Hôm nay,  

Câu Chuyện Của Nữ Trung Sĩ Ngô Thị Hồng Phượng

09/06/200000:00:00(Xem: 7429)
Lời Tòa Soạn: Tết Mậu Thân 1968, cộng quân đã bất chấp lệnh ngưng bắn, bất chấp truyền thống của dân tộc Việt Nam, ngang nhiên tung quân tấn công một loạt thành phố tỉnh lỵ trên toàn cõi Miền Nam. Những tưởng với yếu tố bất ngờ, với sự án binh bất động của nhiều đơn vị chủ lực của Mỹ, cộng quân sẽ có dịp làm mưa làm gió, chiếm đóng được Miền Nam. Thực tế, trái ngược với dự tính của CS, Tết Mậu Thân 1968 là thời điểm cộng quân bị tổn thất nhiều nhất trong một thời gian ngắn kỷ lục, và đó cũng là thời điểm giúp người Miền Nam nhìn rõ bộ mặt thật của những người cộng sản đội lốt "giải phóng". Đặc biệt, trong những ngày tháng nước sôi lửa bỏng của Xuân 1968, nhiều chiến sĩ quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã cống hiến công sức, xương máu, lập nên nhiều chiến công hiển hách, khiến kẻ địch phải giật mình kinh hoàng. Trong số những chiến công hiển hách đó, có nhiều chiến công, đã không hề được nhắc đến, nhiều chiến sĩ đã ngã xuống âm thầm không một ai biết đến công trạng, nhiều tên tuổi tuy tạo ác mộng cho cộng quân suốt bao nhiêu năm, nhưng hầu như bị chìm vô quên lãng. Một trong những tấm gương hiển hách, từng tạo ác mộng cho cộng quân dịp Tết Mậu Thân 1968 là nữ trung sĩ Ngô Thị Hồng Phượng, người hiện đang định cư tại Villawood, NSW. Để tưởng nhớ tới người lính VNCH nhân dịp kỷ niệm ngày 19 tháng 6, sau đây, Sàigòn Times trân trọng giới thiệu cùng qúy độc giả chiến công ngoại hạng của nữ trung sĩ Ngô Thị Hồng Phượng cách đây 32 năm.


Đêm mồng một tết Mậu Thân, Phượng được phân công trực tại đại đội hành chánh tiếp vận 350 của cô ở Sóc Trăng trong khi đơn vị trưởng và đa số binh sĩ đều về nhà đón xuân với gia đình. Giữa lúc đang nô đùa cùng trẻ em trong làng nhân dịp đầu xuân, Phượng bỗng nghe tiếng súng nổ râm ran khắp nơi. Lập tức Phượng vội vàng quay trở lại đơn vị. Đằng sau căn cứ của đại đội 350 là hậu cứ của tiểu đoàn 67 an ninh phi trường, bên trái là trại an ninh quân đội, phía trước mặt căn cứ đại đội 350 là nơi đóng quân của trung đoàn 31 thuộc sư đoàn 21 bộ binh và liên đoàn 41 Biệt động quân. Phía bên trái là khu nghĩa địa chạy dài tiếp giáp với hàng rào của phi trường Sóc Trăng. Nhiều binh sĩ hành chánh trong hậu cứ của tiểu đoàn 67 và đại đội 350 là lính kiểng, là con em của những gia đình giàu có gửi gắm để khỏi phải ra trận, do đó có nhiều người chẳng hề biết sử dụng vũ khí.

Trong khi băng bó cho các binh sĩ bị thương, Phượng được nhiều người trong khu gia binh chạy về báo là Việt cộng đang tấn công vào hậu cứ của tiểu đoàn 67. Trong cơn nguy cấp giữa một đám binh sĩ chẳng hề có kinh nghiệm chiến đấu, và đám thân nhân của gia đình các binh sĩ đang kêu khóc vì hoảng sợ, Phượng cảm thấy mình có trách nhiệm nặng nề và phải làm một điều gì đó để cứu vãn tình hình. Lập tức cô nữ quân nhân thường ngày chỉ làm công việc hành chánh lo vấn đề lương bổng và tiếp liệu cho quân đội, bỗng thấy mình trở thành một viên chỉ huy tác chiến cương quyết. Phượng ra lệnh mở kho đạn và trang bị vũ khí cho tất cả binh sĩ có mặt, cấp tốc chỉ dẫn cách sử dụng vũ khí cho các binh sĩ hành chánh và bố trí hai người vào một lô cốt. Sau khi dùng loa kêu gọi các gia đình binh sĩ trong khu gia binh của tiểu đoàn 67 tập trung về vị trí an toàn trong căn cứ của đại đội 350, Phương ra lệnh cho hai cây trung liên từ hai phía trái và phải của đơn vị bắn ác liệt vào cộng quân đang tìm cách tấn công vào căn cứ của đại đội 350 từ phía hậu cứ tiểu đoàn 67 và từ phía nghĩa địa. Phượng cũng chẳng hiểu tại sao lúc đó tất cả các binh sĩ hiện diện đều răm rắp chấp hành mọi điều động của cô, coi cô là một chỉ huy thực sự của họ.

Vừa trấn an các binh sĩ đang run sợ vì đụng trận lần đầu tiên trong đời, Phượng vừa phải chạy như con thoi từ giao thông hào này qua giao thông hào khác để trông coi việc cung cấp đạn dược vừa động viên tinh thần của anh em binh sĩ. Khi phát hiện thấy nhiều cộng quân từ phía nghĩa địa đã tiến sát đến giao thông hào của đơn vị, đích thân Phượng đã dùng lựu đạn ném liên tục về phía cộng quân cho đến khi không thấy chúng tràn lên nữa. Trong khi đó các đơn vị bạn chung quanh đều phải đương đầu với các cuộc tấn công của cộng quân và hầu như không đơn vị nào tiếp cứu được đơn vị nào. Vì thế, mọi chiến sĩ có mặt bên cạnh Phượng đều coi Phượng là chỉ huy của các binh sĩ thuộc hậu cứ tiểu đoàn 67 và đại đội 350. Một lúc sau thiếu úy Nguyễn Gia H. gọi máy truyền tin yêu cầu gặp Phượng và bảo cô gọi xin phi pháo. Tuy nhiên trong tình trạng chiến đấu căng thẳng Phượng cho biết cô không có bản đồ và đã quên mất cách chấm tọa độ như thế nào. Cuối cùng chính thiếu úy H. đã đích thân gọi xin phi cơ yểm trợ để chia lửa với Phượng.

Khi các binh sĩ trong các giao thông hào đã lên tinh thần và cầm chân được cộng quân, Phượng lại phải chạy vào hầm trú ẩn để an ủi vợ con của các binh sĩ trong khu gia binh đang kêu khóc như ri vì sợ hãi. Kế đó, Phượng còn phải chạy xuống câu lạc bộ đang bốc cháy ngùn ngụt để tìm sữa cho những em bé đang kêu khóc vì đói. Khi bọn cộng quân đặt chất nổ phá hủy kho đạn của đơn vị, cũng Phượng là người duy nhất quyết định phải chạy vào cứu càng nhiều đạn dược càng tốt mặc dầu nhiều binh sĩ nhất mực ngăn cản cô. Cuộc chiến đấu bắt đầu lúc 1 giờ đêm mồng một tết cho đến rạng sáng ngày mồng hai thì tiếng súng giao tranh bắt đầu tạm lắng dịu và các đơn vị của tiểu đoàn 67, an ninh quân đội, thiết giáp và biệt động quân cũng đã làm chủ được tình hình và bắt tay được với nhau trong khu vực.

Trong khi thiếu úy H. vui mừng được gặp lại Phượng bình an vô sự và các binh sĩ của các đơn vị bạn vui vẻ chúc mừng thắng lợi của nhau thì bọn tàn quân Việt cộng trên một cao ốc gần phi trường tìm cách bắn lén vào phía các chiến sĩ của tiểu đoàn 67. Phượng đã cùng các chiến sĩ của tiểu đoàn này dùng M-79 bắn thẳng vào cao ốc bọn chúng đang trú ẩn và sau đó dũng cảm theo chân các binh sĩ này vừa bắn vừa tiến lên các cầu thang tái chiếm cao ốc, bắt giữ được ba tên Việt cộng cùng đường đang chui trốn dưới một chiếc bàn ăn. Khi bị bắt giữ ba tên này còn nhai trong miệng những miếng bánh chưng, bánh tét mà chúng vơ vét được của đồng bào trong đêm.

Khi nghe cộng quân vẫn còn chiếm giữ rạp hát lớn nhất tỉnh Sóc Trăng là rạp Hòa An và từ đó bắn vào các chiến sĩ quân lực VNCH, thiếu úy Nguyễn Gia H. đã mang đơn vị của anh đến giải tỏa. Phượng cũng hào hứng muốn theo chân đoàn quân, tuy nhiên lo ngại cho sự an nguy của Phượng, thiếu úy H. đã giao Phượng lại cho bố mẹ của anh quản lý. Nghĩ đến các chiến sĩ đang xung trận tại rạp hát Hòa An, Phượng ngồi không yên và tìm cách để đi đến đó bằng cách mang trên người càng nhiều thức ăn càng tốt cho các chiến sĩ của tiểu đoàn 67. Trên đường đi, vì mặc quân phục, Phượng đã bị bọn tàn quân Việt cộng nhắm bắn nhưng may mắn cô đã đến rạp hát Hòa An bình yên vô sự và tiếp tục chạy giữa làn đạn để đưa thức ăn đến cho từng chiến sĩ đang tìm cách đánh bật bọn cộng quân ra khỏi rạp hát Hòa An.

Đến 5 giờ chiều ngày mồng hai, phần lớn cộng quân đột nhập vào tỉnh lỵ Sóc Trăng đã bị tiêu diệt trong khi bọn tàn quân may mắn sống sót đã rút hết ra khỏi các tiểu khu và thị trấn. Khi đi thu dọn chiến trường Phượng và các binh sĩ dưới quyền chỉ huy của nàng trong đêm đã ngạc nhiên và vui sướng khi nhận ra 30 tên cộng quân đã bỏ xác tại trận ngay phía sau căn cứ của đại đội 350 và phía nghĩa địa, nơi Phượng đã ra lệnh cho hai cây trung liên bắn liên tục cũng như chính bản thân cô đã ném nhiều trái lựu đạn về phía cộng quân. Trong khi phía đơn vị của cô, chẳng có một binh sĩ nào hy sinh ngoại trừ một số binh sĩ của tiểu đoàn 67 bị những tên Việt cộng nằm vùng giả dạng làm người quen vào doanh trại chơi và đâm lén. Đa số những tên cán binh nằm chết phơi thây trước giao thông hào của đại đội 350 đều là những thanh niên còn rất trẻ, nhiều tên chỉ mặc độc có một chiếc quần xà lỏn và trong túi chỉ có một dúm thuốc rê với chiếc hộp quẹt dầu hôi rẻ tiền.

Là con gái cưng của một gia đình đại điền chủ miền nam theo Phật giáo, tuy nhiên Phượng đã được gia đình gửi vào học nội trú một trường dòng Thiên Chúa Giáo ở Sài gòn, theo truyền thống của những gia đình giàu có ở miền nam vào thời ấy. Cuối tuần khi được bà ngoại đón về quê ở Chương thiện chơi, Phượng thường được gặp những anh lính Cộng hòa, trên đường hành quân, ghé qua làng dừng chân trong giây lát. Hình ảnh những người trai thời loạn, xếp bút nghiên lên đường chiến đấu bảo vệ quê hương đã khiến Phượng hết lòng khâm phục, và hình ảnh những chàng trai hiên ngang trong những bộ quân phục hào hùng đã trở thành thần tượng in sâu vào tâm hồn của cô bé học trò.

Sinh năm 1950, năm 1966 Phượng vừa tròn 16 tuổi và đang học lớp đệ tam trường dòng. Không còn đủ kiên nhẫn để chờ đợi cho đến khi đủ tuổi gia nhập quân đội Phượng đã khai gian thêm cho mình hai tuổi và may mắn được nhận vào học trường đào tạo nữ quân nhân của quân lực VNCH ở Phú Thọ. Xuất thân từ một gia đình có truyền thống võ thuật, ngay từ khi còn nhỏ, Phượng đã là một cô bé hiếu động, can đảm và cương trực. Sau 3 tháng huấn luyện trong quân trường, do thành tích học tập xuất sắc, Phượng được cấp trên đề nghị giữ lại trung tâm làm huấn luyện viên. Nhưng cô nữ quân nhân trẻ tuổi từ chối vì chỉ muốn nhanh chóng được phân công về phục vụ tại các đơn vị, để có thể tận hưởng hương vị cuộc đời thật sự của một người lính.

Kết thúc khóa 1 đào tạo hành chánh tài chính, Phượng được phân công về làm việc tại đại đội hành chánh tiếp vận 350 đóng tại Ba Xuyên, trước gọi là tỉnh Sóc Trăng, chuyên trách việc phát lương cho binh sĩ và làm thủ tục hành chánh cho các gia đình thân nhân tử sĩ, quản lý việc phân phối quân nhu và quân dụng cho các đơn vị đóng trong tiểu khu. Ngày đầu tiên đến nhận nhiệm sở là một ngày không vui cho Phượng vì cô đã phải đối diện ngay lập tức với hành vi khả ố của viên sĩ quan chỉ huy là đại úy Hà Văn Liêu. Theo điều luật của quân đội, nữ quân nhân không được bỏ bất cứ vật dụng gì vào túi áo ngực và Phượng nghiêm chỉnh chấp hành. Tuy nhiên đại úy Liêu vẫn cứ một mực khẳng định rằng Phượng có cất giữ vật gì trong túi áo và quyết định khám xét túi áo ngực của cô. Thật ra viên sĩ quan này chỉ muợn cớ kiểm tra tác phong quân nhân để thực hiện những hành vi khả ố xách nhiễu tình dục. Ngay khi nhận biết được hành vi khả ố của viên sĩ quan, Phượng không nén được tức giận, đã vung tay đấm một cú đấm trời giáng vô mặt viên đại úy.

Cú đấm của một cô gái 16 tuổi đã được huấn luyện võ thuật ngay từ nhỏ khiến viên đại úy lãnh đủ. Một dòng máu chảy dài từ mũi và một bài học nhớ đời cho tay sĩ quan có máu ba lăm. Tuy nhiên sự kiện đáng tiếc nói trên cũng là một cái cớ để đại úy Liêu luôn tìm mọi cách thi hành kỷ luật Phượng về sau và khiến cho người nữ quân nhân trẻ tuổi, có khả năng và nhiệt tình phải mang biệt danh là "trung sĩ muôn năm" vì chẳng bao giờ có khả năng được đề bạt thăng tiến trong con đường binh nghiệp. Thay vì đối xử công bằng với Phượng, đại úy Liêu đã luôn luôn o ép cô nữ quân nhân thuộc cấp và từ chối không cho Phượng được nghỉ phép thường niên theo đúng tiêu chuẩn. Sau nhiều lần xin không được, vì tuổi trẻ cạn nghĩ và bồng bột Phương tự ý bỏ về Sài gòn và bị đại úy Liêu báo cáo đào ngũ. Khi quay trở lại đơn vị Phượng bị kỷ luật đưa đến tái huấn luyện tại một trung tâm dành cho lính ba gai trong quân đội.

Cũng trong thời gian làm việc tại tiểu khu Ba Xuyên, Phượng quen với một sĩ quan trẻ thuộc tiểu đoàn 67 bảo vệ an ninh phi trường Sóc Trăng đóng kế cận với đơn vị của cô. Sau khi đi học một khóa huấn luyện chống du kích ở Mã lai á về, viên thiếu úy trẻ Nguyễn Gia H. tối nào cũng chỉ huy đơn vị của mình tổ chức những cuộc hành quân bảo vệ vòng đai an ninh của phi trường Sóc Trăng nhằm chống lại những âm mưu và hoạt động phá hoại của bọn du kích Việt cộng. Vốn ham mê những hoạt động phiêu lưu, nguy hiểm, nhiều lần Phượng trút bỏ bộ quân phục nữ quân nhân và mặc vào bộ quân phục tác chiến theo viên sĩ quan trẻ tiến hành những cuộc hành quân truy lùng bọn du kích cộng sản. Chính trong những cuộc hành quân này, Phượng đã được thiếu úy H. hướng dẫn cách sử dụng vũ khí, cách chỉ huy hành quân, kể cả cách dùng bản đồ chấm tọa độ và gọi phi pháo. Tuy nhiên những chuyến đi hành quân như thế đã khiến cho Phượng gặp rắc rối rất nhiều với thượng cấp vì cô đã vi phạm kỷ luật quân đội khi rời bỏ đơn vị của mình để làm những việc không được cấp trên đồng ý. Đền bù lại tình yêu đã nảy nở giữa cô nữ quân nhân gan dạ và viên sĩ quan tình báo trẻ tài ba, và họ đã nên vợ thành chồng sau biến cố Tết Mậu Thân năm 1968.

Sau năm 1968 Phượng được thuyên chuyển về phục vụ tại sư đoàn 21 bộ binh dưới quyền chỉ huy của tướng Nguyễn Vĩnh Nghi và sau đó lại về phục vụ tại trung đoàn 31 thuộc sư đoàn này. Năm 1973 Phương xin giải ngũ và từ đó hạnh phúc với cuộc đời làm vợ và làm mẹ, trong khi chồng là thiếu úy Nguyễn Gia H., lúc này đã là đại úy phân chi khu trưởng tại Ba Xuyên.

Khi cộng quân tiến vào Sài gòn ngày 30.4.1975 và sau đó tiến chiếm các tỉnh lỵ khác thuộc đồng bằng sông Cửu Long, nhiều sĩ quan của quân lực VNCH đã chọn cái chết oanh liệt ngay tại đơn vị chứ không chấp nhận đầu hàng cộng sản. Thiếu tá Nguyễn Gia H. phân chi khu trưởng thuộc tiểu khu Ba Xuyên cũng quyết định tử thủ với đơn vị của anh cho đến khi thất thế bị cộng quân bắt làm tù binh và mang đi biệt tích cho đến 10 năm sau. Trong ngôi nhà của mình, Phượng sống với ba đứa con thơ mà đứa lớn nhất là bé Hân chỉ mới có 7 tuổi và đứa nhỏ nhất mới có hai tuổi và hãi hùng đón nhận những tin tức kinh hoàng. Nhiều bà con xóm giềng đến nhà Phượng lánh nạn đã kể một đại úy tên Thơm đã bị những tên cán binh cộng sản xẻo thịt và xát muối ớt vào những vết thương để tra tấn. Cuối cùng chúng đã dùng lưỡi lê của tiểu liên AK-47 đâm viên đại úy một nhát từ sau lưng ra trước ngực ngã sấp chết tức tưởi ngay trước mặt vợ con.

Sáng sớm ngày 1.5.1975 một tiểu đội cộng quân trên một chiếc GMC cướp được của quân lực VNCH đổ xịch trước nhà của Phượng. Trong khi đám thuộc hạ bao vây chung quanh căn nhà, tên chỉ huy Dương Phước Tranh cùng với một số tên khác ập vào nhà và bắt Phượng trói ké lại và đẩy cô đứng sát vào tường trước cặp mắt kinh hoàng của ba đứa con thơ. Lăm lăm một cuốn sổ ghi tên những đối tượng gọi là có nợ máu với nhân dân trong tay, tên Tranh hạch hỏi Phượng nơi cất giấu vũ khí, điện đài và tài tiệu mật của chồng cô. Trước đó Phượng đã giấu vũ khí và máy truyền tin xuống chiếc ao cá đàng sau nhà. Một tay dí khẩu K-54 vào đầu Phượng, một tay dí sát cuốn sổ ghi danh sách nợ máu vào mặt Phượng, tên Tranh hằn học bảo: "Chính mi là mụ Phượng Mậu Thân. Chính mụ là nhân vật đầu sổ, cách mạng cần thanh toán nợ máu."

Cho đến lúc đó Phượng mới hiểu rằng thành tích chiến đấu của cô trong đêm mồng một tết Mậu Thân đã khiến bọn Việt cộng kiêng dè đến nỗi chúng đặt tên cô là "Phượng Mậu Thân" và cho cô vào sổ đen của bọn chúng.

Thấy đám Việt cộng đối xử thô bạo với mẹ, chú bé út mới có hai tuổi chạy lại ôm chân Phượng đang bị trói đứng sát chân tường trong khi chú bé thứ hai mếu máo van xin tên Tranh đừng giết chết mẹ nó. Tên Tranh nhảy xổ lại và nắm lấy đứa con trai út của Phương và ném lên nền nhà một cách hung bạo khiến đứa bé bị bể đầu gối máu chảy dầm dề. Đứa con trai thứ hai thấy vậy bèn nhảy vào ôm em liền bị tên Tranh đá túi bụi. Quá đau lòng, Phượng quên hẳn mình đang bị trói, lao đến lấy thân mình che chở cho hai con. Nổi cơn điên, tên Tranh nắm lấy Phượng và đẩy cô ngã chúi vào một góc tường khiến cả chiếc bình lọc nước bằng sành ngã theo. Một mảnh bình vỡ cắt đứt sợi dây trói tay Phượng và cắt đứt một phần cánh tay cô khiến máu phun có vòi. Xoay sang đứa con gái lớn là bé Hân tên Tranh thấy cô bé đang nhìn hắn một cách giận dữ liền tiến đến và hét lớn: "Mày thách thức tao hả"" rồi hắn tát bé Hân một cái rõ mạnh đến nỗi cả tuần sau dấu tay thô bạo của tên cộng sản ác ôn vẫn còn in lằn lên trên má của bé Hân. Tiếp đó tên Tranh vừa cười đểu vừa nói: "Tụi mày đừng lo không có ai nuôi. Sau khi tao cho mẹ mày về chầu trời tao sẽ cho cả chúng mày đi theo luôn".

Lúc đầu tên Tranh định để cho Phượng chảy máu đến chết, nhưng sau khi hàng xóm đang bu lại coi la ó phản đối và bảo tên Tranh rằng Phượng là một người tốt, phải đưa cô đi bệnh viện, tên Tranh mới hậm hực cho phép hàng xóm thuê xe lôi đưa Phượng đến bệnh viện. Tại bệnh viện chúng bảo cô là "ngụy quân có nợ máu" không được vào phòng cấp cứu và để mặc cho máu chảy đọng thành vũng ngay chỗ Phượng ngồi. Một lúc sau một bác sĩ được cộng sản tạm dùng đi qua, lập tức đưa Phượng vào phòng cấp cứu bất chấp sự phản đối của đám cộng quân. Sau khi nối lại dây thần kinh và băng bó tử tế, vị bác sĩ cho phép Phượng về nhà. Tại nhà, bọn tên Tranh tuyên bố tịch thu nhà của Phượng sau khi cho người mò tìm thấy súng mà Phượng ném xuống trước đó. Chúng cho phép mẹ con Phượng sống đêm cuối cùng trong ngôi nhà và sáng sau bọn chúng lại đến buộc bốn mẹ con ra đi chỉ được mặc một bộ áo quần trên người. Khi nhìn thấy trên tai của bé Hân có chiếc khoen nhỏ bằng vàng, một tên Việt cộng đã giật lấy khiến tai của bé Hân rách và chảy máu ròng ròng.

Hàng xóm ai cũng lấy làm thương cảm và mang thức ăn ra cho mấy mẹ con nhưng chẳng có ai dám để mẹ con Phượng vào nhà. Trước hoàn cảnh bi thương đó Phượng chẳng còn biết đi đâu hơn là đến chùa xin tá túc. Vài ngày sau bà ngoại của Phượng ở Chương Thiện hay tin liền về Sóc Trăng vào chùa gặp mấy mẹ con và thuê xe đưa cả nhà về lại ngôi nhà vừa bị tịch thu. Tại đây bà cụ yêu cầu được gặp bọn cộng sản chóp bu trong địa phương và cho chúng biết rằng năm 1945 gia đình bà đã cống hiến toàn bộ ruộng đất cho Việt Minh để kháng chiến chống Pháp, bản thân bà cũng từng là một cán bộ phụ nữ từng nuôi giấu những tên như Lê Duẩn, Lê Đức Thọ và bà sẽ ra tận trung ương để kiện tới cùng những ai muốn lấy nhà của con bà.

Bọn chính trị viên khu vực chống chế rằng Phượng có nhiều nợ máu với nhân dân, nhưng bà cụ bảo cho chúng biết Phượng chỉ là một nữ quân nhân chuyên phát lương và còn ba đứa con dại phải nuôi. Thấy bà cụ làm dữ và biết rằng bà từng có công với Việt Minh, bọn Việt cộng tại địa phương đành bị khuất phục và cho phép Phượng với mấy đứa con được vào tạm trú trong ngôi nhà của chính mình. Thật ra bà ngoại của Phượng là một phụ nữ yêu nước từng góp công góp của cho Việt Minh đánh Pháp, nhưng khi phát hiện ra bộ mặt thật của chúng bà cụ đã dứt khoát đoạn tuyệt với cộng sản và khuyến khích con cái tham gia quân lực VNCH. Chính bà cụ đã từng bảo cô rằng ăn cây nào phải rào cây ấy. Đã ăn cơm của quốc gia thì phải trung thành với quốc gia và kiên quyết chống cộng đến cùng.

Thời gian sau đó Phượng bị bắt đi học tập cải tạo dành cho hạ sĩ quan hai tuần, mặc dầu cô chỉ là lính văn phòng và đã giải ngũ từ năm 1973. Tiếp đến chính quyền địa phương hăm dọa, khủng bố tinh thần của cả mấy mẹ con và buộc cô phải đi lao động không công làm thủy lợi. Kể từ ngày 30.4.1975 cuộc sống của Phượng đã biến thành địa ngục trần gian. Nỗi lo lắng cho số phận của người chồng đã bị bắt đi biệt tích, nỗi lo lắng mấy đứa con còn trứng nước thơ ngây và những đòn đàn áp tinh thần dữ dội của cộng sản đã khiến cho thần kinh của Phượng luôn luôn trong tình trạng căng thẳng như một sợi dây đàn. Lúc nào Phượng cũng có cảm giác là sự hiểm nguy, sự chết chóc có thể xảy đến cho mẹ con nàng bất cứ lúc nào. Tình hình đó kéo dài khiến Phượng ngày càng suy kiệt về thể chất lẫn tinh thần. Cuối cùng không thể chịu đựng hơn được nữa bà ngoại Phượng đã giúp Phượng mang con trốn về Sài Gòn sống qua ngày. Năm 1984 Phượng vượt biên và đến định cư tại Úc.

32 năm sau sự kiện tết Mậu Thân năm 1968, người nữ quân nhân tên Ngô Thị Hồng Phượng 50 tuổi, lúc này sống tại Úc, đã trở thành một phụ nữ luống tuổi, tóc đã lấm chấm bạc và những nét nhăn hằn trên khóe mắt, bệnh hoạn sau nhiều năm bị khủng bố tinh thần. Tuy nhiên khi nói đến cuộc đời sôi động của một nữ quân nhân quân lực VNCH năm xưa, giọng nói của chị vẫn tràn trề một niềm tự hào vô bờ bến, khuôn mặt của chị bừng lên niềm hứng khởi kỳ lạ khi nhắc đến đồng đội và những sự kiện anh hùng của thời xa xưa. Tuy nhiên cho đến hiện nay giấc ngủ của chị vẫn thường xuyên bị làm rối loạn bởi những cơn ác mộng nặng nề. Hình ảnh tên Tranh dí khẩu K-54 vào đầu chị; hình ảnh đứa con út bị vỡ đầu gối máu me lênh láng; hình ảnh đứa con gái bị giật chiếc khoen đến rách lỗ tai vẫn tiếp tục làm chị hoảng sợ, kêu thét vùng vẫy trong những giấc mơ.

Chị cho biết khi nhìn khẩu súng trong tay tên Tranh, chị chỉ muốn chết một cách oanh liệt như gương của hai bà Trưng Trắc và Trưng Nhị, nhưng nhìn ba đứa con thơ, lòng yêu con đã khiến chị phải bấm bụng chịu nhục để sống vì chúng. Mặc dầu đã phải chịu đựng biết bao khổ ải và đau đớn về thể xác cũng như tinh thần, người nữ quân nhân năm xưa vẫn giữ tấm lòng yêu quân ngũ không hề phai nhạt. Khi được hỏi nguyện vọng cuối cùng của chị là gì, chị Phượng với một cặp mắt long lanh cảm xúc, cho biết, chị chỉ muốn khi mình nằm xuống sẽ được tẩm liệm trong bộ quân phục của nữ quân nhân quân lực VNCH và người ta sẽ đưa chị đến nơi an nghỉ cuối cùng trong một chiếc quan tài phủ lá cờ vàng ba sọc đỏ. Dưới bóng ngọn cờ oanh liệt đó chị Phượng đã sống những tháng năm đẹp nhất của cuộc đời, cuộc đời của một nữ quân nhân quân lực VNCH dũng cảm.

Hồng Phượng kể Lê Thảo Minh ghi, Villawood 26-5-2000

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
DB Rick Miller thuộc Đảng Cộng Hòa, đại diện khu vực Sugar Land, đã bị phản ứng gay gắt sau khi ông chụp mũ các đối thủ tranh ghế ông chỉ vì họ là người Mỹ gốc Á trong địa hạt đông ngưởi gốc Á.
Ai quyết tâm đi tìm chân lý và hướng thượng cuộc đời trong tinh thần – Tu là cõi phúc – đều hưởng được sự bình an trong tâm hồn, tức là hưởng được hạnh phúc, Thiên đàng, Niết bàn, Cõi phúc ở trần gian
nữ tài tử Julia Roberts và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ có chuyến đi đặc biệt thăm Việt Nam trước khi sang Malaysia dự chương trình "Leaders: Asia-Pacific"
ông có tập Thơ Lửa, cùng làm với Đoàn Văn Cừ, gồm những bài thơ đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp, do Cơ quan Kháng chiến Liên khu III xuất bản, được in ở Thái Nguyên năm 1948
James Nguyen Fernandes, 43 tuổi, bị buộc tội 6 vụ tấn công, gồm 2 tội tấn công cố ý sát hại, và 6 tội phạm tội liên quan súng, theo hồ sơ tòa án cho biết.
Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.
Khi chưa thấy ánh mặt trời, Tôi đã cảm nhận được muôn ngàn đau khổ, Của mẹ cha, Của bà con và của muôn triệu người dân gần xa trong nước, Lúc mẹ ôm bụng bầu chạy từ chỗ nầy sang chỗ khác,
Theo bản tin từ đài KUSI, Dân biểu Cộng Hòa Duncan D. Hunter cho biết ông sẽ nhận một tội sử dụng sai trái quỹ vận động khi ra tòa vào hôm Thứ Ba ngày 3 tháng 12/2019 trước Chánh án Thomas J. Whelan.
Mùa cháy rừng hiện nay nêu bật việc cần phải nhanh chóng đạt được các mục tiêu loại bỏ carbon đầy tham vọng của California, và bản báo cáo ‘Lộ Trình 2045’ đặt ra sơ đồ định hướng để đạt được mục tiêu đó
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Thứ Hai, 2 tháng 12, lên án các nhà Dân Chủ tại Hạ Viện về việc tổ chức điều trần luận tội trong khi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại London
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.