Hôm nay,  

Thiết Giáp Vnch Trận Chiến Giai Đoạn 70-75

17/12/199900:00:00(Xem: 19679)
Trong hai số trước, VB đã lược trình chiến sử của binh chủng Thiết giáp VNCH qua hai giai đoạn: 1961-1960, 1961-1969, sau đây là lược sử chiến trường của các đơn vị Thiết kỵ trong giai đoạn 1970-1975, giai đoạn sôi động nhất của cuộc chiến Việt Nam:

Như đã trình bày, vào năm 1968 và 1969, do nhu cầu chiến trường, binh chủng Thiết giáp đã thành lập thêm nhiều thiết đoàn để yểm trợ cho các sư đoàn Bộ binh theo sự phối trí là mỗi thiết đoàn thống thuộc một Sư đoàn. Riêng về Thiết vận xa, từ sau Tết Mậu Thân, mỗi chi đoàn được tăng thêm 5 chiếc M 113, như thế tổng số xe lên M 113 của mỗi chi đoàn là 22 chiếc (có tài liệu ghi là 21 chiếc), kể cả xe dành cho chi đoàn trưởng và xe bảo trì. Sau đó, mỗi chi đội có một chiến xa trang bị thêm 1 đại bác 106 ly không giật để tăng cường hỏa lực. Đến cuối năm 1969, lực lượng Thiết giáp QL.VNCH đã 10 thiết đoàn Kỵ binh hành quân trong hệ thống chỉ huy của 10 Sư đoàn Bộ binh. (Sư đoàn cuối cùng của QL.VNCH là Sư đoàn 3 Bộ binh được thành lập vào tháng 10/1971).

* 4 lữ đoàn Kỵ binh tại 4 Vùng chiến thuật:
Năm 1970, tình hình chiến sự tại 4 Vùng chiến thuật rất sôi động với những trận giao tranh lớn, và trong các cuộc tấn công của các đơn vị bộ chiến, hỏa lực Thiết giáp là một trong những yếu tố rất cần để quyết định chiến trường. Trước cuộc diện mới của chiến sự, lực lượng Thiết giáp tại các quân khu đã phát triển lên cấp lữ đoàn, danh hiệu của các lữ đoàn đặt theo danh hiệu của Quân khu: Lữ đoàn 1 Kỵ binh (KB) hoạt động tại các tỉnh phía Bắc Trung nguyên Trung phần, trong vùng trách nhiệm của Quân đoàn 1/Quân khu 1; Lữ đoàn 2 KB hoạt động tại Cao nguyên thuộc Quân đoàn 2/Quân khu 2, Lữ đoàn 3 hoạt động trên chiến trường Miền Đông thống thuộc Quân đoàn 3/Quân khu 3, Lữ đoàn 4 hoạt động tại Miền Tây Nam phần thuộc Quân đoàn 4/Quân khu 4. Sĩ quan chỉ huy lữ đoàn có chức danh là tư lệnh Lữ đoàn (binh chủng Nhảy Dù, Thủy Quân Lục chiến gọi là lữ đoàn trưởng).

Các tư lệnh Lữ đoàn đầu tiên là đại tá Phan Hòa Hiệp (lữ đoàn 1), đại tá Nguyễn Đức Dzung (lữ đoàn 2, giữ chức tư lệnh lữ đoàn khi còn mang cấp trung tá), đại tá Trần Quang Khôi (lữ đoàn 3, thăng chuẩn tướng tháng 4/1974), đại tá Vũ Quốc Gia (lữ đoàn 4), Đến cuối năm sĩ quan 1971, Lực lượng Thiết giáp VNCH có 11 thiết đoàn Kỵ binh thống thuộc 11 Sư đoàn, 4 lữ đoàn Kỵ binh tại 4 quân khu. Ngoại trừ các thiết đoàn thuộc Quân khu 4 (Vùng 4 chiến thuật) gồm toàn các chi đoàn Thiết vận xa, các thiết đoàn thuộc Sư đoàn và Lữ đoàn khác gồm có 1 chi đoàn chiến xa M 41 và 2 chi đoàn Thiết vận xa M 113.

* Trận chiến từ 1970 đến 1972:
Tháng 5 năm 1970, các thiết đoàn Kỵ binh thống thuộc các Sư đoàn Bộ binh tại Vùng 3, Vùng 4 chiến thuật, các Lữ đoàn 3 và Lữ đoàn 4 KB đã cùng với các đơn vị Bộ binh, Pháo binh, Công binh chiến đấu tham dự nhiều cuộc hành quân ngoại biên do các bộ Tư lệnh Quân đoàn tổng chỉ huy, nhằm triệt hạ các căn cứ địa của CSBV trên đất Cam Bốt. Khởi đầu là cuộc hành quân Toàn Thắng 42 do bộ Tư lệnh Quân đoàn tổng chỉ huy, tiếp đến là cuộc hành quân của Quân đoàn 4. Đến giữa năm 1970, một số đơn vị Thiết kỵ thuộc Vùng 2 chiến thuật cũng tham gia cuộc hành quân ngoại biên do Quân đoàn 2 khởi động.

Năm 1971, các đơn vị Thiết kỵ thuộc Quân đoàn 3 và Quân đoàn tiếp tục các cuộc hành quân ngoại biên quy mô. Riêng tại Quân khu 1 (Vùng 1 chiến thuật), vào tháng 2/1971, Lữ đoàn 1 Ky binh đã tham dự cuộc hành quân Lam Sơn 719 tại Hạ Lào (chi tiết về cuộc hành quân này đã được trình bày trong bài viết về Lữ đoàn 1 Kỵ binh). Cũng vào đầu năm 1971, Lữ đoàn 3 Kỵ binh đã tham dự cuộc hành quân Toàn Thắng 1/71 qua lãnh thổ Cam Bốt, sau 5 tháng liên tục truy kích, các thiết đoàn của Lữ đoàn 3 đã trở về vùng hoạt động cũ tại Miền Đông Nam phần vào tháng 7/1971.

Năm 1972, tại Quân khu 1, Thiết đoàn chiến xa M 48 được thành lập với danh hiệu là Thiết đoàn 20 thuộc Lữ đoàn 1 Kỵ binh, một thời gian sau, tại Quân khu 2, thiết đoàn 21 chiến xa M 48 được thành lập trực thuộc Lữ đoàn 2 Kỵ binh. Trong cuộc chiến Mùa Hè 1972, Lữ đoàn 1, 2, 3 KB và các thiết đoàn thống thuộc các Sư đoàn như thiết đoàn 1, 7, 8, 11... đã cùng với các đơn vị bộ chiến chận đứng các cuộc tấn công của CQ tại Quảng Trị, Kontum, Bình Long và nhiều chiến trường khác. Riêng trong giai đoạn 1 của trận chiến Quảng Trị (30-3 đến 1 tháng 5/1972), do áp lực quá nặng của CQ, lực lượng VNCH đã triệt thoái về phía Nam sông Mỹ Chánh, trong cuộc rút quân này, do thiếu nhiên liệu nên nhiều chi đoàn Thiết giáp đã phải bỏ xe lại. Theo tài liệu của trung tướng Ngô Quang Trưởng-tư lệnh cuối cùng của Quân đoàn 1- trong giai đoạn 1 của trận chiến Quảng Trị, Lữ đoàn 1 Thiết kỵ và Thiết đoàn 11 Kỵ binh thống thuộc Sư đoàn 3 BB đã tổn thất như sau: 1, 171 chiến binh tử trận, mất tích và bị thương, mất 43 chiến xa M 48, 66 chiến xa M 41 và 103 M 113 (phần lớn bỏ lại trên đường rút quân vì thiếu nhiên liệu và cơ phận thay thế). Trong cuộc phản công tái chiếm Quảng Trị do bộ Tư lệnh Quân đoàn 1 tổng chỉ huy (từ 28/6/ đến giữa tháng 9/1972), các đơn vị của Lữ đoàn 1 đã góp phần đáng kể trong chiến thắng chung của QL.VNCH tại mặt trận này.

Năm 1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, theo điều 7 của Hiệp định này, quân lực VNCH có quyền thay thế vũ khí, đạn dược và quân cụ nào bị hư hỏng, mòn hay đã sữ dụng hết sau khi ngưng bắn có hiệu lực. Nhưng do thiếu ngân quỹ nên trong tài khóa 1973-1974 (từ tháng 4/1973 đến cuối tháng 3/1974), từ xe chở quân đến các đại bác đều không được thay thế nhiều. Qua tài khóa 1974-1975 thì hầu hết các chiến cụ không được thay thế một cơ phận nào, vì ngân sách đều dành cho các cuộc hành quân và bảo trì để đáp ứng cho nhu cầu chiến trường. Việc tồn đọng các công việc bảo trì chiến cụ của các đơn vị tăng từ 15 ngày đến 30 ngày là chuyện không thể tránh khỏi. Tỉ lệ khả dụng của chiến cụ sa sút dần. Thiết vận xa M 113 tỷ lệ này là 80-85%, chiến xa M 48 từ 75-80%.

Theo ghi nhận của các sĩ quan chỉ huy các đơn vị Thiết kỵ, từ năm 1973, tất cả các chi đoàn đã linh động để giải quyết các khó khăn về bảo trì và nhiên liệu, để có thể yểm trợ hữu hiệu cho các đơn vị bộ chiến trong các cuộc hành quân có Thiết giáp tham dự. Riêng tại chiến trường Trị Thiên và Nam-Tín, Thiết đoàn 7 Kỵ binh đã cùng với các đơn vị của Sư đoàn 1 BB giữ vững phòng tuyến Tây Nam Huế, Thiết đoàn 11 Kỵ binh đã vượt qua những khó khăn sau trận chiến tại Quảng Trị, hoạt động rất hữu hiệu trên chiến trường Quảng Đà trong khuôn khổ các cuộc hành quân của Sư đoàn 3 Bộ binh.

* Trận chiến cuối cùng:
Tháng 3/1975, CQ mở cuộc tổng tấn công chiến xa qui mô vào thị xã Ban Mê Thuột. Đến ngày 14 tháng 3/1975, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cho lệnh triệt thoái lực lượng Quân đoàn 2 tại Cao nguyên. Trong cuộc rút quân này, lực lượng Lữ đoàn 2 KB gồm các Thiết đoàn 3, Thiết đoàn 19 Ky binh và Thiết đoàn 21 Chiến xa M 48 bị tổn thất nặng. Trên lộ trình rút quân, hơn 100 chiến xa bị bỏ lại vì trúng đạn của CQ hoặc hư hỏng. Chỉ có chiến đoàn 3/3 Thiết kỵ với 17 Thiết vận xa M 113 khả dụng do đại úy Nguyễn Văn Hội chỉ huy, đã về đến Phan Rang với 12 Thiết vận xa. Với thành tích này, đại úy Hội được đặc cách thăng cấp thiếu tá tại mặt trận.
Tại Quân khu 1, CQ mở cuộc tấn công bằng chiến xa T 54 vào các phòng tuyến tiền phương của QL.VNCH tại phía Nam Thạch Hãn. Các đơn vị trú phòng do không có Thiết giáp yểm trợ nên đã phải triệt thoái để bảo toàn lực lượng. Tại tuyến Mỹ Chánh, một chi đoàn Thiết kỵ phối hợp với một tiểu đoàn Biệt động quân và một liên đoàn Địa phương quân lập phòng tuyến ở bờ Nam. Từ ngày 20 đến ngày 24/3/1975, CQ mở nhiều cuộc tấn công vào nhiều khu vực phía Nam Mỹ Chánh và tỉnh Thừa Thiên, vào lúc này lực lượng Thiết giáp tại Trị-Thiên không còn nhiều chiến xa để yểm trợ cho đơn vị bạn. Ngày 25/3/1975, Sư đoàn 1 Bộ binh và các đơn vị trực thuộc trong đó có Thiết đoàn Kỵ binh đã rút về cửa Tư Hiền và vài vị trí gần biển để triệt thoái. Do cầu phao tại cửa sông chưa hoàn tất kịp để sử dụng nên khi CQ biết có cuộc chuyển quân này đã bắt đầu tập trung pháo binh và bắn dồn dập vào các vị trí trú quân tại Tư Hiền cùng nhiều điểm hẹn khác để tàu đến đón. Nhiều chiến xa bị hư hại trong tình trạng bất khiển dụng.

Tại Đà Nẵng, những ngày cuối cùng của tháng 3/1975, các đơn vị thuộc Thiết đoàn 11 Kỵ binh vẫn nỗ lực yểm trợ các đơn vị Sư đoàn 3 Bộ binh tại phòng tuyến Tây và Tây Nam Đà Nẵng. Đến ngày 29/3/1975, do lệnh triệt thoái ban hành quá đột ngột, các chi đoàn đã phải bỏ lại trong tức tưởi các chiến xa của đơn vị mình tại nhiều vị trí quanh thành phố, và tại bờ biển.
Tại Miền Đông Nam phần, từ ngày 8 đến 20 tháng 4/1975, Thiết đoàn 5 Kỵ binh đã cùng với các đơn vị Bộ binh, Biệt động quân án ngữ phòng tuyến Xuân Lộc. Sau khi lực lượng VNCH triệt thoái khỏi phòng tuyến thép này, một phòng tuyến mới được thành lập để bảo vệ vòng đai Sài Gòn. Dù phải chiến đấu trong hoàn cảnh và tình thế nguy kịch, nhưng các đơn vị Thiết giáp thống thuộc Lữ đoàn 3 Thiết kỵ và các Sư đoàn Bộ binh đã sát cánh cùng các binh chủng bạn nỗ lực ngăn chận các đợt tấn công của CQ cho đến giờ phút cuối cùng của cuộc chiến. (Biên soạn dựa theo tài liệu của Khối Quân sử/ Phòng 5/Bộ Tổng tham mưu QL.VNCH, của trung tâm Quân sử Lục quân Hoa Kỳ, một số bài viết trong tạp chí KBC...)

Kỳ sau: Lực lượng Thiết giáp Hoa Kỳ trên chiến trường Việt Nam.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.