Hôm nay,  

Sự Thật, Tất Cả Sự Thật

01/04/200400:00:00(Xem: 4980)
Tổng Thống George W. Bush đã phải quay ngược lại một quyết định trước đây để chấp thuận cho bà Condoleezza Rice, cố vấn an ninh quốc gia, ra điều trần công khai dưới tuyên thệ trước Ủy ban 911, điều mà từ nhiều tháng qua ông nhất định chống đối. Sự quay chiều bất ngờ này cũng không phải là điều đáng ngạc nhiên, nếu xét theo những áp lực mỗi lúc một gia tăng, nhất là từ tuần qua khi "một tay trong" là ông Richard Clarke, nhân viên trong Hội đồng An ninh Quốc gia tự ý xin hồi hưu từ năm ngoái, đã ra trước Ủy ban điều trần về những thiếu sót của chính quyền trong việc ngăn chặn vụ khủng bố al-Qaeda đánh vào New York và Washington ngày 11-9-01. Ba ngày trước khi ra điều trần, Clarke đã cho xuất bản một cuốn sách bán chạy như tôm tươi nói về vấn đề chống khủng bố trong các đời Tổng Thống đã qua.
Phản ứng của chính phủ Bush đối với hành động của Clarke thật dữ dội, ào ạt và gắt gao. Từ Tổng Thống Bush, Phó Tổng Thống Cheney đến Bộ trưởng Quốc phòng Rumsfeld, Ngoại trưởng Powell, các phát ngôn nhân Bạch Cung cho đến các cấp lãnh đạo của đảng Cộng Hòa, và đặc biệt bà Cố vấn Rice đã lâm chiến để phản pháo, với mục đích trình bày trước công luận rằng lập luận của Clarke không đáng tin. Riêng bà Rice, nếu bà là một cố vấn an ninh có uy thế nhất và thân cận nhất bên Tổng Thống Bush, nay bà cũng lãnh ấn tiên phong trong trận đấu, mở ra hàng loạt những cuộc nói chuyện trên các đài TV lớn cũng như viết những bài "Quan diểm" trên báo Mỹ để phản bác lập luận của Clarke. Chưa bao giờ người ta thấy một chính phủ ra quân rầm rộ như vậy để tiến đánh và hạ uy tín một cá nhân nay đã trở thành thường dân.
Clarke đã nói gì để chính quyền Bush nổi giận như vậy" Richard Clarke là một viên chức đã làm việc trong các chính quyền liên bang trong 30 năm và đã trở thành chuyên viên chống khủng bố dưới thời Tổng Thống Clinton và Tổng Thống Bush ngày nay cho đến lúc ông về hưu. Một số những lập luận của ông hiển nhiên có hại cho tư thế chính trị của Tổng Thống Bush. Thí dụ ông tố cáo vấn đề chống khủng bố không phải là ưu tiên hàng đầu của chính phủ Bush. Ông nói TT Bush "đã làm ngơ" trước mối hăm dọa khủng bố trước ngày 11-9-01. Ông nói chính phủ Bush coi đó là "vấn đề quan trọng chớ không phải cấp bách", mặc dù khi chuyển giao quyền hành từ Clinton qua Bush, ông đã khẩn khoản nói với bà Cố vấn Rice cần phải chú ý đặc biệt đến những tin về âm mưu của khủng bố có thể đánh vào Mỹ, dù chưa biết chúng sẽ đánh lúc nào và đánh vào đâu. Trong buổi điều trần công khai trước Ủy ban 911, có sự dự thính của các gia đình nạn nhân vụ khủng bố ngày 11-9, Clarke nói một câu thật thê thảm để xin lỗi: "Đối với những người thân thương của các nạn nhân đã chết, những người đang ngồi ở đây hay đang xem truyền hình, chính phủ đã không làm tròn sứ mạng được giao phó là bảo vệ quý vị. Tôi đã thất bại. Chúng tôi đã cố gắng, nhưng chẳng đáng kể nữa vì chúng tôi đã thất bại. Vì sự thất bại đó, khi tất cả các sự kiện được bộc lộ, tôi xin quý vị thông cảm và xin quý vị tha thứ". Đây là lời nhận lỗi đầu tiên của một người có trách nhiệm nhưng nay đã không còn ở trong chính quyền.

Một vấn đề khác cũng rất nhậy cảm cho chính phủ Bush là Clarke cho rằng cuộc chiến tranh Iraq do TT Bush phát động là không cần thiết, nó chỉ làm cho hiểm họa khủng bố tệ hại thêm. Trước đây ông Paul O'Neill, cựu Bộ trưởng Tài chính của chính phủ Bush đã có lập luận tương tự. Tuy nhiên những người hiện giữ chức vụ trong chính phủ Bush đều tin rằng chống khủng bố và chiến tranh Iraq đều có liên hệ với nhau, vì cần phải đồng thời trực tiếp đánh vào các mạng lưới khủng bố, làm giảm bớt số đồng minh của khủng bố và khả năng yểm trợ cho chúng, và làm thay đổi môi trường làm nẩy nở khủng bố. Clarke nói đúng hay chính phủ Bush nói đúng" Tất cả còn phải chờ xem những buổi điều trần kế tiếp. Ủy ban 911 sẽ đúc kết thành bản báo cáo chung cuộc vào tháng 7.
Buổi điều trần đáng chú ý nhất là của bà Cố vấn Rice, có thể sẽ diễn ra vào tuần tới. Trước đây bà đã từng ra điều trần trước Ủy ban, nhưng chỉ là điều trần kín và không có lời tuyên thệ. Bà cũng đã xuất hiện nhiều lần trên các màn hình TV trong các cuộc phỏng vấn và cũng đã viết bài đăng báo. Nhưng cho đến đầu tuần này, bà Rice vẫn không chịu ra điều trần công khai có tuyên thệ vì Bạch Cung nêu lý do "đặc quyền hành pháp". Điều này càng làm cho dư luận đòi hỏi bà Rice phải điều trần công khai. Xem như ông Clarke, địch thủ của bà đã ra điều trần công khai và giơ tay tuyên thệ "chỉ nói sự thật, tất cả sự thật", lẽ nào bà Rice không chịu làm như vậy" Chính các nhân vật Cộng hòa trong Ủy ban 911 cũng đòi hỏi bà ra điều trần công khai. Tổng Thống Bush đã đổi lại quyết định để bà Rice ra điều trần công khai với điều kiện đây không phải là một tiền lệ cho sự vi phạm "đặc quyền hành pháp" và sau bà Rice, Ủy ban không được đòi một giới chức nào khác của Bạch Cung ra điều trần như vậy. Ủy ban đã đồng ý.
Riêng chúng tôi nghĩ bà Rice ra điều trần công khai và có tuyên thệ là việc nên làm. Bởi vì vấn đề không phải chỉ là xét những việc đã qua, mà vấn đề là phải đối phó với nạn khủng bố trong những ngày tới. Chỉ có thành khẩn xét lại những sai lầm cũ - kể cả rút kinh nghiệm những thành công đã qua - mới có hy vọng ngăn ngừa và tiễu trừ được hiểm họa khủng bố ở Mỹ cũng như trên toàn thế giới.
Liệu cuốn sách của Richard Clarke và những buổi điền trần trước Ủy ban 911 có ảnh hưởng đến kết quả cuộc bầu cử Tổng Thống vào tháng 11 năm nay hay không" Lúc này còn qua sớm để xét vì tất cả còn tùy thuộc báo cáo chung cuộc của Ủy ban 911 vào tháng 7 sắp tới. Nhưng từ nay đến cuối năm, nếu nạn khủng bố không giảm và tình hình Iraq tiếp tục bất ổn, tư thế tranh cử của ông Bush sẽ lâm nguy.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.