Hôm nay,  

Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân Tử Chiến Ơû Quảng Lợi, An Lộc

21/05/199900:00:00(Xem: 10285)
* Mặt trận An Lộc qua 40 ngày giao tranh:
Tại mặt trận Bình Long, tính đến ngày 22 tháng 5/1972, quân trú phòng VNCH tại An Lộc đã trải qua 40 ngày tử chiến với Cộng quân kể từ khi 3 sư đoàn CSBV mở cuộc tổng tấn công vào thị xã này ngày 13/4/1972. Trong gần 6 tuần lễ, các trung đoàn của Sư đoàn 5 Bộ binh, cùng các đơn vị tăng viện: lữ đoàn 1 Dù, liên đoàn 81 Biệt Cách Dù, Liên đoàn 3 Biệt động quân... và lực lượng Địa phương quân Tiểu khu Bình Long đã giữ vững được tuyến phòng ngự. Dến giữa tháng 5/1972, quân trú phòng đã bung rộng vòng đai kiểm soát. Tuy nhiên khu vực Đồi Gió vẫn là trận địa cam go nhất vì Cộng quân quyết cố thủ ở đây.
Trở lại với cuộc tấn công đợt hai của Cộng quân từ ngày 11 tháng 5/1972, sau khi bị đánh bật khỏi thị xã qua 3 ngày giao tranh quyết liệt, Cộng quân chuyển nỗ lực về hướng Nam. Tin tức tình báo ghi nhận trong ngày 20 tháng 5/1972, trung đoàn 141 Công trường 7 CSBV bắt đầu tấn công căn cứ hỏa lực Tân Khai ở phía Nam thị xã nằm trên đoạn đường từ Suối Tàu Ô đến An Lộc thuộc Quốc lộ 13. Trận tấn công kéo dài 3 ngày nhưng lực lượng trú phòng đã giữ vững được vị trí. Mặc dù vậy, Quốc lộ 13 vẫn còn bị gián đoạn tại Suối Tàu Ô, giữa Chơn Thành và An Lộc.
Trong suốt thời gian An Lộc bị áp lực nặng của Cộng quân bao vây, các chuyến tiếp tế cho quân trú phòng đều được thực hiện bằng cầu không vận. Từ 20/4/1972, khi hỏa lực phòng không của Cộng quân gia tăng với các cụm điểm pháo phòng không rải khắp nơi, các phi vụ tiếp tế bằng trực thăng không thực hiện được nữa, và chuyển sang phương thức thả dù từ phi cơ C 130 của Không quân Việt-Mỹ. Bãi thả là vận động trường tỉnh lỵ, có chiều dài khoảng 200 thước, nằm ở phía nam thị xã trong một khu vực tương đối ít bị áp lực của Cộng quân.
Phương pháp ban đầu được C 130 sử dụng thả Dù là kỹ thuật HALO (High Altitude, Low Opening: thả cao, mở thấp). Theo phương pháp này, các kiện hàng tiếp tế sẽ được thả từ một độ cao an toàn khoảng từ 6 ngàn đến 9 ngàn bộ (feet), và dù chỉ bắt đầu mở khi còn ở khoảng cách 500 đến 800 bộ. Trong 8 phi vụ thả dù tiếp tế đầu tiên theo phương pháp HALO, phần lớn số kiện hàng đều bị rơi ra ngoài bãi thả dù và lọt vào tay địch quân. Theo phân tích của các chuyên viên, sự thất bại trong việc áp dụng phương pháp HALO là do các toán xếp Dù chưa có kinh nghiệm về kỹ thuật thả cao mở thấp nói trên.
Trước thực trạng đó, Không lực Hoa Kỳ đã phải tạm thời áp dụng phương pháp thả hàng cấp tốc trên phi đạo. Theo phương pháp này, hàng được giao ở độ thấp, phi cơ tiếp tế rà sát xuống mặt đường hay phi đạo, kiện hàng sẽ được kéo bung ra và phi cơ sẽ cất cánh liền sau đó. Để thực hiện phương pháp này, các phi vụ phải tiến hành vào ban ngày. Khó khăn được đặt ra là phi cơ C130 có thể gặp nhiều nguy hiểm khi bay với tốc độ chậm trên khu vực bãi thả, mặc dù Không quân đã thành công trong các phi vụ tiếp tế theo phương pháp thả hàng cấp tốc, nhưng do hỏa lực dày dặc của Cộng quân đã gần như gây thiệt hại cho các phi cơ mỗi khi lên xuống. Ngày 26 tháng 4/1972, các phi vụ tiếp tế theo phương pháp này đã phải tạm đình chỉ, khi một phi cơ trúng đạn và phát nổ. Trước tình hình đó, trong khi chờ đợi cải biến và kiện toàn phương pháp thả cao, mở thấp, Không quân đã phải tiến hành các phi vụ thả dù trong đêm. Biện pháp này cũng gặp nhiều trở ngại khi vị trí nhận hàng rất khó xác định trong đêm tối mặc dù bãi thả đã được đánh dấu bằng các đèn hiệu. Tiếp đó nhiều phương pháp và kỹ thuật khác nhau đã được thực hiện nhưng đã không đem lại kết quả mong muốn. Trong vòng 2 tuần lễ, đã có 3 phi cơ rớt nên các kế hoạch tiếp tế đã bị đình chỉ vào ngày 4 tháng 5/1972.

* Liên đoàn 3 Biệt động quân tử chiến tại Quảng Lợi và An Lộc; hồi ức chiến trường của một đại đội trưởng Biệt động quân:
Là một trong những lực lượng tổng trừ bị của Quân đoàn 3 và Quân khu 3, liên đoàn 3 Biệt động quân đã được điều động tiếp ứng cho mặt trận Bình Long từ ngày 5 tháng 4/1972. Trong suốt tháng 4 và tháng 5, liên đoàn này đã cùng với các đơn vị bộ chiến Sư đoàn 5 Bộ binh, Nhảy Dù, Biệt cách Nhảy Dù, Địa phương quân tử chiến để bảo vệ phòng tuyến An Lộc. Trong giai đoạn đầu của trận chiến An Lộc, tiểu đoàn 36 thuộc liên đoàn 3 Biệt động quân là một trong những nỗ lực chính chận địch ở Quảng Lợi và cửa ngỏ vào An Lộc. Tại Quảng Lợi, do địch quân đã chiếm trước trận địa, nên cuộc phản công của liên đoàn 3 BĐQ đã diễn ra rất cam go. Để thấy được mức độ khốc liệt của chiến trường An Lộc và tinh thần quyết chiến của những người lính Mũ Nâu, chúng tôi xin lược ghi toàn cảnh những ngày đầu tiên của Biệt động quân tại An Lộc theo lời kể của đại úy Đồng Kim Quan, đại đội trưởng đại đội 4 thuộc tiểu đoàn 36 Liên đoàn 3 Biệt động quân:


Ngày N lệnh tăng viện cho Bình Long để giải tỏa áp lực địch loan ra ngay lúc chúng tôi bao tròn những ly bia sủi bọt. Mấy thằng em la lớn: Lại có độ rồi đại bàng, mình "ế độ" lâu quá rồi, lần này cáp vô chắc hết phản.... Dù sao đi nữa chiến trường vùng 3 cũng quá quen thuộc với tụi nó...
10 giờ hôm sau, Liên đoàn 3 Biệt động quân đến An Lộc bằng trực thăng từ Tây Ninh đến An Lộc bằng trực thăng HU1B. 12 giở, tiểu đoàn 36 di chuyển đến Quảng Lợi. Ra khỏi phía Đông An Lộc 1 km, chúng tôi chạm địch. Theo tin tức tình báo, lực lượng quân CSBV là trung đoàn bộ binh 272. Tiểu đoàn 36 Biệt động quân của chúng tôi nhận được lệnh giữ con đường này và án ngữ đường vào An Lộc không cho địch vào đây. Mối lo ngại chính bây giờ là dân chúng. Sinh mạng của họ đã không cho phép pháo, phi pháo yểm trợ tối đa. Cộng quân chắc biết rõ nhược điểm này nên chúng khai thác triệt để. Mắt tôi dại hẳn khi thấy những người dân liều lĩnh chạy ra khỏi vùng giao tranh thì bị Cộng quân bắn ngã sắp mặt về phía trước. Thiếu tá Lạc, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 36 BĐQ tức tối nói: Quân dã man, nó lấy dân làm mộc đỡ đạn mình đây.
Gương mặt của ông cau lại, chiến đấu bên cạnh ông nhiều, tôi biết ông sắp sửa có một quyết định. Mỗi cấp chỉ huy đều có một lối quyết định riêng, thiếu tá Lạc luôn luôn có quyết định đúng lúc. Ông quay lại nói với người hạ sĩ quan cầm máy:
- Gọi gà cồ, bảo tụi nó gáy đi.
Mặc dù biết trước, tôi vẫn sững người trước quyết định này vì hàng ngàn dân còn đang kẹt trong đó. Tôi ấp úng:
- Thưa thiếu tá...
Giọng thiếu tá Lạc lại vang lên thật bình thản:
- Gọi pháo binh nhưng dặn chỉ bắn khói thôi.
Tôi chợt hiểu, biết địch rất sợ pháo, ông cho pháo binh bắn đạn khói, lợi dụng cơ hội địch trốn thoát, dân sẽ thoát ra. Đã có tiếng départ rít lên nghe rõ mồm một. 4 giờ đồng hồ sau, chiến trường nghiêng ngữa rõ rệt. Dân chúng tại Quảng Lợi đã được di tản ra gần hết, chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ ở giai đoạn đầu: giữ vững Quảng Lợi. Giai đoạn hai tiếp theo của tiểu đoàn 36 Biệt động quân là án ngữ đường vào An Lộc.
Sau 5 ngày thất bại, ngày 11/4/1972, Cộng quân nhất quyết tấn công Tiểu đoàn 36 Biệt động quân bằng chiến thuật biển người đánh vào 3 mặt: Bắc, Đông và Tây. Áp lực rất nặng, phòng tuyến hai bên chỉ còn cách nhau 30 mét. Trận tấn công đầu, Cộng quân lao vào như những con thú điên được chích thuốc kích thích. Những ổ đại liên, trung liên ở tuyến đầu của tiểu đoàn đã tác xạ chính xác và liên tục nên Cộng quân không tiến được. Thiếu tá Lạc, tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 36 Biệt động quân lầu bầu:
- Đánh nhau với lũ điên này, bực cả mình, chắc chúng nó điếc hết cả rồi, đâu có sợ súng.
Áp lực địch trước mặt vẫn còn nặng, tôi đưa ý kiến với tiểu đoàn trưởng xin điều chỉnh cho pháo binh bắn yểm trợ. Đây là một mạo hiểm rợn nhất của tôi trong gần 10 tuổi lính. Cách nhau 30 thước, chệch một ly là quân mình thiệt mạng. Tim tôi bóp lại khi nghĩ đến điều đó. Thiếu tá Lạc ưng thuận sau một phút suy nghĩ. Tôi mím chặt môi, nâng máy lên điều chỉnh. Tiếng pháo binh nổ ầm. Xác địch hất tung lên ngang tầm mắt, tôi ngồi bệt xuống đất, những giọt mồ hôi hai bên trán nhỏ xuống...
Giữa lúc đó, hơn 10 chiếc T 54 từ phía Đông chạy lại, 50 thước, 40 thước, rồi 30 thước...Tiếng M 72 ở tuyến đầu nổ dội. Một cuộn khói cụm bốc lên làm hiện ra hình ảnh chiếc tăng T 54 lật ngửa lên mặt đất.
Đoàn T 54 quay đầu bỏ chạy không bắn phá. Chính nhờ điểm này mà chúng tôi mới biết được rằng bộ binh và xe tăng của quân CSBV không được phối hợp với nhau. Một tù binh bị bắt sống trên 1 chiếc xe tăng T 54, lạc giữa ranh giới của Biệt động quân và Sư đoàn 5 đã khai:
- Tôi được tin An Lộc đã giải phóng. T 54 vào chỉ để yểm trợ mà thôi.
Không chỉ tại An Lộc mà tại nhiều chiến trường khác, nhiều tù binh CSBV đã trả lời như thế, và chiến trường mà binh lính CSBV đối mặt đã không giống như những gì họ được thông báo trước khi lên đường…

Kỳ sau: Các đơn vị đặc nhiệm của Quân đoàn 3 và Quân đoàn 4 giải tỏa An Lộc.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.