Hôm nay,  

Báo Trong Nước Bắt Đầu Chống Quốc Doanh Độc Quyền

26/07/199900:00:00(Xem: 5127)
LTS. Dưới tựa đề “Độc quyền kinh doanh đẻ ra tiêu cực - Quốc hội cần sớm ban hành Luật chống độc quyền,” một tờ báo trong nước vừa mở màn trận đánh chống quốc doanh độc quyền. Độc quyền cũng như độc đảng từ lâu là căn bản của chế độ Cộng sản, thường được coi là điều cấm kị không được đụng tới. Do đó, sự xuất hiện của bài viết chống độc quyền trên báo chí Việt Nam là sự kiện đặc biệt. Mặc dù bài báo chỉ mới đụng sơ sơ có hai tổng công ty điện thoại và điện lực, nhưng đã đủ gợi ý cho người đọc về nạn độc quyền trên mọi lãnh vực khác, từ độc quyền làm báo, độc quyền ứng cử tới độc quyền cai trị.
Một ghi chú thêm: bài viết đặc biệt này, khi được phổ biến trên báo không thấy ký tên tác giả. Sau đây là nguyên văn bài viết:
Độc quyền là sự làm chủ tuyệt đối một loại hàng hoá hoặc dịch vụ nào đó trong một thị trường nhất định, kiểm soát và xác định giá cả, loại bỏ bất cứ sự cạnh tranh nào.
Cạnh tranh là sản phẩm của nền sản xuất hàng hoá. Nó có mặt nào đó ác liệt và tàn nhẫn, dù dưới chủ nghĩa tư bản hay dưới chủ nghĩa xã hội. Chỉ những ai nắm bắt được nhu cầu thị trường, biết cách tổ chức kinh doanh một cách năng động, đáp ứng kịp thời những đòi hỏi của thị trường mới có lãi và tồn tại, nếu không sẽ bị phá sản. Một khi đã chấp nhận cơ chế thị trường thì phải chấp nhận mọi rủi ro bất trắc, chấp nhận thắng thua. Đó là qui luật tất yếu của cạnh tranh. Vì thế cạnh tranh là vấn đề kinh tế, thậm chí thuần tuý là vấn đề kinh tế-kỹ thuật. Sự lựa chọn, sự cạnh tranh là điều kiện khách quan, nếu không tuân thủ nó thì không có một hệ thống kinh tế nào có sức sống mãnh liệt hoặc ít nhất cũng không có hiệu quả được.
Dưới chủ nghĩa tư bản, cạnh tranh tạo ra độc quyền của một số ít công ty, làm phá sản một số công ty khác có ưu thế hơn. Nhưng đó là chủ nghĩa tư bản của thế kỷ 18, khi học thuyết tự do (liberalisme) ra đời mà nội dung cơ bản là tự do thương mại không có sự can thiệp của Nhà nước. Cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, trong lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa tư bản đã có sự bổ sung, điều chỉnh và ra đời học thuyết tự do mới (néo-libéralisme) mà nội dung chủ yếu là chủ trương thực hiện nền kinh tế thị trường có sự can thiệp của Nhà nước. Mục đích của sự can thiệp đó là bảo đảm cho thị trường có cạnh tranh.
Hiện nay trong nền kinh tế nước ta đã có hiện tượng độc quyền và trong một số ngành tính độc quyền kéo dài và có tác động tiêu cực, thậm chí khó nhìn thấy đối với nền kinh tế và cả xã hội.
Nền kinh tế nước ta thực hiện cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước đã được hơn 10 năm, chưa có tình trạng cá lớn nuốt cá bé và sự độc quyền được hình thành một cách khác so với các nước công nghiệp phát triển phương Tây. Có những ngành được Nhà nước thành lập, tạo đầy đủ điều kiện vật chất, tài chính và cơ sở pháp lý để kinh doanh (ngành điện, bưu chính viễn thông. ..), giá cả được Uỷ ban vật giá Nhà nước (nay là Ban vật giá Chính phủ duyệt).
Những ngành kinh doanh độc quyền nói trên, trên thực tế trước nay không có đối thủ cạnh tranh. Giá cả mà các doanh nghiệp đó đưa ra không phải là giá cả hình thành một cách khách quan theo qui luật của thị trường có cạnh tranh mà do chủ quan các doanh nghiệp ấn định và đề nghị Nhà nước duyệt. Có gì bảo đảm chắc chắn rằng giá của các doanh nghiệp đó hoàn toàn đúng đắn, không phương hại đến lợi ích người tiêu dùng và các ngành sản xuất khác, gồm hàng triệu hộ kinh doanh và hàng chục triệu hộ dân cư"

Tổ chức kinh doanh của ngành bưu chính viễn thông có tên là Tổng công ty bưu chính viễn thông. Mọi người thừa nhận sự trưởng thành nhanh chóng và hiện đại hoá các loại dịch vụ của ngành này. Tuy nhiên về giá cả thì còn rất nhiều vấn đề cần phải xem xét. Trong một thời gian dài giá cước điện thoại quốc tế (và các loại giao dịch quốc tế khác) ở Việt Nam là quá cao so với các nước khác trên thế giới. Cước điện thoại gọi từ Việt Nam đến các nước khác thường cao hơn nhiều so với chiều ngược lại. Chẳng hạn giá cước điện thoại (phút đầu tiên) từ Việt Nam đi Mỹ cao hơn 2,14 lần so với cước từ Mỹ đến Việt Nam (3, 9 cent so với 1,82 cent). Giá từ Việt Nam đi Hồng Kông cao hơn 2,03 lần so với từ Hồng Kông gọi đến Việt Nam, (3,1 cent so với 1,52 cent)... Giá cước cao đó ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của người Việt Nam và những người đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Tổng công ty bưu chính viễn thông đã công bố hạ giá cước viễn thông quốc tế, nhưng liệu mức mà Tcty đề nghị đã thật hợp lý chưa.
Gần đây, dư luận có ý kiến về việc thay đổi cước phí điện thoại, hạ giá thuê bao điện thoại nhưng tiền điện thoại được tính theo số phút sử dụng, cách làm đó suy cho cùng, có lợi cho Tcty bưu chính viễn thông và tất nhiên ảnh hưởng đến người sử dụng điện thoại mà hiện nay là một nhu cầu không thể thiếu được trong mọi tầng lớn dân cư. Điều đáng quan tâm hơn nữa là việc tăng giá cước tem thư từ 400 đ lên 1.000 đ, nghĩa là tăng 250%. ở các nước khác việc tăng giá vài phần trăm các nhu yếu phẩm và dịch vụ cần thiết cũng gây phản ứng không nhỏ trong quần chúng nhân dân. ở Việt Nam tăng một lúc cước tem thư lên 2,5 lần làm ảnh hưởng đến quảng đại quần chúng, đặc biệt là các tầng lớp dân cư nghèo. Các cơ quan thông tin đại chúng đã phản ánh nhiều về phản ứng của quần chúng, và Chính phủ chưa thể phê duyệt vì xét thấy đi ngược chủ trương kích cầu tiêu dùng hiện nay.
Đối với ngành điện lực có tổ chức kinh doanh là Tcty điện lực Việt Nam (EVN), từ nhiều năm nay đã tăng giá điện, sau đây xin nhắc lại những số liệu để so sánh.
Năm 1995 giá thành sản xuất 1 KWh là 392 đ, EVN đề nghị giá bán tăng từ 500 lên 550 đ/KWh. Năm 1997 EVN đề nghị tăng lên 680 đ/KWh. Năm 1999 một lần nữa đề nghị tăng giá bán điện từ 1/7/99 nhưng chưa được Chính phủ phê duyệt.
Một đặc điểm cần lưu ý là tỷ trọng sản lượng điện từ thuỷ điện trong tổng sản lượng điện tăng dần qua các năm và hiện nay chiếm hơn 50% tổng sản lượng điện của nước ta (giá thuỷ điện chỉ bằng 70% giá nhiệt điện than và bằng 63% giá nhiệt điện dầu). Việc tăng dần tỷ giá trong thuỷ điện, theo logíc thông thường là điều kiện thuận lợi cho việc hạ giá điện.
Điện lực là một yếu tố quan trọng của cơ sở hạ tầng của nền kinh tế và xã hội. Không một ngành sản xuất dịch vụ nào là không dùng điện, chỉ khác nhau ở mức tiêu thụ. 80% dân số Việt Nam sống ở nông thôn, và người nông dân cũng rất cần điện cho tưới tiêu, xay xát, chế biến nông sản và cho cả sinh hoạt. Với thu nhập hiện nay của người dân việc tăng giá điện sẽ ảnh hưởng nhiều đến đời sống và hoạt động sản xuất kinh doanh.
Câu chuyện tuy nhỏ nhưng cũng cần nêu để nói lên khía cạnh văn hoá trong kinh doanh của ngành điện lực. Khách hàng sử dụng điện còn lâu mới được xem là “thượng đế”. Ngành điện cắt điện bất cứ lúc nào mà không cần báo trước, nhưng người dùng điện trả tiền không đúng hạn thì bị cắt điện ngay. Mỗi gia đình có một công tơ điện. Về nguyên tắc người sử dụng có quyền biết số điện năng mà mình sử dụng, nhưng ngành điện đã chuyển các công tơ từ bức tường của mỗi gia đình treo cao lên các cột điện, thì người sử dụng điện đành chịu, chỉ biết xem biên lai thu tiền điện và trả tiền. Thử hỏi trên thế giới, ngoài Việt Nam có nước nào treo các công tơ điện trên các cột điện ngoài đường"
Trên đây là chỉ nêu hai ngành là ví dụ, còn một số ngành kinh doanh khác cũng mang tính độc quyền.
Chúng ta chấp nhận cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước thì chấp nhận cạnh tranh và như vậy phải loại bỏ sự độc quyền. Độc quyền sinh ra trì trệ và độc quyền tuyệt đối sinh ra trì trệ tuyệt đối.
Nhà nước, cụ thể là Quốc hội cần sớm ban hành Luật chống độc quyền, bảo đảm, tạo điều kiện và khuyến khích cạnh tranh nhằm nâng cao tính năng động và tạo hiệu quả cao trong nền kinh tế.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.