Suốt đêm 11 rạng ngày 12 tháng Giêng cả làng Thai Dương hầu như không ai ngủ. Từ chiều hôm trước, lễ hội đã bắt đầu bằng một đám rước diễn quanh làng, sau đó là diễn tuồng ca Huế đến khuya. Đúng 2 giờ sáng, lễ chánh bắt đầu cử hành ở đình làng. Tiếng trống, tiếng phèn la khuya vang hòa cùng âm thanh réo rắt của dàn nhạc bát âm, trong khi vị trưởng lão đọc bài văn tế tri ân các vị tiền bối có công lập làng, cầu cho mưa thuận gió hòa, đánh bắt được nhiều tôm cá... Đến tờ mờ sáng thì hội cầu ngư bắt đầu. Lúc này khách thập phương đã kéo về tấp nập, trong đó có cả những khách Tậy; trên bờ phá Tam Giang, ghe thuyền của các làng chài lân cận đã đậu kín.
Một đám rước gồm những trai làng lực lưỡng gánh chiếc thuyền treo đầy cờ với những ngư phủ trên tay sẵn sàng mẻ lưới, từ cuối làng tiến dần vào đình. Sau khi làm lễ khấn vái trước các vị khai canh, khai khẩn, đoàn chài tiến ra giữa sân đình. Sân đình lúc này được ước lệ như là biển cả với đầy những loài thủy sản, đó là bọn trẻ con trong làng đã hóa trang thành các loài cá, tôm, mực. Ba hồi trống vang lên báo hiệu trò diễn bắt đầu. Một vị cao niên tung mồi xuống biển, lập tức bầy cá tôm nhào ra ăn mồi. Trong khi đó các ngư phủ khác bắt đầu giật câu, và chiếc thuyền cũng từ từ tiến ra giữa biển. Đàn cá đang say mồi thì một ngư phủ tung nhanh vành lưới xuống biển. Chiếc thuyền đi quanh một vòng quây lấy đàn cá. Các ngư phủ liền nhảy ào xuống nước bắt lấy những con cá to đem vào đình cùng thần hoàng. Cũng từ đó, các ngư dân khác bắt lấy đàn cá trong lưới, một số khác nữa phụ họa diễn các nghề kéo cờ, bủa lưới. Các cụ bô lão đang định giá những con cá to nhất trong trạng thái hả hê vì được mùa. Tiếp đó là cảnh mua bán cá với tiếng hô mặc cả và tranh giành cá ngon. Từng đoàn rỗi (người mua cá) gánh cá ra chợ bán cùng với những trò diễn dưới nước ngộ nghĩnh khiến mọi người cười ngặt nghẽo. Tiếng hò hét của ngư phủ, tiếng vẫy vùng của bầy cá hòa cùng tiếng rao bán cá vang động cả vùng. Trò diễn kết thúc, vừa lúc là hội đua thuyền cũng bắt đầu mở ra trên mặt phá và kéo dài đến trưa.
Bạn,
Cũng theo ghi nhận của phóng viên báo Tuổi Trẻ, đi dự hội cầu ngư, một số nhà nghiên cứu nhân văn đã nói: "Xin Huế hãy giữ gìn và phát huy lễ hội vùng biển vào mùa xuân thuộc loại quý hiếm này." Báo Tuổi Trẻ cho biết thêm: Lễ hội năm nay có nhiều con dân của làng ở nước ngoài vẫn nhớ lời hẹn tam niên đáo lệ (ba năm mở hội một lần) mà tìm về quê cũ nơi vùng sóng biển để dự hội cầu ngư đầu năm.