Hôm nay,  

Vài Yù Nghĩa Truyền Thuyết Hùng Vương

18/04/200300:00:00(Xem: 4175)
Trình bày tại Lễ Giổ Tổ Hùng Vương, Chủ Nhật 13-4-2003 tại Mississauga, Canada.
Đây là lần đầu tiên từ nhiều năm nay, Cộng đồng người Việt hai thành phố Toronto, Mississauga và các hộïi đoàn, đặc biệt có Liên hội Sinh viên Học sinh Ontario, cùng chung đứng ra tổ chức lễ Giổ Tổ Hùng Vương. Điều nầy mang một ý nghĩa đặc biệt về sự đoàn kết càng ngày càng phát triển trong cộng đồng người Việt tại Toronto và vùng phụ cận.
Nói về sự đoàn kết, truyền thuyết Hùng Vương kể rằng thời cổ Việt, Lạc Long Quân kết hôn với con gái của Đế Lai tên là Âu Cơ, sinh ra được một trăm trứng. Trăm trứng đó nở ra một trăm người con trai. Lạc Long Quân bàn với Âu Cơ: "Ta là dòng dõi rồng, ngươi là dòng dõi tiên, ăn ở với nhau lâu không được. Nay chúng ta được một trăm con, vậy ngươi đem năm mươi con lên núi, còn ta đem năm mươi con xuống biển lập nghiệp."(1)
Qua câu chuyện nầy, có người lý giải rằng ngay từ đầu, dân tộc chúng ta đã chia rẽ. Lý giải như thế là không đặt câu chuyện trên vào hoàn cảnh lịch sử mà truyền thuyết Hùng Vương được hình thành. Bộ chánh sử đầu tiên cuả nước ta là Đại Việt sử ký do Lê Văn Hưu viết xong năm 1272 không có chuyện Hùng Vương. Qua những truyền thuyết nhân gian, vị sử gia đầu tiên vinh danh Hùng Vương là Ngô Sĩ Liên, trong bộ Đại Việt sử ký toàn thư viết xong năm 1479 dưới triều Lê Thánh Tông (trị vì 1460-1497). Lê Thánh Tông là vị vua đầu tiên đưa ra khái niệm "công dân" hiểu theo nghĩa ngày nay.
Ý thức công dân Đại Việt thể hiện rõ nét trong bộ Quốc triều hình luật được hoàn chỉnh dưới thời Lê Thánh Tông, theo đó triều đình xác nhận dân tộc Đại Việt có tính cách đa sắc tộc, gồm cả những người ở đồng bằng và những giống người ở miền núi, mà lúc bấy giờ người ta gọi là người "man liêu", có văn hóa khác với người đồng bằng. Những thành phần nầy nằm trong gia đình dân tộc Việt, khác với người "ngoại quốc" là những người từ các nước khác đến.(2)
Như thế, làm thế nào giải thích tại sao có sự khác biệt giữa các sắc tộc miền đồng bằng và miền núi trong đại gia đình dân tộc Việt" Câu trả lời nằm trong lời nói cuả Lạc Long Quân. Dầu người miền núi hay miền đồng bằng, dầu thuộc sắc tộc nào trên đất Đại Việt, dầu phụ hệ hay mẫu hệ, chúng ta là con cháu cùng chung một bọc trứng (đồng bào) mà ra, và chúng ta phân phối sinh sống trên khắp nước Việt, ở miền núi non hay đồng bằng, tùy vào những truyền thống và tố chất đa dạng cuả người Việt, mỗi người thích nghi ở một điạ phương nào đó thì tự do chọn lựa vùng đất sinh sống.
Lời nói cuả Lạc Long Quân với bà Âu Cơ khi tổ tiên chúng ta mới lập quốc luôn luôn nhắc nhở chúng ta đừng bao giờ quên rằng mọi sắc tộc trên đất Đại Việt ngày trước và trên đất Việt Nam chúng ta ngày hôm nay, từ thời xa xưa đều có cùng một nguồn gốc mà ra.
Ngày nay, các bạn thanh niên, sinh viên, học sinh ỏ hải ngoại hấp thụ nền văn hóa thực dụng, nên thường đặt nhiều câu hỏi rất thực tế, ví dụ: Truyền thuyết Hùng Vương kể rằng bà Âu Cơ sinh ra 100 trứng, và 100 trứng đó đã sinh ra 100 con, vậy trứng có thể nở ra người được không" Rồi làm sao các vua Hùng đều sống quá 100 tuổi" Hay nói cách khác, các bạn muốn đặt vấn đề: truyền thuyết Hùng Vương có phải là thực tế lịch sử hay không"
Để giải đáp câu nầy, một lần nữa chúng ta phải trở lui lại lịch sử đất nước chúng ta.
Cho đến khi Ngô Quyền đánh đuổi quân Nam Hán năm 938 (mậu tuất) và xưng vương năm 939 (kỷ hợi), lãnh thổ nước ta bao gồm chính yếu khu vực đồng bằng sông Hồng, còn các vùng biên viễn, mà các nhà viết sử ngày trước gọi là các châu "ky my", ở phiá bắc (dọc theo biên giới Việt Hoa sau nầy), chưa nằm dưới quyền cai trị cuả chính quyền nhà Ngô ở Cổ Loa (nay thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội).
Khi cầm quyền năm 1010 (canh tuất), các vua đầu nhà Lý (1010-1225) xây dựng đất nước càng ngày càng hùng mạnh và phồn thịnh, dần dần thu hút các bộ tộc ở các châu "ky my". Các vua Lý còn gả các công chúa cho tộc trưởng các bộ tộc nầy, kết nạp họ vào trong hoàng gia nhà Lý, nghĩa là vào đại bộ phận dân tộc Việt, và lãnh thổ cuả họ vào lãnh thổ cuả chính quyền Thăng Long. Cần chú ý thêm là các dân tộc miền núi theo mẫu hệ nên ảnh hưởng cuả các công chuá nhà Lý có thể khá rộng rãi trên các vùng đất mới nầy. Dần dần, các bộ tộc miền núi gia nhập vào đại gia đình dân tộc Việt, tuy vẫn duy trì những tập tục và truyền thống văn hóa riêng biệt.
Để cho những bộ tộc hay sắc dân của Đại Việt cùng ngồi lại với nhau dưới một mái nhà chung, trong một đất nước chung thì cần phải xây dựng một tuyền thống chung, một thuỷ tổ chung. Từ đó, huyền thoại Hùng Vương, vị thuỷ tổ chung được hình thành để đoàn kết các sắc tộc với nhau, qua hình tượng một mẹ sinh trăm trứng, nở ra trăm con. Trăm con không phải là hằng số nhất định, mà là lượng số tượng trưng cho sự kết hợp không giới hạn, vì ngày trước số trăm được dùng để chỉ một số lớn không thể đếm cụ thể được. (Ví dụ: trăm họ, trăm sự, trăm nghề, trăm dâu đổ đầu tằm...)
Gần đây, tại Afghanistan, sau khi chế độ Taliban bị sụp đổ vào tháng 11-2001, tổ chức Liên Hiệp Quốc và các cường quốc trên thế giới muốn giúp thành lập một chính phủ mới để tái thiết và xây dựng lại nước Afghanistan, nhưng gặp rất nhiều khó khăn, vì có nhiều bộ tộc và các sắc dân khác nhau sinh sống tại nước nầy. Phải chăng đây là một trường hợp khủng hoảng vì thiếu một truyền thống chung giữa các bộ tộc trên cùng đất nước"
Trên địa bàn cổ Việt, tất cả các sắc dân cùng chung sống hài hòa với nhau, cho thấy chủ trương chung của người Việt là sống cùng với mọi người và để mọi người cùng sống với mình. Huyền thoại chia 50 con xuống biển, 50 con lên rừng là đặc tính cộng sinh của người Việt. Dù ở rừng hay ở biển, dù thuộc nhiều bộ tộc khác nhau, theo những tập tục khác nhau, trên đất Việt mọi người là anh em từ cùng một bọc trứng (đồng bào), luôn luôn cùng sống với nhau một cách hòa bình trong đại gia đình dân tộc. Vốn tin tưởng rằng cùng xuất phát từ bọc trứng trăm con, với nhiều bộ tộc khác nhau, nên người Việt cũng dễ dàng nhận thêm nhiều sắc dân khác gia nhập đại gia đình dân tộc Việt, như người Hoa, người Chăm (Champa), người Chân Lạp (Cambodia).

Chính nhờ đặc tính cộng sinh và sống hài hòa, mà người Việt vẫn sống với người Hoa sau những cuộc đụng độ nẩy lửa trong những cuộc chiến tranh xâm lăng vì tham vọng của các triều đại Trung Hoa. Đôi khi người Việt còn hoan hỷ tiếp nhận những đợt di dân của người Hoa từ phương Bắc xuống. Cũng chính nhờ tính cộng sinh và sống hài hòa với mọi sắc dân, mà người Việt tiến được dễ dàng xuống phía Nam. Người Việt không chủ trương tiêu diệt người Chăm tức người Chiêm Thành ở miền Trung (ngày nay) hoặc người Chân Lạp ở miền Nam (ngày nay) nên không gây hận thù chủng tộc. Người Việt chỉ đến cộng sinh với họ. Một bộ phận người Chăm cũng như người Chân Lạp bị thu hút và hội nhập vào xã hội Việt, rất được người Việt hoan nghênh. Những người Chăm và Chân Lạp khác không chịu sống hòa lẫn với người Việt, thường co cụm lại trong các bản làng hay buôn sóc riêng, thì vẫn được người Việt tôn trọng và giúp phát triển cộng đồng của họ.
Từ khi Hai Bà Trưng thất bại năm 43 (quý mão), nước Việt bị bắc thuộc cho đến khi Ngô Quyền đánh đuổi quân Nam Hán năm 938 (mậu tuất) và xưng vương năm 939 (kỷ hợi). Từ đó nước ta vĩnh viển thoát ra khỏi ách đô hộ của người Trung Hoa. Tuy nhiên, không phải ngay từ đầu nước Việt lớn mạnh ngay, và thoát ra khỏi hẳn những ảnh hưởng sâu đậm của gần 1000 năm Bắc thuộc. Cũng không phải sau trận Bạch Đằng Giang năm 938, người Trung Hoa từ bỏ vĩnh viễn ý đồ xâm lăng và đồng hóa nước ta. Do đó, chắc chắn trong một thời gian dài, tổ tiên chúng ta luôn luôn bị ám ảnh bởi nạn bắc xâm, nên phải thường trực đề phòng và thường xuyên chiến đấu để bảo vệ đất nước. Ngày nay, người ta thường dùng chữ "hội chứng tâm lý" để chỉ trường hợp nầy. Ở đây có thể nói tổ tiên chúng ta ngay tư thời lập quốc luôn luôn bị ám ảnh bởi "hội chứng Trung Hoa xâm lăng".
Truyền thuyết Hùng Vương với nền tảng vua Hùng lập quốc độc lập ngay từ lúc con người mới tập hợp thành xã hội, không thua kém gì thuở bình minh của lịch sử Trung Hoa ở phương Bắc, và với những vị vua Hùng cai trị lâu dài vững bền giống như thời Nghiêu Thuấn của Bắc phương, chính là sự giải toả những ám ảnh hay "hội chứng" nầy.
Nói tóm lại, dù truyền thuyết Hùng Vương có thể không phải là thực tiển khoa học thực nghiệm, nhưng do nhu cầu xây dựng quốc thống, truyền thống đoàn kết, cộng sinh hài hòa và độc lập bất khuất, truyền thuyết nầy đã được hình thành từ hơn 500 năm nay. Trong lịch sử, đôi khi những truyền thuyết, dầu có tính cách thần thoại, lại có giá trị hơn những thực tế lịch sử, nhất là trong việc xây dựng quốc thống anh hùng cuả dân tộc. Ai cũng biết việc Lý Thường Kiệt mộng thấy thần nhân cho bốn câu thơ hoàn toàn có tính cách thần thoại, nhưng chính những câu thơ đầy tính thần thoại cuả ông đã làm nức lòng binh sĩ để cùng nhau chiến đấu chống quân Tống ngoại xâm năm 1077, và những câu thơ đó, ngày nay cũng vẫn là niềm kiêu hãnh cuả dân tộc Việt Nam.(3) "Nam quốc sơn hà nam đế cư", là nhạc hồn đất nước, trầm hùng như vó ngựa tổ tiên suốt hàng ngàn năm vệ quốc, luôn luôn hiện hữu trong tâm tư cuả tất cả người Việt, dù người Việt ở bất cứ nơi nào trên thế giới.
Trở lại huyền thoại Hùng Vương, chính huyền thoại nầy đã kiến tạo niềm tin tinh thần và tâm linh vững mạnh vào truyền thống cao cả và anh hùng của dân tộc để mọi người dân Việt hăng hái hy sinh bảo vệ và xây dựng đất nước. Như thế, niềm tin vào huyền thoại Hùng Vương tạo cho dân tộc chúng ta một sức mạnh "Phù Đổng" thần kỳ, để vươn vai hùng cứ một cõi ở phương nam.
Khi nói đến sức mạnh "Phù Đổng", xin các bạn thanh niên sinh viên học sinh lưu ý cho rằng chính Thánh Gióng hay Phù Đổng Thiên Vương, là người trẻ tuổi đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam lên đường cứu nước. Truyền thống cao cả nầy được tiếp nối xuyên suốt lịch sử Việt Nam, từ người anh hùng "cờ lau" Đinh Bộ Lĩnh, qua Trần Quốc Toản quyết hy sinh "phá cường địch, báo hoàng ân", đến những đảng viên Quốc Dân Đảng mới trên 20 đã hy sinh trên đoạn đầu đài Yên Bái năm 1930, và ngày nay, với luật sư Lê Chí Quang bất khuất đứng ra báo động cuộc xâm lăng cuả bắc phương.
Trong hoàn cảnh ngày nay, đang sống xa quê hương nửa vòng trái đất, các bạn không cần làm những chuyện vá trời lấp biển, mà với những kiến thức đã đạt được ở quê người, hy vọng các bạn cùng nhau xây dựng cộng đồng ở hải ngoại ngày một phát triển, và bảo lưu truyền thống và văn hóa Việt Nam ở nước ngoài. Ngoài ra, nếu một ngày kia có sự thay đổi chính trị ở trong nước, tạo điều kiện thuận lợi để các bạn trở về quê hương, hy vọng chẳng những các bạn sẽ xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, mà các bạn còn phát huy dân chủ, dân quyền và nhân quyền ở Việt Nam giống như ở Canada vậy. Như thế là các bạn đã đóng góp rất nhiều cho nước Việt Nam của chúng ta.
Mong lắm thay!
TRẦN GIA PHỤNG
CHÚ THÍCH:
1. Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Nxb Tân Việt, in lần thư 7, Sài Gòn, 1964, tt. 23-31. [Trung Bắc Tân Văn xuất bản lần đầu năm 1920 ở Hà Nội.]
2. Nguyễn Ngọc Huy, Quốc triều hình luật, Phiên âm, dịch nghĩa và chú thích, quyển A, Viet Publisher, [không đề nơi xuất bản], 1989, tr. 188.
3. Sau đây là bài thơ mà Lý Thường Kiệt nói là cuả thần nhân đã ban cho ông:
Nam quốc sơn hà nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư. "
Có người dịch là:
"Sông núi nước Nam vua Nam ở,
Rành rành định phận ở sách trời.
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm,
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời. "

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.