Hôm nay,  

Dự Thi Đề Tài Người Việt Trên Đất Úc - Ngày Đó Qua Rồi

09/09/200000:00:00(Xem: 5378)
Mới đây mà đã gần năm năm kể từ ngày định cư tại Melbourne, Australia. Cảnh vật bây giờ so với những năm đã qua thì cũng chẳng có gì mới lạ, cũng nhà cửa dọc hai bên đường, cũng xe cộ rải rác trên đường phố và cũng những cuối tuần im lặng như tờ. Bên cạnh đó, lại còn những chú chim nhỏ cứ hót liú lo trên cành cây đum đầy những giọt sương lóng lánh mỗi buổi sớm mai và những buổi chiều tà êm ả. Nhưng tâm trạng để chiêm ngưỡng những cảnh vật đẹp đẽ ấy đã khác hẳn so với những năm trước. Con người nhẹ nhõm lên hẳn, cảnh vật xung quanh dường như đã được tô điểm thêm sắc màu làm cho mọi vật đều trở nên rực rỡ. Những ưu tư buồn phiền dường như đã dần biến đi đâu hết. Cuộc sống trở nên đa dạng và phong phú hơn nhiều vì có lẽ những ngày tháng vất vả, chịu nhiều khổ cực để đón nhận cuộc sống mới lạ trên bến bờ tự do này đã gần đến giờ kết thúc.

Mùa xuân năm 1995, sau hơn tám giờ mệt nhoài trên phi cơ ba mẹ con em đã đặt chân trên xứ kangaroo này. Cũng như em, mẹ em và đứa em gái đã dập đi sự mệt mỏi để thay vào đó niềm vui mừng và phấn khỏi khi đoàn tụ với những người thân đang chờ đợi bên ngoài.

Bé gái mười tuổi là em, đang lấp ló sau cánh tay mẹ, đi từng bước miễn cưỡng theo chân người. Con em mới lên tám thì gan hơn, nó đi tự nhiên như không hề sợ sệt điều gì cả. Đầu tóc ba người bù xù, giớ giày xấc ngược, mặt mày xanh xao, rón rén đi trên con đường ra ngoài dài và bóng bẩy như mới được đánh bóng bởi một loại dầu siêu cấp nào đó.

Cánh cửa tự nhiên mở ra, tiếng cười tiếng nói hòa với những điệu nhạc rủ rỉ bên tai đã tạo nên một âm thanh khó tả. Em bước ra ngoài nhìn qua, ngó lại sao chẳng thấy một bóng người quen! Ngoài các ông Tây cao nghệu bên cạnh những bà đầm mập mạp. Lòng cảm tấy lo sợ rủi như không ai đến rước về thì e rằng nằm đường là chuyện không tránh khỏi. Đột nhiên: "Bí Dánh", một tiếng ai đó vang bên tai, em quay đầu nhìn sang, trong phút chốc không nhận ra ai nhưng ngẫm nghĩ hồi lâu thì quả ra đó là người chị họ đã sang Úc hai tháng trước. Bên cạnh chị còn có bốn năm người khác cũng có mặt, ai cũng lạ, duy chỉ có cha là em nhận ngay ra được vì người có bộ râu mép. Nghĩ lại cũng thấy mình vô lý, cha mình tuy không xa mình bao lâu nhưng khi gặp mặt thì ngờ ngợ làm sao, không dám chạy lại ôm nữa. Thế rồi tay bắt mặt mừng hồi lâu và lên đường về một chỗ mới lạ, hoàn toàn mới lạ. Thời tiết bấy giờ rờn rợn lạnh, từng cơn gió nhè nhẹ thổi vào mặt em, lúc đó trong người đột nhiên phát ra một cảm giác tự do giống hệt như đã thoát khỏi cái gì đó ngột ngạt thật khó tả. Cảnh vật hoàn toàn khác xa ở quê nhà, không còn những mái nhà cũ kỹ hay những con đường sình đất với những ổ gà gập ghềnh, mà trước mắt là những con đường thật láng, thật dài bên cạnh những toà nhà lộng lẫy, ôi thật tuyệt vời. Phải chăng đây là thiên đường mà mọi người thường nhắc đến" Từ phi trường về nhà tuy rất xa nhưng em cảm thấy thật gần, đã xảy ra những chuyện gì thì hình như em đã quên mất. Nhưng một câu hỏi mà em có thể nhớ rất rõ và câu trả lời đó sẽ vinh viễn ghi vào lòng em mãi.

- Căn nhà mình màu gì hả cha"

Con em đã hỏi. Cha cười hì rồi đáp:

- Căn nhà mình màu nâu.

Câu trả lời ấy nhớ lại hình như có mấy phần miễn cưỡng nhưng em không hề để ý.

Chiếc xe từ từ ngừng laị, quả nhiên trước mặt là một căn nhà màu nâu, nhưng nhìn đi ngó lại thì đó không giống một cái nhà bình thường như những cái khác, không có nóc hình bánh ú. Cái cửa thật to, nó có thể to hơn những cái khác gấp bốn năm lần. Trong nhà lại có xe hơi và quá ư là chật hẹp so với căn nhà ở Bến Tre, chỉ một phòng ngủ với hai chiếc giường cũ kỹ. Một tủ quần áo với cánh cửa gắt gao khó mở, hai ngươì bước vào là đã chật huống chi là cả gia đình. Nhà bếp lại càng nhỏ hơn nữa, với cái bàn tròn và bốn cái ghế bị tróc sơn xung quanh. Một lò bếp ga nhỏ nhắn và ở góc một tủ lạnh màu trắng cũ kỹ, nước đá đã đông lại và đông thành những băng lớn tương tự như tổ ong. Căn nhà lạnh lắm vì làm bằng gạch và lại không có thảm, chỉ có phòng ngủ mới ấm hơn thôi. Em laị càng lạ lùng hơn nữa khi căn nhà em sẽ ở lại không có phòng tắm hoặc một nhà vệ sinh. Sau đó mới biết đây là một căn nhà xe, vậy là từ đó phải dùng làm căn nhà chính. Với suy nghĩ của đứa trẻ mười tuổi em có thể nghĩ gì đây, nên buồn hay vui"

Thế là mọi chuyện được ổn định, cha mẹ tìm được việc làm ở hãng may, em và đứa em được nhập học vào trường tiếng Anh Noble Park.

Những ngày đầu đi học thật vất vả phần bị người ta ăn hiếp, phần là vì không có đồ ấm để mặc nên lạnh lắm. Em còn nhớ những ngày mới đi học, bao nhiêu cặp mắt cứ trừng lấy em. Khi sắp hàng để vào lớp thì bị người này xô ra và người khác đẩy lại đến khi vào lớp học thì ngồi một mình không ai chơi với, nhưng giờ ăn trưa thì có đứa em để hủ hỉ. Có lúc bị người ta chọc ghẹo rất là bực mình, nhưng ma cũ ăn hiếp ma mới là chuyện thường. Trong lớp cô giảng gì cũng chả hiểu. Có lần đang giảng bài cô giáo đột nhiên hỏi một câu gì đó em không hiểu nên không trả lời, đã giữ im lặng, cô giáo tỏ ra vẻ giận dữ lắm và bắt phải đứng lên. Nước mắt cứ tuôn ra, lúc ấy em giận mình sao không biết tiếng Anh và cảm thấy thật xấu hổ trước bạn bè, cho nên từ đó em đã ráng hết sức mình để học hỏi thêm tiếng Anh.

Một tháng qua vun vút, cuộc sống trên đất Úc trở thành một nhịp điệu xoay vòng. Mỗi sáng thức dậy thì cha mẹ đã đi làm, hai chị em lủi thủi ăn sáng và sau đó đi học. Hình ảnh hai bé gái mỗi buổi sáng mở cửa garage đi học đã là những cảnh quen thuộc đối với hàng xóm gần bên nên có lúc cảm thấy khó chịu vô cùng nhưng biết làm sao hơn được. Chuyện buồn tuy rất nhiều nhưng chưa hẳn không có chuyện vui, em nhớ hôm đó hai chị em đi học, đi gần đến trường con em mới biết cái cặp còn ở nhà nên hai đứa phải chạy về lấy cặp khiến cho hôm đó cả hai đều bị trễ học nhưng nhớ lại chuyện đó thì hai chị em cứ cười hoài.

Một gia đình bốn người sinh hoạt trong nhà xe thì có rất nhiều điều bất tiện, như không có phòng tắm và nhà vệ sinh chẳng hạn. Lẽ đương nhiên là không được thoải mái theo ý mình muốn, ngồi lâu hoặc tắm lâu một chút cũng cảm thấy ngại ngùng vì sợ người trong nhà sẽ phiền lòng. Em nhớ rất rõ, một ngày nọ mọi người trong căn nhà chính đều đi tiệc nhưng lại quên để chìa khóa ở nhà và đến thật tối họ mới về cho nên ngày ấy gia đình em phải tắm thật khuya. Nghĩ lại những ngày ở nơi ấy gia đình em thật vất vả, lúc trời chuyển lạnh căn nhà lạnh như băng tuyết, cửa sắt, nhà gạch lại càng tăng thêm sự lạnh lẽo của căn nhà. Khi trời nóng, mùi xăng nhớt của chiếc xe bốc lên những mùi rất ngột ngạt và khó chịu. Ở trường có bạn bè ai hỏi nhà ở đâu để có dịp ghé chơi, thật ngại ngùng khi bạn mình biết mình ở nhà xe nên đành giả vờ đánh trống lảng để khỏi bàn vào vấn đề này...

Một tháng, hai tháng rồi ba tháng chóng qua mau. Mẹ cũng đã khóc nhiều, phần nhớ hai con vẫn còn lại bên Việt Nam, phần lo lắng về chỗ ăn ở hiện giờ. Cha cũng cực không kém, người làm việc suốt ngày, phần hai chị em còn quá nhỏ không giúp gì được cho kinh tế gia đình nên cố gắng làm hai đứa con ngoan để cha mẹ bớt bận lòng lo lắng. Hai đứa không bao giờ dám đòi đồ chơi hoặc áo đẹp nên khi thấy những người khác có những món lạ hai đứa rất thèm khát nhưng phải đành lãng quên. Đồ chơi duy nhất mà hai chị em có là hai con búp bê đem từ Việt Nam qua, hai đứa chơi sao con búp bê rụng tóc hết và mất tay chân vẫn còn chơi nên con búp bê thật rất khó coi. Mọi chuyện tưởng đâu được yên ổn nào ngờ cho đến một chiều nọ bà chủ nhà đột nhiên nói rằng cả nhà phải dọn ra lập tức, bà ta không muốn cho thuê nữa. Chuyện đến quá đột ngột, nhà đâu mà ở đây chứ nhưng bà ta nhất quyết như vậy rồi. Gia đình bốn người và đồ đạc lổn cổn trên xe wagon chạy đi trên con đường tối đen. Lúc ấy có đường thì xe cứ chạy, không biết nơi đâu là nhà. Rất may, cuối cùng cũng tìm được chỗ qua đêm. Nhà anh họ tuy nhỏ nhưng họ rất nhiệt tình. Đúng một tuần cả nhà đã phải nghỉ lưng nơi phòng khách. Nhờ sự giúp đỡ của nhiều người nên cuối cùng đã có chỗ ở. Một căn flat hai phòng, có nhà bếp, phòng khách so với nhà xe thì đây quả là một trời một vực. Cuộc sống từ đó trở nên sung túc hơn, không còn những ngày rét mướt trong garage, không còn hổ thẹn khi bạn bè viếng thăm và chắc hẳn sẽ không còn ngửi được những mùi xăng dầu của xe hơi nữa.

Gia đình em sống ở đó ngoài một năm rưỡi, những chuyện buồn thì đến nhiều nhưng vui thì hiếm thấy. Vất vả là chuyện thường xuyên, và cũng có lẽ vì vậy nên sau này dù trong hoàn cảnh nào gia đình em cũng có thể chấp nhận và vượt qua dễ dàng.

Em còn nhớ rất rõ, khi mới dọn nhà thì mọi thứ đều thay đổi, người đổi việc, người thì đổi trường. Hai chị em được chuyển vào trường tiểu học Wallarano. Tuy không là những học sinh xuất sắc nhất trường nhưng cũng là học sinh ưu tú.

Ở trường đều được thầy yêu bạn mến và những ngày tháng bị người ta ăn hiếp đã không còn nữa. Cũng có lẽ thế nên em cảm thấy phấn khởi khi đi học ở trường và sự học hành càng ngày càng tiến bộ một cách không ngờ được. Ở trường vui thật nhưng khi về nhà thì rất vắng vẻ, cha mẹ đều đi làm cả. Có lúc ở trong vùng không có việc làm mẹ phải đi tận Mildura để tìm việc làm. Đêm đến, cứ sau 11 giờ thì cha lại đi làm, căn nhà trơ trọi chỉ còn hai chị em nằm co ro trong mền. Thật sợ, thật vắng lặng tuy cha có nhờ lối xóm chung quanh coi chừng dùm nhưng hai đứa vẫn cứ sợ. Cảm giác ấy em chưa từng trải qua. Có lúc trời giông gió, gió thổi thật mạnh đến nỗi những nhành cây cổ thụ đều gãy xuống nghe răng rắc bên tai. Trời gầm trời sấm phát ra những âm thanh hãi hùng, lúc ấy hai đứa chỉ mong sao có cha mẹ ở nhà để có thể núp vào người họ nhưng oái oăm thay họ đều vắng nhà. Thật tôị nghiệp! Hai chị em xiết chặt vào nhau mà ngủ, mà mong sao trời mau sáng để cha về cho căn nhà có thêm hơi ấm của người lớn. Hai tuần mẹ mới về thăm một lần, mỗi lần về mẹ chỉ ở một hoặc hai ngày rồi lại đi. Hai đứa luôn muốn mẹ đừng đi nữa để ở nhà chăm sóc cho hai chị em. Nhưng hai đứa cũng biết về tình trạng gia đình mình thì không mấy gì được khá, phần trả nợ cho ngân hàng, phần phải lo tiền bảo lãnh cho anh chị bên VN, họ cũng khổ không kém cho nên phải đành nhẫn nại mà thôi.

Mẹ đi rồi, mọi chuyện trong nhà ba cha con đều đảm nhiệm. Cuối tuần ba cha con đi chợ mua thức ăn. Mỗi ngày đi học về hai chị em dọn dẹp nhà cửa nấu ăn, con em lanh lẹ hơn nên nó thường nấu ăn vì cha cần ngủ để đi làm ca đêm. Con em mới chín mười tuổi mà nó có thể làm được hết những việc nhà, nấu cơm... Có lúc nó nấu ra những món thật khó ăn nhưng dù sao thì nó cũng đã cố gắng mà nấu nên phải đành bấm bụng mà nuốt, có muốn chê cũng không đành vì phần mình thì cũng chẳng hay ho gì. Trên Mildura hết việc nên mẹ trở về, căn nhà trở nên vui vẻ và ấm cúng hơn lên.

Ở nơi đó hơn một năm trời, nợ thì đã giảm bớt và trong nhà cũng dành dụm một ít tiền nho nhỏ. Ai ngờ chuyện không may cứ dồn dập kéo đến. Giấy tờ bảo lãnh anh chị bị trục trặc đồng thời chị Ba gọi điện thoại qua báo anh Hai lâm bệnh nặng. Phần mẹ cha phải cung cắp tiền hồ sơ, phần chữa bệnh cho anh hai nên nợ nần không bấy lâu đã về nguyên vẹn. Gia đình lúc ấy thật bi thương, mẹ khóc ngày khóc đêm đến nỗi đôi mắt người sưng lên thật đỏ, cha thì buồn bã ăn ngủ không yên. Một tuần rồi một tháng lặng lẽ trôi qua, cảnh đau lòng đó vẫn còn tiếp diễn. Hai người đã gầy ốm đi thật nhiều, mỗi ngày làm về thì mẹ lại gọi về VN thăm anh Hai nên cuối tháng tiền bill thật là nhiều. Cha luôn bắt bản nhạc "Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng cuả Trầm tử Thiêng để mà nghe với hy vọng nhà em sẽ có tin vui giữa lúc cùng đường.

Giữa lúc gia đình đang đắm chìm trong nỗi tuyệt vọng vô bờ bến thì đột nhiên anh Hai khỏe lại hẳn, giấy tờ lại có phát triển mới. Anh Hai và chị Ba được cấp ViSA và sắp sửa đoàn tụ với gia đình. Cha mẹ nghe được tin mừng vui không kể xiết, hai người vội vàng đi tìm thêm việc làm để khi qua anh chị có thể có một cuộc sống sung túc. Nhớ lại dường như bài hát "Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng" ấy có phép nhiệm màu gì đó đã biến tuyệt vọng thành hy vọng. Câu: "Sau cơn mưa trời laị sáng" lần đầu tiên em mới cảm nhận được ý nghĩa của nó.

Bốn tháng trước khi anh chị qua, vì nhờ được sự giúp đỡ về mặt kinh tế nên cuối cùng cha mẹ đã tìm mua đựơc căn nhà. Tuy nhỏ cho một gia đình sáu người nhưng so với căn flat thì quả là một trời một vực. Khi về nhà mới thì em đã vào trường trung học Coomoora, con em thì vào trường tiểu học Coomoora. Tuy vào trung học là một chuyện rất là bỡ ngỡ, bài làm thì nhiều mà lại thêm khó nhưng vì những cố gắng không ngừng đã giúp hai chị em trở thành một trong những học sinh giỏi nhất khối.

Ngày gia đình đoàn tụ phải nói là ngày vui nhất từ khi sang Úc. Nỗi vui mừng của cha mẹ thật khó mà diễn tả, quả nhiên những ngày cực khổ khó qua đó lại được một gia đình đoàn tụ thật không uổng phí tí nào cả. Từ đó đến giờ gia đình thật hạnh phúc, tuy không ăn sung mặc sướng nhưng gia đình ai ai cũng đều sống trong vui vẻ. Giờ đây ba chị em mỗi ngày đều đi học tại trường trung học Wellington, anh Hai vào trường TAFE, vừa học laị vừa làm, cha mẹ vẫn làm việc trong hãng. Mới đây bà ngoại lại sang thăm, gia đình lại thêm phần náo nhiệt và vui tươi, tuy rằng căn nhà có phần chật hẹp nhưng dù sao cũng hơn một căn biệt thự ít người lại buồn chán.

Giờ đây thì mọi chuyện vui buồn đều đã trải qua, gia đình em thì chỉ mong sao sống được những ngày yên ổn và vui vẻ trên xứ Kangaroo này cho dù cực khổ đi chăng nữa thì cũng sẵn sàng tiếp nhận.

Ngày xưa một Jesus mà mọi người hầu hết ai ai cũng tôn thờ và kính trọng, lại được sinh ra từ một máng lừa. Các bậc chú bác vượt biên để tìm con đường giải thoát khỏi chế độ Cộng Sản để đi tìm nhân quyền và tự do đều trải qua những năm tháng tỵ nạn khổ sở bi thương không nhà thơ văn nào có thể diễn đạt cho hết. Đối với những tháng năm sống ở garage của gia đình em so với họ thì thật là quá diễm phúc đi! Cho nên em không bao giờ lấy những ngày tháng đó xem là điều nhục nhã và đau lòng, ngược laị em cảm thấy mình thật may mắn và hạnh phúc vô cùng vì được sống ở một trong những quốc gia đầy nhân quyền và tự do nhất thế giới.

Bảo Trân

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.