Hôm nay,  

Hòa Bình Kosovo Sa Lầy?

13/05/199900:00:00(Xem: 12042)
Tiến trình hòa bình Kosovo vừa bắt trớn, xui xẻo làm sao oanh tạc cơ B-2 của Mỹ lại nhắm 3 quả bom có điều khiển chính xác, nhè Sứ quán Trung Quốc ở Belgrade mà đánh, khiến mọi việc tan hoang. Cỗ xe hòa bình bị bom làm bể chăng" Và nếu hòa bình bị sa lầy chiến dịch oanh tạc của NATO sẽ ra sao" NATO đã dội bom lên đầu Milosevic hơn 50 ngày mà không kết quả, vậy còn phải kéo dài đến bao giờ"
Muốn trả lời những câu hỏi này, thiết tưởng cũng nên nhìn xem cái tiến trình hòa bình vừa bắt trớn đó như thế nào. Các ông G-8 họp ở Đức tuần trước đã thỏa thuận được một cái gọi là kế hoạch hòa bình Kosovo. Thế giới vẫn có G-7, được gọi là Thất Cường, nghĩa là 7 nước kỹ nghệ giầu mạnh nhất, nhưng mới đây cho Nga ngồi vào ghế phụ, nên đôi khi cũng gọi luôn là G-8 cho tiện. Gọi Nga là một nước thứ 8 cũng giầu nhất và mạnh nhất nhưng 7 ông “G” khác thì thật khôi hài. Vì kỹ nghệ của Nga tan hoang, kinh tế Nga rách nát đến độ chỉ còn chờ sụp đổ bất cứ lúc nào.
Thế nhưng Nga lại là nước có một kho hỏa tiễn nguyên tử do Liên Sô để lại lúc lâm chung và bàn tay đặt trên các nút bấm phóng đầu đạn nguyên tử đó lại có những cái ngón run run của ông Yeltsin vừa già vừa bệnh vì nát rượu, trong khi ông Tổng Thống này lại ở thế yếu vì sức ép của Quốc hội đặt dưới sự khống chế của phe quốc gia cực đoan và cộng sản đang muốn ngóc đầu trở lại. Và cả nước Nga lại có ảnh hưởng chính trị đến một vùng đất Âu châu đầy rắc rối là Balkans. Vì thế khi mấy ông nhà giầu bàn chuyện hòa bình Kosovo, G-7 hóa thành G-8. Còn cái ghế phụ ngồi cạnh mấy ông có nhiều đô la, dễ làm eo để nói chuyện tiếp tế và viện trợ, là một cái bùa cho ông Yeltsin nắm trong tay để trấn áp Quốc hội Nga khi cả nước đang đói. Vì thế Nga hăng hái lãnh vai trò hòa giải.
Có điều không may là cái kế hoạch hòa bình đưa ra nó cũng mập mờ như vai trò ông nhà nghèo ngồi ghế phụ ăn cỗ nhà giầu. Điểm then chốt của kế hoạch này là Nga đã đồng ý về “một sự hiện diện dân sự và an ninh quốc tế hữu hiệu” ở Kosovo. Cái “hiện diện” này nó như thế nào" Có phải là quân đội võ trang quốc tế, trong đó quân Mỹ và NATO là cốt lõi hay không" Điều này còn chờ mặc cả với nhau sau. Nhưng ít nhất đường hướng này cũng đặt được cái khung khái quát là quân đội Nam Tư rút ra khỏi Kosovo và dân tị nạn được trở về dưới sự bảo vệ của quốc tế. Đó là điều NATO đòi hỏi.

Nhưng Milosevic có chịu hay không" Lúc mới xẩy ra cuộc khủng hoảng Kosovo, Milosevic và phe cực đoan chủng tộc Serb trong chính quyền Nam Tư nhất định không cho quân ngoại quốc đóng ở Kosovo vì đây là nước họ có chủ quyền. Để trả đũa những vụ dội bom, Milosevic đưa thêm quân vào Kosovo, cho bọn “bán quân sự” gốc Serb thẳng tay “tẩy sạch chủng tộc” càn quét, giết chóc và đẩy gần một triệu người gốc Albania ra khỏi lãnh thổ này, thực hiện cảnh người không người trống để dân gốc Serb tràn vào chiếm luôn, biến một tỉnh 90% dân gốc Albania thành một nơi sạch bóng quân thù chỉ có toàn dân Serb ở. Đây là chiến lược ăn miếng trả miếng, lấy máu dân gốc Albania trả lời bom NATO, gây khó khăn, đặt vào tay NATO hàng trăm ngàn người tị nạn để phải lo chỗ chứa và tiếp tế cưu mang. Vậy bên nào chịu không thấu" Còn lâu NATO mới chịu không thấu.
Nói chiến dịch oanh tạc của NATO không hiệu quả là sai. Kế hoạch đánh của NATO có lớp lang từng giai đoạn. Khởi đầu là phá hết hệ thống phòng không của Nam Tư, sau phá đến lực lượng võ trang và hệ thống giao thông liên lạc quân sự và dân sự, thứ đến các mục tiêu kinh tế cho cả nước tê liệt, tài sản tan hoang. Milosevic chỉ cứng ở ngoài mồm, nhưng trong tim gan đã thấm đòn, vì một lý do dể hiểu: làm thế nào cai trị và giữ vũng an ninh trật tự khi cả nước đã bị nát bấy giống như bị thiên tai gió lốc cuồng phong cầy suốt ngày đêm"
Sau khi kế hoạch G-8 đưa ra mập mờ ẩn hiện, báo chí Nam Tư do nhà nước kiểm soát bắn tin “Milosevic có thể cứu xét kế hoạch này”. Đây là một quả bóng thăm dò, nhưng quả bóng lại buộc theo một cái đuôi lòi tói “Nam Tư chỉ vào bàn hội nghị khi nào NATO ngưng oanh tạc”. Té ra trước sau Milosevic vẫn chỉ đòi chấm dút ném bom. Nếu vẩn trơ ra không bị mảy may hề hấn gì, tại sao Milosevic chỉ nằng nặc đòi ngưng oanh tạc" Nhưng sự đòi hỏi này cũng bằng không, bởi vì NATO đã có điều kiện: chỉ khi nào Milosevic chấp nhận rút hết quân Nam Tư ra khỏi Kosovo, chấm dứt tẩy sạch chủng tộc, cho dân gốc Albania trở về quê quán và quân đội quốc tế đứng đầu là NATO vào kiểm soát, khi đó các cuộc oanh tạc mới chấm dứt. Điều này cũng có nghĩa là trước khi anh ngồi vào vào nói chuyện về kế hoạch G-8, anh phải chấp nhận các điều kiện của NATO.
Tôi không nghĩ là NATO sa lầy, bởi vì nó có “dô” đâu mà rút chẳng ra. Nó chỉ đứng ngoài, ném bom nhiều hay ít, ngưng hay đánh tiếp là tùy nó bất cứ lúc nào. NATO nắm quyền chủ động. Còn Milosevic là kẻ bị động. Những tổn thất thê thảm của Nam Tư cứ nằm đó, hoặc bị phá thêm hoặc chờ để bị phá tiếp, chớ không có phép lạ nào chữa trị lành ngay được, nhất là muốn chữa thì phải có tiền, có tiếp tế, có thời gian. Liên hiệp Âu châu đã tuyên bố cấm vận. Đó là những gọng kìm khép lại có hệ thống, có lớp lang.
Chúng tôi không nghĩ cỗ xe hòa bình sa lầy. Nó chỉ ngưng lại chờ... khách lên xe. Không chịu lên xe chăng" Cũng không sao, hãy đứng ngoài chịu trận mưa gió bão bùng.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.