Hôm nay,  

Syria: Sẽ Là Mục Tiêu Mới Sau Iraq?

29/03/200300:00:00(Xem: 4258)
Sáng Thứ Sáu, giờ Thủ đô Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Ronald Rumsfeld đã lần đầu cảnh cáo Syria là phải ngưng tiếp vận chiến cụ cho Iraq, trong đó có các ống nhòm sử dụng ban đêm, nếu không, sẽ chịu hậu quả về việc này. Lời cảnh cáo đó có báo trước là sau hoặc cùng với Iraq, Syria sẽ là một mục tiêu tấn công của Mỹ chăng" Mà, vì sao Syria lại có quyết định đó"
Trước khi ông Rumsfeld đưa ra lời tố cáo nghiêm khắc này, dư luận Mỹ có nghe nói đến một biến cố liên hệ đến Syria vào tuần trước: một xe buýt chở kiều dân Syria từ Iraq về bị máy bay Mỹ tấn công. Sau sự việc này, Hoa Kỳ cho biết rằng đó là một sự lầm lẫn. Với lời cảnh cáo vừa qua của Rumsfeld, người ta có thể nghi rằng sự việc rắc rối hơn vậy. Phải chăng Syria đã chọn chiến tuyến và đứng cùng Iraq" Mà vì sao lại như vậy khi Syria, xứ Hồi giáo duy nhất trong Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc hiện nay, đã ủng hộ Nghị quyết 1441 ngày tám tháng 11 năm ngóai để đòi giải giới Iraq"
Cho đến gần đây, chế độ Damacus (thủ đô Syria) cố giữ thái độ chịu đựng khi ký vào Nghị quyết 1441 và duy trì liên lạc bán chính thức với Washington dù vẫn công khai tố cáo Hoa Kỳ là hiếu chiến. Giờ đây, dường như Syria đã thay đổi lập trường. Sau khi chiến dịch Iraq mở màn, trên thế giới ta thấy không thiếu các cuộc biểu tình phản đối Hoa Kỳ, nhất là tại các nước Hồi giáo. Nhưng, tại các xứ Hồi giáo này, từ Á châu về tới Trung Đông hay Bắc Phi, chính quyền kiểm soát phản ứng của dân chúng khá chặt chẽ, và người dân không dễ gì biểu tình ồ ạt mà không có sự cho phép, hoặc dung túng, nếu chưa nói là khuyến khích của chính quyền. Trong các xứ có biểu tình, Syria là nơi mà số người xuống đường lên tới nửa triệu, nghĩa là đông nhất. Đặc biệt hơn, không những đã cho phép đông đảo dân chúng biểu tình, Syria còn công khai đả kích Ai Cập là đồng lõa với Mỹ. Ngày 27 vừa qua một giáo chủ cao cấp của đạo Hội tại Syria kêu gọi cảm tử quân tấn công lực lượng Liên quân tại Iraq, rồi Tổng thống Syria là Bashar Assad tuyên bố chống âm mưu bá quyền của Mỹ tại Trung Đông và không muốn Syria là một mục tiêu tấn công của Mỹ sau Iraq.
Sau đó mới là lời hăm dọa của Bộ trưởng Quốc phòng Ronald Rumsfeld.
Syria là quốc gia bị khóa trong đất liền, giáp giới với năm nước là 1) Lebanon, quốc gia đang bị Damacus khống chế; 2) Turkey, một nước Hồi giáo cho đến nay vẫn thân Mỹ và nghi ngờ chánh sách bá quyền cấp vùng của Syria tại Lebanon, 3) Iraq một đồng minh khách quan vì đối thủ với cả Turkey và Israel, 4) Jordan, một nước Hồi giáo thân Mỹ, và sau cùng 5) Irael, quốc gia cừu thù đã từng có xung đột và vẫn coi Syria là một đe dọa. Trong chiến dịch Iraq của Hoa Kỳ, Syria sợ nhất là sẽ bị kẹp giữa hai đối thủ là Turkey phía Bắc và Iraq phía Đông, chưa kể Israel như con dao đang trí vào lưng mình. Tình hình địa dư chính trị này cho ta hiểu vì sao Syria không yên tâm khi thấy Mỹ tiến vào Iraq. Nhưng vì sao lại công khai chống Mỹ vào lúc này"

Trước đây, thời Chiến tranh lạnh, Syria là khách hàng của Moscow, được Liên xô viện trợ hoặc bán võ khí; từ khi Liên xô lụn bại và tan rã, hàng tỷ đô la viện trợ chiến cụ đã cạn dần và về mặt quân sự, Syria rất sợ mình không có khả năng đối phó với Israel. Cảm giác lo sợ đó khiến Syria chọn chiến tuyến, để khỏi bị cảnh ba mũi giáp công (Turkey, Iraq và Israel). Syria càng e ngại điều đó khi Mỹ đề nghị một “lộ trình” giải quyết mâu thuẫn giữa Israel và Palestine trước khi động binh tại Iraq. Điều này có thể giải thích vì sao Syria đả kích Ai Cập vì xứ này ủng hộ kế hoạch hòa giải trên của Mỹ. Nhưng dù sao, kế hoạch hòa giải Israel với Palestin chưa thể sớm thành hình, vì sao Damascus lại sợ đến nỗi lấy rủi ro đụng độ với Mỹ"
Một lý do thứ hai là Syria có tật giật mình, vì cũng mưu tính thụ đắc võ khí tàn sát (weapon of mass destruction – WMD) nên sợ là sẽ bị Mỹ hỏi tội sau khi giải quyết xong vụ Iraq. Nhưng, lý do này vẫn chưa đủ nếu Damacus so sánh hoàn cảnh của mình với Iran hay cả Saudi Arabia. Iran có võ khí tàn sát (có khi cả võ khí nguyên tử) còn Saudi có thực tế yểm trợ al-Qaeda, nên cả hai đều nằm trong danh mục ưu tiên hơn của Mỹ.
Giả thuyết thứ hai là vì nhu cầu tân trang võ khí để đối phó với Turkey và Israel, Damascus nhận lời làm môi giới cho Nga và chuyển giao các võ khí hay chiến cụ do Nga bán cho Iraq. Những đội quân thiện nguyện và quyết tử của Syria cứ nằng nặc đòi lao vào Iraq đánh Mỹ có khi chỉ là màn khói che dấu các vụ chuyển giao võ khí của Nga cho Iraq và vì vậy mới bị Hoa Kỳ đánh chặn và lên tiếng cảnh cáo. Loại võ khí do Syria đưa vào Iraq, như Bộ trưởng Rumsfeld tố cáo, không là sản phẩm nội hóa chế tạo tại Syria, mà chỉ có thể là của Nga. Trong giả thuyết đó, lời cảnh cáo của ông Rumsfeld có khi không nhắm vào Syria mà nhắm vào Nga. Nó nối tiếp lời than phiền của Tổng thống Bush với Tổng thống Putin qua cuộc điện đàm tuần trước, rằng Nga đã tiếp tế Baghdad dụng cụ hóa giải hệ thống chấm tọa độ toàn cầu (GPS) của Mỹ đang sử dụng tại chiến trường Iraq.
Lý do thứ ba là Mỹ đang nhân vụ Iraq mà giải quyết luôn mọi sự chống đối trong vùng, tức là có thể tê liệt hóa luôn mọi khả năng gây rối của Syria bằng hành vi quân sự, và lời cảnh cáo của ông Rumsfeld chỉ là cái cớ khai mào. Biết đâu, Mỹ đang đổ thêm quân vào Iraq chính là để thực hiện kế hoạch nhổ cỏ nhổ tận rể!` Giả thuyết này rất hợp với lý luận của các xứ chống Mỹ vì cho thấy bộ mặt “đế quốc bá quyền” của Hoa Kỳ.
Lý do thứ tư là Damascus có thể học võ Bắc Hàn, nhân khi thấy Mỹ bận rộn tại Iraq mà tìm cách hăm he để nâng cao cái thế thương thảo của mình với Hoa Kỳ. Giả thuyết này có đầy rủi ro cho Syria nhưng chưa chắc đã là vô lý!
Cũng trong tinh thần chơi dại đó thì còn một lý do thứ năm mà ta không loại bỏ. Tưởng rằng khi mình đứng bên Iraq thì sẽ làm Israel khó chịu mà động quân, do đó Syria tính châm ngòi cho một trận đại chiến trong cái trớn của chiến dịch Iraq. Các nhà phân tách quốc tế đều cho rằng giả thuyết này rất thấp, nhưng cũng vẫn là khả thể.
Dù sao, trong bài toán Iraq thì sau cái gai Turkey, Hoa Kỳ còn có hồ sơ Syria và nội vụ vì vậy rắc rối và nguy hiểm hơn người ta vẫn nghĩ. Trong những ngày tới, người ta sẽ còn phải theo dõi tình hình Syria và Turkey, khi liên quân đã vây quanh Baghdad.
030328

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.