Hôm nay,  

Bài 4: Cựu Đại Sứ Ngô Đình Luyện Kể Bí Sử

19/05/200000:00:00(Xem: 8993)
LGT. Trong các anh em của cố Tồng Thống Ngô Đình Diệm, Ông Ngô Đình Luyện, cựu đại sứ VNCH tại Anh, là người duy nhất còn sống. Sau đây là bài viết của cựu đại tá Nguyễn Hữu Duệ ghi lại các buổi trò truyện với ông Luyện về nhiều ẩn tình thời Đệ Nhất Cộng Hòa chưa từng được đề cập.

VI. ÔNG DIỆM CÓ NGUỒN TÌNH BÁO RIÊNG
Tôi hỏi ông Luyện:
“Thế cụ có nghĩ người ta phàn nàn là Tổng Thống không biết dùng người nên mới xảy ra vụ đảo chính để đến nỗi chết.”
Ông Luyện đáp:
“Thì tôi đã kể với anh là khi mới về tìm được người hợp tác rất là khó - Anh xem sau đảo chính qua bao nhiêu là chính phủ mà có ai thành công đâu và có ai được khen là biết dùng người đâu. Vì mình chỉ được huấn luyện theo người Pháp và họ đâu có muốn đào tạo người mình thành các cấp lãnh đạo.
“Tôi đồng ý với anh là ông Diệm không dám làm mạnh để đưa các người trẻ ra, nhưng nếu làm nhanh quá sẽ sáo trộn nhiều và chưa chắc đã thành công. Vì vậy ông dùng mọi phương tiện cho các trường Đại Học, nhất là Trường Võ Bị Đà Lạt, trường Quốc Gia Hành Chánh, Trường Thiếu Sinh Quân, trường Quốc Gia nghĩa tử v.v... để hy vọng sau này đào tạo được nhiều cán bộ trẻ giỏi để gánh vác việc nước. Thật ra những người như Đính và Mậu hay Đôn, Khiêm, Minh đều là sỹ quan cao cấp cũ và các sỹ quan trẻ thì cấp bậc còn quá thấp nên chỉ có thể thay thế dần dần mà thôi, đó cũng là sự khó khăn của ông để đến nỗi chết. Và kéo theo cả anh Nhu và anh Cẩn tôi nữa. Gia đình tôi có sáu anh em trai, anh Khôi tôi thì cộng sản giết và ba anh tôi bị người quốc gia giết chỉ còn tôi và đức cha phải lưu lạc nơi quê người.
Tôi hỏi:
“Có bao giờ Tổng Thống và cụ nghĩ đến việc sẽ có ngày xảy ra biến cố và gia đình gặp tai biến mà lo có tiền bạc nhà cửa ở ngoại quốc để phòng khi tai biến xảy ra không"”
Ông Luyện đáp:
“Không. Chưa bao giờ mà anh em tôi nghĩ đến chuyện này, ông Diệm rất vững lòng tin vì ông nghĩ suốt đời ông chỉ lo cho đất nước nên ông có lo gì và ông cũng luôn nhắc anh em tôi là mình làm cho quốc gia để giữ tiếng tăm cho gia đình họ Ngô từ bao đời nay nếu lợi dụng để lo được giàu có thì có nghĩa gì. Để tôi kể cho anh nghe một chuyện mà khó ai có thể tin được.
“Anh biết không, tôi xin nghỉ hai tuần về thăm mẹ tôi đau, khi mẹ tôi khỏi rồi tôi về Sài Gòn nghỉ. Vì tôi thích đánh golf nên nhiều lần lên sân golf ở gần nhà thương Cộng Hòa chơi. Tôi thường chơi với mấy bạn người Pháp và mấy người Tàu vui vẻ lắm và họ chơi giỡn hơn tôi nhiều. Sau khi chơi xong thì rủ nhau đi ăn và uống rượu. Có một lần, mấy bạn người tàu rủ vào chợ lớn ăn ở một cái cercle. Cơm ăn có nhiều món ngon lắm nhưng đặc biệt tôi thích nhất là có mấy thứ đậu hủ ăn ngậy và béo lắm nhưng mùi hơi thúi mà tôi chưa hề được ăn bao giờ, tôi khen ngon nhưng mấy người bạn Pháp thì không dám đụng đũa. Một người bạn Tàu mới ở Hồng Kông sang du lịch nói với tôi, “Ông sành ăn lắm, món đậu hủ này do tôi đề nghị và rất khó làm vì làm rất công phu. Nhưng ở đây làm không ngon bằng ở Hồng Kông nhất là do gia đình tôi làm thì ngon lắm. Tiện đây tôi mời quí vị chiều thứ bảy này đi Hồng Kông nghỉ và đến nhà tôi ăn cơm và tôi sẽ đưa quí vị đi thăm một số phong cảnh ở đó.” Tôi và một người Pháp và một người Tàu nhận lời đi.
“Tối hôm ấy hắn mời lại nhà ăn cơm và khách ở lại nhà hắn, nhà hắn rất lớn và sang trọng, cơm ăn đặc biệt có nhiều món đậu hũ và món đậu hũ thối thì ngon hơn ở chợ Lớn nhiều cũng nhiều món rau sào lạ lắm, món mặn thì chỉ có hai món cá và ngỗng quay. Ăn xong tụi tôi chơi mã chược đến khuya. Sáng sau đi ăn sáng và thăm phong cảnh ở Hồng Kông. Tôi cũng đi Hồng Kông nhiều lần nhưng không có người hướng dẫn sành nên không thích mấy chứ đi chơi với hắn thì vui lắm và ăn nhiều món lạ có nhiều món rất sơ sài nhưng lại ngon và tôi chưa được ăn bao giờ.
“Chiều về đến Tân Sơn Nhất thì có ông Phó Tổng Giám Đốc Quan Thuế và một nhân viên ra đón ngay ở Phi Cảng. Ông có vẻ băn khoăn lo lắng và nói với tôi. Thưa cụ Đại Sứ xin cụ hiểu cho sự khó khăn của tụi con, nhưng đây là lệnh của Tổng Thống tụi con phải thi hành. Xin cụ cho tụi con được xem hành lý của cụ. Tôi ngạc nhiên vì xưa nay đi đâu kể cả ở ngoại quốc chưa ai khám hành lý của tôi vì mình là nhân viên ngoại giao cao cấp đi bằng thông hành ngoại giao, thế mà về nước mình lại bị khám xét bởi lệnh của Tổng Thống.
Tôi bình tĩnh trả lời, “Tôi đi chơi chứ không phải đi công vụ chả cần có lệnh của Tổng Thống, các ông cứ làm đúng phận sự của các ông.”
“Tôi mang theo cái valise mà tôi mang từ Anh quốc về nên khá to.
“Sau khi khám xong thấy chả có gì anh này cứ xin lỗi tôi hoài và có vẻ lo lắm. Tôi cám ơn và lên xe ra về. Về tới dinh Gia Long tôi vào thẳng phòng ông Diệm và có vẻ bực bội. Gặp tôi ông cười hỏi “Sao chú chắc khó chịu lắm phải không" Tụi nó cứ nói ra nói vào và bá cáo với tôi là chú đi Hồng Kông để giúp tụi Tàu chuyển bạc về Việt Nam (ngày đó tụi Việt Cộng có nhiều tiền Việt Nam để ở Hồng Kông lắm mà không sao mang vào Việt Nam được) Nên tôi phải cho khám để tụi nó khỏi xuyên tạc và sau này tụi nó không dám bá cáo bậy nữa và cũng để quan thuế không nể nang một người nào cho họ để làm phận sự của họ.”
“Anh biết không ông có vẻ thích thú lắm và cười ra tiếng.
“Tôi hỏi lại: “Thế nếu tôi làm bậy thật thì anh không sợ mang tiếng sao"” Ông nói “Anh em mình ở với nhau từ nhỏ đến giờ tôi không biết tính chú sao. Nếu chú làm bậy tôi cũng chả bênh chú.” Sau đó tôi sang gặp ông Nhu, nghe chuyện ông Nhu cũng ngạc nhiên.
“Tôi về phòng nghĩ hãy còn tức nên mời Tuyến (bác sỹ Tuyến) và Thuần (Bộ Trưởng phủ Tổng Thống) để kể cho họ nghe hy vọng họ biết ai đã bá cáo bậy về tôi. Hai ông này thề là không biết gì và tôi thấy họ ngạc nhiên hết sức vì tại sao ông lại làm như vậy. Tuyến cho tôi biết thêm là cụ có nhiều tin báo cáo thẳng mà chính ông cùng ông Nhu cũng không biết.
Ông Luyện cũng kể cho tôi nghe một chuyện nữa.
“Có mấy người Pháp học cùng Trường Kỹ sư với tôi đến phàn nàn với tôi về việc đấu thầu xây nhà máy đường (Tôi chắc là nhà máy đường Hiệp Hòa ở Đức Hòa) bị ông Thuần bộ Trưởng Phủ Tổng Thống xử ức vì họ đã trúng thầu rồi mà ông Thuần lại muốn giúp cho nhà thầu Mỹ được. Tôi hỏi ông Diệm tại sao lại như vậy. Ông trả lời là chưa được ông Thuần Trình và muốn cho công bằng ông bảo tôi ngồi đợi ông Thuần mang hồ sơ lên trình để hỏi cho rõ trước mặt tôi.
Ông Thuần mang hồ sơ lên trình và có ý kiến là tuy nhà Thầu Pháp trúng thật nhưng ông ngại là nhà Thầu Pháp không có kinh nghiệm và máy móc ông nghĩ là của Mỹ tốt hơn vả lại tiền này là của viện trợ Mỹ nên muốn ưu tiên cho họ.
Thấy ông Thuần có ý chê kỹ sư Pháp học cùng trường với tôi, nên tôi hỏi lại. “Thế đấu thầu để làm gì, cứ theo điều lệ sách thì phải thi hành cho đúng chứ.” Ông Thuần nể tôi, không dám cãi và ông cụ sợ hai bên mếnh lòng nhau nên bảo “Thôi việc này để tôi xem lại”. Sau, tôi nghe nói người Pháp được trúng thầu.
Tôi cũng biết Tổng Thống Diệm ngoài những tin của Bác sỹ Tuyến và Tổng nha cảnh sát công an ông còn nhiều tin của các nơi bá cáo cho ông nữa. Bác sỹ Tuyến kể với tôi nhiều lần ông gọi ông Tuyến lên và cho xem bá cáo về hoạt động của Việt cộng ở Sài gòn nơi tụi nó liên lạc và đóng quân ở các vùng nữa mà ông Tuyến thấy nhiều tin rất đúng.
Có một lần Trung Tá Hùng là Tham mưu Trưởng Biệt Bộ Phủ Tổng Thống và Đại Úy Bằng là sỹ quan hầu cận được một Trưởng Ty cảnh sát mời ăn ở tiệm sang ở Sài Gòn, uống rượu say sưa làm ầm ỹ thế mà cũng có người bá cáo đến ông. Ông tức lắm gọi hai ông này lên la mắng và ông có vẻ giận lắm. Lần đầu tiên tôi thấy ông la to như vậy với các nhân viên ở gần ông, thường khi đối với anh em tôi nghe ông nói rất nhẹ nhàng và thường gọi chúng tôi bằng anh và không bao giờ la mắng, ông coi tụi tôi như trong gia đình.
Sau vụ ấy, các nhân viên cao cấp trong phủ Tổng Thống được một văn thư của ông Đổng lý Quách Tòng Đức đại ý như sau.
“Tổng Thống dạy các nhân viên làm việc cạnh Tổng Thống phải giữ tác phong để giữ uy tín cho phủ Tổng Thống. Cấm ngặt không được bê tha vào những nơi trà đình tửu điếm ăn uống say sưa để dân chúng phàn nàn.”
Các nhân viên cao cấp đều phải ký vào văn thư này để nhận rõ là đã được lệnh này. Tôi cũng phải ký và từ đó tụi tôi chả dám nhận lời mời của ai đi ăn tiệc cả trừ khi đi với các bạn bè và gia đình.

VII. VỀ ĐỨC CHA THỤC VÀ BÀ NHU
Tôi cũng hỏi ông Luyện về Đức cha Thục: “Cháu nghe người ta đồn Đức Cha muốn lên Hồng y nên cố gắng hoạt động để có thêm người rửa tội vào đạo công giáo nhưng cháu cũng chả tin.”
“Nếu ông Diệm không làm Tổng Thống thì có thể vì Đức cha quá thâm niên, những bạn của ngài học cùng ở La Mã nhiều người làm Hồng Y lắm nhưng Việt Nam bị chia cắt và Tòa Thánh cũng khôn ngoan lắm, bên đời em làm Tổng Thống thì anh làm Hồng Y sao được. Có cái các ông thầy Tu thì ông nào cũng mong nhiều người theo đạo của mình thấy có thêm được con chiên thì thích lắm. Thì Đức Cha cũng vậy. Ông Duệ biết không, ngày ngài học ở La Mã ngài có đến bốn bằng tiến sỹ và cả trường ai cũng phục ngài.
“Anh biết không ngày Đức Cha Simon Hòa Hiền được Tòa Thánh bổ nhậm làm Giám Mục Saigon thì mọi người cũng đồn đại là Đức Cha thích về làm chỗ ấy và Tổng Thống cũng vận động với Tòa Thánh về việc này. Thật ra là vô lý vì Tổng Thống quí Đức Cha Hiền lắm. Có lần ngài gặp rắc rối về pháp lý chính Tổng Thống phải đứng ra dàn xếp. Một sáng ngài dậy sớm và tự lái xe lấy đi có việc mà không gọi tài xế vì quá sớm. Rủi ngài đụng gẫy chân một người đàn ông. Mà ngài lại không có bằng lái xe. Gia đình họ kiện mặc dầu vụ này không có gì to tát nhưng vấn đề pháp lý thì lại rắc rối, chả như để gọi một vị giám mục ra tòa nên Đức cha Thục phải nhờ Tổng Thống can thiệp cho ngài và rất nhiều người phải đến dàn xếp với người bị nạn để xin bãi nại và phải thu xếp cho người này một việc làm mới xong.”
“Ngày Đức Cha được bổ nhậm làm Tổng Giám Mục Huế ông rất mừng kể cả Tổng Thống nữa ông nói thật là Thiên Chúa sắp xếp cho gia đình tôi để đức cha về Huế gần mẹ già và dưỡng mẹ lúc cuối đời.”


“Còn gì đau khổ hơn cho ngài lúc về già mà chết một lúc ba đứa em và mẹ già lúc chết ông không được nhìn mặt. Thêm một việc nữa là khi ở La Mã thì Đức Hồng Y bộ Trưởng của Tòa Thánh mời ngài đến để xin ngài từ chức Tổng Giám Mục Huế và ngài sẽ nhận chức Tổng Giám Mục của một địa phận chỉ có tên trong Kinh Thánh, nên ngài bị giao động mạnh vì vậy ngài bị đám của Đức Cha Lefebre mua chuộc mời ngài phong chức cho một số Giám Mục và linh mục của họ.”
Tôi nói:
“Cháu nghe nói giữa Đức Cha và ông Cẩn ở ngoài Trung có nhiều va chạm xảy ra.”
Ông Luyện nói:
“Tôi chả tin. Anh biết gia đình tôi Đức Cha là nhất. Tôi và anh Cẩn thì kém tuổi Đức Cha nhiều lắm, nên sợ ngài như cha. Ông Cẩn đâu dám va chạm với ngài, vả lại có gì để va chạm, Đức Cha chỉ lo cho giáo hội ngài đang chú tâm sửa lại nhà thờ Phú Cam có để ý gì đến việc chính trị đâu.
Tôi hỏi về bà Nhu:
“Còn về bà Nhu mọi người đồn là bà giàu có lắm, bà có mấy dãy phố buôn bán ở Paris và có đồn điền ở Ba Tây nữa. Tuy không tin nhưng cháu cứ nghĩ bà cũng có ít nhiều nay gặp cụ cháu mới biết bà chả có gì.”
“Bà Nhu thì bây giờ ai cũng biết là bà chả có gì. May mà Đức Cha Thục ở La Mã có quen một bà Bá Tước giàu có nên cho bà ở nhờ một thời gian và mấy đứa con đứa nào cũng học giỏi thành tài cả, cháu Lệ Quyện và Quỳnh đều dạy Đại Học và lấy vợ rồi.”

VIII. MARỐC MỜI ÔNG LUYỆN TỊ NẠN
Tôi hỏi ông Luyện:
“Cháu nghe nói sau đảo chính cụ được vua Maroc cho tỵ nạn phải không"”
“Đúng. Việc này làm tôi suýt chết đấy. Tôi đông con các cháu lớn đều học ở Pháp và khi đi tỵ nạn chỉ có nhà tôi và mấy cháu nhỏ theo tôi sang Maroc. Đến Phi Trường tôi được ông Hoàng (ông kể tên mà tôi quên) em vua Maroc đón ở Phi Trường và đưa về ở tạm tại dinh Quốc Khách.
Ông biết không cái dinh này to và đẹp vô cùng, dinh Độc Lập của mình chả thấm vào đâu, gia nhân cả hơn chục người có lính gác rất trang trọng. Tôi bối rối vô cùng và nghĩ độc tiền thưởng cho đám gia nhân này cũng sạt nghiệp của mình nên tôi trình bày với ông Hoàng Đế là tôi đang gặp cơn bối rối vì vậy tôi chờ mong được ở một căn nhà nhỏ và đi dạy học ở đây để qua lúc này mà thôi.
Ông Hoàng Đế nói cứ ở tạm rồi sẽ bàn tiếp sau. Khi ở đó ông Luyện và gia đình được phục vụ rất chu đáo và ở Hoàng Đế đến thăm luôn.
Độ mấy ngày sau ông Hoàng Đế đến gặp ông Luyện có mấy người tùy tùng đi theo và mang cả bản đồ ông Hoàng Đế giới thiệu với ông Luyện mấy người đi theo toàn là Tổng Giám Đốc công ty lớn ở Maroc và kỹ sư cả.
Ông nói muốn giúp đỡ ông Luyện có việc làm cho khuây khỏa khi ở đây và muốn ông Luyện tham gia (invest) vào công ty khai thác mỏ vàng ở Maroc, ông nói sơ khởi ông Luyện chỉ cần bỏ vào 10 triệu dollars sau đó sẽ bỏ thêm sau và hy vọng mỏ vàng này sẽ đem lại lợi tức hàng năm cho ông đó. Nửa triệu để sinh sống và có thể nhiều hơn nếu bỏ thêm vốn.
Ông Luyện nghe mà hết hồn nhưng nếu từ chối ngay thì sợ bị hại mà khó lòng ra khỏi Maroc nên ông vờ hỏi thêm địa điểm và cách điều hành, làm như là chú ý đến việc này lắm. Sau đó ông trả lời là cho ông suy nghĩ ít lâu và cũng phải bàn với bà Nhu là chị dâu ông đã. Sở dĩ ông phải mang tên bà Nhu ra là trước đó ông Nhu đã từng đại diện Tổng Thống sang thăm Maroc để đáp lễ lại việc Thái Tử Maroc sang thăm Việt Nam.
Ông Luyện nói mình đã nghèo mà họ cứ nghĩ là mình giàu có. Ông Duệ nghĩ xem hiếu hạ họ cầm quyền thì giàu có đến mức nào mà anh em tôi thì có gì dâu, tôi đang lo muốn chết là làm sao có tiền nuôi các con ăn học mà họ nói truyện toàn là bạc triệu mà là triệu dollars nữa chứ.
Sau đó ông Luyện phải bí mật gặp Đại Sứ Anh và Pháp ở Maroc xin giúp đỡ cách nào để đi khỏi Maroc về Pháp dạy học.
Ông Luyện phải lấy cớ về Pháp gặp Bà Nhu để bàn việc và Đại sứ Pháp và Anh đưa ông ra tận phi trường để về Pháp.
Tôi nhớ lại cách đây ít năm Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ có kể với tôi, ngày ông mới sang đây khi còn ở trại tỵ nạn cũng có mấy người Hoa Kỳ đến tiếp xúc với ông và hứa hẹn sẽ giúp việc làm cho một số người tỵ nạn, ông mừng lắm và hy vọng sẽ giúp đỡ cho anh em một phần nào.
Một hôm ông được họ đến đón ở trại tỵ nạn và đưa đến một khách sạn rất sang trọng đưa vào phòng họp và đã có sẵn bản đồ căng sơ đồ họ cũng thuyết trình trang trọng lắm và cuối cùng cũng đề nghị Thiếu Tướng Kỳ invest nhiều triệu dollars để khai thác mỏ vàng (Tôi không nhớ là mấy triệu) thật tai hại cho các lời đồn đãi.
Tôi nghĩ gia sản của anh em Tổng Thống Diệm không bằng một phần con số lẻ của các vị lãnh đạo như Tổng Thống Nam Dương, Phi Luật Tân v.v…

IX. VIỆC MUA TÒA ĐẠI SỨ VIỆT NAM Ở ANH QUỐC
Anh Trần Mạnh Phúc hiện ở San Diego- là tham vụ ngoại giao của Tòa Đại Sứ Việt Nam ở Anh Quốc và được Đại sứ Luyện rất mến trọng có kể với tôi về chuyện này.
Khi ông Diệm có ý định viếng Anh Quốc thì bộ ngoại giao trình Tổng Thống nên mua một trụ sở cho Tòa Đại sứ, để khi Tổng Thống viếng Anh Quốc có nơi tiếp tân và chắc chắn nữ Hòang Anh sẽ dự.
Vì muốn cho nhanh việc nên bộ ngoại giao ủy cho Đại Sứ Luyện lo việc này và tạm thời đứng tên Đại Sứ Luyện. Tòa nhà này khá lớn, cả một block đường không có số nhà chỉ nói tên là ai cũng biết ở khu đẹp vào hạng nhất ở Luân Đôn.
Mua được ít lâu thì đảo chính xảy ra, chưa kịp sang tên lại cho chính quyền Việt Nam và tòa nhà này vẫn đứng tên Đại Sứ Luyện, cũng như tòa Đại Sứ Việt Nam ở Pháp vẫn đứng tên Quốc Trưởng Bảo Đại. Tôi nghe nói sau này tòa Đại Sứ Việt Nam ở Pháp Quốc Trưởng đã bán đi. Riêng trụ sở Tòa Đại Sứ ở Luân Đôn thì vẫn còn là tài sản quốc gia.
Sau đảo chính, bộ ngoại giao có nhờ ông Trần Mạnh Phúc đi gặp Đại Sứ Luyện đi sang tên lại cho chính quyền Việt Nam. Ông Phúc gặp Đại Sứ Luyện và được trả lời như sau: “Tôi rất muốn làm theo bộ ngoại giao yêu cầu nhưng rất tiếc sau khi đảo chính, chính phủ đã ra một sắc lệnh tịch thu toàn thể gia sản của họ Ngô. Tất cả gia sản của anh em tôi đều bị tịch thu nên bây giờ tôi có quyền gì nữa mà sang tên tòa nhà này.”
Khi ông Phúc đến thăm ông Luyện tại nhà tôi, tôi có hỏi lại ông Luyện vụ này thì ông xác nhận là đúng. Cụ thể là tòa nhà này hiện đang do nhà nước cộng sản Việt Nam làm chủ.
Tôi nói với ông Luyện:
“Theo ý cháu, tội gì mình để cho Việt Cộng dùng tòa nhà này. Cụ đòi lại bán đi để giúp anh em có phương tiện kháng chiến chống lại cộng sản.”
Ông trả lời:
“Đâu có được, anh thấy không, anh em tôi gia sản có gì đâu. Nếu tụi tôi tham lam thì bao năm nay thiếu gì cơ hội cho tụi tôi làm giàu, một tòa nhà này thì có nghĩa lý gì. Cho đến bây giờ thấy vậy mọi người mới hiểu cho anh em tôi.”
X. Những ghi nhận cuối về Ông Ngô Đình Luyện
Ngày ông Luyện ở San Diego chơi với tôi cả tuần lễ, tôi mời ông đi xem sở thú và Seaworld cùng phong cảnh trong vùng. Ông đều từ chối và nói mấy câu làm tôi cảm động.
“Ông nghĩ tôi còn vui gì mà đi xem phong cảnh. Tôi chỉ muốn đi gặp người đồng hương, ai tôi cũng thích miễn gặp người để tâm sự là tôi mừng rồi.” Vì vậy tôi đưa ông đi thăm các cha, và một số thân hào nhân sỹ ở San Diego. Gặp ông ai cũng vui vẻ và cũng nhiều người đến thăm ông nữa. Ông nói chuyện rất cởi mở và thành thực, ông rất ít ngủ, chỉ ngủ độ ba đến bốn giờ một ngày và hút thuốc lá liên tục ngày đến hai gói.
Hôm dự lễ cầu hồn cho Tổng Thống và ông Nhu ở nhà thờ Linda Vista, thấy đồng bào đến chật nhà thờ và nghe cha giảng về Tổng Thống, ông cảm động chảy nước mắt và nghẹn ngào khi lên cám ơn.
Ngày hôm sau anh em ở Orange County xuống đón ông lên trên ấy để dự lễ cầu hồn cho Tổng Thống tôi đi cùng và ở nhà ông Cao Xuân Vỹ. Ban tổ chức có mời cả Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ và Trung Tướng Nguyễn Bảo Trị dự lễ nữa, theo anh em đề nghị thì để Thiếu Tướng Kỳ đến đón ông ra nhà thờ, nhưng ông bàn để ông đến đón Thiếu Tướng Kỳ vì Thiếu Tướng Kỳ là khách và đã từng làm phó Tổng Thống để tỏ lòng cám ơn và kính trọng. Tôi nghĩ ông là một nhà ngoại giao là đúng lắm.
Ông nói với tôi và anh em là được dự lễ cầu hồn cho Tổng Thống ở San Diego và Orange County làm ông súc động và an ủi vô cùng.
Sáng hôm sau khi đang ăn sáng thì được điện thoại là Đức Cha Thục ở nhà dòng Đồng Công bị đau nặng và đang nằm nhà thương.
Anh em ai cũng bận nên tôi phải đi cùng ông sang nhà dòng Đồng Công.
Trên máy bay khi ông vào toilet ra thì giây lưng quần bị đứt và quần muốn tụt ra vì quần áo ông mặc đều cũ từ ngày xưa nay ông ốm đi nhiều. Tôi phải tháo dây lưng của tôi cho ông dùng. Tôi nghĩ thương ông vì ông nói với tôi cả chục năm nay ông chưa may quần áo và chưa thay dây lưng.
Khi đến nơi thì cũng gặp ông Trường là chủ một khách sạn lớn ở New York sang và mang theo một bác sỹ Việt Nam để lo cho Đức Cha (Tôi nhớ Bác sỹ tên là Nghiêm thì phải) Sau đó Đức Cha bình phục dần và được các tu sỹ ở nhà dòng trông nom tận tình.
Khi ở nhà dòng tôi được gặp Đức Cha, cha Cao Văn Luận và mấy cha tôi quen ở Huế nữa.
Tôi ở lại ba ngày với ông rồi về lại California. Trước khi về, tối hôm ấy ở Motel ông nói với tôi. Ở Việt Nam tôi chỉ gặp ông vài lần và không biết nhau nhiều, sang đây vì ông thương ông cụ mà lo cho tôi hết lòng, tôi thật cám ơn ông nhiều và không bao giờ quên được những ngày ở gần nhau.
Tôi thưa như vậy cụ rõ là anh em thương Tổng thống đến mức nào
Ông bỏ ví của ông ra và móc hết tiền ở trong ra và nói. Như tôi đã kể với ông là tôi nghèo lắm, khi đi chỉ mang theo có 600 dollars và chưa tiêu một đồng nào vé máy bay và khi ở New York được ông Trường lo cho và đến San Diego được ông lo cho mọi thứ kể cả vé may bay sang dây, nay tôi đề nghị chia đôi số tiền này ông lấy 300 đô gọi là tiền tôi góp vào tiền máy bay ông mua cho tôi. Thật chả đủ vào đâu nhưng là lòng của tôi.

Tôi từ chối và nói, cụ càng nghèo con càng thương cụ. Chắc nếu cụ giàu có như gia đình các quốc trưởng nước khác thì chắc gì cụ đã cần đến con. Xin cụ cứ tự nhiên để cho con có chút kỷ niệm với cụ và để nhớ đến Tổng Thống. Ông nắm tay tôi và chảy nước mắt làm tôi cảm động.
Khi về Pháp ông viết cho tôi một thư khá dài để cám ơn và nhắc lại việc cái giây lưng và nói sẽ giữ suốt đời để làm kỷ niệm.

NHẬT LỆ NGUYỄN HỮU DUỆ

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạp chí Văn Học Mới số 5 dày 336 trang, in trên giấy vàng ngà, bìa tranh nghệ thuật của Nguyễn Đình Thuần, sáng tác từ hơn 50 nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo và phê bình nghệ thuật.- Văn Học Mới số 6 sẽ ấn hành vào tháng 3/2020, có chủ đề về nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Một tuyệt phẩm thi ca gồm những bài thơ dị thường chưa bao giờ xuất hiện bất cứ đâu, viết bởi một thi sĩ dị thường. Tựa: Tuệ Sỹ Ba ngôn ngữ: Việt - Anh - Nhật Dịch sang tiếng Anh: Nguyễn Phước Nguyên Dịch sang tiếng Nhật: G/s Bùi Chí Trung Biên tập: Đào Nguyên Dạ Thảo
Mùa thu là cơ hội bước sang trang mới khi nhiệt độ bắt đầu dịu lại. Trong mùa này, người dân California không cần mở điều hòa không khí lớn hết cỡ và cũng còn quá sớm để lo chạy máy sưởi.
Garden Grove xin mời cộng đồng tham gia chương trình đóng góp tặng quà cuối năm nhằm mang lại niềm vui, hy vọng và giúp đỡ cho những trẻ em địa phương không có quà trong mùa lễ Noel.
Ngồi niệm Phật miên man, dù cố tâm vào Phật hiệu nhưng hôm nay vẫn không sao “ nhập” được, đầu óc nó cứ văng vẳng lời anh nó lúc sáng: - Tu hú chứ tu gì mầy!
Một đường dây buôn người bán qua TQ do một phụ nữ Việt là nạn nhân buôn người trước đây tổ chức vừa bị phát hiện và bắt 2 người tại tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam, theo bản tin hôm 5 tháng 12 của Báo Dân Trí cho biết.
Điều trần luận tội đầu tiên của Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đã nhanh chóng nổ ra cuộc đấu đá nội bộ đảng phái hôm Thứ Tư, 4 tháng 12 năm 2019, khi các nhà Dân Chủ cáo buộc rằng Tổng Thống Donald Trump phải bị truất phế khỏi chức vụ vì tranh thủ sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và đảng Cộng Hòa giận dữ vặn lại không có căn cứ cho hành động quyết liệt như vậy.
Đó là cuộc khảo sát của công ty tài chánh WalletHub đối với 182 thành phố khắp Hoa Kỳ, để xếp thứ tự an toàn nhất cho tới bất an nhất. Cuộc nghiên cứu dựa trên 41 thước đo liên hệ tới an toàn
Cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông cầm dao tại El Monte, Nam California hôm Thứ Hai.
Một phần thưởng 50,000 đô la được đưa ra để bắt một người đàn ông của thành phố Burnaby đã bị truy nã trước đây vì tội rửa tiền như một phần của nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam hoạt động tại Canada và Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.