Hôm nay,  

Ngoại Thương Và Tranh Cử Tại Hoa Kỳ

17/03/200400:00:00(Xem: 4783)
Đúng 30 tuần nữa Hoa Kỳ sẽ có bầu cử từ chức vụ cao nhất đến nhiều vị trí dân cử khác. Khác với các lần trước, lần này kinh tế Mỹ vừa phục hồi, với sức tuyển dụng thấp và tỷ lệ thất nghiệp còn cao làm dư luận thế giới quan tâm đến phản ứng bảo hộ mậu dịch trong cuộc tranh cử.
Đài RFA trao đổi với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa về nguy cơ chiến tranh mậu dịch lồng trong cuộc tranh cử tại Hoa Kỳ như sau.
Hỏi: Thưa ông, cuộc tranh cử tại Hoa Kỳ bắt đầu đi vào sôi nổi và dư luận thế giới quan tâm đến phản ứng mậu dịch đang có vẻ thắng thế trong chính trường Mỹ. Liệu hiện tượng đó có đe dọa luồng giao lưu hàng hóa và dịch vụ giữa các nước hay không"
-- Câu trả lời ngắn gọn của tôi là không, mậu dịch toàn cầu không bị ảnh hưởng mạnh riêng vì những gì đang xảy ra trong cuộc tranh cử tại Mỹ. Nhưng, như trong mọi vấn đề phức tạp, hậu quả bên lề của hiện tượng này là uy tín Hoa Kỳ bị sa sút thêm, sau nhiều khó khăn đã gặp với các nước. Riêng tại Đông Á, rủi ro ta cần theo dõi là sau cao điểm tăng trưởng vừa gặt hái cuối năm ngoái, nạn suy trầm có thể xảy ra từ nay đến cuối năm. Trở lại cuộc bầu cử Mỹ, mậu dịch đang thành đề tài tranh luận vì phản ứng mị dân và thiển cận của nhiều chính khách và đấy không là điểm son cho điều gọi là nền dân chủ Hoa Kỳ.
Hỏi: Xin ông trình bày từ đầu, từ bối cảnh kinh tế dẫn tới đề tài mậu dịch trong bầu cử.
-- Hoa Kỳ đã có giai đoạn tăng trưởng mạnh và liên tục phần nào nhờ kết quả của cuộc cách mạng tín học - ở nhà gọi là công nghệ tin học - và sự lạc quan thái quá về hiệu ứng khoa học kỹ thuật và các ngành siêu kỹ thuật đã thổi phồng một trái bóng đầu tư, cụ thể là làm giá cả cổ phiếu gia tăng thiếu cơ sở. Khi trái bóng đó bắt đầu vỡ, cách đây đúng bốn năm, vào tháng Ba năm 2000, thì kinh tế bắt đầu rơi vào chu kỳ suy trầm, kể từ đầu năm 2001 đến tháng 11 năm đó. Nạn khủng bố, rồi hàng loạt tai tiếng xảy ra cho các tập đoàn kinh doanh lớn lẫn nguy cơ chiến tranh lan rộng... có ảnh hưởng đến sinh hoạt kinh tế, nhưng không mạnh như mọi người dự đoán. Yếu tố đáng kể nhất trong vụ suy trầm kỳ này là xảy ra rất ngắn và nhẹ, nhưng sự hồi phục lại không mạnh trong khi hai khối kinh tế lớn của thế giới là Nhật Bản và Âu châu cũng bị suy trầm cùng lúc. Từ tháng bảy năm ngoái, kinh tế Mỹ đã thực sự hồi phục và đạt tốc độ tăng trưởng cao bất ngờ. Nhưng, thị trường lao động phục hồi chậm hơn, một phần vì kinh tế Mỹ đạt năng suất cao nhờ kết quả của công nghệ tin học, khiến tỷ số nhân công cần thiết cho một sản phẩm có giảm. Về dài thì điều ấy có lợi cho kinh tế nói chung, nhưng trước mắt thì nguy cơ thất nghiệp vẫn ám ảnh dư luận và trong mùa tranh cử, các chính khách không lỡ cơ hội khai thác điều này.
Hỏi: Vì vậy thất nghiệp mới là đề tài nóng, nhưng chuyện đó liên hệ gì tới ngoại thương"
-- Các chính trị gia đưa ra một ý niệm sai lạc về kinh tế nhưng hấp dẫn về chính trị là nạn “xuất khẩu lao động” từ Mỹ ra các nước khác, làm dân Mỹ thất nghiệp. Thí dụ như công ty Mỹ đặt làm gia công ở nước ngoài, hoặc chuyển hẳn các dịch vụ ra ngoài; đề tài nóng hổi vừa qua là các dịch vụ liên hệ đến tin học hay thông tin làm công nhân Mỹ mất việc. Trong luồng trao đổi mậu dịch toàn cầu ngày nay, ta có đủ loại hàng, từ nông phẩm đến hàng kỹ nghệ chế biến và cả dịch vụ, thất nghiệp vì vậy mới bị lồng vào ngoại thương.
Hỏi: Trong khi đó, tự thân thì quan hệ mậu dịch giữa Mỹ với các nước đã có sóng gió"
-- Nói chung thì quan hệ mậu dịch giữa các nước đều có vấn đề, giữa các khối kinh tế lớn với nhau cũng vậy. Nhưng vì kinh tế Mỹ là thị trường tiêu thụ lớn nhất và hầu như xứ nào cũng muốn bán hàng cho Mỹ kiếm lời nên Hoa Kỳ mới ở vào cảnh thuyền cao sóng cả, và bị trách cứ nhiều nhất. Về kích thước, Mỹ có sức sản xuất vào khoảng hơn 20% của tổng sản lượng thế giới, nhưng lại đóng góp đến hơn 60% vào đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu và trong tổng sản lượng của Mỹ, đến hơn hai phần ba là do tiêu thụ. Người Mỹ trở thành nhà tiêu thụ đầu tiên và cuối cùng cho các nhà sản xuất trên thế giới, nên Hoa Kỳ là đề mục bị đả kích nhiều nhất, nhưng các nước khác với nhau cũng có tranh tụng kiện cáo.
Hỏi: Trở lại cuộc tranh cử đang sôi nổi, ông có thể tóm lược sự thể ra sao tại Hoa Kỳ"

-- Về khái quát thì đảng Cộng hòa thiên về xu hướng tự do mậu dịch hơn đảng Dân chủ, do triết lý chính trị cơ bản bên Cộng hòa là giới hạn sự can thiệp của chính quyền vào sinh hoạt kinh tế quốc dân. Ngược lại, đảng Dân chủ có xu hướng can thiệp mạnh hơn nên bảo hộ mậu dịch mạnh hơn, nhưng lại muốn giới hạn sự can thiệp của chính quyền vào sinh hoạt xã hội, đạo đức và văn hóa của người dân. Mặc dù như vậy, khi lên cầm quyền, Tổng thống George W. Bush đã có lúc đảo ngược lập trường tự do mậu dịch khi quyết định bảo vệ ngành thép hay nông gia để khỏi mất phiếu cử tri tại các tiểu bang bấp bênh về hậu thuẫn chính trị. Phía bên kia, nhân vật có triển vọng được đứng đầu liên danh Dân chủ là Thượng nghị sĩ John Kerry cũng đã đảo ngược lập trường, từ đề cao tự do mậu dịch trước đây sang bảo hộ mậu dịch. Nói về thành tích xoay chuyển lập trường thì ông Kerry còn hơn ông Bush vì có thể vừa chống vừa thuận cả chục vấn đề khác nhau, tùy lúc tùy nơi. Điều đó tại Mỹ dĩ nhiên là gây bối rối - thậm chí khó chịu - cho các nước khác.
Hỏi: Nhưng, Hoa Kỳ là xứ dân chủ và, quan điểm của cử tri mới là điều quyết định, thì dư luận Mỹ nghĩ sao về vấn đề mậu dịch này"
-- Trước hết, xin nói ngay là cử tri Mỹ cũng dễ xoay chuyển lập trường tùy cảm quan từng lúc. Về đại thể thì vào đầu tháng Ba, đa số tới 65% quan tâm đến kinh tế hơn an ninh, con số trung bình đó phản ảnh sự dị biệt giữa hai đảng. Đến 75% người theo đảng Dân chủ thì cho kinh tế là đề tài số một, tỷ lệ đó bên đảng Cộng hòa chỉ là 46%. Vì mối quan tâm ấy, mậu dịch mới thành đề mục ăn khách. Tuy nhiên, trong vòng sơ bộ của đảng Dân chủ, các chuẩn ứng viên tổng thống có lập trường bảo hộ mậu dịch mạnh nhất đều thất bại và đã rút lui, như trường hợp ông Dick Gephardt hay cả John Edwards. Nghị sĩ John Kerry cũng mới chỉ đảo ngược lập trường khi cần tranh thủ thành phần cử tri của ông Edwards. Và ta nên “trừ bì”, tức là đánh giá thấp, loại lý luận mị dân và nhiều khi vô trách nhiệm của các ứng viên trong mùa bầu cử. Kinh tế Hoa Kỳ có lợi nhờ tự do mậu dịch và người nào lên cầm quyền cũng gặp thực tế bất khả cưỡng này, dù Mỹ là đệ nhất siêu cường.
Hỏi: Vì vậy, ông mới cho rằng nguy cơ của một trận chiến mậu dịch giữa Hoa Kỳ với các xứ khác ít có xác suất xảy ra"
-- Người ta vốn có trí nhớ khá ngắn, khi có lợi về tự do mậu dịch thì coi là lý đương nhiên, khi gặp khó khăn thì đòi bảo hộ mậu dịch mà quên rằng đó là con dao hai lưỡi vì các xứ khác có thể trả đũa, là điều đã xảy ra khi ông Bush muốn bảo vệ ngành thép và gặp phản ứng dữ dội của các xứ khác nên đã thu hồi quyết định này sớm hơn kỳ hạn đến một năm. Lý do thứ hai, cơ bản hơn, là kinh tế các nước nay đã lệ thuộc vào nhau rất mạnh sau gần nửa thế kỷ phát triển tự do trao đổi: mình nâng hạn ngạch nhập khẩu hoặc hàng rào quan thuế thì chính doanh nghiệp lẫn giới tiêu thụ của mình cũng bị thiệt là điều các chính trị gia ít nhìn ra, hoặc nhìn ra khá trễ. Lý do thứ ba nữa là ngay trong giả thuyết có chiến tranh mậu dịch, các biện pháp trừng phạt thường cũng ít công hiệu mà có khi chỉ chuyển dịch luồng trao đổi từ xứ này qua xứ khác. Tổng kết lại thì khi cầm quyền và đứng trước thực tế vốn cứng đầu của sinh hoạt kinh tế, giới lãnh đạo các nước cũng đều thấy ra là tự do mậu dịch và hội nhập kinh tế vẫn có lợi hơn cả. Tuy nhiên, ta cần nói thêm là trong dư luận Mỹ, nhiều nhân vật có thẩm quyền đã lên tiếng đả kích phản ứng bảo hộ này, như trường hợp của Chủ tịch hệ thống ngân hàng trung ương Mỹ là ông Alan Greenspan. Khi đăng tựa rất lớn là “Mỹ bị đả kích vì lập trường bảo hộ mậu dịch”, một số báo chí tại Việt Nam mới chỉ nói ra một phần của sự thật, vì lời đả kích xuất phát từ chính những người có trách nhiệm về kinh tế hay các chính khách khác và cả báo chí tại Hoa Kỳ.
Hỏi: Câu hỏi cuối, vì sao ông cho là các nước Đông Á không nên sợ nguy cơ bảo hộ mậu dịch tại Mỹ mà nên e ngại suy trầm kinh tế trong khu vực"
-- Có một số yếu tố khiến chúng ta nên phòng ngừa sự thể đó. Thứ nhất, chu kỳ tăng trưởng kinh tế Đông Á có thể đã lên đến đỉnh trong năm qua và năm nay có khi sẽ bị đình trệ. Tốc độ tăng trưởng tại Trung Quốc hay các nước Á châu khác có thể sụt từ 30 đến 50% trong năm nay. Thứ hai, Trung Quốc và nhiều xứ khác, như Úc, Canada và cả Anh quốc, đã thấy nguy cơ tăng trưởng của trái bóng đầu cơ nên bắt đầu hạn chế thị trường tín dụng hay nâng lãi suất. Lý do thứ ba, để trở lại hoàn cảnh Hoa Kỳ, chính sách kích cầu bằng giảm lãi suất và hạ thuế có giúp kinh tế Mỹ hồi phục nhưng sức hồi phục không đủ mạnh để tiếp tục là đầu máy lôi kéo kinh tế toàn cầu bằng khả năng nhập khẩu bất tận. Vì vậy, cứ trông chờ vào kinh tế Mỹ mà lãng quên thị trường nội địa thì các nước Đông Á, kể cả Việt Nam, sẽ lại gặp điều ê chề vào cuối năm nay, khi cử tri Mỹ bắt đầu đi bỏ phiếu...

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.