gia chủ làm bữa tiệc khao chúng tôi tại nhà. Bà
chủ nhà đã nói đùa một câu mang tính chất dí dỏm:

- Anh Tâm ạ, biết thế tôi không xuất tiền cho ông xã làm hòn non bộ đâu. Bây
giờ cứ mỗi buổi chiều về nhà là ổng ra ngắm non bộ đến khuya cũng không vào
ngủ.

Nói rồi bà chủ nguýt yêu ông chồng một cái. Tóm lại trên đất khách quê người
này, tuy là người Việt Nam cũng đông đồng hương, đồng cảnh cũng có, nhưng vì
bận rộn với cuộc sống với những đặc điểm của từng cá biệt. Do đó tình người,
tình bạn mà chúng ta đã dành cho nhau phút chốc chỉ được thăm hỏi ngắn gọn qua
đường giây điện thoại mà đôi khi hàng dăm bảy tháng một năm mới mới dịp thăm
nhau.

Viết đến đây thì tôi lại thấy nỗi buồn trào dâng lên trong tâm tư của mình.
Tuy nhiên trong cuộc sống viễn xứ này, mọi người đều mất mát và đều có cái bù
đắp. Riêng tôi, mỗi lần được gọi đến khảo giá và xây dựng một hòn non bộ cho
một gia đình người Việt mình tại Úc này, tôi lại thấy thêm một niềm hạnh phúc,
vì tôi sắp sửa dựng thêm một hòn non bộ gợi nhớ quê hương.

Tâm Nguyên - Horsley Park

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.