Hôm nay,  

Bài I: Lăng Mộ Vua Hùng Bị "tàn Sát"; Mộ Bà Hoàng Từ Dũ Bị "làm Thịt"

16/05/199900:00:00(Xem: 9755)
Việt Báo tuần trước đã đăng tải tài liệu về các ngôi cổ mộ tại Việt Nam. Thông tin tiếp theo đây trích từ báo trong nước cho biết thêm nhiều chi tiết khác, đặc biệt về trận giặc đào trộm mộ cổ "phát triển" đếm mức cả mộ vua Hùng ngoài Bắc lẫn mộ bà Từ Dũ tại Huế đều đã bị đào bới trộm cướp thê thảm.
- Cuộc tàn sát mộ cổ
Đã từ lâu, truyền thuyết về các kho báu chôn giấu trong những ngôi mộ cổ luôn "hâm nóng" đầu một số kẻ tham lam. Đó chính là nguyên nhân của tình trạng đào mồ quật mả bừa bãi hiện nay ở một số nơi để tìm của, bất chấp luân thường đạo lý.
Năm 1992, mộ Hoàng thái hậu Từ Dũ (Huế) bị 4 tên trộm đào bới. Chúng phá lớp quách ngoài lấy được một số đồ vật giá trị bằng vàng đem bán. Hôm sau bọn đạo tặc này đã bị công an gô cổ. Tháng 7-1993, công an Hải Hưng tóm được 3 tên phá mộ Nguyễn Phi Khanh hòng tìm vàng. Năm 1995, Tòa án huyện Thanh Trì đã kết án Bùi Văn Thắng ở Khương Đình 14 tháng tù vì tội đã san bằng mộ danh nhân Đặng Trần Côn. Nhà khảo cổ học Trịnh Cao Tường cho biết, trong cuộc khai quật mộ xác ướp ở Kim Anh, nhân lúc đêm tối một người tên là Đô đã mò ra phá quách để hôi của, vứt tóc tai người chết tung tóe...
Ông Đỗ Văn Ninh tâm sự: Suốt mấy chục năm trong nghề, đã đào không biết bao nhiêu mộ nhưng cũng hiếm khi gặp vàng, có chăng vài chỉ là cùng. Ngôi mộ ở Long Thọ, Huế của một viên quan triều Nguyễn được coi là "giàu" nhất, vàng dát trên quần áo ông ta lấy được một đĩa và được đưa ngay về ngân hàng.

Cổ vật buôn bán trên thị trường hiện nay, đặc biệt là đồ gốm, chủ yếu có xuất xứ từ những ngôi mộ cổ. Đó là ý kiến của ông Phạm Quốc Quân, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Trong một chuyến đi công tác ở Thái Lan, ông có ghé qua một cửa hiệu bày nhiều đồ gốm có giá trị của Việt Nam. Hỏi thì được biết toàn bộ đã có người đặt mua, điều này chứng tỏ gốm nước ta, nhất là gốm đời Trần rất được ưa chuộng trên thị trường quốc tế. Những tay trùm buôn đồ cổ rất nhạy bén lập tức "ngửi" thấy "nguồn hàng" quí giá này.
Trong khoảng thời gian từ năm 1980-1987 mà cao điểm là năm 1983, đã thực sự xảy ra một "cuộc tàn sát" các khu mộ Mường ở Hòa Bình. Hàng đoàn người đông như kiến cỏ đổ ra những gò đồi trên địa phận các huyện Lạc Sơn, Kim Bôi, Lương Sơn... Tay lăm lăm thuốn sắt, chọc chỗ nào thấy có tro đen là đào. Hàng trăm ngôi mộ Mường đã bị quật lên nhằm tìm đồ cổ như các loại tiền đồng của Việt Nam và Trung Quốc, trống đồng, đồ gốm Việt Nam và của các lò gốm Trung Hoa nổi tiếng như Long Tuyền, Cảnh Đức Trấn, Đức Hóa và đôi khi có cả đồ gốm Hizen Nhật Bản... Nhà khảo cổ học Trịnh Cao Tưởng suýt chết ở đây khi tìm được một chiếc trống đồng, lập tức đám đông ùa tới, đơn vị bộ đội được cử đến hỗ trợ đã phải nổ súng chỉ thiên mới giải tán được họ. Không chỉ các khu mộ Hán, mộ Mường bị xâm hại nghiêm trọng mà bọn đào trộm đồ cổ đã nhòm ngó cả tới khu lăng mộ các vua Trần ở Đông Triều (Quảng Ninh), mộ nhà Lê ở Lam Kinh (Thanh Hóa... Thậm chí một nơi hết sức thiêng liêng, chỉ mang tính biểu trưng là mộ Vua Hùng, theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Chu Quang Trứ, mới đây cũng bị đào trộm!"
Bài viết về trận tàn sát những ngôi mộ cổ tại VN trên đây chỉ không nói tới một sự thật khác: Lưới an ninh của cộng sản vốn dầy đặc khắp nơi, việc khai quật tàn phá những ngôi mộ danh tiếng kể trên chỉ có thể được thực hiện theo lệnh hoặc bao che để chia phần của chính các quan chức CSVN tại các địa phương.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.