Hôm nay,  

Tản Mạn Về Thế Vận Sydney

23/09/200000:00:00(Xem: 6103)
Sáng Thứ Tư, 20 tháng 9, Sàigòn Times hân hạnh nhận được bài viết của tác giả Nguyễn Văn Tuấn, trong đó tác giả đã tản mạn một cách độc đáo về những sự kiện, những suy tư quanh Thế Vận Hội Sydney 2000. Tòa soạn chân thành cảm ơn sự đóng góp của tác giả, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng qúy đọc giả.

Thế vận hội lần thứ 27 (TVH27) đã được chính thức khai mạc tại Sydney Olympics Park hôm thứ Sáu (16 tháng Chín) tuần rồi. Sách báo trên khắp thế giới, và dĩ nhiên là kể cả Úc, đã không ngớt ca ngợi tài tổ chức của nước chủ nhà và những màn trình diễn nghệ thuật vĩ đại. Có người quả quyết một cách hết sức tự tin rằng sẽ không có một lễ khai mạc thế vận hội nào trong tương lai hay hơn và lớn hơn buổi lễ khai mạc ở Sydney! Có nhà báo Úc còn tự hào đến độ phách lối viết rằng, phương cách tổ chức Thế vận hội Sydney năm 2000 đã dạy một bài học cho Thế vận hội Atlanta (Mỹ) năm 1996! Ông Juan Antonio Samaranch, Chủ tịch Uûy ban Thế vận hội Quốc tế (International Olympic Committee, hay IOC) tuyên bố rằng "Đây là một buổi lễ khai mạc hoàn hảo nhất trong nhiệm kỳ chủ tịch của tôi". Có lẽ như thế. Nhưng cũng có lẽ không như thế. Với sự nhầm lẫn sơ đẳng của ông về con số 27 và 28 (1), và với những mỹ từ tương tự mà tôi đã nghe được từ các Thế vận hội trước đây ở Atlanta, ở Hán Thành, ở Toronto, v.v... ông ta [hay một người kế nhiệm] có lẽ sẽ dùng câu nói này cho buổi lễ khai mạc ở Athens vào năm 2004 hay ở một thành phố nào đó vào năm 2008, và cái xác suất sai sót sẽ không quá 1%.

Có thể nói, cái vạc lửa (cauldron) là một điểm thu hút lớn trong ngày khai mạc. Nhiều khán giả ngạc nhiên một cách thích thú về sáng kiến dùng một vạc lửa, được nâng cao dần dần từ một thác nước, làm ngọn đuốc cho ngày hội lớn của thế giới thể thao. Nhiều người quả quyết đây là một sáng chế cực kỳ độc đáo của Úc. Tuy nhiên, sự thực thì ý tưởng và mô hình về cái vạc lửa này được mượn từ Thế vận hội lần thứ 21 ở Montréal, 1976. Dĩ nhiên là nó được cải biên bằng các công nghệ hiện đại hơn thời thập niên 70. Tuy nhiên, một sự cố kỹ thuật nhỏ hôm khai mạc đã để lại một ấn tượng khó quên trong khán giả, và có thể nói là trong lịch sử các buổi lễ khai mạc Thế vận hội. Đêm khai mạc, vạc lửa này không vận hành một cách êm xuôi như dự định: sau khi châm lửa, đáng lẽ cái vạc lửa phải từ từ quay theo vòng xoáy lên cao dần dần; nhưng vì một lý do kỹ thuật rất nhỏ, nó bị tắc nghẽn khoảng 2 phút! Sự cố này đã làm cho bao nhiêu chuyên viên kỹ thuật phía hậu trường phải lo lắng đến mất vía. Trưởng ban tổ chức Richard Birch cũng thú nhận là đã kinh qua một phen "hồn vía lên mây".

Nhưng nói chung, nếu ta bỏ ngoài tai những câu khen ngợi giống như khẩu hiệu, những bài báo tự khen giống như vè, những câu tuyên bố ngớ ngẩn của các quan chức hay nhà báo theo chủ nghĩa quốc gia hẹp hòi, tôi nghĩ phải công bằng mà nói, buổi lễ khai mạc đã thành công một cách mỹ mãn. Người Úc có quyền tự hào về sự thành công này. Mà, dù cho buổi khai mạc không, hay chưa, là buổi lễ tốt đẹp nhất hay hoàn hảo nhất trong lịch sử Thế vận hội xưa nay và mai hậu, thì chắc chắn, cũng phải được xếp vào hạng hàng đầu.

Nhưng qui luật "tiền nào của ấy" cũng ứng dụng ở đây: buổi lễ đó đến với khán giả bằng cái giá tương đối đắt. Với hơn 5 năm chuẩn bị, và sự tham gia của 120 con ngựa tuyển, 1950 nhạc công, 1000 vũ công, 220 nhà biểu diễn lửa, 800 nhân viên yểm trợ, và hàng ngàn ngày luyện tập ở nhiều địa điểm bí mật khác nhau trên toàn nước Úc, toàn bộ chi phí cho buổi lễ khai mạc được ước tính tốn vào khoảng 58 triệu đô-la Úc, tức khoảng 32 triệu đô-la Mỹ. Chỉ riêng cái vạc lửa đã tốn khoảng 12 triệu đô-la Úc (6.6 triệu đô-la Mỹ).

Chi ra một số tiền khổng lồ đó đã mang lại cho Úc lợi lộc gì" Tôi không phải là người nghiền thể thao, nên không để tâm theo dõi những chi tiết linh tinh quanh Thế vận hội. Ngoại trừ môn bóng đá ra, tôi không để ý đến những dữ kiện ai thắng ai thua, hay nước nào đoạt được huy chương gì. Tuy nhiên, vì là người theo đuổi khoa học, tôi thích quan sát và cố tìm một đặc điểm của kỳ tranh tài toàn cầu này. Vì thế trong bài này, tôi chỉ muốn trình bày và chia sẻ cùng các bạn một vài suy nghĩ riêng tư của mình về TVH27.

Nếu phải chọn ra một từ tiêu biểu cho kỳ TVH27 này, tôi sẽ dùng cụm từ: "hoà hợp". Chả hiểu khi thiết kế cái vạc lửa và thác nước, các chuyên viên có nghĩ đến ý nghĩa của lửa và nước hay không, nhưng tôi không giấu được thèm thuồng để làm một diễn dịch có tính ... Đông phương. Cố nhiên, ai trong chúng ta cũng biết lửa mang tính dương, và nước mang tính âm. Trong Đạo đức kinh, Lão tử từng viết: "Nhất âm nhất dương vị chi đạo". Cái vạc lửa và thác nước là một biểu hiện của sự dung hòa âm-dương. Âm dương hòa hợp như Trời Đất, như Vợ Chồng. Có hòa hợp thì mọi việc sẽ êm xuôi, thuận hòa.

Cái đặc điểm hòa hợp của TVH27 này còn được nhấn mạnh thêm một lần nữa trong buổi diễn hành ra mắt của các vận động viên. Hoà hợp giới tính. Hoà hợp sắc tộc. Hoà hợp chính trị.
Có thể nói không ngoa rằng TVH27 là Thế vận hội của giới nữ. Vinh danh vai trò của phụ nữ trong thể thao quốc tế. TVH27 đánh dấu một cái mốc quan trọng về lý tưởng mới của Thế vận hội, và xóa bỏ những thành kiến còn sót lại [nếu có] về các nữ lực sĩ. Cách đây đúng 104 năm, khi bắt đầu khôi phục Thế vận hội ở Athen, Bá tước Pierre de Coubertin không có ý định cho phụ nữ tranh tài, mà chỉ ghi nhận họ như là một đối tượng để tung hô giới nam, khi ông tuyên bố: "Các cuộc thi đua vô địch phải dành cho sự long trọng và chu kỳ của những nam lực sĩ với tinh thần quốc tế là cơ sở, trung thành là phương tiện, nghệ thuật là khung cảnh, và sự hoan hô của phụ nữ là phần tưởng thưởng" (2). Vào thời đó, điều này cũng không có gì ngạc nhiên, vì trước đó, phụ nữ không được [hay nói cho đúng hơn là bị cấm] tham dự, thậm chí không được vào sân vận động để xem, các cuộc tranh tài (3)! Tuy nhiên, mọi sự việc thay đổi theo thời gian, và cái lý tưởng Thế vận hội trên đây của ông Bá tước cũng không nằm ngoài sự chuyển động của bánh xe lịch sử. Năm 1900, trong Thế vận hội tổ chức tại Paris, bà Charlotte Cooper (người Anh) đã giành chức vô địch môn đánh quần vợt (tennis). Liên tiếp trong các Thế vận hội sau đó, nhiều lực sĩ nữ đã lần lượt chiếm nhiều huy chương và dần dần nâng cao vai trò của họ trong các bộ môn thể thao.

Trong buổi lễ khai mạc TVH27 tại Sydney, Ban tổ chức đã cho một nhóm vận động viên nữ xuất sắc (như bà Dawn Fraser, Betty Cuthbert, cô Cathy Freeman và Debbie King-Flintoff) cầm đuốc. Riêng cô Cathy Freeman được vinh dự trao cho nhiệm vụ châm ngọn đuốc khai mạc Thế vận hội lần thứ 27. Đó là một thể hiện về lý tưởng mới của Thế vận hội. Thực ra, cô Cathy Freeman không phải là người nữ đầu tiên châm lửa cho Thế vận hội như nhiều người lầm tưởng; cô Enriqueta Basillio, người Mễ Tây Cơ, mới là người nữ đầu tiên đã châm ngọn lửa cho Thế vận hội vào năm 1968 tại Thành phố Mễ Tây Cơ.

Thế vận hội là một dịp hiếm có để phô trương về nước chủ nhà với thế giới. Có lẽ Adolph Hitler là người đầu tiên dùng Thế vận hội nhắm vào mục đích này. Trong kỳ Thế vận hội năm 1936 do Đức đăng cai tổ chức, Hitler đã sử dụng một lực lượng nghệ sĩ hùng hậu để thiết trí những bích chương, quảng cáo, tạo nên những tác phẩm nghệ thuật nhằm phô trương cho thế giới bên ngoài biết về Đức quốc xã và giống dân "siêu việt" Aryan. Hitler đích thân khai mạc Thế vận hội này trong một buổi lễ long trọng dưới sự điều hành của Nhà soạn nhạc danh tiếng Richard Strauss. Giới bình luận đều công nhận, Hitler đã thành công trong việc tuyên truyền này. Cái "truyền thống" phô trương uy thế này từ đó có cơ hội phát triển đến các nước nào đăng cai tổ chức. Buổi lễ khai mạc Thế vận hội Sydney năm nay cũng không ngoài mục đích quảng bá cho cộng đồng thế giới biết về quá trình hình thành nước Úc và đức tính của người Úc. Nhưng họ chỉ nói những điều tốt lành, chỉ diễn những màn đầy nhân ái, mà không hề đã động đến những lỗi lầm tày trời của nước Úc và người Úc trong quá khứ.

Những người Anh đầu tiên sang đây định cư - hay nói cho đúng hơn là xâm chiếm giành đất của người thổ dân (mà tiếng Anh gọi là Aborigine) - đã phạm nhiều tội ác ghê gớm. Họ tàn sát người bản xứ; họ bắt cóc trẻ em người bản xứ và đem vào các trại tập trung dưới danh nghĩa "mở mang" và "mang lại văn minh" cho người bản xứ; họ hủy hoại cộng đồng người thổ dân một cách có hệ thống qua rượu bia và thuốc lá; họ kỳ thị người bản xứ không khác gì người da trắng ở Nam Phi kỳ thị người da đen, v.v... Cho đến nay, những tội ác này vẫn còn để lại nhiều hậu quả tiêu cực trong cộng đồng người thổ dân. Tôi đã có dịp ghé qua thăm vài cộng đồng người thổ dân thuộc vùng Dubbo, tiểu bang New South Wales, mà ấn tượng về cái nghèo và lạc hậu của họ thật khó quên. Ở Việt Nam ta, có nhiều cộng đồng người sắc tộc thiểu số đã nghèo, nhưng hình như các cộng đồng người thổ dân ở Úc có lẽ còn nghèo hơn. Điều đau lòng là cái nghèo khó này lại hiện diện ngay trên một đất nước đã phát triển, giàu có, một đất nước với mức thu nhập bình quân đầu người có thời cao vào hàng nhất nhì thế giới. Thành ra, trong mỗi hội nghị về y tế cộng đồng, hầu như tất cả các bác sĩ và nhà nghiên cứu đều cảm thấy thực sự hổ thẹn khi đọc và thấy các chỉ số về y tế và xã hội trong cộng đồng người thổ dân còn thua một nước thuộc Thế giới Thứ Ba. Những người hoạt động chính trị có lương tâm cũng cảm thấy xấu hổ. Ngay cả trong ngày khai mạc TVH27, khoảng 400 người thổ dân đã biểu tình, kêu gọi thế giới hãy nhìn vào thực trạng của người thổ dân trên đất Úc và cách đối xử tàn bạo của người da trắng đối với họ trong vòng 200 năm qua.

Một số chính trị gia và phần đông các nhà khoa bảng, hoạt động xã hội đã khuyên Thủ tướng Úc, ông John Howard, nên noi gương Tổng thống Clinton (Mỹ) và Thủ tướng Chrétien (Canada), lên tiếng chính thức xin lỗi người thổ dân. Mặc dù có hàng ngàn nhân sĩ khuyên răn, nhưng ông Howard nhất định không chịu xin lỗi! Điều nghịch lý buồn cười là ông này đã không chịu xin lỗi người thổ dân, nhưng lại đòi hỏi chính phủ Nhật xin lỗi Úc vì những hành động bạo tàn của quân đội Nhật trong thời Thế chiến thứ II! Những ai theo dõi chính trường Úc đều biết ông Howard là người của Đảng Tự do, một đảng có triết lý và đường lối tương tự như Đảng Cộng hòa bên Mỹ. Nhiều người đã không ngần ngại nói thẳng rằng Howard là một người kỳ thị chủng tộc, có thành kiến với người Á châu và khinh thường các nước thuộc Châu Á. Lúc bà dân biểu Pauline Hanson tuyên bố những câu sặc mùi kỳ thị người Á châu, ông Howard (lúc đó ông mới đắc cử Thủ tướng) lên tiếng đồng tình và khuyến khích bà ta. Khi ông giáo sư Goeffrey Blainey ở Melbourne đòi đuổi người gốc Á châu về xứ sở của họ và miệt thị người thổ dân, ông Howard cũng bày tỏ thái độ ủng hộ ngầm.

Do đó, sự kiện cô Cathy Freeman, một người thổ dân, được trao vinh dự châm ngọn đuốc Thế vận hội có thể hiểu như là một sự phản đối của Ban tổ chức TVH27 đối với cá nhân ông John Howard. Nó còn là một biểu hiện lòng quyết tâm của đa số dân Úc muốn có một sự hoà hợp hòa giải với người thổ dân Úc.

Thế vận hội - qua những hành động hoặc trực tiếp hay gián tiếp - luôn gắn liền với chính trị và các thủ thuật ngoại giao. Sự hiện diện hay khiếm diện của các phái đoàn lực sĩ từ các nước khác nhau thường được hiểu như là một lời phát biểu về các vấn đề ngoại giao và quan hệ chính trị quốc tế. Năm 1920, Áo, Bảo Gia Lợi và Đức không được mời tham dự vì vai trò của họ trong Thế chiến thứ nhất; năm 1948, Đức và Nhật cũng không được mời tham dự vì vai trò của họ trong Thế chiến thứ hai; năm 1956, Ai Cập và Li-Băng tẩy chay Thế vận hội Melbourne vì sự chiếm đóng sông Suez của quân đội Do Thái; Thụy Sĩ và Tây Ban Nha cũng tẩy chay vì sự chiếm đóng Hung Gia Lợi của Liên Xô; năm 1984, Liên Xô và 13 nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa khác tẩy chay Thế vận hội Los Angeles; năm 1988, Bắc Hàn, Nicaragua, Ethiopia, và Cuba không gửi lực sĩ tham dự Thế vận hội Seoul; v.v...

Phong trào Thế vận hội cũng là một khung cảnh của "một cõi đi về". Thực vậy, trong khi có nước tẩy chay, thì cũng có nước được mời tham dự sau một thời gian vắng mặt. Sau khi thống nhất, các lực sĩ Đông và Tây Đức lại diễn hành dưới một lá cờ chung. Năm 1971, Hội đồng Thế vận hội (IOC) mời Trung Quốc trở lại Thế vận hội sau 13 năm vắng bóng. Năm 1992, sau nhiều năm vắng mặt, các lực sĩ Nam Phi lại được chào mừng quay lại với phong trào.

Vào thời gian cuối thế kỷ 19, người Pháp bị mất niềm tin vì thua trận trong chiến tranh Pháp-Phổ. Nhằm mục đích lấy lại tinh thần cho quốc gia Pháp và đem lại sự đoàn kết cho người Pháp, Bá tước Pierre de Coubertin đã bỏ tiền túi đi tham khảo cách tổ chức tranh tài ở Anh và Mỹ, và đi đến kết luận rằng nền tảng đạo đức của con người nằm ở sự tương kính, và để kính trọng với nhau, điều cần thiết là phải hiểu biết nhau. Năm 1894, ông chủ trì khôi phục Thế vận hội với tinh thần đoàn kết quốc gia và quốc tế.

Một trăm lẻ bốn năm sau, cái tinh thần đó được thể hiện rõ trong TVH27 tại Sydney, khi phái đoàn vận động viên Nam và Bắc Hàn cùng diễn hành tay trong tay. Trước sự kiện đặc biệt này, khán giả, trong đó có ông Chủ tịch Juan Samaranch, Thủ tướng John Howard, Thủ hiến Bob Car, v.v… đều đứng lên chào mừng một cách long trọng và cảm động. Sau mấy mươi năm chia cách vì ý thức hệ và chính trị, đây là lần đầu tiên người Đại Hàn thuộc hai miền Nam Bắc cùng bước chung dưới một là cờ mới. Lá cờ trung lập.

Trong các cuộc tranh tài, cái tinh thần "đấu" thường được đề cao, và ít khi chú trọng đến cái tinh thần mà tôi tạm gọi là "nhân hòa". So với các Thế vận hội trước, Thế vận hội lần thứ 27 đã đi một hướng khác để nhấn mạnh cái văn hóa hòa hợp, hòa thuận, hòa giải ...

Nguyễn Văn Tuấn
Tháng Chín, 2000

Ghi chú:
(1) Ông Juan Antonio Samaranch đã nhầm lẫn tuyên bố trong bài diễn văn khai mạc rằng đây là Thế vận hội lần thứ 28!
(2) Tạm dịch từ "The Olympic Games must be reserved for the solemn and periodic exaltation of male athleticism with internationalism as a base, loyalty as a means, arts for its setting, and female applause as its reward".
(3) Ngay từ những năm đầu của Thế vận hội cổ (lần đầu tiên được tổ chức vào năm 776 trước Công nguyên), người ta ra điều lệ cấm phụ nữ tham dự. Thậm chí, ngay cả mẹ và chị em của các vận động viên cũng bị cấm không được phép vào xem! Nhưng điều lạ lùng là họ cho phép các cô gái đồng trinh và nữ tu sĩ vào xem, nhưng phải ngồi ở một vị trí khiêm tốn. Những ai vi phạm điều lệ này là bị quăng xuống ngọn núi Typaion, tức cầm chắc là chết. Tuy nhiên, chỉ có một người phụ nữ duy nhất (tên là Kallipateira) vi phạm điều lệ này nhưng thoát khỏi nhục hình. Cha, ba anh ruột, một người em họ, và con trai của cô bà này đều là những lực sĩ chiếm giải thưởng. Khi chồng bà chết, bà ta huấn luyện cho con trai (tên là Peisirodos) và giả dạng đàn ông đi cùng con vào khán đài. Khi con thắng, bà quá xúc động, nhảy lên và vô tình làm rớt cái áo và hành tung của bà bị lộ. Nhưng vì gia đình bà có thành tích xuất sắc, nên ban tổ chức không trừng phạt bà ta. Sau sự kiện này, ban tổ chức thời đó ra điều lệ là tất cả các huấn luyện viên khi vào xem phải cởi truồng.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạp chí Văn Học Mới số 5 dày 336 trang, in trên giấy vàng ngà, bìa tranh nghệ thuật của Nguyễn Đình Thuần, sáng tác từ hơn 50 nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo và phê bình nghệ thuật.- Văn Học Mới số 6 sẽ ấn hành vào tháng 3/2020, có chủ đề về nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Một tuyệt phẩm thi ca gồm những bài thơ dị thường chưa bao giờ xuất hiện bất cứ đâu, viết bởi một thi sĩ dị thường. Tựa: Tuệ Sỹ Ba ngôn ngữ: Việt - Anh - Nhật Dịch sang tiếng Anh: Nguyễn Phước Nguyên Dịch sang tiếng Nhật: G/s Bùi Chí Trung Biên tập: Đào Nguyên Dạ Thảo
Mùa thu là cơ hội bước sang trang mới khi nhiệt độ bắt đầu dịu lại. Trong mùa này, người dân California không cần mở điều hòa không khí lớn hết cỡ và cũng còn quá sớm để lo chạy máy sưởi.
Garden Grove xin mời cộng đồng tham gia chương trình đóng góp tặng quà cuối năm nhằm mang lại niềm vui, hy vọng và giúp đỡ cho những trẻ em địa phương không có quà trong mùa lễ Noel.
Ngồi niệm Phật miên man, dù cố tâm vào Phật hiệu nhưng hôm nay vẫn không sao “ nhập” được, đầu óc nó cứ văng vẳng lời anh nó lúc sáng: - Tu hú chứ tu gì mầy!
Một đường dây buôn người bán qua TQ do một phụ nữ Việt là nạn nhân buôn người trước đây tổ chức vừa bị phát hiện và bắt 2 người tại tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam, theo bản tin hôm 5 tháng 12 của Báo Dân Trí cho biết.
Điều trần luận tội đầu tiên của Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đã nhanh chóng nổ ra cuộc đấu đá nội bộ đảng phái hôm Thứ Tư, 4 tháng 12 năm 2019, khi các nhà Dân Chủ cáo buộc rằng Tổng Thống Donald Trump phải bị truất phế khỏi chức vụ vì tranh thủ sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và đảng Cộng Hòa giận dữ vặn lại không có căn cứ cho hành động quyết liệt như vậy.
Đó là cuộc khảo sát của công ty tài chánh WalletHub đối với 182 thành phố khắp Hoa Kỳ, để xếp thứ tự an toàn nhất cho tới bất an nhất. Cuộc nghiên cứu dựa trên 41 thước đo liên hệ tới an toàn
Cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông cầm dao tại El Monte, Nam California hôm Thứ Hai.
Một phần thưởng 50,000 đô la được đưa ra để bắt một người đàn ông của thành phố Burnaby đã bị truy nã trước đây vì tội rửa tiền như một phần của nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam hoạt động tại Canada và Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.